Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
08:25 (GMT +7)

Những lời thương của người Mông

Bấy lâu nay, nhiều người vẫn chỉ nhớ tới cây khèn được người Mông thổi trong ngày lễ hội và cho đó là tiếng gọi của tình yêu. Nhưng quên mất rằng loại nhạc cụ này còn một nhiệm vụ quan trọng hơn đó là thổi những lời ca để tiễn biệt người chết về với tổ tiên, những ngày lễ trọng đại của bản.

Cô gái Mông thổi kèn lá

Tiếng khèn có thể một lúc phát ra đa âm, nhiều lúc vang xa đôi khi trầm buồn như núi cùng với các động tác múa và nhảy điêu luyện của người đàn ông. Ông Lý Văn Tu, 67 tuổi, ở xóm Lam Sơn Hạ, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cho biết: Nghe tiếng khèn là biết người Mông dù ở xa hay gần cũng thấy tâm hồn mình âm điệu thiêng liêng, ấm áp, thấy được hình bóng quê hương trên thung lũng núi đá cao. Những bài khèn kể về cuộc đời của người cũng như cây cỏ, chim muông đủ vui buồn, sướng khổ.

Các thiếu nữ Mông mặc trang phục đẹp đi hội, hát giao duyên. Ảnh: Q.K

Ẩn trong ngàn cây, ken trong vách đá, tiếng “pí pặp... pí po…” khi da diết, khi thủ thỉ tâm tình khiến nhiều người dừng tay tra ngô, đứng lắng tai nghe. Cùng với khèn, kèn (hay còn gọi là đàn) môi và ống thổi,... kèn lá được coi là “linh hồn” trong đời sống tinh thần của người Mông. Nếu có dịp lên những bản ở vùng cao, chúng ta dễ dàng bắt gặp những chàng trai, cô gái cầm chiếc lá đặt trên môi, tấu lên những âm thanh cao, vang xa lảnh lót, thanh cao.

Theo nghệ nhân Hoàng Văn Mùi ở bản Khe Cạn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên: Kèn lá là một trong những nhạc cụ của người Mông được sử dụng từ thuở xa xưa khi người ta muốn gọi nhau hoặc nam nữ khi đang ở cách xa nhau muốn thể hiện tình cảm. Người ta có thể nhận diện qua tiếng hát trong điệu kèn lá. Từng âm thanh phát ra đều có nội dung, ý nghĩa theo tiếng của người Mông. Chính vì vậy, người thông thạo dân ca và ngôn ngữ của người Mông sẽ biết là người bạn, đối phương họ đang nói gì. Ví dụ đang ở trên đèo cao, muốn cho người lạ biết mình đang qua bản ở tút hút dưới thung sâu thì người Mông thổi một bài thông báo rằng: “Tôi đang đi qua đường này, tôi đang đi làm việc này, muốn gặp gỡ bạn bè nhưng bản ở sâu quá, tôi chưa vào thăm được”. Kèn lá đã chuyển tải được những nội dung đơn giản cho nhau như thế.

Lá cây dùng để thổi có nhiều loại, tuy nhiên, lá phổ biến nhất là lá ổi, lá họ dong rừng, lá chuối,… Đó là những lá cây quen thuộc với người Mông. Chiếc lá mềm, dai, dẻo, có mép trơn, bề mặt bóng nhẵn, không dễ bị rách, khi cầm lên thổi sẽ chịu được lực thổi của mình. Khi thổi, người Mông dùng tay giữ hai đầu lá và ngậm ngang chiếc lá ở giữa hai môi, kết hợp dùng lưỡi đẩy hơi qua kẽ hở của môi vào khe lá sẽ tạo ra âm thanh cao vút. Không giống như kèn lá chuối của trẻ con cuộn tổ kén, kèn lá chủ yếu vận dụng sự linh hoạt của đôi môi và những ngón tay. Khi thổi, lá được gập đôi lại, hơi được thổi mạnh, nhẹ để tạo chỉnh âm thanh cao thấp, trầm bổng theo âm điệu bài hát hay làn điệu dân ca.

Anh Lý Văn Hải, người Mông ở huyện Võ Nhai bảo: Kèn lá không phải để thổi trong lễ hội hay phiên chợ. Đây là nhạc cụ gắn bó với đời sống thường ngày của người Mông trong lúc lao động, sản xuất trên nương, ngoài ruộng, hay người con trai, con gái đến nơi có cảnh hoang vu dễ gây cảm xúc buồn, vui thì người ta sẽ lấy chiếc lá để thổi, để tỏ tình, cũng có thể chẳng có ai ở bên kia cả nhưng họ vẫn lấy kèn lá thổi để thổ lộ cảm xúc của bản thân. Nếu có những người ở xa nghe thấy, hiểu được, họ sẽ thổi đáp lại, thông qua những lần như thế họ quen biết nhau, tìm đến nhau.

Thổi kèn lá không có dự tính trước hay cố định. Ở trong lễ hội Gầu Tào bên Tây Bắc và hội đầu xuân khắp các bản làng người Mông thì kèn lá không được sử dụng rộng rãi. Vì ở nơi đó đông người, chiếc khèn thổi lên trầm bè cùng với điệu múa dẻo của người đàn ông mang hơi thở cúa núi cao mới là nơi thu hút sự náo nhiệt.

Bằng sự khéo léo của mình, chiếc lá nhỏ xíu trong rừng có thể mô tả được tiếng suối chảy vào ngầm đá, tiếng chim hót ríu rít gọi bầy, nhảy nhót trên cành khiến cho không gian như tràn ngập không khí của xuân mới. Người Mông vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về chiếc lá nói lời thương đầu tiên. Ông Ngô Văn Lành ở xã Đại Tiến huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng buồn rầu kể về ngày còn trẻ, có dịp xuống Thái Nguyên thăm bà con đã đem lòng thương một cô gái vừa mười tám rất xinh đẹp. Những đêm trăng, cô ấy vẫn gùi ngô từ nương trên Sảng Mộc về nhà cho vào cối xay ù ù đến khuya mới tắt đèn dầu. Chàng thanh niên đứng dưới sương lạnh thổi kèn lá bỏng môi, mấy ngày sau mới nghe có tiếng đáp lại ở ven suối. Hai người thương nhau qua những đêm hò hẹn mà chưa có dịp nắm tay một lần. Rồi cô gái ấy nghe theo lời cha mẹ, đi lấy chồng xa. Còn gì buồn hơn khi nghe tin người mình yêu thành vợ người ta? Tiếng kèn lá sắc hơn lá lau, cứa vào lòng mình đau hơn cạnh lá chít. Sau này đi chơi hội xuân, ông có gặp lại cô ấy. Hai người trung niên ngồi trên hai đỉnh núi, thổi kèn lá đến hết ngày thì ai về nhà nấy.

Ở các huyện như Si Ma Cai, Bắc Hà của tỉnh Lào Cai, bà con người Mông còn dùng ống hát trong dịp lễ hội. Cấu tạo của ống hát rất đơn giản chỉ bao gồm hai ống mai hoặc ống vầu cắt ngắn khoảng 20cm đường kính 10cm. Một đầu để hở còn một đầu được bịt bằng bóng bò, có sợi chỉ lanh xe kỹ, nối lại với nhau chạy xuyên qua hai ống hát, có tác dụng truyền âm. Khi cô gái hát ống đầu này thì chàng trai ở đầu kia nghe thấy. Thường là những người đã yên bề gia thất hoặc những đám trai gái hát đối đáp nhau… Khoảng cách giữa hai ống hát thường từ 10-20m. Âm thanh sẽ truyền qua sợi lanh nối giữa hai ống tới bên người nghe. Anh Vàng A Hải, dân tộc Mông, cán bộ Phòng Văn hóa ở huyện Bắc Hà vẫn tự hào rằng, người Mông biết chế tạo ra chiếc “điện thoại di động” này từ rất sớm. Bằng chứng là ống hát có thể di chuyển khắp các lễ hội, dù không khí ồn ào, náo nhiệt nhưng chỉ có đôi lứa mới nghe được nhau nói gì và hát gì.

Người Mông định canh ở đâu cũng mang theo mình những lời thương vượt qua ngàn lá, cánh rừng. Tiếng sáo Mông gọi bạn đêm ngày còn bỏng rẫy lưỡi gà. Anh Trần Thanh Giang, một người giỏi chế tác sáo Mông theo gia đình từ ngoài Bắc vào buôn Kmrang, huyện Krông năng, tỉnh Đắk Lắk thấy rằng sáo Mông vẫn ít người chọn làm vì nó phức tạp và kỳ công: Từ khâu chọn trúc, loại óng vàng được gửi từ vùng đất Ngân Sơn cho âm khỏe, rền; đến tự cắt lá đồng, mài thành lam, uốn cong lưỡi gà... Người làm sáo biết trúc đường kính bao nhiêu, dày, mỏng cho ra âm thanh như thế nào, âm điệu nào phù hợp. Người Mông vẫn yêu thích loại nhạc cụ sử dụng kỹ thuật rung, đánh lưỡi, phi, nhấn hơi, vuốt và láy… để đệm cho người thương hát, để diễn các khúc nhạc: “Gọi bạn”, “Xuống chợ”, “Tiếng thơ”, “Mồ côi”, “Đêm trăng bản Mông”…

Cây sáo gọi người thương trên núi

Còn khi hai người thương nhau chỉ cách một bức vách, dưới đêm trăng hò hẹn, họ sẽ nói gì? Các cô gái ở trong nhà chờ đợi, chàng trai Mông ở phía ngoài sẽ đem kèn môi ra thổi. Mặc dù chỉ là một mảnh lá đồng vừa giòn lại vừa dai, dài khoảng 5 – 7cm, có hình dạng giống lá lúa, một đầu cuốn lại hoặc đánh dẹt làm tay cầm, một đầu vát nhọn để gảy, ở chính giữa là một cái lưỡi gà nhưng đã đưa đường cho anh Hoàng A Lỳ ở huyện Si Ma Cai tỉnh Lào Cai lấy được chị Mùa Thị Chơ về làm vợ. Kèn môi gọn nhẹ, dễ làm, dễ sử dụng, được đựng trong ống nứa đút vào túi áo để chàng trai đem theo bên mình.

Có thể thấy, cuộc sống của người Mông ở vùng cao ngày càng no ấm, dùng điện thoại thông minh đắt tiền, song hành với nó là các nét văn hóa truyền thống dần dần mai một. Tiếng kèn lá, ống hát, kèn môi, khèn hay sáo trúc thổ lộ, mời gọi bạn tình với nhiều người chỉ còn trong hoài niệm. Nhưng những người cao tuổi như ông Mùi, ông Lành vẫn mong muốn bản mình giữ lại được cách thổi loại nhạc cụ mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng thuần khiết mang đậm sắc thái thiên nhiên này. Có nhiều người thổi thành thục, điêu luyện, có người chỉ cầm nhạc cụ lên là giãi bày nỗi nhớ. Tiếng thương của người Mông vẫn trầm bè hoặc lảnh lót khắp núi rừng nói lời thương khi xuân đến hiên nhà.

Hoài Thương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy