Những làng hoa vào vụ Tết
VNTN- Sau trận lụt lịch sử đầu tháng 9, giờ đây, những làng hoa Huống Thượng, Linh Sơn hay vườn đào Cam Giá TP. Thái Nguyên đã hồi sinh.
Khi cuốn lịch dần mỏng lại, báo hiệu những ngày cuối năm đang đến gần, người dân ở những làng hoa lại đang tất bật chăm bón từng luống hoa, từng gốc đào, để kịp mang sắc xuân tươi thắm đến mọi nhà. Vượt lên thiên tai, sức sống mãnh liệt của những nhành hoa đã tô điểm thêm niềm tin và hy vọng cho mùa Tết đang đến gần.
"Hồi sinh" sau lũ
Trận lũ chưa từng có trong lịch sử hồi đầu tháng 9 vừa qua không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn khiến người trồng hoa đối mặt với khó khăn chất chồng khi nhiều cánh đồng bị cuốn trôi lớp đất dinh dưỡng, vật tư bà con sắm sửa trước đó bị phá huỷ, nhiều củ hoa chưa kịp nhú mầm cũng bị cuốn phăng theo dòng nước dữ.
Nhưng thay vì lùi bước, người dân ở những làng hoa đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả. Họ vun trồng lại những luống hoa bị xô ngã, cải tạo đất đai bạc màu, và tận dụng mọi nguồn lực để gieo hy vọng mới.
Những bàn tay thêm chai sạn, những vết chân chim nơi khoé mắt dường như sâu hơn, họ cần mẫn chăm chút cho từng gốc đào, từng nhành cúc,… như muốn gửi gắm vào đó tất cả niềm tin về một mùa Tết đủ đầy.
Chỉ cần vượt qua cầu treo Bến Oánh đi về hướng Linh Sơn đều dễ dàng bắt gặp những “vườn sao” vào buổi tối. Từ địa phận xóm Bến Đò đến Hùng Vương, Núi Hột, Ngọc Lâm cơ man những “vườn sao” như thế.
Theo anh Nguyễn Văn Cần, người đó có kinh nghiệm gần 20 năm trồng hoa ở xóm Bến Đò thì thắp điện không phải với mục đích sưởi ấm cho hoa như nhiều người vẫn nghĩ mà nhằm mục đích kéo dài thân cây.
Ngoài việc cần có bông đẹp, hoa cúc sẽ được khách hàng ưa chuộng nhất khi cành có chiều dài đạt khoảng 80 cm. Tuy nhiên nếu không thắp điện mà để hoa phát triển tự nhiên thì chiều dài thân cây sẽ chỉ đặt chừng 40 – 50cm. Điện được thắp mỗi đêm cho đến khi cây hoa có chiều cao khoảng 60cm thì ngưng điện và tiếp tục để cây hoa phát triển tự nhiên.
Với cách làm này, ngày cũng như đêm, các cây hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp để lớn lên, cây cúc sẽ cao lớn hơn, thân thẳng và đặc biệt là nở đúng thời gian theo ý định của người trồng. Tuy thắp đèn ban đêm chí phí có tốn kém hơn, nhưng giá trị thu về lại cao hơn cách trồng hoa thông thường.
Bình quân diện tích trồng hoa ở Linh Sơn mỗi năm đạt khoảng 25 – 30 ha, trong đó diện tích trồng hoa vụ Đông là lớn nhất. Trên địa bàn xã có nhiều xóm trồng hoa nhưng tập trung nhiều nhất ở hai xóm Bến Đò và Cây Thị với khoảng trên dưới 10 ha. Các loại hoa được trồng chủ yếu ở Linh Sơn gồm: hoa cúc, hoa huệ, hoa đồng tiền, hoa lay ơn.
Dẫu bùn đất còn in dấu lũ, nhưng trên cánh đồng hoa giờ đây, không còn thấy sự u ám của thiên tai, những mầm non đã nhú lên, mang theo sắc xanh, sắc đỏ dần phủ lấp mầu nâu của đất, hứa hẹn một mùa Xuân trọn vẹn.
Từ Linh Sơn, tôi vòng qua Túc Duyên xuống đến làng hoa xóm Cậy xã Huống Thượng. Trời chiều, nắng vàng như rót mật. Tiếng nổ từ những chiếc máy bơm nước phá tan không gian tĩnh lặng. Trong vườn hoa cúc cao đến trên đầu gối, bà Nguyễn Thị Hà tay cầm chiếc gáo liên tục múc nước từ rãnh luống hất lên trên bề mặt luống hoa. Mỗi rãnh luống đều được đắp 2 đầu lại cẩn thận để ngăn nước. Có kinh nghiệm gần 20 năm trồng hoa cúc, theo bà Hà năm nay là một trong những năm làm hoa khó nhất.
Bà chia sẻ: Giống cúc năm nay gia đình tôi trồng chủ yếu là cúc vàng cánh dài, cúc cam và mắt ngọc. Năm nay sở dĩ làm hoa khó vì đúng vụ hoa, hạn hán lại kéo dài. Kể từ sau lũ, chúng tôi xuống giống hoa đến nay gần như không có một trận mưa nào đủ tưới ẩm cho đất. Cứ vài ngày người trồng hoa chúng tôi lại phải một lần bơm nước từ giếng khoan lên cho đầy vào các rãnh luống. Nhưng làm như thế cũng chỉ duy trì độ ẩm được 4 - 5 ngày.
Theo bà Hà, thông thường như mọi năm, thời điểm này cánh đồng đã có một số vườn được bán hoa cúc sớm. Nhưng ở thời điểm hiện tại, cả cánh đồng xóm Cậy chưa có ruộng hoa nào khoe sắc.
