Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
01:16 (GMT +7)

Những chính sách giúp người nghèo vơi khó

“An cư lạc nghiệp” – dẫu biết là như vậy nhưng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì từ việc biết đến việc hiện thực lại dường như không có mối liên quan nào. Bởi nó quá sức với họ. Đối với hàng trăm hộ nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Định Hóa cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng mùa Xuân năm nay sẽ là một mùa Xuân đẹp nhất của họ khi được đón Tết trong ngôi nhà xây kiên cố. Điều mà trước đây với họ, nó xa xỉ ngay cả trong những giấc mơ.

Ấm lòng nhờ sự chung tay

Câu chuyện bắt đầu từ gần 2 năm trước, khi địa phương thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Hàng trăm hộ nghèo, dân tộc thiểu số, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Định Hóa đã được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở. Những nụ cười mãn nguyện của họ khi nói chuyện trong những ngôi nhà mới lan sang làm ấm lòng cả người ngồi đối diện. Đặc biệt, những đổi thay này còn góp phần cùng địa phương hoàn thành tiêu chí nhà ở dân cư. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi năm 2023 Định Hóa đang nỗ lực trở thành huyện nông thôn mới (NTM).

Những chính sách giúp người nghèo vơi khó
Ngôi nhà “trong mơ” của vợ chồng ông Thủy, bà Sửu nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm và nỗ lực tự vươn lên của chính người dân

Quy Kỳ vốn là xã khó khăn của Định Hóa nay đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Các tuyến đường bê tông liên xóm, nội xóm được bê tông hóa phẳng phiu, sạch đẹp, rợp hai bên đường là sắc thắm của hoa tím lá xanh. Trẻ nhỏ được nô đùa, học tập trong ngôi trường Mầm non mới được xây dựng khang trang. Chợ xã cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp giúp nhân dân có nơi sạch sẽ, tiện lợi cho việc giao thương…

Quy Kỳ cũng là một trong những xã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ thực hiện xóa nhà dột nát nhất trong 2 năm trở lại đây. Nhờ vậy mà địa phương đã thực hiện được tiêu chí nhà ở, dân cư. Nỗ lực cán đích xã NTM vào những tháng cuối năm 2023.

Không giấu được niềm vui, ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ thông tin với chúng tôi: Toàn xã Quy Kỳ có 97 nhà dột nát. Đến giờ này đã xóa xong. Trong đó có nhiều nguồn lực hỗ trợ từ các cấp các ngành. Hiện, chúng tôi chỉ còn 9,91% hộ nghèo và sẽ tiếp tục để giảm nữa trong thời gian tiếp theo. Điều chúng tôi mừng hơn cả là khí thế thi đua của bà con, ai ai cũng háo hức, kỳ vọng và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp.

Sự háo hức mà ông Luân Đức Quỳnh nhắc tới hiển hiện trên gương mặt bà Lường Thị Vi xóm Thống Nhất 2. Bà thật thà: Cô không biết chỗ tôi ngủ trước thế nào đâu. Ôi trời ơi, nó khủng khiếp lắm, chỉ cần mưa bé đã dột chứ chưa cần nói đến mưa rào. Nó lại tối om om nữa. Trời hễ trở gió là tôi khỏi ngủ luôn. Nghĩ hoàn cảnh gia đình khổ quá, hai vợ chồng thằng con trai tôi (là anh Hà Quang Vĩ) dắt díu nhau vào Huế làm thêm. Chúng nó chuyên làm cốt - pha cho người ta xây nhà. Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”. Thời gian các cháu nó vào đó trời lại mưa nhiều, công việc không có đều, ăn chả đủ, lấy đâu tiền gửi về nuôi hai đứa con một lớp 9, một lớp 4 đang để nhà cho bà nuôi. Cầm cự mãi thấy không ổn, thế là chúng nó lại  dắt díu nhau về, làm thuê làm mướn kiếm ăn qua ngày. Tình cảnh đó, làm sao gia đình tôi dám mơ tưởng đến chuyện xây, sửa nhà. May thay, ơn Đảng, ơn Nhà nước, hồi tháng 2 vừa rồi, nhà tôi đã được hỗ trợ 10 tấn xi măng, 60 triệu đồng. Ngoài ra còn được vay ưu đãi thêm 40 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện. Thế là cất được cái nhà.

Nói rồi bà hào hứng kéo tôi vào khoe từng ngóc ngách của căn nhà. Trần nhà cao thoáng đãng, nền lát gạch hoa bóng loáng. Bà Vi giới thiệu đến đâu, tay dờ dờ vào từng chỗ đến đó, bà cứ giới thiệu đi, lại giới thiệu lại mãi không thôi! Tôi hiểu niềm vui mà bà đang có to lớn đến thế nào.

Nói đoạn, bà kéo tôi ra khoe con bò mỡ màng, óng ả đang thong thả nhai cỏ trong chuồng: Nó mới về nhà tôi được mấy tháng nhưng nom đẹp lên thấy rõ. Sau khi xây nhà, con tôi còn được vay tiền để mua con bò giống này. Nghe nói là từ chương trình giúp phát triển kinh tế gia đình. Thằng con trai tôi chăm con bò này lắm. Nó lại đang đi cắt cỏ cho bò rồi. Vợ nó thì từ hôm ở trong Huế về đi bóc gỗ keo thuê cho người ta. Giờ tôi không mong gì ngoài bản thân tôi và con cháu được khỏe mạnh. Tôi sẽ trông nom các cháu để bố mẹ nó yên tâm đi làm.

Để đạt được mục tiêu xóa nhà dột nát, huyện Định Hóa đã tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, nguồn hỗ trợ mà bà Vi nhắc tới chính là từ cuối năm 2022 đến nay, địa phương được nhận hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà từ nguồn do Tập đoàn VinGroup tài trợ cho chương trình xây dựng NTM huyện Định Hóa. Cũng nhờ đó mà hơn 800 ngôi nhà tạm, nhà dột nát của người nghèo trên địa bàn huyện đã được xây dựng.

Ngân hàng “tiếp sức” và nỗ lực của người dân

Bên cạnh đó, từ chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số ở Định Hóa đã được vay vốn ưu đãi để làm mới, sửa chữa nhà. Trong đó, 100% hộ được vay là người dân tộc thiểu số hoặc có thành viên là người dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Phúc Huệ, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Định Hóa cho biết: Sau khi thực hiện rà soát lại Chương trình thực hiện mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 đối với lĩnh vực cho vay nhà ở, đơn vị đã chủ động phối hợp với Phòng Dân tộc huyện tham mưu Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các xã thực hiện rà soát và ban hành quyết định phê duyệt để cho vay.

Chi nhánh Ngân hàng chính sách huyện Định Hóa cũng là đơn vị đầu tiên thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên thực hiện cho vay đối với hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Nghị định số 28/NĐ-CP trên địa bàn huyện. Trong năm 2022, đơn vị đã thực hiện cho vay 8.560 triệu đồng, với 214 hộ được vay. Năm 2023, ngân hàng tiếp tục cho vay 5.600 triệu đồng cho 140 hộ được vay. Dư nợ đến nay là 14.130 triệu đồng, với 354 khách hàng vay vốn.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức hội, đoàn thể và cộng đồng phải nói đến sự chủ động, quyết tâm của mỗi hộ gia đình trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Gia đình ông bà Nông Văn Thủy, Lường Thị Sửu, ở xóm Thống Nhất, xã Quy Kỳ huyện Định Hóa là một ví dụ. Năm nay ông Thủy đã bước vào tuổi 75, bà Sửu cũng tròn 70 tuổi. Ông bà có 3 sào ruộng nhưng không còn sức lao động. Chúng tôi được lãnh đạo UBND xã giới thiệu đây là trường hợp đặc biệt khó khăn, nhưng ý chí vươn lên của gia đình là điều rất đáng được trân trọng.

Những chính sách giúp người nghèo vơi khó
Bà Sửu tranh thủ đỡ con trai, con dâu những việc nhẹ như thái chuối cho bò

Mang theo sự trân trọng ấy, chúng tôi tìm đến xóm Thống Nhất 1, nơi vợ chồng ông bà Thủy, Sửu đang sinh sống. Đi qua khoảnh ao rộng, một bé trai chừng lớp 5, lớp 6 đang đầu trần giữa trưa ngồi câu cá. Hỏi thăm, thì ra đây là cháu nội của ông bà Thủy. Cậu bé dẫn chúng tôi vào đến sân nhà ông bà gọi to “Ông bà ơi, có khách”, rồi lại chạy lại chỗ chiếc cần câu nơi có mấy chú cá rô đang quẫy nước trong chiếc xô nhỏ. Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà chừng 60 – 70 m2, tinh tươm, được sơn màu xanh nhạt, mái lợp tôn đỏ au khá nổi bật. Sân trước nhà thóc mới thu về đang được tãi phơi. Trên tường là những túm rơm nếp thơm phưng phức, chắc là bà Sửu để dành sau bện chổi rơm. Cửa nhà vẫn mở, nhưng sau câu gọi của cậu bé, ngôi nhà vẫn khá im ắng. Nhìn sâu vào bên trong, một ông lão đang ngồi nơi có cánh cửa phụ đi ra sân giếng. Dáng vẻ ông gày gò, gương mặt nhằng nhịt những nếp gấp như thể tất cả dấu vết thời gian hội tụ cả ở đây.

Tôi lại gần vì tưởng ông không nghe rõ lời thằng bé gọi. Tay ông có vân vê lưỡi con dao cùn, nhưng không có phản ứng gì trước sự xuất hiện của người lạ. Vài phút sau vợ ông, bà Sửu bước ra, dù có đáp lời khách nhưng cũng có phần chậm chạp. Qua câu chuyện rời rạc với những nội dung mà tôi phải tự ráp nối, tôi biết được tình hình: Hai ông bà có 3 sào ruộng nhưng không còn sức lao động, phải nhờ các con cày cấy, thu gặt. Gia đình nhiều năm là hộ nghèo, sống trong căn nhà tranh, vách nứa trát đất với rơm.

Bà Sửu kể đại ý: Nhà cũ của tôi ở đúng vị trí nhà mới bây giờ, nó lụp xụp lắm. Mỗi khi mưa gió, hai ông bà hốt hoảng lắm. Những lúc ấy tôi nháo nhác đi tìm xô, chậu hứng nước dột từ mái xuống. Nước mưa chảy vào nhà cứ tong tong, mùa Đông thì rét lắm. Ao ước có một căn nhà mới là điều hai ông bà ao ước bao năm nhưng hoàn cảnh khó khăn, bản thân mình nghèo, các con cũng nghèo nên “lực bất tòng tâm”. Đến cuối năm 2022, từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tập đoàn, gia đình ông bà được cấp 10 tấn xi măng, 60 triệu đồng từ Tập đoàn VinGroup cũng như được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ưu đãi 40 triệu đồng. Tiền và xi măng đã có nhưng không thể đủ để cất lại ngôi nhà. Tuy nhiên, nếu không nhân cơ hội này để làm thì chắc vĩnh viễn chúng tôi không làm được nhà mà ở. Thế rồi, chúng tôi bàn với các con, chúng nó đứng ra lo liệu giúp.

Những chính sách giúp người nghèo vơi khó
Diện mạo nông thôn ở những xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một khởi sắc hơn nhờ tinh thần, ý thức trách nhiệm cộng đồng của mỗi người dân

Vừa hay chị Lương Thị Thu, con dâu của ông bà ghé chơi. Được biết việc đồng áng của bà là vợ chồng anh chị Thu lo liệu cả. Chị Thu tâm sự: Thấy ông bà vất vả, vợ chồng tôi xót mà chẳng làm gì được. Bản thân tôi cũng có một cháu gái sống nhờ tiền trợ giúp người khuyết tật của nhà nước. Hai vợ chồng đầu tắt mặt tối mà chẳng đủ ăn. Nghĩ nếu không cố gắng lo cho ông bà mà phải bỏ lỡ sự hỗ trợ của Nhà nước lần này thì tiếc quá, thế là hai vợ chồng tôi bàn với nhau đứng ra vay mượn thêm, rồi tự xây nhà để tiết kiệm tiền công, lúc nào cần đông người thì nhờ thêm anh em, hàng xóm. Ròng rã mấy tháng, chồng tôi xây, tôi xách vữa, cuối cùng nhà cũng xong để ông bà có chỗ nương thân những năm tháng cuối đời. Vợ chồng tôi cũng được an lòng. Mong trời thương cho chúng tôi được khỏe mạnh rồi làm dần để thanh toán công nợ là tôi không còn mơ ước gì hơn. Giờ khối tài sản lớn nhất gia đình đang có là con bò nái đang có chửa. Tôi được vay vốn để mua, chắc trời thương nên mới được mấy tháng nó đã lớn lên trông thấy mà có chửa ngay. Chỉ cần bê con ra đời, chăm bẵm cho nó cứng cáp là tôi có thể đỡ được một phần công nợ rồi. Nói đến đây, chắc chị Thu đang hình dung ra cặp bò mẹ con núc ních, nên gương mặt sáng bừng, nụ cười mãn nguyện.

Có thể nói, có được một ngôi nhà khang trang, vững chãi là mơ ước của mọi người, nhưng đồng thời cũng là thử thách với không ít người trong cuộc sống. Tương tự như vậy, nhà ở, dân cư là một trong những tiêu chí khó thực hiện đối với huyện miền núi Định Hóa. Bởi các gia đình trong diện cần hỗ trợ đều thuộc hộ nghèo và không dễ huy động nguồn đối ứng.

Bởi vậy, với kết quả huyện đã cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách là một nỗ lực rất lớn của chính quyền và người dân. Kết quả này đã giúp hàng nghìn người dân được an cư, vừa góp phần quan trọng giúp huyện hoàn thành tiêu chí nhà ở, dân cư cũng như các tiêu chí để đạt huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023.

Linh Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 5 giờ trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 19 giờ trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 ngày trước

Bản Tèn - cõi nhỏ nơi chân trời

Xem tin nổi bật 2 ngày trước