Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:40 (GMT +7)
KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2024)

Những bóng hồng trong “làng báo huyện”

Nghề phóng viên vốn đã vất vả, với phóng viên nữ, khó khăn dường như tăng lên bội phần. Thế nhưng, vượt qua nhiều trở ngại, những bóng hồng trong “làng báo huyện” vẫn luôn tâm huyết với nghề, bám sát cơ sở, nỗ lực đưa thông tin một cách nhanh nhạy, kịp thời đến người dân.

Những nữ phóng viên “n trong 1”

Mỗi lần về cơ sở lấy thông tin để viết bài tôi thường liên hệ trước với các anh chị phóng viên ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện. Đến huyện miền núi Định Hóa, tôi thường liên lạc và đi cùng chị Quế Chi. Xởi lởi và thân thiện, lần nào về cơ sở tôi dường như cũng thu nạp được nguồn năng lượng tích cực tỏa ra từ chị. Gần 20 năm làm phóng viên của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Định Hóa (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện), chị Lường Quế Chi cần mẫn sản xuất hàng ra nghìn tin, bài có chất lượng phục vụ các chương trình phát thanh của đơn vị cũng như cộng tác với các cơ quan báo chí của tỉnh và Trung ương. Những đỉnh núi, chân đèo, bản làng xa xôi đều in dấu chân nhiệt thành của nữ phóng viên người dân tộc Tày này.

Phóng viên Quế Chi (Định Hóa)
Phóng viên Quế Chi (Định Hóa)

Tôi khẽ khơi gợi lại chuyện nghề nhân dịp 21/6. Ánh mắt nhìn xa xăm, bao nhiêu ký ức vui buồn được chị Chi kể lại đầy xúc động: Ngày tôi mới vào nghề, chồng thường xuyên đi làm xa, hai con còn nhỏ. Có những buổi vội đi làm sớm, tôi lại bế con sang gửi hàng xóm. Con lớn lên một chút tôi đã phải mang đi gửi trẻ. Những hôm trường mầm non chưa mở cổng thì lại gửi con nhờ bác bảo vệ trông giúp để vội vã lên đường thực hiện nhiệm vụ. Chiều muộn đến trường, thấy con thơ thẩn chơi một mình trong lớp mà thương con rơi nước mắt. Cũng may, các con sớm hiểu công việc của mẹ nên từ nhỏ đã hình thành tính tự lập, tự giác trong cuộc sống. Hiện nay, hai cháu đều đang học tại trường THPT Định Hóa nên tôi cũng đỡ vất vả hơn, tập trung nhiều hơn cho công việc.

Phóng viên Quế Chi (Định Hóa) cùng đồng nghiệp sản xuất chương trình
Phóng viên Quế Chi (Định Hóa) cùng đồng nghiệp sản xuất chương trình

Cũng có hơn 20 năm tác nghiệp tại huyện vùng cao, chị Ma Thị Viền (bút danh Thu Viền) - phóng viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Võ Nhai được biết đến là người có thâm niên trong “làng báo” các huyện, thành của tỉnh. 15 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai, có nơi xa trung tâm nhất như xã Sảng Mộc lên tới 60 km nhưng hầu như thôn xóm nào, chị cũng đã từng đặt chân tới. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Truyền thông, Phó Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Võ Nhai, công việc nào chị cũng đảm đương tốt, được anh em đồng nghiệp yêu quý.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Viền cho biết: Nghề nào cũng có đặc thù riêng, nhưng với phóng viên, đặc biệt phóng viên nữ phải yêu nghề, tâm huyết với nghề thì mới có thể làm tốt được công việc. Với địa bàn vùng cao thì khó khăn, vất vả của phóng viên trong quá trình tác nghiệp càng lớn. Có những địa bàn phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Một mình tôi vừa phải vác máy quay, cầm micro theo sát đoàn công tác để quay, phỏng vấn, vừa phải tập trung cao độ để thu thập thông tin tư liệu. Đi cơ sở về lại phải sản xuất tin, bài ngay để phục vụ chương trình phát thanh và đăng lên Cổng thông tin điện tử của huyện; gửi cộng tác với các cơ quan báo chí của tỉnh.

Phóng viên Thu Viền (Võ Nhai) trên đường tác nghiệp
Phóng viên Thu Viền (Võ Nhai) trên đường tác nghiệp

Nghề báo vốn dĩ vất vả, hai vợ chồng cùng làm nghề báo thì có lẽ sẽ càng vất vả hơn, nhưng hóa ra không phải vậy. Gặp vợ chồng phóng viên Nguyễn Chi - Trung Kiên (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Phú Bình), chúng tôi mới biết, cùng nghề lại dễ thông cảm và chia sẻ với nhau hơn. Chị Chi tâm sự: Năm 2004, tôi về công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện. Được đồng nghiệp giúp đỡ nên tôi nhanh chóng tiếp cận công việc. Và cũng chính những lần đi công tác cùng nhau khiến chúng tôi hiểu và nên duyên chồng vợ năm 2008. Chúng tôi luôn cố gắng sẻ chia, động viên nhau vượt qua khó khăn và tìm nhiều cách để sắp xếp thời gian thật hợp lý giữa công việc và gia đình. Tôi may mắn được hai bên nội ngoại giúp đỡ nhiều, nhất là lúc con chúng tôi còn nhỏ, nên mọi việc cũng ổn thỏa.

Phóng viên Nguyễn Chi (Phú Bình)
Phóng viên Nguyễn Chi (Phú Bình)

Một ngày làm việc của phóng viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện thường bắt đầu bằng việc chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp. Máy quay cồng kềnh để đằng trước, máy ảnh, sổ sách ghi chép, máy ghi âm để trong balo khoác sau lưng. Những hôm tác nghiệp tại hội trường còn đỡ, hôm nào đi cơ sở, đường sá khó đi, việc mang theo các phương tiện tác nghiệp cũng là trở ngại khá lớn đối với mỗi phóng viên. Đi cơ sở về muộn mấy cũng phải cố gắng hoàn thành tin bài một cách nhanh nhất, nếu không sẽ kéo cả ekip sản xuất chương trình chậm theo.

Bà Đào Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Phú Bình cho biết: Do đội ngũ phóng viên của đơn vị chỉ có 3 người trong khi chương trình truyền thanh đòi hỏi phải xây dựng hàng ngày. Bình quân mỗi tháng đơn vị sản xuất từ 25 đến 28 chương trình có thời lượng 30 phút/chương trình. Thế nên việc đi sớm, về tối hay những ngày nghỉ lễ, Tết, lúc mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi thì phóng viên của Trung tâm lại phải làm việc với cường độ cao gấp nhiều lần ngày bình thường. Đặc biệt, với chị em phóng viên cơ quan đôi khi phải gác lại công việc gia đình để hoàn thành nhiệm vụ cơ quan.

Khó khăn là thế, song những nữ phóng viên ở huyện cũng có những lợi thế riêng, biết tạo cảm hứng sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm hay lan tỏa đến công chúng. Khác với những đồng nghiệp nam, các nữ phóng viên thường thể hiện nét đáng yêu của mình bằng việc hòa mình vào những cảnh đẹp dọc đường tác nghiệp, tranh thủ chụp nhưng bức ảnh thật đẹp rồi đăng lên face book, tạo tâm lý thoải mái sau giờ làm việc căng thẳng. Các chương trình phát thanh của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông cấp huyện được thay đổi từng ngày, thu hút sự quan tâm của khán, thính giả. Bà Nguyễn Thị Vân ở xã Ký Phú, huyện Đại Từ chia sẻ: Mỗi lần nhìn thấy nữ phóng viên Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện về tác ngiệp tại xóm, xã, chúng tôi lại gọi thân mật họ là “nhà báo huyện”. Từ lâu, các chương trình của Trung tâm đã trở thành người bạn thân thiết của người dân. Qua đó, giúp chúng tôi nắm bắt các hoạt động, thông tin diễn ra trên địa bàn huyện hàng ngày; các mô hình phát triển kinh tế hay để học tập, áp dụng nâng cao chất lượng cuộc sống.

…và những sản phẩm báo chí chất lượng cao

Đối với phóng viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông cấp huyện, hình ảnh chiếc áo ướt đẫm mồ hôi hay bữa cơm muộn mằn không phải là chuyện hiếm. Đôi khi phóng viên phải “chạy sô” 2 hội nghị trong một buổi; đi ghi hình vào những hôm trời mưa bão thì chỉ lo ướt máy chứ không sợ ướt người. Và những sản phẩm báo chí có sức lan tỏa lớn trong nhân dân chính là niềm vui tiếp thêm động lực cho những “nhà báo huyện” gắn bó, yêu nghề hơn.

Tâm huyết với nghề, những sản phẩm báo chí do nữ phóng viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông các huyện thành trên địa bàn tỉnh không chỉ bó hẹp trong phạm vi cấp huyện mà còn vươn xa đạt giải cao tại các cuộc thi báo chí cấp tỉnh và trung ương.

Phóng viên Thu Viền, người được mệnh danh là có duyên với các giải thưởng cao do Tỉnh ủy, Đài PT -TH tỉnh, Báo Thái Nguyên tổ chức. Gần đây nhất, chị đoạt giải B cuộc thi báo chí Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào cuộc sống do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức. Chị Viền chia sẻ: Ngoài thực hiện viết tin bài hàng ngày, chúng tôi đầu tư tập trung một số tác phẩm chất lượng cao để tham gia dự thi. Để hoàn thiện tác phẩm, tập thể cơ quan lên kế hoạch từ trước, phân công rõ nhiệm vụ từng người từ khâu lên ý tưởng, đi cơ sở, dàn dựng và hoàn thiện tác phẩm.

Phóng viên Thu Viền (Võ Nhai) đoạt giải B cuộc thi báo chí đưa nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào cuộc sống
Phóng viên Thu Viền (Võ Nhai) đoạt giải B cuộc thi báo chí đưa Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào cuộc sống

Còn phóng viên Nguyễn Chi (Phú Bình) lại có duyên với Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 2023, tại cuộc thi này, chị đã có 2 tác phẩm được trao giải (giải B và giải Khuyến khích). Chị Chi vui vẻ cho biết: Năm nào tôi cũng tham gia dự thi các cuộc thi báo chí do Tỉnh ủy, Báo Thái Nguyên và Đài PT - TH tỉnh tổ chức. Với lợi thế phóng viên ở huyện có thể cộng tác cả báo nói và báo viết nên tôi thường gửi nhiều tác phẩm tham gia.

Cần mẫn và chăm chỉ sáng tạo trong từng tác phẩm, phóng viên Quế Chi (Định Hóa) luôn được đền đáp bởi những giải thưởng cao trong các giải báo chí của tỉnh. Đó đều là những tác phẩm mang đậm hơi thở vùng núi ATK Định Hóa. Đặc biệt, năm 2017, tác phẩm do chị và đồng nghiệp Đài Truyền thanh - Truyền hình Định Hóa xuất sắc đạt 2 giải A tại Giải Tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2017 do Đài PT -TH tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Năm 2018, tác phẩm của nhóm tác giả Đài Truyền thanh - Truyền hình Định Hóa đoạt Giải Đồng tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc…. Không chỉ có tác phẩm báo chí chất lượng đạt giải cao, phóng viên Quế Chi còn tích cực tham gia các cuộc thi khác do tỉnh, huyện tổ chức. Mới đây nhất, chị xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi viết “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên học tập và làm theo Bác”.

Từ nhiều năm nay, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông thành phố Sông Công là một trong những đơn vị thường xuyên có tác phẩm chất lượng đạt giải cao tại các cuộc thi báo chí do tỉnh tổ chức. Có được kết quả đó là do Trung tâm luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên vững vàng chuyên môn, tâm huyết trách nhiệm với nghề. Ông Lê Hải Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông thành phố Sông Công chia sẻ: Chúng tôi luôn quan tâm chỉ đạo đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên nâng cao chất lượng tin, bài, áp dụng nhiều loại hình, thể loại báo chí trong nhiệm vụ chuyên môn. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên của Trung tâm được đào tạo bài bản, chính quy về báo chí. Đặc biệt, với các nữ phóng viên ở cơ quan, chúng tôi rất yên tâm bởi họ vừa khéo léo, cẩn thận và trách nhiệm trong công việc. Chúng tôi luôn động viên, tạo điều kiện để các cán bộ, phóng viên của Trung tâm vừa chăm lo gia đình vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan.

Dù vất vả, đôi khi có phần thiệt thòi nhưng những nữ phóng viên làm công tác truyền thanh, truyền hình ở huyện vẫn cần mẫn và nuôi dưỡng “lửa nghề” của mình trong công việc, để những bản tin gần gũi, những âm thanh, tiếng nói quen thuộc được vang lên đều đặn mỗi ngày. Không quản ngại khó khăn, hàng ngày, hàng giờ, những bóng hồng trong “làng báo huyện” vẫn cần mẫn, nỗ lực đưa thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các hoạt động của địa phương đến với mọi người dân, góp phần dệt nên những bức tranh đa màu của cuộc sống.

Phú Thái - Minh Khôi

2 đã tặng

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Nguyễn Thị Mây nguy****@yahoo.com.vn

    Bài viết rất hay và ý nghĩa! Chúc mừng các bóng hồng trong làng báo thân thương! Chúc các bạn phóng viên vạn sự như ý!