Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
12:27 (GMT +7)

Đón nhiệm kỳ mới: Chúng tôi đã sẵn sàng!

Một nhiệm kỳ mới của Hội VHNT đã cận kề. Đây cũng là lúc các hội viên tự nhìn nhận đánh giá kết quả hoạt động của mình để từ đó đề ra những kế hoạch, định hướng riêng để khẳng định mình, thực hiện trách nhiệm góp phần xây dựng, đưa nền VHNT chung của tỉnh nhà ngày một phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nguyễn Thị Đông

(Chi hội Múa)

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng hiện nay tôi vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy bộ môn Múa cổ điển châu Âu tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Trước đây cũng như bây giờ, được truyền giảng kiến thức, truyền lại kinh nghiệm cho các giáo viên trẻ và các em sinh viên với tôi luôn là niềm hạnh phúc. Ngoài giờ lên lớp tôi còn tham gia một số câu lạc bộ nhằm tăng cường giao lưu và rèn luyện sức khỏe.

Là hội viên thuộc Chi hội Múa, nay nghỉ hưu rồi, có nhiều thời gian hơn, tôi sẵn sàng tham gia công việc của Hội, của Chi hội trong khả năng có được của mình. Chi hội của chúng tôi hoạt động khá thuận lợi vì Thái Nguyên là tỉnh có phong trào văn hóa văn nghệ phát triển. Chi hội Múa đông hội viên và ở các lĩnh vực biên đạo, giảng dạy, biểu diễn, ở các mảng đều có những con người rất tài năng.

Chúng tôi từng trao đổi với nhau, mong muốn đẩy mạnh hơn nữa chất lượng ở cả 3 lĩnh vực này. Với các biên đạo múa thì sáng tác ra các tác phẩm múa chất lượng cao, chú ý các tác phẩm về múa dân gian, dân tộc, nhưng thổi vào đó thẩm mỹ hiện đại, cảm xúc mới cho người xem. Các hội viên là nhà giáo thì nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Các hội viên là diễn viên thì tiếp tục rèn luyện trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để thể hiện các tác phẩm múa chất lượng nhất.

Minh Hằng

(Chi hội Văn xuôi)

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lại bước vào nhiệm kỳ mới với nhiều dự kiến, nhiều kế hoạch hoạt động. Riêng tôi cũng sắp xếp lại hành trang văn chương, chuẩn bị cho mình một tâm thế mới, tự nạp năng lượng thêm đầy đặn để cùng Hội hăm hở đi tiếp chặng đường mới.

Tôi chia ra từng mốc của từng năm để hướng đến. Như năm 2019, mục tiêu của tôi là tăng cường đọc và trao đổi nhằm bổ sung kiến thức lý luận văn học, nhất là về văn xuôi. Tiếp tục viết để ra thêm 1 tập thơ, 1 tập truyện ngắn với giọng điệu khác những tác phẩm đã xuất bản trước đó.

Tôi ấp ủ trong 2 đến 3 năm tới, tôi sẽ ra được 1 cuốn tiểu thuyết chừng hơn 300 trang. Những chiêm nghiệm suốt 30 năm công tác khiến tôi trăn trở và muốn thể hiện trong tác phẩm này.

Vấn đề đi thực tế sáng tác tôi sẽ chủ động hơn, tự đi, tự tìm hiểu để làm đầy vốn sống của mình. Một trong những mảng đề tài tôi hướng đến là đề tài lịch sử. Đây là điều tôi suy nghĩ đã lâu mà chưa triển khai thực hiện được. Thái Nguyên đang chứa kho tư liệu lịch sử ăm ắp, vậy nhưng bấy lâu người cầm bút Thái Nguyên còn khai thác rất ít.

Tuy nhiên, dự định gì thì cũng cần phải có sức khỏe mới thực hiện được. Vì thế, tôi sẽ thường xuyên rèn luyện thể lực và trí lực để dự kiến của mình không là lời nói suông.

Nguyễn Đình Hưng

(Chi hội Thơ)

Tôi yêu thích văn thơ từ khi học cấp II ở Hà Nội, ngay từ những ngày đó tôi đã “tập tễnh” viết lách đôi chút. Niềm yêu thích đó đã khiến tôi chọn vào nghề Mỏ vì nghĩ rằng ở đó có nhiều khó khăn vất vả sẽ tạo ra cho mình nhiều cảm hứng để sáng tác. Nhưng khi vào Mỏ làm việc, mải lo sức ép của công việc, mải lo “cơm áo gạo tiền” nên tôi không tập trung để sáng tác và theo đuổi hết mình với niềm đam mê được.

Mãi đến khi nghỉ hưu (năm 2000), tôi mới dành toàn tâm toàn ý cho việc theo đuổi thơ ca. Tôi tham gia nhiều câu lạc bộ thơ ở địa phương và tham gia vào nhiều tập thơ in chung của các chiếu thơ tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Niềm vui và cơ may đến với tôi khi bắt đầu tham gia Câu lạc bộ Thơ Mùa Thu rồi sau đó vinh dự được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh. Qua đây, tôi nhận thức được rằng sáng tác thơ không chỉ là niềm đam mê mà còn là nhiệm vụ của hội viên Hội VHNT. Tôi càng tích cực hơn tham gia các hội nghị chuyên đề, hội nghị Chi hội Thơ, các trại sáng tác, giao lưu với các địa phương bạn để nâng cao khả năng sáng tác.

Được sự động viên của Hội VHNT và bạn bè, từ năm 2007 đến tháng 3/2019, tôi đã xuất bản được hai mươi tập thơ các loại. Dự định từ nay đến năm 2025 tôi sẽ xuất bản tiếp mười tập thơ, bản thảo đã có sẵn. Những bài thơ, vần thơ tôi hướng đến không phải “tùy tiện” mà phải gắn liền với cuộc sống thực tế, có tính chiến đấu. Qua đó, mang niềm vui đến cho đời và góp phần nhỏ bé trong việc xây dựng mặt trận văn hóa tư tưởng vững mạnh.

Trần Yên Bình

(Chi hội Sân khấu)

Để góp phần chung tay xây dựng Hội VHNT tỉnh bước vào nhiệm kỳ mới vững chắc hơn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, với trọng trách là Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, tôi sẽ đi tìm và vận động các hội viên liên kết giữa mô hình Chi hội Sân khấu và CLB nghệ thuật Sân khấu. Như vậy sẽ phát huy được sức mạnh tài năng của mỗi cá nhân hội viên và cộng lại thành một sức mạnh của tập thể.

Mô hình CLB tự nguyện có những thành viên không phải là hội viên của Chi hội Sân khấu nhưng hoàn toàn tự nguyện tham gia theo hình thức CLB tự nguyện, tự quản, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Hội VHNT tỉnh. Tôi cho đó là phương pháp hiệu quả và phù hợp với điều kiện hiện nay, với cách làm như vậy sẽ thu hút được nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau để trao đổi, học tập giao lưu phục vụ nhân dân và phát huy được tối đa khả năng tổng hợp của văn hóa nghệ thuật quần chúng đúng với hướng đi xã hội hóa sân khấu. Vì trong CLB nghệ thuật Sân khấu tự nguyện có rất nhiều loại hình nghệ thuật như: diễn kịch, hát chèo, hát cải lương, hát then đàn tính, hát văn, hát quan họ, hát ca mới và biểu diễn ảo thuật… đương nhiên với tổ chức CLB các diễn viên sẽ trao đổi học tập và truyền dạy cho nhau những loại hình nghệ thuật dân gian. Đây là cách giữ gìn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc một cách tự nguyện và có tổ chức, các hội viên sẽ phải luôn trau dồi luyện tập và tích cực học tập để thạo một việc làm được nhiều việc đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Nếu như mọi việc được thực hiện theo đúng kế hoạch của Chi hội Sân khấu đã báo cáo với lãnh đạo Hội, năm 2019 Chi hội Sân khấu sẽ tổ chức học tập thực tế theo mô hình Trại sáng tác tại Hội VHNT Quảng Ninh và Hội VHNT Hải Phòng. Chi hội sân khấu sẽ mời các hội viên trong CLB nghệ thuật Sân khấu tự nguyện đóng góp để cùng đi học tập, giao lưu phục vụ giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của vùng miền Thái Nguyên chiến khu Việt Bắc với các tỉnh bạn.

Một mô hình liên kết tự nguyện, tự quản sẽ là một hình thức cộng hưởng sức mạnh của văn hóa nghệ thuật quần chúng luôn được giữ gìn bảo tồn và phát huy đúng với chủ trương của Đảng chính sách của nhà nước. Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên sẽ là nơi hội tụ những tài năng từ các hội viên sân khấu chuyên nghiệp cho đến các hội viên sân khấu nghệ thuật quần chúng, qua đó cùng chung tay xây dựng Hội ngày càng vững mạnh hơn.

Trần Hải Hưng

(Chi hội Kiến trúc)

Tôi vinh dự được bầu làm Chi hội phó nhiệm kỳ 2018 - 2023, với cương vị đó, cá nhân có rất nhiều dự định, kế hoạch mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Chi hội cũng như Hội VHNT tỉnh.

Là một hội viên được sinh hoạt nhiều năm cùng các bậc lớn tuổi trong Chi hội cũng như lớp hội viên trẻ tôi nhận thấy mình cần tạo ra sự gắn kết, chia sẻ nhiều hơn nữa giữa các thành viên nhất là giữa các thế hệ KTS về kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt là sự truyền lửa, nhiệt huyết và cái tâm của mình đối với công việc chuyên ngành kiến trúc quy hoạch. Đó cũng là sợi dây kết nối xuyên suốt và gắn kết giữa những thành viên trong Chi hội có cùng tình yêu và lòng đam mê.

Hầu hết các hội viên Chi hội là KTS đã và đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị tư vấn kiến trúc xây dựng trên địa bàn. Tôi sẽ tham mưu, phản biện các cơ chế chính sách quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh về mặt kiến trúc quy hoạch, góp phần truyền thông quảng bá nâng cao tư duy thẩm mỹ về kiến trúc quy hoạch đô thị xanh, sạch, hiện đại đối với người dân từ đó dần áp dụng đưa vào cuộc sống trong giai đoạn mới thời kỳ công nghệ mới 4.0.

Ngoài ra, tôi sẽ tích cực gắn kết, cổ vũ lớp trẻ học hỏi, tìm tòi sáng tác tạo ra nhiều tác phẩm mới có chất lượng theo kịp xu hướng phát triển và làm đẹp cho tỉnh nhà. Tạo ra nhiều sân chơi hơn nữa như các cuộc hội thảo nghề tiếp cận kiến thức mới, thi phương án thiết kế, các cuộc triển lãm kiến trúc quy hoạch để thành viên học hỏi lẫn nhau và đánh giá quá trình hoạt động sáng tác của bản thân, từ đó có sự nhìn nhận đúng đắng và cố gắng tự phát triển hơn nữa trong nghề nghiệp.

Việc kêu gọi các thành viên tích cực hưởng ứng tham gia giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh cũng rất cần thiết. Đây là sân chơi rất bổ ích, khích lệ tinh thần các hội viên trong hoạt động sáng tác và cũng là thấy được sự ghi nhận của tỉnh đối với hoạt động của cá nhân hội viên, của Chi hội cũng như Hội VHNT tỉnh.

Vũ Văn Lực

(Chi hội Âm nhạc)

Tôi vinh dự là hội viên của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên hơn 10 năm nay. Hội đã tạo cho tôi nhiều cảm hứng sáng tác và có trách nhiệm hơn với chính những ca khúc của mình. Nhờ đó, trong nhiệm kỳ qua, tôi cũng gặt hái được một số thành quả nhỏ, đạt một số giải tại các cuộc thi về âm nhạc từ trung ương đến địa phương như: Ca khúc “Tự hào lính biển Việt Nam” đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2018; ca khúc “Thổ Tang Tùng Vân tự” đoạt giải B, “Chuyện tình Chàng Cốc nàng Công” đoạt giải C giải thưởng VHNT 5 năm Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2016…

Đó là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, khẳng định mình hơn nữa. Trong nhiệm kỳ mới, tôi hướng tới các ca khúc có ca từ thân thuộc, giai điệu gần gũi. Tôi sẽ tập trung sáng tác các ca khúc mang âm hưởng dân gian, phản ảnh hơi thở cuộc sống, các ca khúc mang tính chiến đấu phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương… đặc biệt là sáng tác về quê hương Thái Nguyên anh hùng đang ngày một phát triển mạnh mẽ của chúng ta nhiều hơn nữa.

Công việc của tôi hiện tại đang là Giảng viên Âm nhạc của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Năm nay, Ban Giám hiệu nhà trường giao cho tôi đảm nhận công việc chủ nhiệm của lớp Âm nhạc dân gian (chủ yếu là hát then) đầu tiên của trường. Đây là một trải nghiệm mới, đồng thời cũng là thử thách đối với tôi. Quan điểm của tôi là không chỉ đơn thuần là dạy Âm nhạc mà phải kết hợp với việc truyền lửa cho các em trong việc gìn giữ các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Tôi sẽ cố gắng đi điền dã, gặp gỡ bà con vùng cao nhiều hơn để tìm cảm hứng sáng tác, đồng thời hiểu rõ hơn về văn hóa của các dân tộc để việc giảng dạy được tốt hơn.

Hằng Phương

(Chi hội Văn nghệ dân gian)

Với tư cách một hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên, tôi nhận thức được rằng cần có những hoạt động tích cực và gắn bó hơn nữa để góp phần thực hiện tốt phương hướng nhiệm vụ được đề ra trong kỳ Đại hội.

Tôi tự nhận thấy, thời gian còn công tác trong cơ quan Nhà nước, việc tham gia sinh hoạt Hội và Chi hội của tôi là chưa đều đặn và hiệu quả. Trong khi đó, tham gia sinh hoạt lại là một khâu rất quan trọng để kết nối với các thành viên khác trong Hội, đặc biệt là trong Chi hội. Bởi vậy, kế hoạch đầu tiên trong nhiệm kỳ này của tôi là thực hiện tốt chế độ sinh hoạt, thường xuyên có mối liên hệ với Hội, từ đó có những đóng góp thiết thực hơn cho các hoạt động của đơn vị.

Tới đây, tôi sẽ tham gia và chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học. Đó là 2 đề tài về nghiên cứu bảo tồn vốn cổ. Đề tài 1: nghiên cứu trên phạm vi rộng (cả nước, do Ban Văn hóa các dân tộc quản lý), tham gia với tư cách thành viên chủ chốt. Đề tài 2: chủ trì, nghiên cứu trong phạm vi tiểu vùng văn hóa Thái Nguyên, (đơn vị chủ quản: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam). Tôi sẽ gắng sức để hoàn thành tốt các đề tài nghiên cứu này và theo tiến độ thực hiện, triển khai ứng dụng chúng trong thực tế sau khi hoàn thành. Tôi cũng sẽ cùng với các thành viên trong Chi hội Văn nghệ dân gian của Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên tích cực xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu mới, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc nói chung, trong đó có văn hóa dân gian địa phương.

Ngoài ra, với chuyên môn của một giảng viên đại học, tôi sẽ nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa trong việc tham gia giảng dạy hệ đào tạo sau đại học và đại học ở các trường trên địa bàn tỉnh để duy trì, nâng cao trình độ chuyên môn. Những nội dung giảng dạy về ngôn ngữ, văn học, văn hóa dân gian là động lực để việc nghiên cứu không bị lãng quên và trì trệ. Hướng dẫn luận văn Sau đại học và tham gia các Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ cũng là một phần công việc quan trọng, góp phần thực hiện các nhiệm vụ mà một thành viên của Hội VHNT có trình độ cần quan tâm.

Vi Phương

(Chi hội Lí luận phê bình)

Là hội viên trẻ của Chi hội Lí luận phê bình, trong 5 năm qua (từ 2013-2018), tôi có 25 bài nghiên cứu, lý luận phê bình đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Một chút kinh nghiệm viết trên thể loại “khô khan” này, cộng thêm với việc đang công tác trên lĩnh vực báo chí truyền thông đã giúp tôi hiểu và có thêm tình yêu, đam mê nghiệp viết.

Phê bình gồm có phê bình hàn lâm (còn gọi là phê bình chuyên nghiệp, là phê bình lấy lí thuyết khoa học làm nền móng, có sự thẩm định, bình giá mang tính khoa học và nghệ thuật sâu sắc); phê bình nghệ sĩ (lấy cảm hứng sáng tạo nghệ thuật làm gốc) và phê bình truyền thông (còn gọi là phê bình báo chí: diễn đàn thuộc về bạn đọc - có thể đọc một bài phê bình tác giả tác phẩm, bình giá, tiểu luận sách hoặc tổ chức những cuộc tranh luận trên báo chí). Tuy không có sự phân biệt rạch ròi, việc phân ra ba loại phê bình chỉ mang ý nghĩa tương đối. Nhưng thời gian qua và trong tương lai, tôi vẫn tập trung sức bút cho hai loại phê bình chuyên sâu và phê bình truyền thông.

Phê bình mang lưỡng tính, vừa có nền móng khoa học, vừa có cảm hứng nghệ thuật. Hiểu được đích xác về thể loại - “Phê bình văn học tuyệt nhiên không phải chỉ là một cuộc rong ruổi phiêu lưu trên bề mặt văn bản chữ nghĩa với những giây phút thăng hoa, hứng thú đột khởi. Mà cao hơn thế, phê bình là một hành động của nhận thức, một sự tự ý thức có chủ đích. Chủ đích của phê bình không dung nạp sự tùy tiện, võ đoán, ăn may, mà đòi hỏi tập trung làm sáng tỏ những vấn đề văn học có ý nghĩa xã hội, nhân sinh và nghề nghiệp...” (PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện, Văn chương, Nghệ thuật & Thẩm mỹ tiếp nhận, tr.152). Và để giúp công chúng nhận thức sâu sắc về một tác phẩm văn nghệ, nhất là những tác phẩm có nội dung sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số miền núi, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những bài viết phê bình sáng tạo, chuyên sâu có giá trị, mong muốn tạo nên dấu ấn riêng trong lòng độc giả.

Lê Lâm

(Chi hội Nhiếp ảnh)

Phát huy thế mạnh của một tỉnh trung tâm của khu vực, tôi và các hội viên nhiếp ảnh trong nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống và phát triển phong trào nhiếp ảnh mạnh hơn nữa. Dự kiến trong nhiệm kỳ tới tôi và anh em trong Chi hội và câu lạc bộ sẽ tổ chức theo kế hoạch từ một đến hai cuộc triển lãm ảnh cấp CLB. Qua sự hỗ trợ của Hội VHNT tỉnh, Chi hội và sự đóng góp tự nguyện của các cá nhân sẽ tăng cường tổ chức các chuyến đi sáng tác trên mọi miền Tổ quốc trong đó tập trung mạnh vào khu vực phía Bắc nhằm phục vụ các cuộc thi ảnh, triển lãm ảnh trong khu vực miền núi phía Bắc. Dự kiến, trong năm 2019 sẽ đi sáng tác ảnh xuyên Việt. Đi và khám phá những vùng đất mới, tìm hiểu thêm văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, biên giới và biển đảo. Săn tìm phong cảnh, khoảnh khắc đẹp trên suốt chuyến đi. Qua các chuyến đi này cũng là dịp để gặp gỡ, giao lưu với giới nhiếp ảnh khắp nơi trong cả nước để trau dồi kiến thức, nâng cao khả năng sáng tạo. Hy vọng qua mỗi chuyến đi có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về thiết bị, kế hoạch đầy đủ sẽ mang lại những tác phẩm có giá trị nghệ thuật.

Tất nhiên, mảng sáng tác về tỉnh nhà Thái Nguyên vẫn sẽ tiếp tục được tôi đặc biệt quan tâm. Tôi luôn quan niệm rằng, sáng tác nhiếp ảnh không những là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm của mỗi hội viên Nhiếp ảnh để bổ sung vào kho tàng lưu trữ, đáp ứng cho “thị trường” ảnh nghệ thuật trong tỉnh, đồng thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương.

Hoàng Minh Đức

(Chi hội Mỹ thuật)

Tôi vinh dự được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh ngay từ khi đang theo học Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nhờ đó tôi có được định hướng sáng tác, có nhiều cơ hội nâng cao khả năng sáng tạo thay vì sáng tác một cách “bột phát”. Cũng đã gặt hái được một số thành quả nhất định như giải B của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2018 về sáng tác; giải B giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2016. Tôi luôn tự nhủ mình không được hài lòng với chúng mà phải luôn nỗ lực vì mình còn trẻ, cần phải tiếp tục khẳng định mình. Hiện nay, tôi đang là hội viên trẻ nhất của hai hội trung ương là: Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, thử sức với các lối vẽ khác nhau và tập trung vào việc khai thác các chủ đề về bản sắc các dân tộc thiểu số. Chúng sẽ được thể hiện theo lối vẽ trang trí dựa trên các họa tiết, trang trí nội thất của người dân tộc vùng Đông Bắc. Nội dung chính của tác phẩm, các ý tưởng, ý niệm sẽ được thể hiện ở phần giữa có bức tranh và xung quanh các họa tiết trang trí đó. Tôi cũng sẽ tập trung vào việc tham dự triển lãm của tỉnh, đặc biệt là triển lãm mỹ thuật khu vực. Với tôi, đây là một đấu trường có sự cạnh tranh thật sự khốc liệt. Các tác phẩm được lựa chọn kỹ lưỡng, đòi hỏi các tác giả phải có sự đầu tư kỹ lưỡng và cố gắng sáng tạo, tìm tòi cật lực, không được hời hợt.

Năm 2019, tôi được bầu làm Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật tỉnh đồng thời được bầu vào Ban Chấp hành Hội VHNT các dân tộc thiểu số tỉnh. Đây là vinh dự nhưng cũng đặt ra một trọng trách to lớn với tôi. Tôi thấy mình còn thiếu kinh nghiệm trong công tác điều hành nên cần phải học hỏi kinh nghiệm các thế hệ đi trước và các Chi hội khác rất nhiều. Trước mắt tôi sẽ cố gắng tạo ra nhiều hoạt động, cơ hội nâng cao tay nghề sáng tác hơn cho các hội viên. Trẻ hóa, năng động, đa dạng hơn các hoạt động VHNT cũng là điều tôi sẽ nỗ lực thực hiện.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại hội có nhiều đổi mới

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Những dấu ấn nhiệm kỳ

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi đưa văn chương của tôi đi xa hơn

Các kỳ Đại hội 5 năm trước

Nơi chắp cánh khát vọng sáng tạo

Các kỳ Đại hội 5 năm trước