Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:52 (GMT +7)

Những dấu ấn nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ 2013 - 2018, với những nỗ lực không ngừng, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng kể, ghi dấu một chặng đường phấn đấu và trưởng thành.

Báo Văn nghệ Thái Nguyên trở thành tuần báo và có phiên bản điện tử vannghethainguyen.vn. Đây là sự cố gắng lớn của tập thể lãnh đạo và cán bộ Hội nói chung và báo VNTN nói riêng.

Là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh nằm trong hệ thống báo chí quốc gia, được sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh, Báo Văn nghệ Thái Nguyên và phiên bản điện tử vannghethainguyen.vn duy trì đều đặn cả về chất lượng và số lượng. Báo phát hành mỗi tuần một số với nội dung phong phú, đậm chất văn nghệ nhưng cũng không xa rời cuộc sống, xa rời nhịp đập hối hả của quê hương trên đà phát triển. Tờ báo đã thực sự là món ăn tinh thần có giá trị, được giới văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo bạn đọc đánh giá cao.

Với vai trò là cơ quan thường trực Giải, Hội Văn học nghệ thuật đã tổ chức thành công Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2012 - 2016. Đây là giải thưởng lớn nhất của tỉnh dành riêng cho lĩnh vực VHNT nhằm tôn vinh, lưu giữ, quảng bá các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của tập thể, cá nhân có giá trị, đã được khẳng định qua thời gian.

Ban Tổ chức đã xem xét, công nhận và trao tặng 07 giải A, 17 giải B, 19 giải C, 20 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc (trên tổng số 200 tác phẩm thuộc 10 chuyên ngành tham dự). Đây cũng là lần xét giải có số lượng tác giả /tác phẩm đông nhất và trị giá giải thưởng cao nhất từ trước tới nay. Với cảm hứng và đề tài chủ đạo là quê hương, con người Thái Nguyên, có sự mở rộng biên độ sang những vùng không gian và đề tài khác mà Giải thưởng cho phép. Các tác phẩm đoạt giải đã phản ánh được hiện thực sinh động của cuộc sống từ quá khứ đến hiện tại; khai thác các mảng đề tài truyền thống, đề tài chiến tranh cách mạng cùng với những đề tài đương đại bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng của từng chuyên ngành.

Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên 2012-2016 đã ghi nhận một chặng đường sáng tạo của văn nghệ sĩ, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới. Đó là việc tiếp tục trau dồi bản lĩnh, xây dựng một đội ngũ văn nghệ sĩ coi khát vọng sáng tạo là mục đích cao đẹp của người cầm bút, gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn, tự làm giàu trí tuệ, tài năng của mình.

Lần đầu tiên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức Gặp mặt những người viết văn trẻ khu vực Việt Bắc, với gần 30 cây bút trẻ có nhiều triển vọng của 7 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Bắc Giang. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, tại thành phố Thái Nguyên. Với hai cuộc tọa đàm và một cuộc giao lưu xung quanh chủ đề sáng tạo tác phẩm, các cây viết trẻ đã có dịp trao đổi thẳng thắn về quan niệm sáng tác; đồng thời được các tác giả tên tuổi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong sáng tác.

Đây thực sự là một việc làm thiết thực, có ý nghĩa của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thể hiện sự quan tâm đối với những người viết trẻ, được các tỉnh trong khu vực cũng như cả nước đánh giá cao. Qua đó, đã tạo được một “cú huých” cho những người viết trẻ có thêm đam mê trên con đường sáng tạo vốn nhiều gian nan, trắc trở.

Năm 2018, một sự kiện được toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm, đó là sự kiện lịch sử bi tráng đêm Noel 1972 trên đất Thái Nguyên. Hơn 40 năm đã qua, dấu ấn đau thương vẫn còn rất sâu đậm trong ký ức các thế hệ người dân Thái Nguyên. Sự hy sinh anh dũng của 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915 là tổn thất lớn nhất ở mặt trận hậu phương của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì vậy, đề tài Đại đội TNXP 915 đã tạo được nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những người sáng tác.

Nhằm thể hiện sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung và giới văn nghệ sĩ nói riêng đối với Đại đội TNXP 915 Anh hùng, thực hiện nhiệm vụ do Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giao, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật và xuất bản cuốn sách tuyển chọn tác phẩm VHNT về Đại đội TNXP 915 Anh hùng. Ngay sau khi phát động, Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên và người viết trong và ngoài tỉnh. Sau gần 7 tháng thông báo Thể lệ Giải thưởng, hơn 105 lượt tác giả/nhóm tác giả với 300 tác phẩm gồm âm nhạc, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, điện ảnh - truyền hình, văn học (văn xuôi và thơ) đã gửi về tham dự. Đặc điểm chung của các tác phẩm là dòng cảm hứng mãnh liệt và niềm tri ân sâu sắc đối với sự cống hiến hy sinh tuổi xanh cho đất nước của các cán bộ, đội viên TNXP Thái Nguyên nói chung, 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915 nói riêng.

Song song với Cuộc vận động, cuốn sách mang tên “Đại đội 915 - Còn mãi với nước non” (tập 1) gồm 40 tác phẩm thuộc các loại hình văn học (thơ, truyện ngắn, truyện ký, bút ký), 35 bức ảnh, tranh minh họa, 2 tác phẩm âm nhạc, được tuyển chọn từ các tác phẩm đã công bố và mới hoàn thành trong Cuộc vận động cũng đã ra mắt độc giả, được đánh giá cao.

Ngoài ra, Hội cũng đã tổ chức thành công Cuộc thi Sáng tác văn học trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên, trong 2 năm (2014 - 2016), thu hút được sự quan tâm của đông đảo người viết trong và ngoài tỉnh.

Với vai trò tập hợp, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực sáng tác góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, những năm qua, Hội đã làm tốt vai trò của mình trong các hoạt động chuyên môn. Trân trọng những tài năng có nhiều đóng góp cho địa phương và đất nước, với vai trò chủ trì Hội đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật vinh danh hai hội viên: Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khình (Giải thưởng Nhà nước về VHNT, năm 2001) và Nhạc sĩ Lê Tú Anh (có bài hát được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn làm ca khúc chính thức của tổ chức Công đoàn). Chương trình mang tên “Những bông đỏ của rừng” gồm các tác phẩm đặc sắc của hai nghệ sĩ, được dàn dựng công phu, dưới sự thể hiện của gần 100 nghệ sĩ, diễn viên đã đem đến cho công chúng một dấu ấn đẹp về tình yêu quê hương, tình yêu nghệ thuật và là tình cảm trân quý của các thế hệ văn nghệ sĩ dành cho nhau.

Quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm, trong nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức thành công hàng chục cuộc triển lãm Nhiếp ảnh, Mỹ thuật cho tập thể và các cá nhân, nhằm lan tỏa, đưa cái đẹp đến gần công chúng; đồng thời tổ chức cho các hội viên tham gia các cuộc triển lãm trong Khu vực, tạo sự hứng khởi cho các văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tác. Tại mỗi triển lãm, đều thu được những kết quả đáng mừng cho sự nỗ lực của mỗi cá nhân.

Đặc biệt, phải kể đến các cuộc Triển lãm đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc.

Triển lãm “Hy vọng” (3 năm liên tiếp) được phối hợp thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, gồm những bức ảnh được sáng tác tại Bệnh viện và phục vụ công chúng là những thầy thuốc và bệnh nhân đang trị bệnh tại đây. Sau mỗi cuộc triển lãm, các tác phẩm đã được tặng lại Bệnh viện để trưng bày. Hoạt động được đánh giá cao về giá trị nhân văn của nó.

2 cuộc triển lãm cá nhân về Trường Sa của nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Hùng và Khánh Vân là kết quả sau chuyến thực tế sáng tác tại vùng đảo Trường Sa. Tình yêu Tổ quốc được các nghệ sỹ gửi gắm qua ống kính, qua khoảnh khắc bấm máy đã tạo nên những giá trị nghệ thuật được kết tinh bằng đam mê và sáng tạo. Triển lãm đã nói hộ công chúng Thái Nguyên những tình cảm với Trường Sa thiêng liêng.

Xuất bản hàng trăm đầu sách với nhiều thể loại, trong đó phải kể đến các tập: Tuyển tập Văn xuôi Thái Nguyên; Tuyển tập Thơ Thái Nguyên (2006 - 2015) và “Đại đội 915 - Còn mãi với nước non”.

Hai tuyển tập Văn xuôi và Thơ Thái Nguyên (2006 - 2015) là tập hợp của 50 tác phẩm văn xuôi (tiểu thuyết (trích), truyện ngắn, kí) và hơn 300 bài thơ của các tác giả là người Thái Nguyên được sáng tác từ năm 2006 đến 2015, được tuyển chọn kĩ lưỡng, hai cuốn tuyển tập là sự đóng góp thêm về số lượng cho những tác phẩm có giá trị của văn học Thái Nguyên trong những năm qua.

Lễ hội Thơ Nguyên tiêu được tổ chức vào mỗi dịp Rằm tháng Giêng đã được coi là một trong chuỗi hoạt động mừng Đảng mừng Xuân của tỉnh Thái Nguyên mỗi độ Xuân về. Đây là một hoạt động thường niên của Hội, được chuẩn bị công phu, chuyên nghiệp từ khâu xây dựng kịch bản đến lựa chọn nội dung tiết mục. Bằng sự kĩ lưỡng của những người làm công tác văn học nghệ thuật, mỗi năm Ban Tổ chức lựa chọn một chủ đề theo dòng thời sự, nhờ vậy đã tạo được sự khác biệt, độc đáo trong mỗi chương trình.

Lễ hội Thơ Thái Nguyên là một sân chơi lành mạnh, bổ ích đối với công chúng yêu thơ, góp phần bồi đắp tình cảm, trách nhiệm đối với quê hương đất nước, với cuộc sống hôm nay, đồng thời là sự trân trọng các giá trị văn hóa và truyền thống thi ca của dân tộc.

Quan tâm đến công tác phát triển hội viên và tổ chức Hội cơ sở. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thành lập 04 Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) cấp huyện (Phú Lương, Sông Công, Võ Nhai và Phú Bình), nâng tổng số Hội VHNT địa phương lên 8 Hội (hiện nay chỉ còn huyện Đồng Hỷ là chưa có Hội VHNT). Sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo Chi hội Múa, Chi hội Nhiếp ảnh và Chi hội Thơ, tạo sự ổn định, thống nhất cao trong hoạt động chuyên môn, thực hiện đúng Điều lệ Hội.

Trong nhiệm kỳ đã kết nạp thêm 53 hội viên thuộc các chuyên ngành, nâng tổng số hội viên lên 276 người.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại hội có nhiều đổi mới

Các kỳ Đại hội 5 năm trước