Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”
Những cây bút từng mặc áo lính của văn xuôi Thái Nguyên
Trước hết nhìn trong đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên thì những người đã qua quân đội cũng không phải ít. Với quá trình kế tiếp nhau sáng tác trong những năm qua, các nhà văn từng mặc áo lính của Thái Nguyên đã để lại một số lượng đầu sách đáng kể. Ở đây, tôi xin đi vào hai vấn đề: Những điều họ luôn trăn trở và đã thể hiện qua tác phẩm của mình; Những yêu cầu cụ thể đặt ra với họ trước xu thế mới của xã hội.
Với người viết, môi trường sống luôn là những tác động ăn sâu vào tâm hồn. Nó bồi đắp thêm vốn sống, tác động vào suy tư của họ. Những cọ xát, quan sát bao điều xung quanh giúp họ tìm ra chất liệu riêng để dựng lên bức tranh mà mình trăn trở. Môi trường quân đội có một đặc thù riêng. Đó là tính chất nhiệm vụ. Đó là mối quan hệ đồng đội, quan hệ quân dân, quan hệ quốc tế. Đặc biệt trong chiến tranh thì sự gian khổ, mất mát, hy sinh như trở thành lẽ thường của người lính.
Lớp viết văn chiến sỹ ở Thái Nguyên có nhiều người trực tiếp trải qua chiến đấu như cố nhà văn Lê Thế Thành, Trần Quang Toàn, nhà văn Đỗ Dũng, Khánh Hạ, Nguyễn Minh Sơn, Dương Mạnh Việt, Đào Nguyên Hải, Phan Thái. Còn lại nhiều người qua phục vụ quân đội, thanh niên xung phong trong thời kỳ chiến tranh. Vì vậy mà sau khi hòa bình, bao vấn đề ngổn ngang đặt ra cho những người cầm bút mặc áo lính. Có người vẫn đau đáu với đề tài chiến tranh, người lại trăn trở trước những bộn bề dựng xây trong cuộc sống khi đã trở về quê hương.
Chiến tranh đang dần lùi xa, nhưng đề tài ấy vẫn được nhiều nhà văn trăn trở. Đại diện cho những người viết nhiều về đề tài này gồm các nhà văn Đỗ Dũng với hai tiểu thuyết “Trung đoàn 165” và “Sư 312 một thời để nhớ”, hay các tập ký về cuộc chiến ở Quảng Trị. Những nơi đơn vị nhà văn đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào, Quảng Trị và tham gia giải phóng miền Nam. Các tác phẩm của nhà văn nóng bỏng không khí chiến tranh, với cả những nỗi đau không nhỏ về sự mất mát. Dương Mạnh Việt với nhiều truyện ký về chiến trường Lào mà nổi bật là các truyện “Chiến thắng Pha Thí”, “Bên dòng Nậm Khan” miêu tả lại những trận đánh đầy khó khăn trước một điểm cao rất lợi hại được ví như con mắt Đông Dương của Mỹ đặt tại đất Lào. Cố nhà văn Lê Thế Thành với tập truyện ngắn “Những cánh đồng và những dòng sông” lại có một sự chiêm nghiệm khi đã đủ độ lùi về chiến tranh. Ông đi sâu vào nỗi đau khi cùng một dân tộc bị ngoại bang tác động lại chĩa họng súng vào nhau, và hậu quả để lại sau khi chiến tranh đã đi qua. Nhà văn Nguyễn Minh Sơn là một thương binh nặng. Anh viết không nhiều, nhưng những trang viết của anh vẫn luôn hướng về đề tài chiến tranh. Nhà văn Khánh Hạ với tập truyện ký “Chuyện bây giờ mới kể” cũng là những câu chuyện mà chính tác giả cùng đồng đội lăn lộn trên chiến trường, đặc biệt là chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đào Nguyên Hải là nhà văn đóng góp các tác phẩm về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Tiểu thuyết “Apsara dưới trăng” và rất nhiều truyện ngắn của anh đã khắc họa hình ảnh người lính ở một mặt trận đặc biệt này. Nhà văn nữ Ngọc Thị Kẹo tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Tác phẩm “Đồng đội tôi” của chị viết về một lực lượng phục vụ chiến đấu tại chính quê hương Thái Nguyên. Ngoài ra ba tiểu thuyết “Người đàn bà không chồng”, “Nàng Khâu Âu đa tình”, “Gió đồng làng Am” và bốn tập truyện ngắn “Ông ba chấm”, “Nơi bước chân đã đi qua”, “Đôi chân mày nét ngang”, “Đoạn khuất” lại thuộc các đề tài miền núi, nông thôn để chuyển tải những điều chị suy tư, nung nấu về thân phận người phụ nữ miền núi, về cuộc đấu tranh với những toan tính ích kỷ của đội ngũ cán bộ cơ sở ở nông thôn.
Có nhà văn khi bình yên trở về sau chiến tranh, lại hòa nhịp vào một cuộc sống mới. Những xô bồ của cuộc sống dựng xây, chuyển đổi cơ chế thị trường đã tác động vào suy tư của họ. Việc chuyên tâm đi sâu vào đề tài nông nghiệp của cố nhà văn Trần Quang Toàn với ba tập truyện ngắn đã đóng góp cho Thái Nguyên những bức tranh về nông thôn với nhiều màu sắc riêng biệt. Đó là nói lên những thói hư tật xấu cố hữu ở làng quê. Đó là những mối quan hệ phức tạp ngay chính trong mỗi mái nhà, và cả láng giềng mà xã hội vẫn luôn cho nét văn hóa đẹp từ ngàn xưa. Nhà văn Phan Thái sau khi tham gia chiến đấu ở biên giới phía bắc trở về môi trường mới, môi trường công nghiệp. Là một người trong cuộc, anh đã có bốn tiểu thuyết viết về đề tài này “Cơm áo chợ đời”, “Đèn giời”, “Sóng bên ngày nắng”, “Lửa khuất” cùng mấy tập truyện ngắn. Đây là cả một quá trình quan sát, nghiền ngẫm về những được mất của thời kỳ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Phan Thái. Những hệ lụy của một thời bao cấp, cộng với sự lợi dụng của lợi ích nhóm làm trì trệ một doanh nghiệp đầu tàu của cả nước đã được nhà văn đưa vào tác phẩm. Thời gian gần đây trăn trở nhiều với các dấu ấn lịch sử, anh đã cho ra đời năm cuốn tiểu thuyết lịch sử nữa về mảnh đất Thái Nguyên. Đó là “Linh Sơn tử chiến” viết về cuộc chiến của nhà Lý chống quân Tống cách đây gần một nghìn năm ở mảnh đất Linh Sơn. “Bình minh máu” viết về lịch sử mỏ than Phấn Mễ thời Pháp thuộc. “Thanh gươm và cây tính tẩu” cũng là cuộc chống quân Tống ở các tỉnh phía Bắc. “Thái Nguyên hiệu quân sứ” viết về những ngày đầu làm quan của thi hào Nguyễn Du tại Thái Nguyên. “Nắng phía sau mặt trời” viết về Đại đội thanh niên xung phong 915 tại Thái Nguyên. Đây là cả một sự nhiệt huyết, trở trăn với những dấu mốc lịch sử của quê hương mà nhà văn Phan Thái đã dày công sưu tầm, nghiên cứu cho từng tác phẩm.
Bên cạnh các đề tài nóng hổi của cuộc sống thì viết cho đối tượng thiếu nhi là một việc không hề dễ. Hai nhà văn có duyên với mảng viết này là Ngọc Thị Lan Thái và Trần Chín. Việc đóng góp cho văn học thiếu nhi làm phong phú thêm thành quả mà đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên đã cống hiến trong những năm qua.
Như vậy, để trả lời cho câu hỏi những vấn đề đặt ra với đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên đã là người lính trong những năm qua, tôi đã lược qua một số mảng đề tài mà các nhà văn chúng ta đã thể hiện bằng tác phẩm để chứng minh. Qua đây có thể thấy đề tài chiến tranh vẫn luôn được các cây bút quan tâm. Tôi nghĩ món nợ này vẫn còn rất lớn. Hai cuộc chiến tranh kéo dài gần ba mươi năm. Tầm cỡ lịch sử của nó có dấu ấn không riêng của chúng ta mà còn trên toàn thế giới. Sự tàn phá của nó với đất nước và con người là vô cùng nặng nề. Nhiều nhà văn đã lăn lộn trên các chiến trường, giờ là lúc để họ tìm tòi, nghiền ngẫm để khắc họa lại không khí một thời chiến tranh, để đề cập đến nỗi đau khi đủ độ lùi và có cả những lý giải vì sao chúng ta đủ bền bỉ, kiên cường chịu đựng hy sinh để chiến thắng.
Tuy vậy, những tác phẩm về đề tài này chưa nhiều so với đội ngũ văn xuôi đã mặc áo lính ở Thái Nguyên. Các tác phẩm còn hạn chế về sức lan tỏa so với các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của bạn bè trên cả nước. Những đề tài khác cũng là những thúc bách trực tiếp với ngòi bút các nhà văn. Họ đã vẽ lên nhiều bức tranh với các gam màu buồn vui, tranh đấu của đời sống làng quê, nhịp sống công nghiệp, tái hiện lại lịch sử quê hương hay dành cho thiếu nhi, một đối tượng đặc biệt trong văn học. Có thể đánh giá rằng, trong chặng đường vừa qua, đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên đã tiếp cận với nhiều lĩnh vực của đời sống và đã có thành quả đáng kể thể hiện trên các đề tài qua hàng trăm tác phẩm đã được phát hành.
Vấn đề thứ hai, trước xu thế mới của đất nước, đội ngũ viết văn từng mặc áo lính Thái Nguyên cần đặt ra những yêu cầu cụ thể nào. Câu hỏi này chỉ được trả lời bằng tác phẩm. Đất nước chúng ta đang trong giai đoạn vừa bảo vệ, vừa dựng xây nên có bao điều đổi thay. Những tác phẩm của người cầm bút luôn phải phản ánh chân thực nhịp sống xã hội. Các mảng đề tài mà những năm qua các nhà văn Thái Nguyên đã miệt mài tìm tòi sáng tạo vẫn chưa bao giờ cũ. Đề tài chiến tranh còn là món nợ lớn với các nhà văn, nhất là những người đã và đang mặc áo lính. Ba mươi năm kháng chiến giải phóng dân tộc vẫn đang như một kho tàng lịch sử ẩn chứa bao điều, tuy đã được nhiều người viết khám phá. Mảnh đất Thái Nguyên nói riêng, các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung nơi nào cũng đã từng có khói lửa đạn bom. Mỗi mái nhà, mỗi xóm làng, mỗi nhà máy, cây cầu đều có câu chuyện về chiến tranh. Vậy thì vấn đề cụ thể mà mỗi nhà văn áo lính của Thái Nguyên cần làm là có tiếp tục tìm tòi để tái hiện, để lý giải bao điều vẫn còn ẩn chứa đó không? Câu hỏi đó chỉ có thể trả lời bằng tác phẩm.
Với các mảng đề tài khác của xã hội, các nhà văn đã mặc áo lính vẫn là những công dân. Nhịp sống của xã hội phát triển luôn đồng hành những điều tiến bộ, tốt đẹp và những mặt trái độc hại. Vấn đề đặt ra với người viết trước hết phải là công dân mẫu mực. Tâm mình sáng mới nhìn ra những khoảng tối còn lẩn khuất xung quanh. Lòng mình trung thực mới có thể viết về những điều dối trá trong xã hội một cách không khoan nhượng. Ta có cái nhìn khách quan, bao dung thì việc giải quyết vấn đề mới thật sự nhân văn, hướng thiện. Các đề tài thì mãi mãi không bao giờ cạn. Đề tài công nghiệp với những phát triển mới mở ra bao hướng đi cho người viết, cái khó là đòi hỏi người viết phải đi sâu, am hiểu từng công việc cụ thể trong lĩnh vực này. Đề tài nông thôn, miền núi, thiếu nhi cũng vậy. Quanh ta biết bao điều tác động hàng ngày. Hiện nay, tập tục, lối sống, kể cả ngôn ngữ riêng của từng dân tộc cũng bị mai một nhiều. Thời đại 4.0 đang tràn vào mọi ngõ ngách đời sống, tác động đến mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tìm trong bao điều của sự chuyển động hỗn độn đó để có tác phẩm cho mình mới là vấn đề đặt ra cho mỗi nhà văn.
Thành quả mà các nhà văn từng mặc áo lính làm được trong những năm qua cùng sự cống hiến cho nền văn học và sự dựng xây của đất nước đã nói lên trách nhiệm và nhiệt huyết công dân của các lớp nhà văn đặc biệt này. Thời gian tới đang mở ra nhiều chủ đề trong các mảng đề tài mà các nhà văn đã từng và đang theo đuổi. Xin chúc các nhà văn có nhiều tìm tòi mới và có nhiều thành công trong sáng tạo.
Phạm Quý
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...