Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
12:28 (GMT +7)

Nhớ trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

VNTN - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn (1967-1975) và là 1 trong 2 vị tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá (phong năm 1959) lên trung tướng (1974). Sau chiến tranh, ông tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng khác như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Phó Thủ tướng Chính phủ… Ông vừa vĩnh biệt chúng ta, khép lại một cuộc đời tận tâm vì Đảng, vì Dân.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1/3/1923, quê quán tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1938, được kết nạp vào Đảng tháng 12/1939. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã giữ các chức vụ: Ủy viên T.Ư Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559 kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy 559; Bí thư Ban Cán sự cố vấn, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ); đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.

 

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: TTXVN

Với 8 năm là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (1967-1975), tên tuổi trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã gắn liền với đường Trường Sơn huyền thoại - tuyến chi viện chiến lược cho tiền tuyến, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối năm 1966 đầu 1967, trước yêu cầu mới tuyến đường 559, đại tá Đồng Sỹ Nguyên được phân công lên thay cho đồng chí Hoàng Văn Thái về làm nhiệm vụ mới. Vinh dự và trách nhiệm nặng nề khi được làm nhiệm vụ trên tuyến đường chiến lược mang tên Bác, tuyến đường mang theo khát vọng thống nhất của cả dân tộc, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên quyết tâm đi tìm câu trả lời bằng những hành động cụ thể. Ngay từ những ngày đầu “nhập tuyến”, vị tướng quân mới đã cùng toàn tuyến xông pha những nơi khó khăn, gian khổ, ông nhận thấy và cho rằng Quân ủy Trung ương “lấy phòng tránh là chính..., tuy không phải là chủ trương, tư tưởng chỉ đạo chính thống (…) nhưng nếu kéo dài tư tưởng đó khi tình hình đã chuyển biến sẽ tạo nên sự trì trệ khôn lường”(1). Kết luận đó của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho thấy một sự nhạy bén trong công việc và trong việc nắm bắt tình hình của vị Tư lệnh Trường Sơn mới. Một nhận định quan trọng cho công cuộc “cải cách” đường vận tải chiến lược Trường Sơn. Đó là cơ sở để ông quyết tâm đi tìm cách tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trên tuyến đường chiến lược.

Kế thừa những kinh nghiệm của các vị tư lệnh tiền nhiệm, nghiên cứu các văn bản kết hợp với khảo sát địa hình, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đi đến kết luận những hạn chế của tuyến, chủ yếu với những nguyên nhân sau:

- Mùa khô trên Trường Sơn qua rất nhanh. Mà hiện tại, đường chỉ đi được trong mùa khô.

- Địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt, liên tục nhưng ta nắm tình hình bằng điện đài quá chậm. Từng binh trạm chưa xây dựng được sức mạnh tổng hợp, chưa thực hiện được chỉ huy thống nhất. Toàn tuyến chưa đưa được chiến thuật quân sự vào vận tải trong chiến tranh.

- Đời sống của bộ đội, thanh niên xung phong quá khó khăn.

- Các lực lượng trên tuyến hoạt động xa hậu phương, nên việc bảo đảm vật chất, khí tài, phương tiện xe - máy và khi bị thiệt hại thường tổ chức khắc phục quá xa.

- Tư tưởng tiến công là chủ đạo trong chỉ huy, chỉ đạo chưa thật rõ” (2).

Những nguyên nhân hạn chế đã được vạch rõ, chỉ ra rất cụ thể tạo điều kiện và cơ sở để tháo gỡ, khắc phục khó khăn, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến chống Mĩ cứu nước. Trên cơ sở phân tích, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng các cán bộ chiến sĩ trên toàn tuyến khắc phục. Ông quán triệt trong toàn quân tư tưởng: “Tất cả lực lượng phải bám đường, bám trọng điểm. Với tinh thần đó, tôi đề nghị việc đầu tiên là dời Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh ra gần đường chính; lấy Bộ Tư lệnh “làm gương” cho các binh trạm” (3).

Quyết đoán, trách nhiệm, nặng tâm trong công việc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thể hiện được bản lĩnh của của một người đứng đầu ngay từ ngày đầu nhập tuyến. Vì mục tiêu đề ra của tuyến đường, vì sự thành công của sự nghiệp thống nhất nước nhà, đồng chí thường xuyên có mặt tại các trọng điểm đánh phá ác liệt của địch như bến phà Xuân Sơn, Cổng Trời, đèo Mụ Giạ, Văng Mu, Cốc Mạc, Lùm Bùm, sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh bất cứ lúc nào, cùng các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn bám đường, bám tuyến. Điều đó cho chúng ta thấy được sự quyết tâm cao trong công việc, trong nhiệm vụ của ông. Nhưng lớn hơn hết cho mỗi chiến sĩ Trường Sơn thấy ở ông một con người mẫu mực, nghiêm túc, trong công việc luôn xông pha, đi đầu khi ông quyết định “lấy Bộ Tư lệnh làm gương cho các binh trạm” trong kế hoạch của mình.

Cũng từ năm 1967, đường Trường Sơn dần khắc phục được những khó khăn mà giai đoạn đầu gặp phải, thực sự mang một màu sắc mới khí thế, nhanh chóng, hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó, các chiến sĩ Trường Sơn dưới chủ trương của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn tổ chức đánh địch để “chia lửa cùng miền Nam”, biến đường Trường Sơn thực sự trở thành con đường của khát vọng thống nhất in đậm dấu ấn Đồng Sỹ Nguyên.

Sự sáng tạo, gan dạ, mưu trí của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng các chiến sĩ Trường Sơn vượt qua gian khổ của bom đạn, của sốt rét rừng, đói khát, “giặc trời” đã thu được những thành quả đáng khâm phục. Kết quả là toàn tuyến đã mở mới trên 1.000 cây số cả trục dọc, trục ngang, đường vòng tránh. Gộp với “vốn liếng” có từ trước, bộ đội Trường Sơn đã nâng tổng chiều dài tuyến đường mang tên Bác lên gần ba nghìn rưỡi cây số, phá dần thế độc đạo(4). Từ chủ trương đó, tiếp tục phát triển các tuyến đường, từ những con đường tránh cục bộ dần dần trở thành những nhánh đường nối liền các trục đường chính: “Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120 nghìn người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Ðông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 20 nghìn km đường ô tô” nối liến từ Tây sang Đông Trường Sơn. Thế đường độc đạo đã hoàn toàn bị xóa bỏ, mạng lưới đường 559 thực sự trở thành một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” mà đế quốc Mĩ biết nhưng không thế nào ngăn chặn.

Đóng góp to lớn đó của đường Trường Sơn phải kể đến vai trò của Tư lệnh - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi ông xây dựng đường Trường Sơn trở thành “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” đối với đế quốc Mĩ. Trong 16 năm hoạt động (1959-1975), tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển khoảng 2,3 triệu tấn vật chất, đưa đón trên 1 triệu lượt người ra vào các chiến trường, phần lớn số đó được thực hiện trong thời gian đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh (1967-1975).

Là một vị thủ lĩnh, đồng chí quán triệt tư tưởng rằng: “Trong cuộc chiến đấu để giành thắng lợi phục vụ chiến trường, tuyến chi viện chiến lược của chúng ta cũng là một chiến trường, một mặt trận có hai đối thủ phải vượt qua. Một là chiến đấu với bộ binh và không quân địch để giữ vững và phát triển tuyến chi viện. Hai là cuộc “chiến đấu” với thời tiết nghiệt ngã ở địa bàn Đông và Tây Trường Sơn để giành giật thời gian, thực hành vận chuyển thắng lợi” (5). Với những gì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã cống hiến cho cách mạng và cho Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Đồng chí đã có công lao to lớn trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và để quốc Mĩ. Đặc biệt đồng chí có công lao lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” (6).

Thời gian có thể xóa mờ dấu chân con người trên tuyến lửa Trường Sơn năm nào, nhưng những công lao, đóng góp to lớn của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cho sự phát triển của tuyến chi viện Trường Sơn nói riêng sẽ còn lưu mãi. Tên tuổi trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng kiệt xuất thời chiến, nhà lãnh đạo quyết đoán thời bình sẽ còn được nhắc nhớ trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Những ngày tháng lịch sử này, toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta chuẩn bị kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn, vị tướng huyền thoại của con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi về với Bác Hồ và các đồng đội của mình ở Trường Sơn, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, xứng đáng được mệnh danh là con đại bàng của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ông ra đi để lại cho đời niềm tiếc thương vô hạn và danh thơm của một vị tướng tài ba vẫn còn lưu mãi cùng non sông đất nước.

Chú thích:

(1): Đồng Sỹ Nguyên (1999), Đường xuyên Trường Sơn - Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, tr.62-63

(2,3): Đồng Sỹ Nguyên (1999), Đường xuyên Trường Sơn - Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, tr.54,55.

(4,5): Đồng Sỹ Nguyên (1999), Đường xuyên Trường Sơn - Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, tr.62, 63, 179.

(6): Trích lời phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nguyễn Văn Thanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy