Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
21:13 (GMT +7)

Những nét văn hóa đặc sắc của người Dao Tiền

VNTN - Người Dao ở Việt Nam gồm 9 ngành là Đại Bản, Dao Tiền, Quần Trắng, Quần Chẹt, Áo Dài, Coóc Mùn, Coóc Ngáng, Ô Gang, Làn Tẻn. Các ngành Dao đều thờ tổ tiên Bàn Vương. Người Dao Tiền tự gọi mình là “Kềm miền” (người rừng) là một ngành khá đông ở Việt Nam. Ngoài ra, còn tên gọi khác “Mạ phái miền” (con bà hai) theo truyền thuyết thì ngành Dao Đại Bản là “Tồm mạ miền” (con bà cả). Điều đó có nghĩa Dao Tiền và Dao Đại Bản là hai ngành cùng cha khác mẹ.

Người Dao Tiền xưa kia có tập quán sống du canh du cư, sản xuất canh tác trên nương cạn và ở nhà đất. Cuộc sống nay đây, mai đó không ổn định, gặp muôn vàn khó khăn. Từ tập quán này mà hình thành rất nhiều phong tục, trong đó có nhiều thứ trở thành những nét đẹp văn hóa có giá trị cần bảo tồn phát huy nhưng cũng có không ít hủ tục lạc hậu cần phải cải tiến cho phù hợp với thời đại mới.

 

 

Người Dao Tiền có văn hóa ứng xử rất rộng lượng, bao dung, nhân ái, chân thành, thật thà, mến khách; sự chân thành thật thà ấy có lúc đến mức cả tin. Họ rất quý trọng tình gia đình, họ hàng, bạn bè, bà con lối xóm và đặc biệt yêu quý trẻ em. Đây chính là thứ văn hóa phi vật thể rất có giá trị đã trường tồn trong cộng đồng người Dao Tiền ở Việt Nam. Trong lịch sử phát triển của dân tộc, cũng như các tộc người khác có tập quán sống du canh du cư, canh tác trên nương cạn nhưng người Dao Tiền lại thường định cư ở vùng sườn núi hay đồi núi thấp, có nhiều khe suối. Vì thế, khi đã có cuộc sống định canh định cư, việc làm quen và tiếp thu nền văn minh lúa nước của người Kinh, người Tày khá dễ dàng. Với bản tính chịu thương, chịu khó, thật thà, mến khách, dễ hòa đồng, người Dao Tiền đã chung sống hòa thuận với các dân tộc khác và học tập, thực hành thành thục việc canh tác lúa nước. Từ khi đất nước ta độc lập đến nay, được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Chính phủ cùng với sự cố gắng phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người Dao Tiền ở Việt Nam có nhiều thay đổi, ngày càng được nâng cao.

Văn hóa của người Dao Tiền thể hiện rõ nét qua văn học dân gian. Trong kho tàng văn học dân gian của người Dao Tiền, có các thể loại truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, câu đố, tục ngữ; các thể loại dân ca trong làn điệu hát páo dung. Trong đó, nổi bật và phong phú nhất là truyện cổ tích. Những câu chuyện truyền miệng trong dân gian được người già kể cho con cháu nghe từ đời này sang đời khác. Những đứa trẻ ngay từ lúc lọt lòng, khi còn nằm trong nôi hay trên lưng mẹ đều được hát ru bằng những câu dân ca, được ru ngủ bằng những câu chuyện cổ tích. Trước hết, qua những câu chuyện xưa, tập quán canh tác trên nương cạn được thể hiện qua không gian lao động sản xuất của các nhân vật trong truyện. Đó là việc phát nương, đốt nương, trỉa lúa, trồng ngô, trồng khoai sắn trên nương đồi. Cái không gian lao động sản xuất ấy thể hiện khả năng chinh phục thiên nhiên, vượt qua bao khó khăn thử thách khắc nghiệt để buộc thiên nhiên phải nuôi sống con người. Tập quán canh tác trên nương cạn đặt ra yêu cầu phải có sự cố kết dòng họ, cố kết cộng đồng chặt chẽ để tạo ra sức mạnh tổng hợp mới có thể chế ngự được thiên nhiên. Truyện cổ tích của người Dao Tiền có tính giáo dục và mang tính nhân văn rất cao. Truyện cổ giáo dục con người phải coi trọng tình gia đình, làng xóm; phải biết hợp sức chống lại cái ác, bảo vệ cái tốt, cái thiện. Trong truyện cổ tích của người Dao Tiền thường xuất hiện nhân vật người mồ côi nghèo khổ nhưng tốt bụng, chăm chỉ, hay giúp đỡ mọi người. Khi cần, những con người đó sẵn sàng vùng lên chống lại cái ác để bảo vệ xóm làng, bảo vệ bản thân. Quan niệm “thiện thắng ác”, “ở hiền gặp lành” được đề cập trong hầu hết các câu chuyện. Quan niệm đó cùng với ý thức cố kết dòng họ, cố kết cộng đồng đã trở thành sợi dây xâu chuỗi, tạo nên giá trị cốt lõi trong truyện cổ của họ.

Một loại sản phẩm trí tuệ ưu tú nhất của con người nói chung, của người Dao Tiền nói riêng là tiếng nói. Tiếng nói tạo ra sự khu biệt rõ ràng nhất giữa tộc người này với tộc người khác. Tiếng nói của người Dao Tiền cổ khá phong phú về từ loại và rộng về trường nghĩa, gồm có ba hình thức thể hiện:

- Hình thức thứ nhất là lời ăn tiếng nói hàng ngày, tức là khẩu ngữ (tiếng Dao gọi là “pè vạ”). Khẩu ngữ trong tiếng Dao Tiền không hoàn toàn chỉ là lời ăn tiếng nói hàng ngày mà người ta còn sử dụng để kể lại truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn từ đời này sang đời khác. Như vậy, khẩu ngữ trong tiếng Dao Tiền vừa là ngôn ngữ đại chúng nhưng cũng là thứ ngôn ngữ mang tính bác học, tính văn chương.

- Hình thức thứ hai là tiếng dùng để ghi chép, viết các loại sách cúng, sách răn dạy con người, tức là kinh ngữ (tiếng Dao gọi là “sâu vạ”). Đây là loại tiếng mang yếu tố trí thức, chủ yếu là sử dụng từ ngữ Hán Dao (còn gọi là Nôm Dao), tức là dùng chữ Hán để ghi âm tiếng Dao. Người được học chữ Hán mới biết sử dụng kinh ngữ.

- Hình thức thứ ba là tiếng dùng để hát páo dung (tiếng Dao gọi là “dung vạ”). Loại tiếng này cũng sử dụng từ Hán Dao để thể hiện nhưng thiên về tình cảm, tâm tình của con người. Đây là loại từ ngữ có thể gọi là thi ngữ, vì loại tiếng này dùng để ghi chép các câu dân ca, những bài hát páo dung, những truyện thơ....

Nói đến đời sống văn hoá của dân tộc Dao Tiền là nói đến các làn điệu hát páo dung trong lễ tết, trong ngày hội mùa xuân của các đôi trai gái. Đây là hình thức thể hiện các thể loại dân ca đặc sắc của người Dao Tiền. Hát páo dung sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật tu từ như ẩn dụ, so sánh, hoán dụ rất nhuần nhuyễn. Lời ca trong hát páo dung của người Dao có giá trị như hát quan họ của vùng đồng bằng Bắc Bộ, hát bài chòi của Trung Bộ, hát cải lương của Nam Bộ. Những làn điệu dân ca Dao Tiền ca ngợi cảnh đẹp quê hương, phản ánh khát vọng của người lao động muốn vươn lên làm chủ cuộc sống, xây dựng hạnh phúc lứa đôi, ca ngợi sức mạnh của tình yêu đôi lứa. Những lời hát không dừng lại ở câu triết lý, mà thẳm sâu gắn kết trong tâm linh người hát. Lời hát chính là tiếng lòng chân chất như nương đồi, như lời răn dạy của các bậc cao niên, cây cao bóng cả trong làng.

Những bài hát giao duyên đã giúp những nam thanh nữ tú có dịp làm quen, có người dùng lời hát để bày tỏ lòng mình với người mình yêu, có người dùng lời hát làm lời dặn dò người yêu lúc chia tay, có người dùng lời hát thay cho lời hẹn ước trăm năm, xe tơ, kết tóc. Những bài hát páo dung thường có trình tự và lề lối riêng đã thu hút người nghe suốt mùa lễ hội. Vì thế ý nghĩa lời hát và làn điệu hát rất quan trọng, mang đậm bản sắc văn hoá, làm say lòng người, dẫn tâm hồn con người đi vào không gian hòa quyện với thiên nhiên của các cư dân nông nghiệp canh tác trên nương cạn, chăm chỉ cuốc cày, một nắng hai sương làm nên mùa vàng no ấm. Những làn điệu dân ca Dao Tiền luôn ngát hương của mùa lúa nương chín vàng ruộm, của vị trám bùi mướt xanh rừng cọ và tất cả như lắng đọng trong tấm áo chàm bình dị, trên những chiếc váy in sáp ong lung linh đẹp đến ngỡ ngàng. Với nhiều thủ pháp nghệ thuật tu từ khiến lời hát dân ca Dao Tiền luôn kín đáo, e ấp như má đào của người thiếu nữ, lấp lánh như ánh mắt của người đang yêu mang sức sống bất tận.

 

 

Cùng với những làn điệu hát páo dung ngọt ngào, sâu lắng, người Dao Tiền ở Việt Nam đặc biệt chú trọng lễ cấp sắc. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời của một người đàn ông. Theo truyền thuyết, người Dao Tiền là con vợ hai của Bàn Vương được phong cấp Hạ giới (Hạ chái miền), chỉ được cấp sắc 3 đèn và chỉ có 2 thầy, gọi là “chấu đàng pè”. Theo quan niệm của người Dao Tiền, khi con trai từ 10 tuổi trở lên thì phải làm lễ cấp sắc (tiếng Dao Tiền gọi là “quá tang”), đặt tên pháp danh, tức là làm lễ trưởng thành cho con. Ông thầy cả và thầy hai được thỉnh mời đến cấp sắc sẽ trở thành sư phụ (gọi là “sài tía”), người được cấp sắc sẽ trở thành đệ tử (gọi là “sài ton”). Sau khi đã được cấp sắc, hàng năm vào dịp lễ tết, nhất là tết Nguyên đán, các đệ tử đem lễ đến nhà sư phụ để sư phụ truyền dạy các bài học răn đời, đối nhân xử thế; truyền dạy các bài cúng tế, các sách kinh thư... Đối với những người đàn ông chưa được cấp sắc, kể cả đã nhiều tuổi nhưng vẫn bị coi là người chưa trưởng thành. Khi đã cấp sắc, có tên pháp danh, người đàn ông mới được học pháp thuật, được mặc áo cà sa, đội mũ quan, được làm thầy yểm pháp xua đuổi tà ma, được thỉnh thánh có hành sư quân tướng âm binh ủng hộ để giúp đời. Những người đó cũng được tu luyện kinh thư, truyền lại những lời ca trong nghi lễ cúng tế cho con cháu đời đời nối tiếp thờ phụng tổ tiên, thờ phụng thánh thần, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an; làm điều thiện, tránh xa điều ác, bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc.

Văn hóa vật thể và phi vật thể trong cộng đồng người Dao Tiền ở Việt Nam nhiều khi đan xen vào nhau. Hiện nay, việc chung sống, kết hôn với người dân tộc khác đã nảy sinh nhiều thay đổi về phong tục, tập quán, về văn hóa theo hướng đời sống mới tích cực. Tuy nhiên, nhìn theo hướng nghiên cứu về văn hóa thì có thể thấy nhiều nét văn hóa bản địa đặc sắc của người Dao Tiền đã, đang bị mất dần và chúng ta rất cần bảo tồn khôi phục.

Bàn Thị Ba

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy