Như hai bàn tay tạo nên tiếng vỗ
VNTN - Thời gian tôi trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh bằng tuổi đời của Hội.
Hội, với tôi ban đầu là nơi làm việc, nơi lĩnh lương. Sau, khi tôi chuyển sang cơ quan khác, thì Hội, với tôi là “chốn về” của đứa con đi làm dâu nhà người. Tôi không bao giờ quên câu nói của chú Hà Đức Toàn, Chủ tịch Hội hôm cơ quan chia tay tôi: “Cảm giác của chú lúc này như hôm chú tiễn con gái về nhà chồng”. Nhắc lại chút kỷ niệm ấy để thấy Hội là cái gì đặc biệt lắm với tôi. Như là mái ấm, như là gia đình, như là nơi hội tụ của bạn hiền.
Ở bài viết này, tôi không ôn kỷ niệm nữa, mà muốn đề cập đến trách nhiệm của hội viên với Hội.
Nói đến Hội là nói đến hội viên và ngược lại. Mối quan hệ giữa Hội và hội viên không thể tách rời. Hội viên có “sang” không là nhờ vào “thương hiệu” của Hội. Và Hội nổi tiếng là nhờ có nhiều hội viên giỏi. Tôi nghĩ như vậy.
Hơn 30 năm làm hội viên, chứng kiến bao nhiêu bước thăng trầm của Hội, tôi luôn thấy những hội viên thực sự có trách nhiệm, thực sự “yêu” và trân trọng tổ chức mà mình đang sinh hoạt. Tôi cũng chứng kiến nhiều người coi việc vào Hội là cái đích danh dự để phấn đấu, nên họ tự trang bị kiến thức, “mài bút” nghiêm cẩn để có tác phẩm chất lượng, đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên. Thế nhưng, tôi cũng thấy một số Hội viên chưa thực sự có trách nhiệm với Hội. Dường như, với họ, vào Hội chủ yếu là để “được”: Được tài trợ ra sách, được đi trại sáng tác, được giao lưu hội họp…, mà quên đi trách nhiệm của mình với Hội như thế nào?
Được biết, Hội hiện nay có 274 hội viên. Con số này chưa thực sự “chuẩn” vì không ít trong số đó đã lâu không sinh hoạt, không đóng hội phí, có thể họ không còn nhớ mình là hội viên. Ngay trong Chi hội Văn xuôi (nơi tôi sinh hoạt) cũng có một số người lâu rồi không đi họp, không đóng hội phí, không có tác phẩm công bố. Tôi chắc rằng, ở các chi hội khác cũng có tình trạng này. Nên chăng, Hội rà soát lại danh sách hội viên đã “nhạt Hội”, gạch tên những hội viên không còn đủ tiêu chuẩn (theo Điều lệ Hội), để có con số hội viên “thật” cùng chất lượng “thật”.
Một vấn đề nữa cũng khiến tôi suy nghĩ lâu nay là việc hội viên đi dự trại sáng tác do Hội của tỉnh hoặc các hội khác tổ chức. Phải khẳng định rằng, đa số hội viên đã nghiêm túc chấp hành quy định của trại, đi và đến đúng thời gian; sinh hoạt tại trại nghiêm túc, nộp tác phẩm đầy đủ… Nhưng vẫn có hội viên coi việc đi trại chỉ là chuyến “nghỉ mát” miễn phí. Có người đi trại kiểu “đánh trống ghi tên”, đến muộn, về sớm; có người tận dụng nơi ăn chốn ngủ của trại, đi thăm thú bạn bè là chính. Lâu nay, tôi thấy có hội viên chuẩn bị sẵn một số tác phẩm cũ, in đóng thành quyển, kết thúc trại là nộp. Vậy thời gian ở trại họ làm gì?
Từ thực tế đó, tôi nghĩ Hội cần làm chặt hơn việc cử hội viên dự trại. Khi cử người đi, cần xem xét thái độ, khả năng, chất lượng dự trại (trước) của người đó; khi hội viên dự trại về cần có tác phẩm mới (hoặc sửa chữa) gửi đến Báo Văn nghệ. Tác phẩm đó nếu đạt chất lượng thì Báo cho đăng; và tại cuộc họp gần nhất, chi hội cần đánh giá, rút kinh nghiệm đối với các hội viên được cử đi dự trại.
Khi trở thành hội viên, chúng ta được tham gia nhiều hoạt động chung của Hội: Họp hành, tọa đàm, nghe nói chuyện, đi thực tế sáng tác… Trong những buổi sinh hoạt chung đó, tôi thấy không ít hội viên chưa thực sự nghiêm túc. Họ đi muộn, nói chuyện riêng ầm ĩ, bỏ về giữa chừng. Có người đăng ký đi thực tế nhưng đến phút “89” thì vắng mặt, khiến ban tổ chức chuyến đi trở tay không kịp.
Tôi hiểu rằng, môi trường sinh hoạt Hội là rất thoải mái và tự nguyện. Tuy nhiên, thoải mái không có nghĩa là muốn gì được nấy và “luôn luôn đúng” trong mọi trường hợp. Mối quan hệ giữa Hội và hội viên như hai bàn tay vỗ vào nhau để tạo nên tiếng vỗ. Mong sao, hai bàn tay đó luôn tương tác hài hòa để tiếng vỗ tay vang lên tròn đầy nhất.
Minh Hằng (Chi hội Văn xuôi)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...