Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
18:31 (GMT +7)

Những điểm “mờ” của đời sống văn học Thái Nguyên, 20 năm nhìn lại

Không thể phủ nhận những thay đổi đáng kể về chất lượng tác phẩm, độ tuổi tác giả, số lượng đầu sách văn học xuất bản kể từ khi thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh (VHNT) đến nay. Tuy nhiên, ở từng giai đoạn, tình hình sáng tác văn học có nhiều bước thăng trầm. Trong khuôn khổ bài viết này, với góc nhìn cá nhân, tôi xin đưa ra một số nhận xét về những điểm còn “mờ” của đời sống văn học Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI, với mong muốn sẽ được “đậm nét” hơn trong chặng đường đi tới của văn học tỉnh nhà.

Sáng tác văn học về thiếu nhi còn trầm lắng

Trước năm 2008, không khí sáng tác văn học thiếu nhi và các hoạt động văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi khá sôi nổi. Về đội ngũ, nhiều tác giả viết về thiếu nhi như các ông: Hữu Tiệp, Phạm Khắc Lãm, Hồ Thủy Giang, Hà Đức Toàn. Vào nghỉ hè hằng năm, Hội đều tổ chức 1 trại sáng tác thơ, văn cho 30 đến 40 em có năng khiếu được chọn từ các trường học, độ tuổi từ 10 đến 15. Tham gia trao đổi phương pháp sáng tác, thẩm định tác phẩm tại trại là các cây bút ở địa phương như ông Hà Đức Toàn, Ma Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang, Nông Phúc Tước, Hữu Tiệp…

Các số báo văn nghệ đều có trang dành cho thiếu nhi, đăng tải 3-4 tác phẩm mỗi số. Dịp 1/6 hoặc Rằm Trung thu, Báo Văn nghệ Thái Nguyên dành từ 1 đến 2 trang báo (trên tổng số 8 trang) đăng các tác phẩm viết cho thiếu nhi. Không chỉ báo Văn nghệ của Hội, các số báo Cuối tuần của báo Thái Nguyên cũng có trang, mục dành cho văn học thiếu nhi.

Được phát hiện và bồi dưỡng từ các trại sáng tác, được các cây bút đi trước động viên, dìu dắt, nhiều tác giả trẻ xuất hiện, như Quỳnh Hương, Quỳnh Anh, Vũ Tú Anh, Dương Thu Hằng, Đào Hải Yến, Nguyễn Minh Giang, Phạm Văn Vũ, Vũ Thu Trang (khi đó 13-14 tuổi)… Nhiều người trong số họ sau này đã chọn nghề viết văn viết báo, khẳng định tên tuổi trên truyền thông và văn đàn.

Thời kỳ đó, văn phòng Hội tấp nập cộng tác viên qua lại. Các cộng tác viên “nhí” cũng mạnh dạn mang tác phẩm đến, đọc và trao đổi; các chú các cô ở văn phòng Hội thường xuyên qua lại thăm hỏi, trò chuyện với phụ huynh của các cháu, được nhiều bậc cha mẹ đề nghị tư vấn về khả năng và lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho con.

Khoảng từ sau năm 2008, không rõ vì lý do gì, các trại sáng tác văn học (và nghệ thuật) thiếu nhi không được tổ chức thường xuyên, sau đó ngưng hẳn. Đặc biệt, sau khi 2 tác giả chuyên viết cho thiếu nhi là ông Phạm Khắc Lãm và ông Hữu Tiệp qua đời, thì không còn cây bút nào hướng ngòi bút sáng tác vào đối tượng thiếu nhi nữa. Đội ngũ người viết tuổi thiếu nhi cũng trống vắng, dường như mảng văn học thiếu nhi bị quên lãng. Trong thời gian dài, hầu như không có tác phẩm dành cho thiếu nhi nào do Hội VHNT tài trợ kinh phí được xuất bản.

 Sau Đại hội Hội VHNT tỉnh lần thứ VII, từ năm 2019, trại sáng tác văn học dành cho thanh thiếu nhi được Hội khôi phục, đến nay đã 3 lần mở liên tiếp với gần 100 lượt trẻ em và người lớn tham gia. Với chiếc “vỏ” cũ là trại sáng tác văn học thiếu nhi nhưng “ruột” đã khác nhiều so với các trại mở từ khi thành lập Hội. Đối tượng dự trại không chỉ là các em học sinh ở tuổi thanh, thiếu nhi mà còn thu hút các thầy cô giáo, các cây bút tuổi 60-70. Nội dung của trại cũng thay đổi, sinh động, hấp dẫn mà vẫn phù hợp với mọi lứa tuổi. Cũng từ đây, trại đã phát hiện và nâng đỡ nhiều cây bút trẻ: Hồ Điệp, Thiên An, Nguyễn Minh Phương, Hoài An, Trà My, Uyên Nhi, Ánh Mai, Phương Thanh... Đặc biệt, một số cây bút lớn tuổi đã được khơi nguồn cảm xúc và định hình hướng sáng tác cho trẻ em như ông Trần Chín và bà Ngọc Thị Lan Thái. Các trang báo (tạp chí) cũng dành khá nhiều “đất” đăng tải tác phẩm văn học và nghệ thuật của thiếu nhi.

Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi năm 2020

Như vậy, sau 3 năm khởi động lại trại sáng tác văn học thiếu nhi, đã khẳng định tiềm năng sáng tác văn học mảng này của Thái Nguyên khá dồi dào. Nếu được “đánh thức” và dành “thị phần” thì sẽ xuất hiện nhiều gương mặt mới, họ hứa hẹn làm nhuận sắc không khí văn học thiếu nhi.

 Tuy nhiên, do nhiều năm hầu như bị lãng quên, văn học thiếu nhi Thái Nguyên có một khoảng trống, hẫng không nhỏ. Những việc làm tích cực của Hội VHNT tỉnh 3 năm nay đã bù đắp phần nào sự hẫng hụt này nhưng vẫn chưa làm “hồi sức” và đậm nét hoàn toàn. Đã xuất hiện một số cây bút tuổi 12 đến 17, nhưng số lượng còn ít và năng khiếu chưa thực sự nổi trội. Việc đào tạo cây bút kế cận là điều cấp bách và cần được làm mạnh mẽ hơn nữa.

Mảng đề tài lịch sử chưa được quan tâm tương xứng

Thái Nguyên là mảnh đất nhiều di tích lịch sử đặc biệt.

Như là di tích khảo cổ ở hang Phiềng Tung (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai) chứng minh con người sống từ 2 - 3 vạn năm cùng với nhiều di vật cổ nhất được biết đến cho tới nay ở Việt Nam và cả vùng Đông Nam Á.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Thái Nguyên là nơi ghi dấu rất nhiều sự kiện trọng đại, liên quan đến vận mệnh dân tộc.

Có thể kể một loạt địa danh gắn với những tên tuổi lịch sử. Huyện Phú Lương có 122 điểm di tích, trong đó 4 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Nổi bật là di tích Đền Đuổm gắn với tên tuổi anh hùng dân tộc thời Lý Dương Tự Minh. Huyện Định Hóa có An toàn khu (ATK) với 13 di tích thành phần được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia từ năm 1981. Đây là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng ở và làm việc trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp; là nơi phát tích nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Định Hóa còn có nhà tù Chợ Chu, nơi diễn ra cuộc vượt ngục tháng 10/1944 của 12 tù nhân chính trị để bổ sung cho phong trào cách mạng. Di tích này hiện nay hầu như bỏ hoang phế, không có khách tham quan.

Ở Phổ Yên có nhiều di tích và nhân vật lịch sử quan trọng, như đền thờ Lý Nam Đế - thờ bậc anh hùng hào kiệt, có công đánh đuổi giặc Lương, khai sinh triều đại tiền Lý, lập nên nhà nước Vạn Xuân vào thế kỷ VI; nơi sinh trưởng của tiến sĩ Đỗ Cận (xóm Thống Thượng, xã Minh Đức) danh nhân văn hóa nước ta sống ở thế kỷ XV... 

Thành phố Thái Nguyên có cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 gắn với các tên tuổi lẫy lừng như Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến, Đội Giá; có di tích Đình Hàng Phố gắn với sự kiện giành chính quyền 1945; có di tích thành nhà Mạc và nhiều di tích, tên tuổi khác.

Tất cả các di tích nói trên đều gắn với nhân vật lịch sử, các nhà văn có thể khai thác viết tác phẩm văn học.

Dù như vậy, nhưng tác phẩm văn học về đề tài này không nhiều. Sau “Ba ông đầu rau” (tiểu thuyết của Hà Đức Toàn, 1998), tận năm 2016, nhà văn Hồ Thủy Giang mới xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên “Tể tướng Lưu Nhân Chú” (sau 29 cuốn sách của ông). Sau đó là tiểu thuyết “Ông Ké ở chiến khu” của nhà văn Ma Trường Nguyên; “Thượng thư Đỗ Cận” (Phan Thức), “Những người mở đường”, “Thái Nguyên - 1917” (Hồ Thủy Giang). Từ năm 2021 đến 2022, tác giả Phan Thái cho ra đời loạt tiểu thuyết lịch sử: Nắng phía sau mặt trời, Đại đội màu áo nắng, Linh Sơn tử chiến, Bình minh máu, Thanh gươm và cây tính tẩu; gần đây nhất, tác giả Phạm Đức có tiểu thuyết “Đức Thánh Đuổm Dương Tự Minh”.

 Có phần “nhộn nhịp” lên như vậy nhưng đề tài lịch sử vẫn là một thách thức với người cầm bút Thái Nguyên. Hầu hết các tác giả chưa dám thử sức ở mảng đề tài này bởi phải lao động vất vả gấp nhiều lần so với sáng tác đề tài khác.

Để lưu giữ, giáo dục, truyền thông và để nhiều di tích lịch sử trên địa bàn không bị bỏ hoang phế, nhân vật lịch sử được tôn vinh đúng vị trí, loạt giải pháp xác đáng đã được nêu tại Hội thảo của Chi hội Lý luận phê bình - Hội VHNT tỉnh, tổ chức ngày 28/8/2019. Với chủ đề “Văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử”, hội thảo đã nêu một số giải pháp xác đáng ở các phía là Tỉnh ủy, UBND, Hội VHNT và văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua từ cuộc hội thảo, tình hình chưa có chuyển biến lớn. Nếu tâm huyết với mảng đề tài này, thì Hội VHNT tỉnh phải “mạnh tay” đề xuất cụ thể hơn nữa, thuyết trình để tỉnh hiểu và đồng hành cùng các cây viết trên hành trình sáng tạo khó khăn này.

Mảng đề tài nông nghiệp và nông thôn đang đuối dần

Những năm 2010 trở về trước, mảng văn học đề tài nông nghiệp, nông thôn khá đậm nét trên văn đàn Thái Nguyên. Những cây bút sung sức phải kể đến: Xuân Nùng, Trần Bình Dưỡng (Phổ Yên), Hữu Thịnh, Ngọ Quang Tôn (Phú Bình), Trần Văn Bột (Đại Từ), Trần Quang Toàn (TP. Thái Nguyên). Nhưng theo thời gian, một số tác giả già yếu, qua đời, một số ít viết nên mảng đề tài này thưa thớt dần. Năm 2016, tác giả Phạm Đức có tiểu thuyết “Giông gió làng chè”; năm 2018, tác giả Ngọc Thị Kẹo có tiểu thuyết “Gió đồng làng Am” là 2 tác phẩm dài hơi nhất về đề tài nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, chỉ còn tác giả Phạm Quý theo đuổi bằng một số ký, tản văn, truyện ngắn về đề tài này.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đã thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Không chỉ về diện mạo, mà từ bên trong mỗi gia đình, mỗi người nông dân đã có sự chuyển biến không nhỏ. Thu nhập tăng lên, đời sống vật chất tinh thần được cải thiện, môi trường sống nhiều thay đổi. Nông thôn không còn là nơi lạc hậu, tối tăm, nghèo nàn như suy nghĩ trước kia của không ít người. Cũng từ đó xuất hiện dòng người “bỏ phố về quê”, tỉ phú ở quê, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh mở ra ở nông thôn.

Tuy nhiên, sự thay đổi này không chỉ mang đến niềm vui, mà còn có cả mất mát, nỗi buồn. Như vấn đề ô nhiễm môi trường, việc tích tụ đất đai, đô thị hóa nhanh khiến người nông dân không có đất sản xuất…

Nhưng dường như các tác giả Thái Nguyên chưa dấn vào thực tế để viết mảng đề tài này.

Một trong những nguyên nhân, theo tôi, là hầu hết người cầm bút Thái Nguyên rời khỏi nông thôn sớm, vốn sống về nông thôn, nông nghiệp ít; thời gian thâm nhập và lấy nông thôn làm “quê hương sáng tác” không nhiều. Đây cũng là nguyên nhân chính của tình trạng văn học viết về dân tộc và miền núi của Thái Nguyên nhiều năm gần đây. Hầu hết các sáng tác là những chấm phá nhỏ lẻ, chưa có tác phẩm dài hơi và đầu tư công phu cho mảng này.

Hãy đặt thể loại ký văn học vào vị trí quan trọng hơn

Nhìn suốt quá trình 35 năm thành lập Hội và 20 năm đầu thế kỷ XXI này, tôi thấy thể loại ký vẫn là thể tài xung kích, xông xáo mọi lĩnh vực và đạt nhiều thành công. Nhà văn Hà Đức Toàn cách đây 20 năm đã xuất bản 2 tập ký: Ngôi nhà của thượng úy về hưu (1990), Bộ ba ngược đời (1993). Báo Văn nghệ Thái Nguyên (nay là tạp chí) cũng tổ chức nhiều cuộc thi ký và tạo được thế mạnh riêng của ấn phẩm. Hầu hết các hội viên của Chi hội Văn xuôi (và một số chi hội khác) tham gia viết ký văn học, như Phan Thái, Phạm Quý, Ngọc Chuẩn, Thanh Xuân, Linh Lan, Quang Khải, Đồng Khắc Thọ, Đào Nguyên Hải, Nguyễn Đắc Thế, Kim Ngân… Nhiều người trong số họ trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh nhờ thể loại ký.

Tuy nhiên, khi đánh giá về văn học Thái Nguyên, dòng chảy của ký chưa được “để mắt” xứng tầm. Đến nay số người viết ký của Thái Nguyên khá đông nhưng đa số ngòi bút vẫn “chập choạng” giữa ký báo chí và ký văn học, đề tài cũng chưa thật sự “mềm”, chưa có nhiều bài ký tầm vóc, có sức sống lâu dài.

Gần đây, Hội đã tổ chức một số buổi tập huấn về thể loại này, nhưng vẫn cần một cú hích mạnh mẽ hơn, dài hơi hơn cho đội ngũ viết ký tỉnh nhà.

Một số giải pháp khắc phục

* Về phía Hội VHNT tỉnh:

Cần tranh thủ tốt hơn sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tỉnh và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương.

Luôn hướng đến thực hiện nhiệm vụ mà Đại hội Hội VHNT lần thứ VII đề ra: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tính nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người mới. Khuyến khích tìm tòi, thể hiện mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác với mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc”.

Mở các trại sáng tác chuyên đề như: Trại thiếu nhi, Trại viết ký, Trại viết đề tài lịch sử, đề tài nông thôn…;

Kết nối với tỉnh làm một số chương trình liên quan đến lịch sử và vùng miền;

Tạo điều kiện cho các tác giả của tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với một số tác giả nổi tiếng trong nước (cùng đóng góp kinh phí);

Tổ chức các đoàn, nhóm đi thực tế theo đề tài. Mỗi năm ít nhất tổ chức được 3-4 cuộc, mỗi cuộc đi ít nhất 2-3 ngày (kinh phí cùng đóng góp)

* Về phía người viết:

Nhanh nhậy nắm bắt công nghệ, hướng ngòi bút vào vấn đề mang tính thời đại như: Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi số; công nghiệp 4.0; cải cách hành chính…

Tự đổi mới, học hỏi, đề cao trách nhiệm hội viên…

Vài ý kiến trên đây chỉ là suy nghĩ cá nhân, chưa mang tính lý luận, với mong muốn đời sống văn học của tỉnh nhà ngày càng sôi nổi hiệu quả hơn nữa.

Nhà văn Minh Hằng

(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy