Những cây cầu hạnh phúc
Nếu được chọn một từ ấn tượng nhất để nói về 365 ngày vừa đi qua trên quê hương mình, thì tôi chọn từ “cây cầu”. Bởi những gì tôi thấy là hàng vạn con người đang bắt đầu dự tính tương lai bên những cây cầu mới.
Vẳng đâu đây tiếng gọi đò…
Tôi cho xe chạy rất chậm, từ đường Bắc Nam (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên) xanh rợp tán cây sấu, qua ngã tư là sang con đường trải nhựa mới tinh, chưa có biển tên nhưng người dân quanh đây gọi là đường Huống Thượng, có lẽ vì sẽ dẫn lên cây cầu xây trên đất Huống Thượng.
Hàng trăm ngôi nhà bấy lâu ẩn khuất nay lồ lộ mặt phố. Người xây nhà mới, người trổ cửa quay mặt ra đường mở quán bán hàng. Cứ thong dong ngắm phố mới, chẳng mấy chốc cầu Huống Thượng hiện ra trước mắt. Đi trên cây cầu 4 làn xe hiện đại nhất Thái Nguyên, tôi cứ ngỡ mình đang ở cảnh giới xa lạ nào. Tôi đọc báo thấy nói công trình này làm theo công nghệ Extradosed của Pháp, có khả năng nâng đỡ, chịu lực vượt trội, độ bền hàng trăm năm. Tôi dừng xe chụp ảnh trụ tháp hình búp chè e ấp, biểu trưng đất chè quê mình. Nhìn mềm mại thế nhưng tháp này neo giữ đến 32 bó cáp chịu lực nâng các nhịp cầu hai bên. Tôi nghĩ đến cầu Bến Tượng, niềm tự hào của tôi 5 năm trước, khi ấy là cây cầu hiện đại nhất Thái Nguyên vượt sông Cầu sang phía Bắc thành phố, nơi có khu nhà ở cao cấp mang tên Danko và nhiều công trình tuyệt đẹp khác. Tôi nghĩ đến cầu Gia Bẩy, cây cầu thủy chung gần trăm năm giữ sứ mệnh “con độc” nối cung đường yết hầu Thái Nguyên - Lạng Sơn nay vẫn bền bỉ cùng năm tháng.
Tôi dừng xe, lên phần đường dành cho người đi bộ đứng ngắm khúc sông hiền như mắt mẹ. “Sông Cầu nước chảy lơ thơ, ai chưa có vợ thì mơ sông Cầu”, câu thơ của ai “găm” vào óc tôi không biết từ bao giờ. Nước vẫn lơ thơ và xanh biếc, cách đó không xa, cầu treo cũ im lìm soi bóng. Không còn tiếng sàn sắt vang động không gian mỗi khi có người qua. Tôi chợt nghe thoảng đâu đây tiếng gọi “đò ơiiii”. Tiếng gọi vọng từ ký ức tôi, một thời xa, xa lắm.
Thời học cấp ba, tôi có vài người bạn nhà ở xã Huống Thượng (khi đó thuộc huyện Đồng Hỷ). Các bạn sáng đi học chiều đồng áng cày cuốc, chứ không được rong chơi như “dân thành phố” chúng tôi. Ngày ấy, Huống Thượng là cái tên khá xa xôi, bởi phải đi qua vùng rau, vùng hoa Túc Duyên, Túc Tiến lập lòe đom đóm (vào buổi tối), đến bờ sông gọi “đò ơiiiii” khản giọng, phải chờ đò lâu lâu mới được sang sông. Trong số bạn từ Huống Thượng sang học, có Trần Quốc Đoàn, cậu bạn cao gầy, yêu thể thao và có năng khiếu môn chạy điền kinh. Gia đình bạn ở xóm Hóc, cổng làng có cây đa ngự trị từ bao giờ người già nhất xóm cũng không biết, cạnh cây đa là miếu làng, giếng nước. Giống hầu hết người xóm Hóc, nhà bạn tôi thiếu ăn quanh năm. Vào kỳ giáp hạt, những người lớn trong nhà (gồm ông bà, bố mẹ và bạn là con trai cả) mỗi ngày chỉ đánh lừa dạ dày bằng vài mẩu sắn. Mùa gặt, được ăn bát cơm trắng rưới thìa nước tương đã là niềm hạnh phúc lớn của bạn tôi.
Ngày đó, người Huống Thượng kết nối với Thành phố của tôi bằng chiếc đò chèo tay kẽo kẹt của gia đình ông Bút và một con đò nữa vượt sông Đào sang khu Gang thép, người chèo đò là bà Mộc. Bạn tôi kể có lần từ trường về nhà đã tối muộn, không có đò, bạn phải đi vòng sang Gang thép, gọi bà Mộc chở qua sông, về đến nhà là gần một giờ sáng.
Lần này vừa qua cầu, tôi đã nhìn thấy cây đa cổ thụ, chỉ dấu ngõ vào nhà bạn. Nhìn đồng hồ, tôi đi hết mười phút, thay vì trước kia mất gần tiếng đồng hồ mới đến được nơi này. Tôi hỏi chuyện cụ Ngô Thị Chung, 85 tuổi. Sinh ra ở xóm Già, lấy chồng xóm Hóc. Cụ Chung vẫn nhớ con đò và chiếc cầu phao lập lềnh mặt nước. Tôi hỏi chuyện cụ Đặng Thị Lừng, 86 tuổi, cụ kể bến đò là nơi tụ họp đông nhất. Học sinh đi học, người ốm đi viện, bao cảnh đời nhờ cậy cả vào con đò. Tôi gặp ông Lê Quang Bình, 72 tuổi và bà Gái (vợ ông), họ nói với tôi về những buổi sáng đẩy xe rau lặc lè qua đò, qua cầu phao mang ra thành phố bán. Có lần bà Gái vừa bước xuống cầu phao thì sợi dây chằng cầu đứt phựt, may bà đu được vào cái xe đi trước nên không bị rơi xuống sông. Ông Bình “khoe” vừa đưa các hội viên chi hội Cựu chiến binh đi thăm cầu, theo đường Động Lực chạy lên Chùa Hang. Bà Gái thì bảo buổi tối cuối tuần cầu Huống Thượng đèn lung linh, người hai bên cầu đổ ra chơi vui lắm.
Vậy là, chỉ bằng một nhịp cầu vững chãi, đôi chân bê tông khổng lồ đã sải bước qua sông Cầu. Cầu treo, đò, thuyền… đã lùi vào kỷ niệm, nay là câu chuyện về tương lai của vùng đất giàu tiềm năng phía đông thành phố.
Xin gọi tên là cầu Hạnh Phúc
Tôi đọc được bài thơ của tác giả Dương Văn Mưu (hội viên Chi hội Thơ) về niềm vui khi quê hương bạn vừa khánh thành cầu vượt sông:
“Niềm vui cầu mới giờ đã gọi tên
Đường vành đai Năm mềm như khuông nhạc
Sông Cầu êm đềm miên man gió hát
Nhịp cầu tựa nốt luyến ngân nga…”.
Cây cầu Dương Văn Mưu nói đến là cầu Xuân Phương, một hạng mục của Dự án đường vành đai 5 của Chính phủ. Đường dài 330km, mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, có 29km chạy qua địa phận T.P Thái Nguyên, Sông Công, Đại Từ, Phú Bình và Phổ Yên, trong đó cầu Xuân Phương vượt sông Cầu nối xã Xuân Phương và Nga My (Phú Bình). Khỏi phải nói niềm vui của người dân nơi này khi có cầu mới. Không chỉ thông thương cơ hội phát triển kinh tế, kết gắn vùng miền, mà cầu Xuân Phương còn thêm một điểm nhấn cho vùng đất cổ Phú Bình, nơi có những cây cầu Cong xây dựng hàng trăm năm trước, như sự tiếp dẫn độc đáo của quá khứ và hiện tại.
Một cây cầu vượt sông nữa đang làm nức lòng nhân dân thành phố Phổ Yên cũng đang mỗi ngày hiện rõ hình hài. Trên trang facebook cá nhân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Bảo cập nhật thường xuyên tiến độ xây dựng. Cầu có điểm đầu giao cắt đê tả sông Cầu tại Km4 + 310 thuộc địa phận xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và điểm cuối giao cắt với đê Chã tại Km2 + 450 (lý trình đê sông Cầu) thuộc địa phận xã Đông Cao, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Trước mắt tôi, cây cầu đã lộ rõ vóc dáng đường bệ. Chỉ nay mai, khi công trình gần 600 tỷ này hoàn thành, thì Bắc Giang và Thái Nguyên chỉ cách nhau 430 mét. Thành phố trẻ Phổ Yên và nơi “hội tụ” cụm công nghiệp huyện Hiệp Hòa dường như không còn khoảng cách.
Tôi đứng ngắm đoạn sông Chã, bến đò thô sơ dẫn từ mặt đường xuống sông bằng bậc thang đá cũ kỹ. Gần thế kỷ qua, con đò xưa và con phà đang mải miết kia vẫn là phương tiện duy nhất nối đôi bờ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Bảo nói: Vào những ngày phiên chợ, người đi lại đông lắm, hai con phà thay nhau chở hết công suất mà người chờ vẫn đứng kín bến sông. Nhưng không xa nữa, bến phà chắc sẽ thành kỷ niệm. Chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội để lưu lại những hình ảnh này.
Nếu chỉ kể những cây cầu vượt sông sẽ là không đủ. Năm 2023 còn đánh dấu sự ra đời của cây cầu vượt đường sắt tại vị trí giao cắt giữa các tuyến đường Hoàng Văn Thụ - Quang Trung - Việt Bắc và tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên (thành phố Thái Nguyên) nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối đô thị và thu hút đầu tư. Người công nhân xây dựng đang chạy đua với thời gian để đưa cây cầu vượt cùng đón Tết Nguyên đán. Đứng ngắm họ làm việc tôi bỗng nhớ một thời chưa xa, mỗi lần tàu đưa khách vào ga Đồng Quang, cả đoạn đường kẹt cứng, còi xe inh ỏi, người xuôi người ngược hỗn độn. Rồi mai đây, khi những chuyến tàu chở khách hồi sinh, tiếng còi tàu vào ga chắc cũng thảnh thơi hơn. Người đón, người đưa chắc đủ bình tâm để bày tỏ tình cảm chia ly hay tái ngộ.
Tôi lại nhớ mới năm trước thôi, hầm cầu chui qua đường sắt Bắc - Nam (trên đường Thống Nhất, phường Gia Sàng) khi hoàn thành đã giải tỏa áp lực cho lượng lớn xe cộ không phải băng qua đường sắt nguy hiểm. Bớt đi tai nạn giao thông là tăng lên hạnh phúc trong mỗi ngôi nhà.
Trở lại điểm cầu Huống Thượng, tôi bon bon theo đường Động Lực chạy xuyên qua làng quê xưa. Những tên xóm: Thông, Chùa, Huống Trung vun vút hai bên đường. Vẫn còn vạt sắn, tía tô, ổi, rau ngót vào kỳ thu hoạch còn sót lại. Một gác chuông nhà thờ cao vút hiện ra khiến tôi ngỡ ngàng. Ông trùm giáo họ là Phạm Ngọc Thành niềm nở tiếp tôi. Ông Thành bảo: Từ ngày con đường Động Lực đi qua, nhiều người nhìn thấy gác chuông nên rẽ vào chơi. Con đường Động Lực chạy xuyên địa phận xóm Nam Sơn, Bến Đò, Hùng Vương của xã Linh Sơn gần 2km thôi mà gần 100 nhà ra mặt đường, như các ông bà: Phạm Xuân Trường, Phạm Văn Quảng, Lê Vĩnh Liêm, Phạm Thanh Hương, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Thế Lâm... Nhà ông Thành cũng “bỗng dưng” có 60 mét bám đường chính, đất sản xuất hầu như còn nguyên, tính theo thời giá hiện nay ông có trong tay gần 4 tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Khải, giáo dân Nam Sơn tâm đắc: Quang cảnh khác nhanh quá cô ạ. Tôi ở đất này hơn nửa thế kỷ mà lâu lâu ra đường chỉ lo bị lạc. May là khi mở đường Động Lực, từ xa đã nhìn thấy gác chuông nhà thờ, nên tôi cứ lấy gác chuông làm điểm hẹn.
Vậy là, cây cầu Huống Thượng không chỉ thay thế cầu treo cũ, mà còn kết nối, khai mở vùng đất rộng lớn phía Đông thành phố, mang lại giàu có, hạnh phúc cho biết bao con người.
Tôi không nghĩ là mình đã điểm hết những cây cầu đã hoàn thành trong năm 2023 này. Rồi đây, vùng đất Huống Thượng, Linh Sơn, Đồng Bẩm, Chùa Hang (thành phố Thái Nguyên), Đông Cao (Phổ Yên), Xuân Phương, Nga My (Phú Bình)… chắc chắn sẽ đổi thay nhanh chóng. Cuộc sống bao người Thái Nguyên hạnh phúc hơn nhờ những cây cầu. Nhưng tôi lại mong, nét đẹp làng quê bao đời như cây đa, miếu thờ, giếng làng đừng mất, để có phút giây như lúc này, ở cổng làng Hóc, tôi được ngắm vô vàn phiến lá đa đỏ rơi lao xao xuống thềm sân giếng cổ.
Ký. Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...