Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024
00:53 (GMT +7)

Những câu thơ ân nghĩa, ân tình

(Đọc tập thơ “Bến sông xưa” của Ngọc Thị Lan Thái, NXB Hội Nhà văn, 2024)

 

Ngọc Thị Lan Thái sinh ra và lớn lên bên bờ sông Cầu (xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Dòng sông hiền hòa, thơ mộng đã góp phần nuôi dưỡng và làm giàu thêm tâm hồn của chị.

Khởi đầu con đường đến với văn chương của Ngọc Thị Lan Thái là những trang văn xuôi và viết kịch bản. Những năm gần đây chị đã viết truyện ngắn và thơ cho thiếu nhi, bước đầu đã thành công.

Bến sông xưa là tập thơ thứ 7 của Ngọc Thị Lan Thái, gồm 64 bài thơ. Dù đề cập đến nội dung chủ đề nào, hay thể hiện dưới hình thức thể thơ nào, tác giả đều lựa chọn kỹ càng từng câu, từng chữ, với ý thức sáng tạo đáng trân trọng.

Thời gian và hoài niệm về quá khứ

Thời gian trong thơ Ngọc Thị Lan Thái không chỉ vẽ lên bức tranh nhiều màu sắc, âm thanh, vẻ đẹp riêng của thời gian qua các mùa, mà còn đưa ra những thông điệp, gửi gắm đến mọi người lời nhắn nhủ trân quý đời sống. Thời gian luôn đem đến cho con người những thi vị về cuộc sống muôn màu: “Tháng Ba thanh minh trong trẻo/ Vườn xanh ươm nụ nẩy mầm/ Đêm nghe gió về bịn rịn/ Bồi hồi nhớ những ngày xuân” (Tháng Ba). Người đọc như nhìn thấy, nghe thấy nụ hoa đang cựa mình trong nắng ban mai: “Mùa gieo tình nồng cháy/ Tháng Ba về ngẩn ngơ/ Chờ nhau trong hương cốm/ Hẹn về ngàn ý thơ” (Tìm nhau tháng Ba).

Những câu thơ ân nghĩa, ân tình

Trong thơ Ngọc Thị Lan Thái, thiên nhiên và tâm hồn con người đã hòa quyện vào nhau. Thiên nhiên ở đây không chỉ là màu sắc, âm thanh, mà còn có cả hương vị, đưa đến những câu thơ cảm xúc: “Tháng Mười trăng gác đầu non/ Khát khao thu gọi xuân sang đợi chờ” (Tháng Mười). Thời gian đã tạo nên một bức tranh kỳ ảo, huyền diệu đầy màu sắc với hình ảnh “Trăng gác đầu non”. Câu thơ đem đến vẻ đẹp đầy sức sống với sắc màu của mùa xuân: “Đông qua, xuân đã về rồi/ Đào mai khoe sắc, lộc chồi đã lên”.

Nhà thơ Ngọc Thị Lan Thái là người luôn sống tình cảm, yêu thương, ân nghĩa: “Người về lặng lẽ lối xưa/ Thương câu thơ cũ gió mưa rối lòng” (Duyên trời). Chị luôn mong ước được san sẻ tình cảm cho người mình quý mến: “Còn đây một sợi tơ hồng/ Buộc duyên ai giữa mênh mông đất trời” (Duyên trời) và “Mong anh trở lại nơi đây/ Chiều thu vẫn tím hương say vẫn nồng” (Ước gì).

Thời gian trong thơ Ngọc Thị Lan Thái thường gắn với hoài niệm. Chị dung hòa giữa hai trạng thái vui buồn khi nhớ về quá khứ: “Tôi về thăm lại sông xưa/ Lô nhô sỏi đá cạn khô nước nguồn/ Cá tôm búng nước đâu còn/ Bờ dâu bến cũ lối mòn quạnh bong”, để rồi “Ước gì ôm được dòng sông/ Để tôi ru lại nỗi lòng ngày xưa” (Thương lắm sông ơi). Nước cạn, nước đầy, bên bồi, bên lở… là điều diễn ra tự nhiên của dòng sông, nhưng dòng chảy thời gian đã để lại bao điều trăn trở trong chị: “Sông xưa bến cũ còn đây/ Nụ cười nghiêng nón vơi đầy tháng năm” (Bến sông xưa). “Nụ cười nghiêng nón…” là một cách nhìn mới lạ của nhà thơ khi hoài niệm về quá khứ.

Không chỉ là hoài niệm về dòng sông, vùng đất, tình người, mà tác giả còn dành nhiều cảm xúc tới một thú chơi tao nhã:“Chỉ là một cánh diều thôi/ Mà neo nỗi nhớ bao người chốn quê” (Cánh diều quê). Ở đây, cánh diều không còn là thú chơi dân dã mà đã trở thành một phần tình cảm của con người và là hồn cốt quê hương trong tâm hồn tác giả.

Âm hưởng trầm bổng của mưa và tình yêu đôi lứa

Có đến trên mười bài thơ tác giả đề cập đến “Mưa”, với nhiều cung bậc, cảm xúc khác nhau: “Trời mưa trút xuống mái hiên/ Tiếng mưa rơi gõ vào miền xa xôi” (Mưa). Được sinh ra và lớn lên bên bờ sông Cầu, hơn ai hết chị đã thấu hiểu những trận mưa đầu nguồn xối xả trút xuống dòng sông, tạo thành dòng nước lũ hung dữ, đe dọa con đê, đe dọa sự sống. Rồi những cánh đồng ngập úng, làm thất bát mùa màng. Tất cả còn hằn sâu trong kí ức mọi người: “Sấm rền bục cả cơn mê/ Thấm vào ta những ê chề mưa ơi” (Mưa đêm). Để rồi: “Xin trời bớt hạt mưa rơi/ Để nguôi ngoai nỗi đầy vơi cõi lòng” (Mưa).

Mưa trong thơ của Ngọc Thị Lan Thái mang âm hưởng trầm, bổng, nhặt, thưa. Đặc biệt, mưa ở đây còn là sự nuối tiếc, được ví như những bước chân của người lầm lạc: “Nghe mưa trong lòng trống vắng/ Đục trong câu nhặt, câu thì/ Mưa rơi trong lòng cứ ngỡ/ Bước người đang lạc lối đi” “Em ngồi chuốt hạt mưa rơi/ Mưa bao nhiêu hạt đầy vơi nỗi lòng” (Mưa xuân). Chữ “chuốt” ở đây là một sự sáng tạo về ngôn ngữ của tác giả.

Mưa đã đem lại nhiều tâm trạng cảm xúc, làm giàu thêm tâm hồn của tác giả, đem đến những câu thơ đầy hình ảnh, âm thanh.

Thông thường khi nói về tình yêu, người ta thường đề cập đến hạnh phúc, sự nồng nàn, vòng tay êm ấm… Ngọc Thị Lan Thái lại có cách nhìn khác: “Khi ta yêu biển thôi gầm sóng vỗ/ Bởi trời ghen nên gió cuốn mây vần” (Biển và anh). Thơ của chị về chủ đề tình yêu thể hiện sự khát khao, ước vọng, làm cho người đọc không chỉ cảm thông, chia sẻ, mà nhiều khi thấy xót xa: “Mượn bàn tay đặt lên trán/ Hương thơm tỏa ấm nồng nàn” nhưng cuối cùng “Lấy tay lần tìm tay mượn/ Bờ vai lạnh giữa… tay mình” (Mượn). Người đọc thấy hẫng hụt như chính mình đang trong hoàn cảnh ấy. Tác giả không ngần ngại, mà tự bộc bạch mình: “Một đời tỉnh, một đời mơ/ Mong lời ai thả đến giờ… mà không!” (Thả).

Những nỗi niềm trăn trở

Tình nghĩa thầy trò, một mối quan hệ từ ngàn xưa vẫn được xã hội trân trọng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nhưng những năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế thị trường, người ta thường đề cập đến những sự tác động tiêu cực của đồng tiền. Với Ngọc Thị Lan Thái lại khác, chị viết về những hình ảnh đời thường rất thanh cao, đáng trân trọng của người thầy năm xưa: “Thầy ngồi lặng lẽ - chõng thưa/ Soạn bài trong cái nắng trưa vũ vần/ Mồ hôi nhỏ giọt xuống chân/ Bóng thầy hắt giữa mấy lần trời xanh”, để rồi “Một đời chèo lái vững tay/ Con thuyền tri thức chở đầy nghĩa nhân” (Vầng Dương).

Người ta thường ví người thầy là “Người lái đò trên sông”, Ngọc Thị Lan Thái lại gọi thầy là “Dòng sông xanh” - dòng sông chứa đầy tri thức, truyền dạy cho bao lớp học trò không hề vơi cạn. Thời gian trôi qua, tác giả và bao lứa học trò đã trưởng thành, lại chính là lúc chị thấy xót xa: “Khi thuyền cập bến bờ hạnh phúc/ Thì thầy ơi - sông ấy đã già”, và mong ước: “Chỉ ước ao dòng sông ấy không già/ Và vỗ nhịp đời con mãi mãi/ Sông - Thầy ơi con mong ngày trở lại/ Để được vui trọn vẹn giữa Sông - Thầy” (Con sông Thầy). Một ước ao giản dị, nhưng đầy lòng biết ơn của một người sống nhân nghĩa, ân tình.

Thơ Ngọc Thị Lan Thái còn viết về chùa chiền, chốn linh thiêng. Chị đã mạnh dạn đi vào đề tài này với cách nhìn, cách cảm riêng. Tác giả luôn cảm nhận bằng tâm thế nhẹ nhàng, cảm thông: “Hương trầm sưởi ấm lời kinh/ Cửa thiền nhẹ nỗi nhân tình thế gian” (Đón nắng) và “Lá đa xao xác chân Nghê/ Chuông chùa giục giã dội về vang ngân/ Nghe rơi đọt nắng ngoài sân/ Để lòng ao ước một lần có nhau”. Không chỉ là sự cảm thông, mà tác giả còn nhận thấy một phần mình trong đó: “Chạm vào Nghê đá, thấy thương lòng mình”. Có lúc nhà thơ còn ngỡ ngàng, thảng thốt, tự đặt ra câu hỏi:”Cửa thiền u tịch/ Đường đời là đâu/ Ngàn năm bia đá/ Gửi gì mai sau?” (Lên chùa). Đây là một câu hỏi, nhưng cũng là sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc của nhà thơ.

***

“Thơ là Người”, đọc tập thơ Bến sông xưa của Ngọc Thị Lan Thái, dù ở nội dung gì, chủ đề nào, người đọc đều cảm nhận được ân nghĩa, ân tình trong từng con chữ. Xin chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu tập thơ Bến sông xưa cùng bạn đọc.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy