Văn học nghệ thuật Thái Nguyên 22 năm nhìn lại
VNTN - Hội VHNT tỉnh ta, năm 1987 đến năm 1997 là Hội VHNT tỉnh Bắc Thái, từ năm 1997 đến nay là Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Như vậy, Hội đã trải qua một quá trình dài, có nhiều chuyện đã lắng lại, có nhiều chuyện mới bắt đầu. Là hội viên của Hội, xin được nhìn đi nhìn lại một chút gọi là “ôn cố tri tân”. Nhìn lại một quá trình, nhìn lại thành quả, nhìn lại một số khuôn mặt văn nghệ sỹ thân thương, đáng yêu và đáng kính. Có thể tự hào rằng VHNT Thái Nguyên đã từng phát triển rực rỡ, vang bóng một thời, hào hoa và kiêu hãnh. Ở đây, người viết không dám và không đủ trình độ để viết lịch sử của Hội, chỉ xin góp một vài ý, một cách tiếp cận, một cách nhìn đi nhìn lại mà thôi.
Nói đến VHNT Thái Nguyên là nói đến những người con Thái Nguyên từ xưa đến nay, đã sáng tạo và thành danh trên khắp mọi miền đất nước và những văn nghệ sỹ đã từng sống hay đang sinh sống, công tác trên quê hương Thái Nguyên có sáng tạo, có tác phẩm và có đóng góp tích cực cho hoạt động VHNT tỉnh nhà. Thời phong kiến, Thái Nguyên có 4 vị đỗ đạt đại khoa, tiến sỹ Đồng Doãn Giai quê huyện Đại Từ, tiến sỹ Đàm Chí quê huyện Đồng Hỷ, tiến sỹ Nguyễn Cấu và Đỗ Cận quê huyện Phổ Yên. Có vị giỏi văn, có vị giỏi võ nhưng cả 4 vị đều yêu thích văn chương, thơ phú. Tiêu biểu nhất là tiến sỹ Đỗ Cận. Ông có hai bài thơ rất nổi tiếng là “Xuân Yến” và “Thái Thạch Văn Bạc”. Ông là một trong 28 nhà thơ nổi tiếng trong hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập ra. Nói đến Văn nghệ Thái Nguyên cũng không thể không nhớ đến văn nghệ kháng chiến, văn nghệ Việt Bắc. Nhiều văn nghệ sỹ lớn đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng công chúng Thái Nguyên. Nhiều nhà thơ lớn như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn... đã là niềm tự hào của núi rừng Việt Bắc. Đoàn nghệ thuật Quân khu I được thành lập tháng 11 năm 1947 tại Thái Nguyên. Lúc đầu do nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn làm trưởng đoàn, nhà thơ Hoàng Cầm làm chính trị viên. Suốt nhiều năm hoạt động, có nhiều văn nghệ sỹ tài năng như nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Văn Chung, Xuân Hòa, nhà thơ Thanh Tịnh, Bàng Sỹ Nguyên vv... Bài hát “Quê Em Miền Trung Du” hay bài thơ “Bên Kia Sông Đuống” của thi sỹ Hoàng Cầm và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác được sáng tác tại đây. Rồi đến cả Đoàn cải lương Quyết Tiến Thái Nguyên với những vở diễn lừng danh như “Nùng Văn Vân”, “Người Du Kích Áo Chàm”. Nhiều chương trình, tiết mục đặc sắc của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã từng vang danh trong nước và quốc tế. Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc là cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng văn hóa nghệ thuật cho các tỉnh trung du, miền núi.
Nói đến VHNT Thái Nguyên hiện nay, phải kể đến những văn nghệ sỹ Thái Nguyên đã thành danh. Hầu như số đông họ đều có trình độ cao, có đến vài chục vị là phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, có người là nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Hầu như, số đông các văn nghệ sỹ Thái Nguyên từ xưa đến nay đều có trình độ đại học trở lên. Xin được nói lên điều này để cho Hội chúng ta có thể tự hào, để cho những ai tôn trọng hay coi thường văn nghệ sỹ có cái nhìn công bằng hơn. Xin khẳng định rằng văn nghệ sỹ Thái Nguyên là những người có học, có nghề, có tài năng, có trách nhiệm với xã hội, có tấm lòng, có cái nhìn nhân ái với cuộc đời. Họ yêu đời, yêu cuộc sống nhân gian mà viết, mà sáng tạo, mà làm nghệ thuật. Họ như những con tằm rút ruột nhả tơ cho cuộc sống. Họ như những vị đầu bếp tài hoa, cần mẫn làm ra những món ăn phục vụ đời sống tinh thần của con người. Họ đáng được tôn trọng. Số nhiều họ đã cao tuổi, một số vị đã về với thánh thần, nhiều hội viên trẻ tuổi của hội có tài năng, đã thành danh. Xin được dài dòng nhắc đến văn nghệ sỹ của tỉnh ta từ xa xưa đến nay để thấy lực lượng văn nghệ sỹ tỉnh ta thật đông đảo, hùng hậu và cũng thật tài năng. Họ đã làm nên một miền văn học hay một vùng VHNT Thái Nguyên nhiều màu sắc, giàu bản sắc, giàu sức sống, giàu tình người, tình đời và giàu tính nhân văn. Có thể nói, có thể khẳng định Thái Nguyên là vùng đất văn nhân, không dễ mấy nơi nào có được như thế. Lại một kỳ đại hội nữa sắp đến. Với lứa hội viên già thì xao xuyến, hội viên trẻ tuổi thì xốn xang, rạo rực trong lòng. Đại hội là dịp các văn nhân tìm gặp bạn hàn huyên. Đại hội là dịp nhìn lại 5 năm đã qua và nhìn đi nhìn đến 5 năm sắp tới. Đại hội này diễn ra ở thời kỳ đất nước đang đổi mới. Ai cũng mong, ai cũng chờ cái hay nào sẽ đến, cái mới nào sẽ đến. Vui không khí sắp đại hội nên mấy ông bạn hội viên già rủ nhau uống bia ở một quán bia hè phố. Mấy ông tỉ tê với nhau “Này, nghe nói nhiều người muốn đổi tên Hội VHNT Thái Nguyên thành Hội Liên hiệp VHNT Thái Nguyên đấy” rồi các ông cười khì khì “Quê ta là sợ chữ liên hiệp lắm đấy”. Một ông này nhấm nhẳng: “Này, văn chương thơ phú, đàn ca sáo nhị chả ai sợ cũng chả sợ ai”. Ông khác nhắc khéo: “Tháng 6 năm 2002 tỉnh ta thành lập Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh. Tháng 8 năm 2003 tỉnh ta thành lập Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh. Chuyện liên hiệp đã có tiền lệ rồi”. Một ông tỏ ra quan trọng nói lớn: “Bây giờ đang sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối đấy. Thái Nguyên ta được cái lắm hội VHNT, nào là hội VHNT tỉnh, nào là hội VHNT các huyện thị xã, thành phố, Hội VHNT các dân tộc thiểu số của tỉnh nữa. Có lẽ khoảng 10 hội cơ đấy. Tôi thấy lo lo, giá mà có ngôi nhà chung cho văn nghệ sỹ thì tốt biết mấy”. Một ông quát lại: “Ô hay! Lo gì mà lo”. Ông to mồm cãi lại ngay: “Hội của mình, mình không lo thì ai lo cơ chứ?”. Ông kia đáp: “Yên tâm đi! Có nhiều người lo lắm. Cả tỉnh lo ấy chứ. Này nói cho đằng ấy biết nhé: các nhà lãnh đạo, các nhà tổ chức, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật còn lo hơn mình”. Ông bạn to mồm bị đuối lý đành thủng thẳng: “Đành vậy! Mong khóa tới mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn”. Tâm tư hội viên dù ở bàn bia cũng bắt đầu từ chính sự chia sẻ và thành tâm, mong muốn Hội phát triển hơn, và thực sự là mái nhà chung của cộng đồng văn nghệ sĩ Thái Nguyên chứ không chỉ của gần 300 hội viên của Hội. Một vài ý kiến, chia sẻ rất thật xin được dẫn lại để mọi người cùng suy nghĩ. Chúc cho kỳ Đại hội tới của Hội VHNT tỉnh thành công tốt đẹp, hoạt động VHNT tỉnh nhà sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Mông Đông Vũ - Chi hội Sân khấu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...