Ở ruộng hoa cúc bên cạnh, người phụ nữ trung niên che mặt kín bưng, cố tránh cái nắng tuy không còn oi ả nhưng khô hanh khá khó chịu. Chị thêm vào câu chuyện:
Năm nay giá hoa giống đắt hơn nhiều so với mọi năm, có thời điểm giá của 1 vạn cây cúc giống lên tới 6 triệu đồng, mọi năm chỉ dao động ở mức 3,8 đến 4 triệu đồng. Nhưng khổ nhất vẫn là thời tiết khó làm, đến 90% các vườn cúc, cây lên cao được chừng 20 cm đã trổ nụ. Chúng tôi lại mất thêm công ngắt bỏ hết những nụ hoa đó cho cây lên thân mới.
Cách đó không xa, chị Đoàn Thị Quý đang quai từng nhát búa, đóng từng chiếc cọc xuống để căng lưới trên luống hoa lay ơn. Không giấu được tiếc nuối, chị cho biết: Toàn bộ vật tư như lưới đen, cọc tre, phân bón tập kết ngoài cánh đồng đều bị lũ cuốn trôi hết.
Lũ còn đào xới ruộng tạo thành hố chỗ này, rồi thu lại thành ụ đất chỗ kia khiến chúng tôi phải thuê máy múc san gạt lại mặt ruộng. Lũ năm nay không những không có phù sa bồi đắp cho cánh đồng mà còn bào mòn lớp đất mặt màu mỡ đi nên tốn rất nhiều phân bón để cải tạo đất.
Cũng như giống hoa cúc, giá các loại củ và cây con giống của nhiều loại hoa khác cũng đồng loạt “leo thang”. Một củ hoa lay ơn Hà Lan có giá tới 4,1 nghìn đồng, tăng 30 – 40% so với mọi năm. Trước lũ, hoa loa kèn đang có giá 70 nghìn đồng/1kg (tương đương với 20 -25 củ) thì sau lũ đã tăng lên 95 nghìn đồng.
Vật tư, con giống đều tăng giá, nguồn lực không đủ, chị Quý buộc phải giảm diện tích từ 4 sào trồng hoa loa kèn xuống còn 2 sào. Hoa cúc gia đình chị trồng diện tích cũng giảm 1/3 so với mọi năm.
Chị cho biết: Vụ Tết năm nay, gia đình chị chỉ trồng 4 vạn hoa cúc, hoa ly cũng chỉ trồng 4 nghìn gốc thay vì 6.500 gốc so với năm trước. Riêng đối với hoa lay ơn, trước lũ chị Quý và nhiều gia đình trong xóm đã trồng lứa sớm định để bán trước Tết, nhưng toàn bộ đã bị nhấn chìm và cuốn trôi theo lũ. Sau lũ, cải tạo đất xong, chị Quý cũng chỉ có thể nhập 3 vạn củ hoa lay ơn trồng bán Tết, giảm 1 vạn cây so với mọi năm.
Người trồng đào viết tiếp mùa Xuân
Trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 9, mang theo bao lo lắng cho người trồng đào làng đào Cam Giá. Hàng trăm gốc đào bị hư hại, bộ rễ ngập úng, nhiều cây bị gãy đổ hoặc không thể phục hồi. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thuý Nga, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Giá cho biết: Diện tích trồng hoa đào của toàn phường là 59,03 ha. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã làm 35,6 ha hoa đào của 284 hộ bị thiệt hại.
Tuy nhiên, người dân Cam Giá đã không nản chí. Ngay sau khi nước rút, họ bắt tay vào dọn dẹp, cải tạo đất và chăm sóc những diện tích đào còn lại.
Ông Ngô Văn Hồng, người sở hữu hơn 1.000 gốc đào trong làng, chia sẻ: Trận lũ khiến bộ rễ của cây bị tổn thương nghiêm trọng, để phục hồi chúng tôi phải sử dụng chế phẩm sinh học kích thích rễ tái sinh, đồng thời điều chỉnh chế độ bón phân và tưới nước phù hợp hơn.
Đặc biệt, với những gốc đào giá trị cao, các hộ gia đình đã đầu tư kỹ lưỡng hơn. Tại vườn đào Kiên Tuất, hàng chục nhân công tỉ mỉ thực hiện các công đoạn khoanh gốc, đưa cây vào ang, định hình thế cây sao cho đẹp mắt nhất. Anh Vũ Văn Đoan, một thành viên trong đội chăm sóc đào, cho biết:
Chúng tôi đã làm liên tục 15 ngày tại vườn nhà anh Kiên Tuất cho kịp thời vụ. Từ giờ đến Tết, còn một đợt nữa chúng tôi sẽ tiếp tục xuống hỗ trợ vận chuyển và chỉnh sửa cây trước khi chủ vườn xuất bán cho thương lái.
Không khí khẩn trương bao trùm cả làng. Người dân tất bật tuốt lá, khoanh gốc và điều chỉnh sự phát triển của cây theo thời tiết. Những gốc đào cổ thụ, từng được ví như "báu vật" của làng, đang dần khoe lại vẻ đẹp vốn có nhờ sự tận tâm và kinh nghiệm của người trồng. Những cành đào đỏ thắm, nụ hoa chúm chím sẽ được hồi sinh từ bùn lầy và mất mát.
Trận lũ năm nay đã để lại những dấu ấn khó phai trong ký ức người dân Thái Nguyên, nhưng từ đó, sức sống mới lại được khơi dậy. Những vườn hoa, gốc đào đang dần hồi sinh để mùa Xuân này, những chợ hoa vẫn được rực rỡ sắc màu.
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...