Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
10:37 (GMT +7)

Nơi đưa văn chương của tôi đi xa hơn

VNTN - Hồi tôi học cấp I (từ lớp 1 đến lớp 4), 2 quyển học bạ lớp 3 và 4, tôi được thầy giáo nhận xét, ngoài những câu như: ngoan, học lực khá thì có một câu mà tôi rất thích, đó là: Có năng khiếu về văn. Học lên cấp II, học bạ của tôi cũng được thầy cô giáo phê như thế. Tôi còn giữ mãi kỷ niệm, vào sáng thứ Hai hàng tuần, sau lễ chào cờ, thầy giáo dạy văn của trường thường đem những bài bích báo của các lớp mà thầy cho là “tiêu biểu” để đọc trước toàn trường. Trong số đó, những bài văn hoặc thơ của tôi được thầy chọn khá nhiều.

Sau này, do bận bịu công việc ở cơ quan, gia đình, tôi chẳng có cơ hội để “khoe” văn chương của mình như trước. Nhưng vì thích nên tôi vẫn viết dưới dạng nhật ký hoặc truyện ngắn, song chủ yếu chỉ để làm kỷ niệm và tự mình thưởng thức. Họa chăng tôi khoe với anh trai tôi là giáo viên dạy văn cấp III, anh chỉ xem và nhận xét như một thầy giáo nhận xét văn của một học sinh.

Cứ thế, “kho văn chương” của tôi cũng kha khá, song tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ gửi đăng ở cơ quan báo chí nào. Tôi không biết những “tác phẩm” của mình có thể lên được mặt báo hay không. Cho đến tận năm 1991 khi sắp về hưu, tôi có cơ hội ngồi trò chuyện với anh Mông Đông Vũ (hiện là Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên), tôi có nói với anh về cuốn tiểu thuyết viết bằng tay của mình, anh bảo “để tôi giới thiệu bạn gặp anh Hồ Thủy Giang đang công tác bên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xem có đăng được không”. Thật bất ngờ là khi gửi xong, một tuần sau anh Hồ Thủy Giang gọi điện cho tôi, anh khen cuốn sách của tôi hay và bảo tôi nên viết dài thêm để nó có tầm, lượng chữ cho một cuốn tiểu thuyết. Được in cuốn sách đầu tiên tại Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, tôi đã được kết nạp vào Hội VHNT của tỉnh, sau đó được kết nạp vào Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, được giao lưu, học hỏi với nhiều hội viên của các Hội trên cả nước.

Được vào Hội và được chia sẻ, điều đó đã khuyến khích tôi sáng tác liên tiếp những tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ. Đến nay tôi đã đóng góp cho nền văn học của tỉnh cũng như của nước nhà 10 đầu sách. Có tác phẩm tôi được giải thưởng, có tác phẩm tôi được Bằng khen. Với nhiều hội viên khác thì sức viết và thành tích của tôi như thế là ít ỏi, nhưng với một số khác thì lại là điều ước mơ của họ. Ngẫm thấy, năng khiếu và tài sản văn học của cá nhân như một cánh diều, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là những tầng gió đưa diều lên cao và bay xa giữa bầu trời mênh mông.

Nhiều năm tham gia tổ chức Hội, tôi ngẫm thấy rằng, sinh hoạt ở bất cứ tập thể nào, người ta cũng không tránh khỏi những sự nóng nảy, những xung khắc, va chạm, để rồi làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp trước đó dày công gây dựng. Những người làm công tác văn học nghệ thuật là những người rất nhạy cảm trong cái nhìn, lời nói cũng như hành động. Nếu mỗi chúng ta biết nói và im lặng, biết nhường nhịn và bao dung, nhân ái, biết bỏ bớt “cái tôi” đúng lúc, đúng chỗ thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng, có khi còn suôn sẻ hơn nhiều.

Tôi mong rằng Đại hội khóa VII tới đây, toàn thể hội viên trong Hội sẽ gắn bó, đoàn kết, thân thiện, yêu thương hơn, nỗ lực sáng tạo và đưa những tác phẩm VHNT có giá trị về tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam càng ngày càng đi tới một tầm cao mới. Chúc cho Đại hội sẽ thành công rực rỡ, nền văn học nghệ thuật của tỉnh ta sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ngọc Thị Kẹo (Chi hội Văn xuôi)

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại hội có nhiều đổi mới

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Những dấu ấn nhiệm kỳ

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi chắp cánh khát vọng sáng tạo

Các kỳ Đại hội 5 năm trước