Những bước chuẩn bị đầu tiên cho việc hình thành ATK Định Hóa, Thái Nguyên
KỶ NIỆM 65 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2019)
VNTN - Thái Nguyên là một tỉnh miền núi- trung du; phía bắc giáp tỉnh Bắc Kạn, phía đông nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía đông bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía tây nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía nam giáp Thủ đô Hà Nội. Vị trí địa lí này đã tạo cho Thái Nguyên có một thế chiến lược đặc biệt quan trọng, là áo giáp bảo vệ kinh thành Thăng Long - Hà Nội từ phía bắc.
Dân cư Thái Nguyên bao gồm nhiều thành phần dân tộc. Mỗi thành phần dân tộc có những nét riêng biệt về phong tục tập quán, nhưng đều có điểm chung nhất là truyền thống yêu nước và cách mạng, một lòng kiên trung, quyết xả thân vì nước mỗi khi đứng trướchọa ngoại xâm.
Thái Nguyên bị thực dân Pháp chiếm đóng từ tháng 5/1884, sau 2 lần đánh chiếm (tháng 3 và tháng 4/1884) không thành. Chúng nhanh chóng thiết lập bộ máy cai trị do viên Công sứ người Pháp cầm đầu. Tháng 4/1913, Đáclơ (Darles) được cử sang làm Công sứ tỉnh Thái Nguyên. Cầm đầu bộ máy cai trị tại tỉnh này (4/1913 - 9/1917), Đáclơ lộ rõ là một tên hung ác nổi tiếng bậc nhất trong những tên quan thực dân hung ác. Câu: Nhất Đác (Darles), nhì Ke (Ecker), tam Be (De Galambert), tứ Bít (Bride) của người đương thời đã phân rõ thứ hạng 4 tên quan Công sứ gian ác nhất ở Đông Dương lúc bấy giờ. Điều khác biệt này là một trong những lí do để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dù đang hoạt động ở nước ngoài, quan tâm tới Thái Nguyên ngay từ những năm 20 của thế kỉ XX.
Đầu tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp tham chiến. Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Trung Quốc đã có những nhận định và quyết đoán thiên tài. Tháng 8/1940, từ Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), Người trở lại Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây) cùng với một số cán bộ, chuẩn bị điều kiện và chờ cơ hội thuận lợi để trở về Tổ quốc lãnh đạo phong trào cách mạng. Chính tại nơi đây, với tầm nhìn chiến lược, Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta… Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ” (1).
Như vậy, với tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Ái Quốc, Thái Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Do đó, “… khi Bác về Pác Bó đã có ý định phát triển cơ sở xuống Thái Nguyên, vì Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng” (2). Chính từ ý tưởng này, sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phái 2 cán bộ (Nông Văn Quang và Trương Văn Thiết) về Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) tìm bắt liên lạc và chuyển thư của Người đến đồng chí Vũ Hưng. Nhưng vào lúc này, thực dân Pháp đang ráo riết lùng bắt đồng chí Vũ Hưng, nên việc chắp nối liên lạc không thành. Cũng từ ý tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tại căn cứ địa Cao Bằng, 19 Ban xung phong Nam tiến được thành lập để mở các con đường quần chúng về hướng Thái Nguyên. Một số cán bộ được phân công nhiệm vụ đánh thông con đường từ Đông Khê về Đình Cả (Võ Nhai, Thái Nguyên). Các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng phụ trách Ban Xung phong Nam tiến, có nhiệm vụ mở con đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã để nối liền với Chợ Chu (Định Hoá)…
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), thời cơ cho nhân dân ta nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền nhanh chóng chín muồi. Từ lúc này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có ý định chuyển về huyện Định Hoá (Thái Nguyên) để lo việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Về sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại như sau: “Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tôi đã cùng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến về Chợ Chu (Định Hoá, Thái Nguyên) và thống nhất hai đội quân Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với đội Quân cứu quốc thành Việt Nam Quân giải phóng tại Định Biên Thượng (Định Hoá). Tiếp đó, tôi nhận được chỉ thị của Bác Hồ bố trí cho Bác về làm việc ở Chợ Chu. Tôi bàn với hai anh Tấn và Song Hào đề nghị Bác chọn Tân Trào, vì Chợ Chu tuy cơ sở chính trị, kinh tế đều tốt nhưng có đường thông thương với Thái Nguyên dễ bị uy hiếp; còn Tân Trào, dân cư có thưa thớt, kinh tế có khó khăn nhưng địa thế hiểm trở hơn. Châu Sơn Dương còn cách tỉnh lị Tuyên Quang bởi con sông Lô, tiện bảo vệ”(3). Do vậy, từ tháng 6/1945, khi thành lập Khu Giải phóng thì Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) được chọn làm Thủ đô.Định Hoá (Thái Nguyên) là lá chắn bảo vệ phía đông nam và là nơi cung cấp nhân lực, vật lực chủ yếu cho Thủ đô Khu Giải phóng.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tình hình chính trị nước ta hết sức phức tạp và căng thẳng. Thực dân Pháp ngày càng lộ rõ mưu đồ đặt lại ách thống trị thực dân kiểu cũ lên đất nước ta một lần nữa. Chúng liên tiếp gây ra các vụ khiêu khích ngày càng trắng trợn. Trước tình hình đó, Chính phủ ta đã kí với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946) nhằm kéo dài thời gian hòa bình để xây dựng lực lượng, chuẩn bị kháng chiến. Nhưng vừa kí xong, thực dân Pháp đã ngang nhiên bội ước. Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng (19/10/1946) nhận định: “… không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phái đánh Pháp”(4).
Để bước vào kháng chiến một cách chủ động và giành thắng lợi, cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang, vấn đề xây dựng căn cứ địa, xây dựng hậu phương trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. “Căn cứ địa là chỗ đứng chân của cách mạng, đồng thời là chỗ dựa để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh đáu tranh cách mạng; trên ý nghĩa đó, nó cũng là hậu phương của chiến tranh cách mạng”(5).
Chính vì vậy, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa.Cuối tháng 10/1946, Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến.
Giữa tháng 12/1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt (thành lập tháng 11/1946) lần lượt lên vùng Việt Bắc để khảo sát địa điểm. Sau một thời gian nghiên cứu, Đội quyết định chọn một số địa điểm nằm sâu trong Căn cứ địa Việt Bắc, mà trung tâm là các huyện: Định Hóa (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) và khu vực Nam Chợ Đồn (Bắc Kạn), làm nơi xây dựng ATK của Trung ương. Bốn huyện này giáp giới nhau, có cùng chung dãy núi Hồng; là những nơi có đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa, bảo đảm sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động trong những năm chiến tranh ác liệt.
Nhận được chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Thái Nguyên cử nhiều cán bộ về huyện Định Hóa cùng với cán bộ địa phương xuống các xã động viên, tổ chức nhân dân hiểu rõ đường lối kháng chiến của Đảng. Các đội công tác của Trung ương, của tỉnh quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp trong nhân dân các dân tộc để xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với cán bộ, bộ đội và nêu cao ý thức cảnh giác, giữ gìn bí mật, kịp thời phát hiện bọn gián điệp lọt vào căn cứ.
Trong khi các đội xây dựng ATK cùng các tổ công tác của tỉnh triển khai công tác vận động quần chúng, một số cán bộ được tăng cường về các xã khu vực phía Nam và Tây Nam huyện (Trung Lương, Sơn Phú, Bình Thành, Phú Đình, Điềm Mặc, Đồng Thịnh, Định Biên, Bảo Linh) xây dựng đại bản doanh.
Cùng thời gian trên, các cơ quan Trung ương rời khỏi Hà Nội, chuyển dần về phía tây nam thuộc địa phận các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Phần lớn các cơ quan, cơ sở hậu cần quân đội được chuyển ra vùng ven các thành phố, thị xã, rồi chuyển dần lên Việt Bắc. Các cơ quan y tế, giáo dục… cũng nhanh chóng chuyển lên căn cứ.
Hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm… từ những vùng địch có thể đánh chiếm, được chuyển về các khu vực an troàn. Quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để hoàn thành việc di chuyển trước khi chiến sự lan tới. Một khổi lượng lớn máy móc, dụng cụ… thuộc các tỉnh từ Ninh Bình trở ra, được đưa về Ứng Hòa (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội), Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) và chuyển dần lên ATK theo các tuyến đường: Hòa Bình - Hưng Hóa - Tuyên Quang - Chiêm Hóa, Phủ Lạng Thương - Thái Nguyên - Chợ Chu - Chợ Đồn.
Đầu năm 1947, đợt tổng di chuyển hoàn thành. Hầu hết các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Quốc phòng, các cơ quan kinh tế, văn hóa, giáo dục… đều lần lượt chuyển lên Căn cứ địa Việt Bắc - ATK.Đó đồng thời cũng là quá trình thực hiện kế hoạch nghi binh, đánh lạc hướng các mũi săn lùng của địch. Trong lúc địch đang chú ý vào hướng Tây Nam Hà Nội, thì cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước bí mật “thiên đô” lên hướng Tây Bắc. Nhờ vậy, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4/1947, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội… đã có mặt tại các địa điểm trong vùng ATK.
Nà Mòn (Phú Đình), Phụng Hiển (Điềm Mặc)… là những nơi ở, làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Trường Chinh. Thẩm Khảm, Thẩm Giạc (Phú Đình) là nơi ở, làm việc của Chính phủ và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở, làm việc tại các xóm: Đồng Chua (Thanh Định), Gốc Hồng (Quy Kỳ), Khẩu Hấu, Khẩu Tràng (Điềm Mặc), Bảo Biên (Bảo Linh), bản Piềng (Yên Thông)… Bộ Tổng Tham mưu ở Đồng Đau (Định Biên), bản Quyên (Điềm Mặc), Yên Thông, Phú Đình, Thanh Định…
Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về khu vực Tây Nam Hà Nội từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Mờ sáng ngày 4/3/1947, Người rời Sơn Tây, qua bến đò Trung Hà sang địa phận Phú Thọ trên đường di chuyển lên ATK. Cùng đi với Người có 8 cán bộ vừa làm cảnh vệ, vừa làm liên lạc và cấp dưỡng. Đồ dùng của Người mang theo gồm có chăn, màn, vài bộ quần áo, đôi dép cao su, chiếc máy chữ và ít tài liệu, sách vở đựng trong chiếc túi nhỏ. Từ ngày 2/4/1947, Người ở tại làng Xảo (xã Bình Phú, còn gọi là xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang).
Tối 19/5/1947, từ làng Xảo (Sơn Dương, Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ cảnh vệ và giúp việc trèo đèo, lội suối sang ATK Định Hoá. Ngày 20/5/1947, Người đến ở và làm việc tại một căn lán được dựng trên đồi Khau Tý thuộc thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định (nay là bản Quyên, xã Điềm Mặc) và ở đó cho đến ngày 11/10/1947. Từ đây có con đường mòn đi sang Sơn Dương, xuống Đại Từ, lên Chợ Đồn, ra Phú Lương và nhiều đường tắt đi lại kín đáo.
Để đảm bảo bí mật - một trong những nguyên tắc nghiêm ngặt nhất trong thời kì kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc. Có lúc, Người ở huyện Định Hoá, có lúc sang Sơn Dương, Yên Sơn, có lúc lên Chợ Đồn hoặc sang Võ Nhai. Riêng huyện Định Hoá, Người đã từng ở và làm việc tại thôn Điềm Mặc từ ngày 20/5 đến ngày 11/10/1947, Khuôn Tát (xã Phú Đình) từ ngày 20 đến ngày 28/11/1947, Nà Lọm (Phú Đình) từ ngày 7/3 đến ngày 12/9/1948 và cuối năm 1951, bản Pèo (Phú Đình) từ ngày 12/5 đến ngày 1/6/1949… “Cơ quan Trung ương Đảng, cơ quan đồng chí Trường Chinh thường ở gần cơ quan của Bác và Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng Tư lệnh, chủ yếu là ở Lục Rã (Phú Đình), cũng có lúc cơ quan chuyển sang Tân Trào nhưng ít lâu sau lại trở về chỗ cũ…” (6).
Như vậy, từ mùa xuân 1947, trên vùng rừng núi Định Hóa đã hình thành một khu an toàn (ATK) của Trung ương, chủ yếu nằm ở các xã: Phú Đình, Định Biên, Thanh Định (gồm địa phận các xã: Thanh Định, Điềm Mặc và Bình Yên ngày nay). Trong những khu rừng xanh biếc, lẩn khuất giữa các bản làng, có cả một bộ máy của Nhà nước kháng chiến hoạt động với một niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.Đó chính là nguồn sức mạnhkhông gì ngăn cản nổi để dẫn đến chiến thắng từng bước và sau 9 năm, đã làm nên một trận Điện Biên Phủ “Lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” (Thơ TốHữu).
Sự hình thành ATK Trung ương ở Việt Bắc nói chung và Định Hóa nói riêng là một trong những bước chuẩn bị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cho đến ngày thắng lợi.
Đón đọc bài tiếp theo: “ATK Định Hóa với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”
TS Nguyễn Xuân Minh
(1)Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử. Nxb Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 38, 39.
(2) Võ Nguyên Giáp: ATK Định Hoá trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp. Xem Kỉ yếu Hội thảo khoa học: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hoá trong căn cứ địa Việt Bắc, tr. 8, 9.
(3)Xem Kỉ yếu Hội thảo khoa học: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hoá trong căn cứ địa Việt Bắc, xuất bản 1997, tr. 9
(4)Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 8 (1945 - 1947). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 133.
(5)Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước. Nxb QĐND, Hà Nội, 1994, tr. 105.
(6) Võ Nguyên Giáp: ATK Định Hoá trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp. Xem: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hoá trong căn cứ địa Việt Bắc (1947 – 1954). Kỉ yếu Hội thảo khoa học, xuất bản 1997, tr. 8.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...