Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
11:12 (GMT +7)

Những cánh thư xuân

VNTN - Như đã thành quen, mỗi độ thời gian điểm những ngày cuối của năm, cả Tòa soạn lại háo hức, mong chờ những cánh thư chất chứa đầy cảm xúc tin yêu, những góp ý chân thành, giàu tính xây dựng mà bạn đọc, cộng tác viên muôn nơi gửi đến - như chở cả mùa xuân về với Văn nghệ Thái Nguyên.


Mong Văn nghệ Thái Nguyên đến gần hơn với độc giả nhỏ tuổi

Em được tiếp cận với Văn nghệ Thái Nguyên là bởi trường em hay có tranh vẽ của các bạn học sinh được đăng Báo vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu..., và đặc biệt thầy giáo của em cũng hay có thơ được đăng trên VNTN.

Đọc VNTN, em thấy có rất nhiều chuyên mục như: Chính trị - Xã hội, Sáng tác Văn học, Văn học nước ngoài, Nghiên cứu - Trao đổi, Nghệ thuật, Văn hóa - Đời sống... nhưng mục Dành cho các em thiếu nhi chỉ thấy xuất hiện vào những dịp đặc biệt như em đã kể trên. Có lẽ vì Báo không tập trung dành cho đối tượng độc giả là học sinh chúng em, Báo cũng không đến các trường học... Bởi vậy mà cơ hội học sinh, thiếu nhi chúng em được tiếp cận với Báo là rất hạn chế.

Bản thân em và có lẽ nhiều bạn học sinh, thiếu nhi khác nữa rất mong muốn tờ báo VNTN có thêm các chuyên mục dành cho thiếu nhi được tổ chức thường kỳ, đây cũng là cơ hội cho chúng em - những thiếu nhi tỉnh nhà được thử sức mình, bộc bạch tâm tư nguyện vọng của bản thân. Và điều mong muốn hơn nữa là Báo có thể được cấp phát đến các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những nơi có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, giúp các em học sinh được tiếp cận với các tác giả, tác phẩm văn học địa phương cũng như trong và ngoài nước. Em hy vọng, VNTN ngày một thêm lớn mạnh và được biết đến nhiều hơn bởi những độc giả nhỏ tuổi.

Em Trần Gia Linh (Lớp 8A, trường THCS Hoàng Ngân, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa)


Tờ báo phong phú, đầy sức sống

Văn nghệ Thái Nguyên chỉ gói gọn trong 12 trang, nhưng có nhiều chuyên mục mang đậm chất văn học nghệ thuật. Qua đó bạn đọc được thưởng thức nhiều các sáng tác thơ, truyện ngắn hay trong nước; các tác phẩm văn học đặc sắc trên thế giới; các bài viết về nghệ thuật kiến trúc, nhiếp ảnh, hội họa, biểu diễn... đa dạng, phong phú; những bài nghiên cứu, lý luận phê bình mảng văn học vừa đánh giá, luận bàn chuyên sâu các tác phẩm văn học qua nhiều thời kỳ vừa bám sát thực tiễn sáng tác hiện nay, đồng thời có những trao đổi học thuật thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng...

Chính bởi nội dung phong phú, đầy sức sống ấy mà bản thân tôi, từ lâu đã yêu mến VNTN và trở thành cộng tác viên thường xuyên của Báo. Từ cá nhân mình, tôi nhận thấy điều rất quý ở đội ngũ biên tập viên VNTN là đã tạo được sự gắn kết với cộng tác viên, thường xuyên liên hệ, trao đổi, định hướng nội dung và khích lệ cộng tác viên trong quá trình viết bài, tạo dựng được niềm tin yêu để họ không chỉ là cộng tác viên ruột mà còn là những bạn đọc thân thiết của Báo.

Việc Báo không chỉ phát hành trên giấy mà có cả Trang thông tin điện tử, có phiên bản Mobile giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận Báo hơn là một điểm cộng lớn. Cùng với đó, Báo in khá đẹp trên giấy tốt, các trang báo được trình bày đẹp mắt, có cảm giác các bài viết được sang trọng hơn, nâng lên hơn dù chỉ là mặt hình thức. Trang thông tin điện tử trình bày trang nhã, dễ đọc, tuy nhiên nếu có thể cải thiện giao diện đẹp hơn nữa thì càng tạo được sự hấp dẫn nơi bạn đọc. Cũng có một góp ý nho nhỏ với Báo, xuất phát từ ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, ấy là số lượng trang in của Báo có hạn, để có thể dành chỗ cho nhiều chuyên mục hơn, những truyện ngắn chọn in, nên chọn truyện có nội dung cô đọng, không nên dài quá một trang báo, tất nhiên vẫn phải đảm bảo tính hay và đặc sắc. Còn những tác phẩm có dung lượng quá dài, nhưng cũng bởi tính hay và đặc sắc Báo có thể chọn lựa đăng tải trên Trang thông tin điện tử - nơi không hạn chế về đất đai.

Đại tá, nhà văn Phạm Thanh Cải (TP. Hà Nội)


Gửi chút tình miền Trung

Mối duyên của tôi với Văn Nghệ Thái Nguyên tính đến nay đã được hơn bốn mùa xuân. Lúc đó tôi vẫn đang tập tành với nghề dịch trong những ngày nhàn rỗi cuối khóa cao học; một anh bạn trong lớp vốn sống qua được sáu năm ở Quy Nhơn nhờ nghề viết báo bày vẽ cho tôi cách gửi bài đi khắp nơi. Ngược về năm trước nữa thì cũng nhờ thầy tôi ở trường đại học khuyến khích tôi bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ so với ngành học này. Ban đầu tôi chỉ cộng tác với vài tờ báo địa phương và trong Nam; rồi chẳng hay từ lúc nào, bài của tôi đã đều đặn lên sóng một tờ báo tận “ngoài ấy”.

Tôi còn nhớ lúc nhận được tờ báo biếu đầu tiên thì thấy hơi ngạc nhiên; bởi cứ nghĩ VNTN là Tạp chí như hầu hết ấn phẩm của các Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh khác, hóa ra VNTN là Báo - một điều khá đặc biệt. Báo không dày lắm - chỉ 12 trang - trình bày đẹp và bao giờ cũng có một bức ảnh chiếm hết nửa trang bìa khá bắt mắt. Với người lười đọc báo giấy thì đó hẳn là ưu điểm không thể bỏ qua. Phải nói thật là tôi đã mất thói quen đọc báo giấy từ lâu lắm rồi, nhưng mỗi lần nhận được báo biếu từ VNTN lại thấy có thể bớt chút thời gian ngồi nhâm nhi đọc.

Ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã hơn 5 năm vào nghề. Tiếng Pháp có câu mà phiên ra tiếng Việt “dịch là diệt”, cho nên tôi luôn tâm niệm phải bám vào nguyên tác càng sát càng tốt. Nói vậy cũng không có nghĩa là có chữ nào thì bê nguyên chữ đó. Từ thế kỉ IV đã có ngài Cưu Ma La Thập có công thay đổi phương pháp biên dịch, dịch ý và lấy tinh thần của văn bản gốc; vậy thì mười mấy thế kỉ đã qua, người hiện đại như ta không được đi thụt lùi chứ. Chính tay tôi từng biên tập bài dịch của một bạn sinh viên ngoại ngữ và cười ra nước mắt khi bạn chuyển cụm “fall in love” ra thành “ngã vào tình yêu” đấy.

Suy cho cùng thì mấy ai sống nổi bằng dịch thuật; nhưng đã yêu thích thì có thức đêm thức hôm sau một ngày đi làm rã rời hay dịch cả quyển tiểu thuyết rồi cất nhẹm đi vì làm gì có tiền đi in, vẫn không làm thui chột lòng người được. Dù sao vẫn thấy cuộc sống thú vị khi lâu lâu lại nhận được báo biếu từ phương xa, còn nhuận bút thì đủ cho những thú vui con gái.

Một năm nữa đã lại qua, thâm niên tăng lên cùng tuổi tác. Ngoài kia nắng vàng nhuộm rực rỡ, chợt nghĩ không biết “ngoài ấy” có ăn Tết ấm áp như quê mình không. Cho nên xin được gửi chút gió xuân hây hây mang hương đồng bằng miền Trung theo cánh nhạn ngược lên phương Bắc để tri ân cái tình bấy lâu thấy chữ là thấy người trên từng trang báo.

Chị Trương Thị Mai Hương (Tỉnh Bình Định)


Người bạn đồng hành thân thiết, thủy chung

Trong số những sách báo mà tôi yêu thích thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật, văn hóa thì Văn nghệ Thái Nguyên là tờ báo gắn với tôi nhiều kỷ niệm và tình cảm sâu nặng.

Có lẽ, vì là hội viên Hội VHNT tỉnh, nên tôi có Báo VNTN từ số đầu tiên cho đến số hiện tại. Nhiều số báo VNTN tôi không còn giữ được do hoàn cảnh khách quan, do tôi chia sẻ với người khác cùng đọc. Nhưng trong tôi, VNTN luôn là người bạn đồng hành, là món ăn tinh thần quý giá.

Mấy năm gần đây, VNTN có nhiều đổi mới đáng ghi nhận. Báo có chuyên trang, chuyên mục rõ ràng, đăng nhiều bài viết của các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình tên tuổi, có tiếng vang trong nước và trên thế giới. Vì thế, VNTN có thể đi xa hơn, có điều kiện giao lưu với bạn đọc nhiều nơi hơn, không quanh quẩn “ao nhà”. Nhưng cũng chính vì tiêu chí chọn “Tác phẩm hay” mà VNTN đăng không nhiều các tác phẩm của hội viên Hội VHNT tỉnh. Nhiều cây bút thấy nản, gửi không được đăng, không thấy Ban Biên tập góp ý sửa chữa, nên không gửi bài nữa. Nhưng có một thực tế, một số bài của người viết Thái Nguyên không đăng được ở VNTN, nhưng lại đăng ở báo Trung ương hay các tỉnh thành khác. Vậy thì, tiêu chí “hay” cũng cần cân nhắc lại.

Đọc VNTN, tôi không bỏ sót trang mục nào. Nhưng tôi thích nhất các trang: Sáng tác Văn học, Nghiên cứu - Trao đổi, Văn học nước ngoài. Vì, tôi có thể gặp ở đấy những truyện ngắn, chương tiểu thuyết, bài thơ hay. Trang Nghiên cứu - Trao đổi có nhiều bài lý luận phê bình có tính học thuật, chuyên sâu, giúp ích rất nhiều cho người cầm bút, người quan tâm đến văn học nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng. Trang Văn học nước ngoài, dù chỉ đọc bản dịch của các dịch giả, nhưng cũng đã giúp bạn đọc tiếp thu cách nghĩ, cách viết, làm quen với nhiều nền văn hóa khác nhau của nhân loại. Với trang Tin tức, sự kiện đã phản ánh được những sự kiện, vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, khi tường thuật sự kiện, cần chọn lọc từ ngữ đúng. Ví dụ, tường thuật Đại hội 7 của Hội VHNT tỉnh, báo ghi là “đông đủ hội viên đến dự”. Phải sửa là “đông đảo” hoặc “đa số”, chứ vẫn vắng nhiều hội viên thì gọi là “đông đủ” sao được? (Cũng có người đọc nghiêm túc, hơi “vinasoi” chút đấy).

Theo tôi, VNTN chưa quan tâm nhiều đến đối tượng bạn đọc là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn. Nên chăng, Báo có nhiều bài viết phù hợp với họ, ta sẽ thu hút được thêm nhiều độc giả. Tìm hiểu, tôi thấy trên Trang thông tin điện tử của Báo, có số lượng người truy cập khá lớn. Đó là tín hiệu mừng. Báo giấy VNTN, giá bán bằng một cốc kem. Sao chúng ta không nghĩ cách để các bạn trẻ mua báo thích hơn mua kem?

Với một Ban Biên tập không nhiều người, đa số là các bạn trẻ, mà VNTN ra được báo tuần là rất đáng nể. Chỉ có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Thái Nguyên ra được báo văn nghệ hàng tuần. Đó là sự nỗ lực, rất đáng tự hào.

Có thể nói, với tôi, VNTN là một người bạn thân thiết, thủy chung. Tôi vui mừng khi Báo đã đi vào đời sống tinh thần của nhân dân Thái Nguyên, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nhân cách con người, lan tỏa những giá trị Chân - Thiện - Mỹ đến nhiều tầng lớp nhân dân...

Nhà thơ Mai Thắng (Hội viên Hội VHNT tỉnh)


Tờ báo địa phương chuyên nghiệp, đặc sắc, chất lượng

Là một phóng viên từng hoạt động ở lĩnh vực văn hóa văn nghệ, tôi theo dõi khá nhiều tờ báo, chuyên trang, tạp chí… về văn nghệ trên quy mô cả nước. Trong số hàng trăm ấn phẩm được xuất bản định kỳ hàng tuần, hàng tháng ấy, Văn nghệ Thái Nguyên để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp về một tờ báo địa phương chuyên nghiệp, đặc sắc và chất lượng.

Kỷ niệm sâu sắc của tôi đối với VNTN, là lần đầu tiên được Ban Biên tập chọn đăng thơ. Tất nhiên, được đăng tác phẩm trên một tờ báo mình yêu thích là điều rất đáng mừng, không chỉ với cá nhân tôi. Nhưng quả thật, tới khi nhận được nhuận bút của Báo, tôi thực sự bất ngờ và xúc động, bởi không phải tờ báo địa phương nào cũng đủ điều kiện trả nhuận bút cho cộng tác viên cao như vậy. Với các tác giả, nhuận bút không phải là yếu tố quyết định đến niềm đam mê sáng tạo. Song không thể phủ nhận, đó là yếu tố rất quan trọng, góp phần động viên, thúc đẩy nỗ lực của người viết. Bên cạnh chế độ đãi ngộ với cộng tác viên, tôi đặc biệt ấn tượng ở nội dung đa dạng, phong phú trên mỗi số báo VNTN. Mục sáng tác với những truyện ngắn, bài thơ thực sự có chất lượng, giới thiệu được nhiều gương mặt tác giả với những lối viết độc đáo và cá tính. Những tuyến bài dạng phóng sự, ký sự, phản ánh… có tính đa chiều, cung cấp cho độc giả nhiều góc nhìn, lăng kính sắc sảo và ấn tượng. Điều đáng mừng là nhiều bài viết trên VNTN mang tầm vĩ mô, có tính thời sự và thời đại; đã góp phần phản ánh một cách sinh động hơi thở của đời sống (nhất là đời sống văn nghệ) không chỉ của tỉnh Thái Nguyên, mà còn của cả nước.

Mong rằng, trong thời gian tới VNTN sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao cả về nội dung lẫn hình thức, giữ vững vị thế là một trong những tờ báo văn nghệ địa phương hàng đầu của cả nước.

Phóng viên An Thư (Tỉnh Thanh Hóa)


Dễ đi vào lòng người

Là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận tổ dân phố nên tôi có điều kiện được thường xuyên đọc các ấn phẩm báo, bản tin nội bộ trong tỉnh, trong đó có Văn nghệ Thái Nguyên - một tờ báo hay, không khô cứng, dễ đi vào lòng người.

Báo có nhiều câu chuyện, bài thơ xúc động, cứ như nói hộ lòng mình. Các bài viết mang tính giáo dục sâu sắc song không giáo điều, cứng nhắc mà vừa như khuyên nhủ, vừa như tâm tình. Có nhiều phóng sự, ký sự hay, giúp người đọc nhận ra sự thật đằng sau những việc tưởng là tốt. Ví dụ như những bài về quỹ TYM, về bán hàng đa cấp, hàng tri ân… Mảng viết về chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa… tôi cũng rất thích. Đó là những bài viết tường thuật một số vấn đề của phiên họp Quốc hội, về các vùng miền văn hóa không những trong nước mà còn trên thế giới, đặc biệt là những bài viết về lịch sử địa phương như Lý Nam Đế, Tiến sĩ Đỗ Cận, Tế tướng Lưu Nhân Chú, Đại đội 915…

Là cán bộ hưu trí, tôi có nhiều thời gian dành cho việc đọc. Tôi thường chọn lọc các bài hay trong Báo VNTN, Báo Thái Nguyên, Bản tin nội bộ…, để khi họp Chi bộ, chia sẻ với các đồng chí, từ đó, thông tin đến được với nhân dân. Thực sự với tôi, đọc báo là món ăn tinh thần không thể thiếu, trong đó có VNTN.

Ông Lưu Văn Thận (Bí thư Chi bộ tổ dân phố Nguyên Gon, phường Cải Đan, TP. Sông Công)


Đáng là một người bạn trân quý!

Hơn một năm trước, qua một người bạn, tôi biết đến Văn nghệ Thái Nguyên - một tờ báo cách tôi cả ngàn cây số. Kể từ đó, tôi luôn theo dõi VNTN trên mạng, và gửi bài cộng tác với Báo.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là VNTN luôn chọn ảnh bìa rất đẹp, những bức ảnh, tranh vẽ nghệ thuật rất hồn! Có khi là phong cảnh, tĩnh vật, hay kiến trúc, nhưng tạo dấu ấn nhất, đi vào lòng người nhất và cũng thấy thường xuyên xuất hiện nhất là những bức ảnh nghệ thuật khắc họa đời sống sinh hoạt và chân dung người lao động - những con người bình dị mà hiện lên sáng ngời! Chúng cũng giống như cánh cửa để nhìn vào đó người đọc biết bên trong ngôi nhà văn học này là những trang viết hướng về cuộc sống, con người và những điều đẹp đẽ. Tôi thường đọc các trang như: Sáng tác Văn học, Nghệ thuật, Văn hóa - Đời sống… - nơi có những sáng tác thơ, truyện ngắn, những bài viết mang hơi thở cuộc sống xưa và nay, vừa gần gũi lại vừa mới mẻ.

Ngoài ra tôi cũng rất thích Trang Bạn đọc, một trang gồm nhiều mục nhỏ, có vẻ vụn vặt song ý nghĩa của nó lại không hề nhỏ. Những bức hí họa, những bài thơ châm biếm đọc/xem có thể cười đấy, song cũng thấm đấy! Thấm cái sự xấu xa, đểu giả, thói hư tật xấu, tham quan nhũng nhiễu... còn tồn tại trong xã hội nhiều quá, nhức nhối quá, chua cay quá!

Cảm nhận của cá nhân tôi, VNTN thực sự là một tờ báo chất lượng, đáng là một người bạn trân quý của độc giả gần xa.

Họa sỹ Nguyễn Văn Dũng (TP. Hồ Chí Minh)


Học hỏi được nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới

Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã gắn bó với Chi bộ và người dân xóm tôi từ nhiều năm nay. Mỗi số báo được chúng tôi xếp gọn gàng trong chiếc tủ tại Nhà văn hóa để người dân dễ tiếp cận.

Theo dõi Báo, tôi thích nhất các trang Chính trị - Xã hội và Phóng sự - Ký sự vì đây đều là những vấn đề gần gũi, thiết thực với người nông dân chúng tôi. Đặc biệt, hiện nay phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa tại nhiều địa phương trong tỉnh, thì việc những bài viết về những mô hình, cách làm hay của các địa phương khác luôn được chúng tôi tìm hiểu kĩ để học tập và áp dụng vào xóm. Nhờ Báo mà chúng tôi biết được có những xóm làm mô hình nông thôn mới rất hay như mô hình hòm tiết kiệm xây dựng nông thôn mới ở xóm Bãi Hội, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa; mô hình xây dựng đường hoa ở thị xã Phổ Yên, hay các mô hình phát triển kinh tế được nhiều bà con ghi lại địa chỉ để đến tận nơi học hỏi. Những vấn đề chính trị - xã hội nổi bật trên Báo cũng được chúng tôi chọn lọc, ghi lại để đưa ra trao đổi bàn bạc tại các buổi sinh hoạt của Chi bộ xóm.

Theo dõi VNTN nhiều năm, tôi nhận thấy nội dung báo ngày càng phong phú, chất lượng, hình thức trình bày bắt mắt. Đặc biệt là cách viết mềm mại, sâu sắc, dễ đọc và cuốn hút. Tôi mong rằng thời gian tới, Báo sẽ tiếp tục có thêm những bài viết về cơ sở, những mô hình, cách làm hay trên địa bàn tỉnh để người dân chúng tôi học hỏi thêm.

Nguyễn Thị Nhường (Trưởng xóm Quyên, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình)


Sâu sắc, đa diện, vượt thoát khỏi vùng miền

Với tôi, Văn nghệ Thái Nguyên là một trong số ít những tuần báo văn nghệ tỉnh có được chất lượng bài vở cao, vượt thoát khỏi vùng miền của một tờ báo địa phương.

Đầu tiên là sự đầu tư chỉn chu về mặt hình thức: báo được in màu với khổ lớn, trình bày gọn gàng, khoa học, bắt mắt với hình ảnh minh họa bài bản, đạt thẩm mỹ cao. Thứ đến là nội dung báo sâu sắc và đa diện: các vấn đề nóng hổi của xã hội được cập nhật liên tục với những bài viết chuyên sâu, có nhiều phát hiện mới mẻ, chạm đến các vỉa tầng, ngóc ngách của đời sống đương đại.

Tôi đặc biệt thích đọc chuyên mục Thơ. Đây là nơi những tác phẩm viết về biển đảo, quê hương, hoặc chiến tranh… thường xuất hiện. Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc rưng rưng khi bài thơ “Gạc Ma sau đêm ấy” của tôi được đăng trang trọng trong chùm thơ viết về Gạc Ma vào một dịp đặc biệt năm 2016. Với người cầm bút, chỉ cần vậy thôi cũng thấy ấm lòng và được sẻ chia biết bao! Là một cộng tác viên thường xuyên, tôi cảm nhận được sự tận tâm của Ban Biên tập. Còn nhớ kỷ niệm lần tôi gửi bài bút ký về cuộc sống của công nhân lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Do hiếm khi viết thể loại này, nên bài viết của tôi chưa đa diện lắm. Ban Biên tập đã tận tình trao đổi và gợi ý để tôi viết thêm một chương cho bài viết sâu sắc hơn…

Thời đại 4.0, tính tương tác đang được đặt lên hàng đầu, tôi trộm nghĩ: mục bình thơ VNTN có thể mở thường xuyên hơn. Độc giả trên cả nước có thể tùy chọn bài thơ mình thích của số báo trước, bình và gửi về Ban Biên tập để tuyển chọn bài bình tốt nhất, đăng tải trong số báo tới. Điều này cũng nhằm khích lệ, động viên người viết, vì họ vốn rất cô độc trên trang viết của riêng mình…

Nhân dịp xuân Canh Tý 2020, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, thành công, hạnh phúc đến toàn thể Ban Biên tập và chúc tuần báo VNTN ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Anh Lê Hòa (TP. Hồ Chí Minh)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục