Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
07:28 (GMT +7)

Những đột phá cho đất nước nhìn từ Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII

VNTN - Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã thông qua 3 nghị quyết quan trọng, đó là: Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26); Nghị quyết về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết số 27) và Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28). Đây có thể xem là ba nghị quan trọng, có tính đột phá, phù hợp thực tiễn và đòi hỏi của công cuộc phát triển đất nước và hội nhập hiện nay.

1.Về công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Vậy nên, việc kiến tạo một đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay là vấn đề cấp bách và quan trọng. Xác định công tác cán bộ có ý nghĩa lâu dài, then chốt và ảnh hưởng, quyết định đến sự phát triển chung của đất nước, Nghị quyết về công tác cán bộ đã, quyết định định hướng, phát triển cũng như mọi quyết sách, điều hành trong các lĩnh vực, Nghị quyết 26 đã xác định việc cần thiết phải tập trung xây dựng một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ nêu trên luôn nhất quán quan điểm: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”. Theo đó, Nghị quyết đã đề ra những yêu cầu “Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”.

Tất cả những “lùm xùm” xung quanh công tác cán bộ thời gian qua đã làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thế nhưng, cùng với đó, quá trình siết chặt kỷ cương, xử lý hàng loạt những sai phạm về công tác cán bộ đã lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vậy nên, nghị quyết về công tác cán bộ của Hội nghị Trung ương 7 đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng trong công tác cán bộ, nhất là trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ.

2. Về chính sách tiền lương. Có lẽ đối với hàng triệu công chức, viên chức và những người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, Nghị quyết về chính sách tiền lương là nội dung được nhiều người trông đợi và kỳ vọng. Nếu việc xây dựng đội ngũ cán bộ được xem là “gốc của mọi công việc”, thì chính sách tiền lương là động lực, là cơ sở cùng song hành, góp phần tương trợ lẫn nhau.

Không thể phủ nhận những thành tựu, những quyết tâm và cố gắng rất lớn của Nhà nước trong việc cải cách chính sách tiền lương những năm qua, tuy nhiên, rõ ràng trong thực tế, nhìn vào chính sách này vẫn còn quá nhiều bất cập. Có lẽ bất cập đầu tiên là lương không đủ sống. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, không phải tất cả mọi người thiếu tiền đều tham nhũng, song đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, vòi vĩnh ngày càng trầm trọng, nhất là tham nhũng vặt. Cũng bởi chính sách tiền lương còn nhiều bất cập nên các cơ quan Nhà nước khó có thể giữ chân người tài. Hãy thử hình dung một người tốt nghiệp đại học ra trường đi làm với mức lương 2,34 như hiện nay thì ai có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc chung. Cũng vậy, đây cũng chính là nguyên nhân làm cho nhiều người giỏi trong các cơ quan Nhà nước “rũ áo ra đi” mà không hối tiếc. Nền hành chính trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay cần những công chức giỏi, thế nhưng với chính sách tiền lương như hiện nay, sẽ rất khó khiến họ an tâm và cống hiến.

Nghị quyết 27 đã xác định “Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết này được xác định là: “Xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Việc cải cách tiền lương là một bước tiến cần thiết, kịp thời, để huy động những người có tài tham gia vào bộ máy để kiến thiết và bảo vệ đất nước; tạo công bằng, động lực phát huy khả năng cống hiến ở mức cao nhất của mỗi người một cách chân chính, đàng hoàng.

3. Về bảo hiểm xã hội. Cùng với hai Nghị quyết trên, Hội nghị Trung ương 7 còn thông qua nội dung cơ bản về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách bảo hiểm xã hội, bao gồm các chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp đã từng bước được hoàn thiện, ngày càng đồng bộ, phù hợp với thực tế đất nước và thông lệ quốc tế. Chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống.

Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục xác định chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước và thể hiện tính nhân văn và bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Vì vậy, Nghị quyết số 28 đã xác định các quan điểm cụ thể về bảo hiểm xã hội: Đó là tiếp tục xác định bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Việc phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm xã hội không chỉ là trách nhiệm của người tham gia, mà còn là của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp…

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn “đầu tiên là công việc đối với con người”. Có thể thấy cả 3 Nghị quyết lần này chính là những nghị quyết liên quan mật thiết và chặt chẽ đến vấn đề phát triển con người. Tất nhiên, từ nghị quyết đi vào cuộc sống là cả một khoảng cách không hề nhỏ cần sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân. Với tất cả những gì đã và đang diễn ra, mỗi người dân đều có quyền kỳ vọng vào tính khả thi trong việc thực hiện các nghị quyết này.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy