Những điều kiện cần và đủ cho một nền âm nhạc tiên tiến, chuyên nghiệp
Đứng trước trào lưu sáng tác tự phát mang nặng tính thương mại hóa với nhiều những ca khúc không rõ ràng về ý nghĩa, nội dung, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không chỉ công chúng - người nghe mà ngay cả giới phê bình nghệ thuật cũng đã lên tiếng phản đối, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng có những định hướng và giải pháp nhằm hạn chế những sản phẩm âm nhạc lệch chuẩn. Ghi nhận từ thực tiễn, việc định hướng sáng tác, quảng bá - sử dụng tác phẩm âm nhạc đã và đang có dấu hiệu khởi sắc.
Hướng đến những sản phẩm âm nhạc “sạch”
Để hạn chế dòng nhạc thị trường, trong đó không loại trừ những sản phẩm âm nhạc đi trái với thuần phong mỹ tục, trong thời gian gần đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi nghệ thuật, sáng tác âm nhạc, khí nhạc góp phần làm lành mạnh hóa thị trường âm nhạc.
Thông qua chủ trương “lấy cái tốt, đầy lùi cái xấu” trong đời sống nghệ thuật nói chung, lĩnh vực âm nhạc nói riêng đã khơi dậy những nét đẹp chân truyền của nghệ thuật truyền thống. Từ đó, nhen nhóm niềm hy vọng sớm có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong một tương lai gần.
Công bằng mà nói, đây là một hướng đi đúng, vừa có thể khuyến khích những nhạc sĩ trẻ tìm tòi sáng tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của giới trẻ, hội nhập với thị trường âm nhạc thế giới, vừa định hướng người nghe đến với những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Chất lượng ở đây cần được hiểu là sự rõ ràng về nội dung, có ý nghĩa giáo dục vẻ đẹp chân - thiện - mỹ. Sự sàng lọc của công chúng trước những sản phẩm âm nhạc cũng từ đó được nâng cao. Họ sẽ nói không với những tiết mục sao chép một cách máy móc, cách ăn mặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam trên sân khấu ca nhạc. Và đây cũng được coi là điểm cộng cho những nỗ lực của các nhạc sĩ trẻ trên con đường bền bỉ đưa âm nhạc Việt Nam bước ra đấu trường quốc tế và ngược lại.
Giống như nhiều ngành nghề khác, âm nhạc Việt Nam cũng có “Ngày âm nhạc Việt Nam” bắt đầu từ năm 2010. 13 năm với 13 mùa âm nhạc đã trở thành Ngày hội tôn vinh nền Âm nhạc cách mạng Việt Nam. Những sản phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng một lần nữa lại được vang lên trong ngày trọng đại này. Rưng rưng xúc động, hay đơn giản chỉ là hát theo những ca khúc từ chương trình nghệ thuật đã khẳng định tầm quan trọng của âm nhạc trong sự nghiệp cách mạng cũng như đời sống, tôn vinh những đóng góp của giới nhạc sĩ, phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của âm nhạc Việt Nam, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, giáo dục thế hệ trẻ bước về phía trước, hoàn thành mục tiêu đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng căn dặn.
Cùng với việc tổ chức Ngày hội âm nhạc, các Festival lớn trong toàn quốc cũng được triển khai nhằm thúc đẩy, động viên phong trào âm nhạc: Cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN; Festival Âm nhạc mới Á - Âu… không chỉ cho thấy sự chuyên nghiệp trong tổ chức các kỳ liên hoan âm nhạc mà còn cho thấy vị thế âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới, có điều kiện hội nhập với âm nhạc khu vực và quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là sân chơi cho các sản phẩm âm nhạc sạch đến với công chúng yêu nghệ thuật.
Từ những cuộc thi sáng tác quy mô cấp tỉnh, toàn quốc… những sản phẩm âm nhạc có định hướng và đạt đến sự chuyên nghiệp cả về thanh nhạc và khí nhạc đã được ra đời. Các cuộc thi như “Sao Mai điểm hẹn”; “Ca múa nhạc chuyên nghiệp” đến với công chúng, qua đó giúp họ có được bữa ăn tinh thần hoàn toàn “sạch” thay vì những sản phẩm thị trường đang bủa vây trên không gian mạng hay kênh youtube... vốn đi sâu vào những mặt tiêu cực của đời sống xã hội, lai căng, sao chép tác phẩm nước ngoài, chạy theo thị hiếu của một số ít các tác giả trẻ, đã và đang làm xấu đi nhận thức thẩm mỹ trong người nghe.
Tìm sự cân bằng trong đời sống âm nhạc
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đời sống âm nhạc đã và đang có sự sự mất cân bằng giữa thanh nhạc và khí nhạc. Ngay trong các thể loại âm nhạc, khán giả cũng chỉ được nghe, thưởng thức những ca khúc đại chúng với dòng chủ đạo có sức lan truyền mạnh mẽ là dòng nhạc thị trường. Sự bủa vây của công nghệ thông tin thông qua sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội đã và đang tước đi quyền được thưởng thức âm nhạc đích thực của công chúng. Những ca khúc “sống mãi với thời gian”, “đi cùng năm tháng” trong một chừng mực cụ thể đã và đang bị thay bởi dòng nhạc thị trường vì lợi nhuận của những nhà sản xuất.
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu, lý luận phê bình Nguyễn Thị Nam, đời sống âm nhạc gần đây ngoại trừ những bài hát trẻ sáng tác nhiều lúc vô bổ về cả giai điệu lẫn ca từ, thì sân khấu biểu diễn ca khúc (điều này có cả ở đài phát thanh và truyền hình) có nhiều bài hát hay đầy tính thẩm mỹ và truyền cảm, phần nào đã ảnh hưởng đến thẩm mỹ của công chúng. Đó là những chương trình của các giàn nhạc giao hưởng thể hiện tác phẩm âm nhạc của những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới, một số tác phẩm khí nhạc của Việt Nam. Những buổi hòa nhạc này vừa thỏa mãn yêu cầu thưởng thức (đem lại cái đẹp, cái hay từ thành tựu của các tài năng âm nhạc thế giới và trong nước) của những người đã yêu, đã quen dòng âm nhạc khó thưởng thức này, đồng thời tạo sự tiếp cận đối với những người chưa quen.
Với âm nhạc - món ăn tinh thần tác động trực tiếp đến tâm lý người nghe nên có sức chi phối tình cảm một cách mạnh mẽ. Hiệu ứng xã hội từ một bài hát, một chương trình nghệ thuật có thể làm nên những điều phi thường. Đó là những dự án âm nhạc hướng đến cộng đồng và được cộng đồng ghi nhận, hay chỉ đơn thuần là đánh thức những giá trị truyền thống bằng những sản phẩm âm nhạc mang đậm chất dân gian... Tuy nhiên, sự thiếu hụt và mất cân bằng trong đời sống âm nhạc những năm qua đang không khỏi khiến người nghe lo lắng về sự xâm lấn của dòng nhạc thị trường. Người nghe sẽ tiếp nhận thế nào khi xung quanh họ là những ca từ oán trách đời sống, khai thác tối đa những góc khuất của một cộng đồng, trường phái tâm linh chưa được thừa nhận… từ đó vẽ lên bức tranh cô độc, không lối thoát trước người trẻ.
Không ít người cho rằng, để hạn chế những sản phẩm âm nhạc thị trường, trách nhiệm nghệ sĩ cần được coi trọng. Bởi họ không chỉ chuyển tải sản phẩm âm nhạc đơn thuần mà còn qua đó thể hiện trước hết ở ý thức và hiệu quả cống hiến đối với công chúng, xã hội. Cái hay, cái đẹp, cái có ích, cái phổ quát phải nằm trong mục tiêu trách nhiệm của nghệ sĩ trước Nghệ thuật đơn thuần và Giải trí đơn thuần ở một số bộ môn nghệ thuật hiện nay, trong đó có lĩnh vực âm nhạc.
Theo nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, xảy ra tình trạng trên có một phần nguyên nhân là sự thiếu vắng đội ngũ sáng tác khí nhạc, ít tác phẩm thể loại lớn như hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, đồng thời, lực lượng những người làm công tác lý luận phê bình âm nhạc “vừa thiếu, vừa yếu, vừa bị hụt hẫng” thế hệ kế cận…. Lý luận phê bình chưa đồng hành cùng sáng tác, chưa làm rõ chức năng hướng dẫn định hướng cho công chúng trong việc thưởng thức âm nhạc. Công tác phê bình âm nhạc, không có những nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp, thiếu những bài viết kịp thời và sắc sảo trước những hiện tượng bức xúc mà xã hội và giới âm nhạc quan tâm. Công tác phê bình âm nhạc đang đứng trước những lúng túng, khó khăn nhiều mặt. Đội ngũ các nhà lý luận - phê bình chuyên nghiệp còn thiếu và chưa đủ mạnh, chưa sẵn sàng nhập cuộc, chưa đưa được những thước đo chuẩn mực, khách quan, khoa học, vô tư để đánh giá khen, chê. Những biểu hiện chủ quan, cảm tính xuất hiện đâu đó trên các trang báo hàng ngày, nhiều vấn đề lớn về thẩm mỹ âm nhạc, hướng dẫn thị hiếu cho công chúng chưa có lời giải đáp, chưa có tính thuyết phục về khoa học cũng như thực tiễn.
Do đó, để đời sống âm nhạc có sự cân bằng và phát triển theo đúng định hướng: tiên tiến và giàu bản sắc, cần xây dựng thiết chế văn hóa, hoạt động lý luận phê bình, quản lý cần được đẩy mạnh trong sự thống nhất giữa các loại hình nghệ thuật âm nhạc. Đồng thời, việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng nhất là công chúng trẻ tuổi cũng cần phải được nâng cao. Nâng vị thế của họ từ nghe sang thẩm định giá trị của một tác phẩm âm nhạc. Đặc biệt, đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tiếp thu âm nhạc trong và ngoài nước càng đòi hỏi công tác giáo dục, định hướng thẩm mỹ âm nhạc càng cần phải coi trọng.
Công tác giáo dục cũng cần được tiến hành song song giữa những người làm nghệ thuật và công chúng tiếp nhận sản phẩm nghệ thuật. Nhạc sĩ Đức Trịnh cũng khuyến cáo, công tác đào tạo thế hệ nhạc sĩ trẻ để vừa tiếp nối được truyền thống, đồng thời biết khai thác âm nhạc dân tộc vào những tác phẩm đương đại là vô cùng quan trọng, vì họ là lớp kế cận có thể nối dài, và định vị những giá trị truyền thống trong mỗi sáng tác của họ, từ đó truyền cảm hứng đến công chúng tiếp nhận nghệ thuật. Đây chính là những điều kiện cần và đủ để Âm nhạc Việt có những sản phẩm đỉnh cao, tiên tiến và chuyên nghiệp.
Thảo Vy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...