Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
23:05 (GMT +7)

Nhớ người phơi áo

Ảnh: Giadinhonline

Bà tôi già lắm, lưng còng gẫy gập. Tóc bà tôi trắng lắm, da bà tôi nhăn nheo. Xương với khớp lủng khủng theo mỗi bước chân bà. Thế nên bà sợ rét, sợ gió mùa đông như nàng dâu thuở non tơ chập chững sợ nhát roi rát buốt văng ra từ môi mắt mẹ chồng. Bà sợ nên bà phải phòng thủ trước những đợt tấn công không thương xót người già, trẻ nhỏ của gió đông. Bà phòng thủ bằng cách tích trữ cẩn thận những gì có thể làm bà tránh được từng đợt, từng đợt rét buốt. Nhưng gia tài áo rét của bà chỉ độc mỗi cái áo bông thôi. Cái áo bông màu đen tuyền, óng ánh lớp nhung, có hàng nút áo bằng vải đằng trước kết thành năm bông cúc nhỏ xíu, vàng rực. Áo này, mẹ tôi, tức con dâu của bà phải hì hục kéo năm xe bò mía đi bán ở năm phiên chợ mới mua được cho bà. Thế nên bà quý lắm, bà quý nhất mấy đứa con, mấy đứa cháu, rồi đến chiếc áo bông này.

Nhà tôi ở gần sông, phía ngoài làng là đồng bãi. Trên cánh bãi người làng trồng ngô, đậu, cải, xa xa là chuối, bạt ngàn chuối tiêu. Mùa đông về, hoa cải vàng, hoa cải trắng phủ tràn cánh bãi. Có những buổi sáng sương dâng lên từ mặt sông, từ vòm trời sà xuống những luống cải, từ phía làng trông ra không rõ đâu là sương đâu là hoa, chỉ thấy một vùng bồng bềnh, chập chờn vàng trắng, như thực như mơ. Những khóm chuối thì chen chúc nhau, thân chuối cao vút, căng mọng như thân thể trai tơ gái tơ, lá chuối xanh, một màu nhưng nhức, roi rói, phồn thực. Ấy thế mà khi những trận gió đầu đông hung hãn quần thảo trên cánh bãi thì từng đám cải tan tác, còn những tàu lá chuối bị xé nát, tơ tớp chẳng khác nào những chiếc lược nhựa sun lại trong ngọn lửa. Bà thường bảo: “Làng này là cái túi hút gió”. Bà ví von thế là bởi tứ bề làng chẳng có gì che chắn, làng quanh năm chường mặt ra mà đón gió. Từ gió Tín Phong, gió mùa Đông Nam, gió Heo May, gió mùa Đông Bắc đến các loại gió không tên khác cứ tự tiện vào ra khỏi làng như chốn không người, chẳng cần biết người làng có thích chúng hay không. Dĩ nhiên là bà ghét nhất, sợ nhất gió mùa Đông Bắc rồi. Thứ gió quái, gió quỷ lúc thì làm trẻ con tái xanh tái xám vì lạnh, lúc lại hong đỏ làm nứt nẻ má môi con nhà người ta vì hanh khô. Với người già thì đội quân gió này hành cho đủ khổ, da dẻ mốc meo như da mấy cụ cóc già trong hang hốc cuối vườn, những cơn ho hay mò đến lúc nửa đêm về sáng, xương khớp đau âm ỉ như bị nện đòn, huyết áp lúc vù vù tăng lên khi lại tụt xuống ầm ầm, chả biết đâu mà lần.

Gần một thế kỉ chống chọi với trớ trêu, cay nghiệt thế gian, nên với gió có ghét, có sợ mà bà chả ngán đương đầu. Gió lạnh rất gian manh, hay giở trò đánh úp nên có khi sau rằm tháng Tám là đã “chơi” một vài đợt để chọc tức bà. Thường lúc ấy, bà trở tay không kịp, bà hay bị ho, xương khớp lầm rầm rên rẩm làm bà mất ngủ. Bà bị thế là do bà nhiễm lạnh. Nhẽ ra thì bà không bị lạnh đâu, nhưng vì bà nhất quyết không chịu mặc chiếc áo bông chưa kịp phơi qua nắng. Bà bảo: “Áo bông mà chưa phơi, như người một năm không tắm, sao mà mặc được!”. Bà hay có ý nghĩ, hành động rất lạ như thế, tỉ dụ như ngày tôi còn bé, bà có gì cho đều bắt tôi nói: “Cháu ạ bà! Cháu xin bà! Cháu bé bỏng!”. Tôi nói câu ấy xong thì bà sẽ hôn chụt một cái vào má, rồi cho tôi tất cả những gì bà có. Nếu không nghe, thì bà chả cho thứ gì, dù tôi có mè nheo, ỉ i khóc hay làm ngơ bỏ đi thì bà cũng quyết không cho. Hoặc như năm nào ngày Tết Đoan Ngọ bà cũng phải bôi vào cổ tôi một vết vôi để giết sâu bọ, cho đến năm tôi mười sáu tuổi bà vẫn làm thế. Không cho bà bôi thì không yên được với bà, nhưng lúc ấy tôi đã là một chú trống choai rồi, bà bôi xong mắt trước mắt sau là tôi lau bằng sạch. Mấy mắt biếc, má hồng ngoài cổng í éo gọi tôi đi học, thế là tôi chạy tót đi. Bà đáo để lắm nhé, tôi đi học về là mắt bà liếc vào cái cổ thằng cháu, nên có hôm tôi phải chấm một vết vôi lại đúng chỗ bà chấm lúc sáng.

Bây giờ, quay lại với chuyện phơi áo. Thường sau rằm Trung Thu bà sẽ mở chiếc hòm gỗ cá nhân lấy áo bông ra phơi. Chiếc hòm bằng gỗ thông, nhẹ, đã xuống màu nâu trầm, nhưng bao năm không hề mối mọt, bà dùng để cất giữ những thứ quý giá của bà, dĩ nhiên chiếc áo bông là thứ quý nhất rồi. Bà phơi áo trên dây thép, khi nắng lên, bà dùng cây gậy lim hơn nửa mét đập lấy đập để lên áo. Hình như bà mua nó của xưởng mộc cuối làng. Mẹ tôi cũng hay dùng cây gậy này khi giặt những bộ quần áo bết bùn đất của tôi hoặc đập ruột chăn bông lúc mang ra phơi. Động tác đập áo bông của bà trông buồn cười lắm. Tay cầm gậy vung lên thì tay còn lại và hai chân cũng đánh nhịp, bước tiến bước lui như đang múa, như đánh võ. Có lần nhìn thấy bà đập chăn, thằng Chỗn (tên ở nhà của thằng Thuần - bạn tôi) bảo “trông bà mày như Võ Tòng đả hắc hổ”, tôi lại thấy bà giống Tôn Ngộ Không dùng gậy Như Ý đập liên hồi vào Ngưu Ma Vương để đoạt quạt Ba Tiêu. Liên tưởng thế là bởi những nhân vật trong mấy bộ phim của Tàu thực sự đã đi suốt tuổi thơ ngây, trong sáng của lũ trẻ làng chúng tôi. Thường lúc bà đang say mê với màn múa võ của mình, chúng tôi sẽ đứng sau bà hô: “hầy dà...hầy dà...hầy dà” theo từng nhịp gậy vung của bà. Bị chúng tôi trêu, bà vung gậy đuổi, vừa nheo mắt cười vừa chửi: “Cha mấy thằng quỷ sứ... chết này... chết này...”. Bà chửi thế thôi, bà chỉ vụt vào gió, chứ bà mà bổ vào đầu thì có mà choác gáo dừa. Cuối thu, nắng đã nhạt màu, non nhiệt nên bà thường phải phơi áo hai nắng mới xong. Khi nào thu áo bà cũng ấp vào mặt hít hà, như hít một mùi hương, một thứ gì ấm áp lắm vào sâu trong lồng ngực hơ hốc da với xương của bà.

Mùa thu năm ấy, lúc tôi chuẩn bị nhập ngũ, bà mang áo ra phơi. Rồi khi bà đập áo, không biết thế nào mà một vết bục rách toác ra. Bà hốt hoảng không tin vào mắt mình. Bà nhìn chằm chằm vào vết rách, bà lần, bà sờ như cách bà sờ đếm những hạt giống trong quả bầu khô. Bà thở dài, mắt bà ướt, u sầu như những chiều mưa ngâu không dứt. Bà hì hụi khâu cả buổi mà tấm áo không thể nào như cũ được nữa. Tôi tự nhủ sau này sẽ tìm mua biếu bà một chiếc áo bông giống như chiếc áo này. Mẹ tôi biết áo bà đã bị rách, mua cho bà một chiếc áo rét khác, cũng có bông bên trong, mà suốt bao năm nói thế nào bà vẫn không dùng đến. Bà bảo để dành, mà dành đến bao giờ thì mọi người đều lờ mờ hiểu ra.

Bà qua tuổi tám mươi, rồi qua tuổi chín mươi, bà là cái cây bị thời gian, mối mọt đụng ruỗng rồi, mỗi lần đi đều phải có người dìu, bà không thể phơi áo được nữa. Biết tính bà nên những ngày cuối thu có cơn nắng già là mẹ tôi phải nhớ phơi áo cho bà. Lúc ấy, mắt bà vui lắm, vui như mắt trẻ thơ. Những buổi chiều thu bà hay ngồi bên thềm đếm nắng và ngửi mùi hoa lá quyện trong gió từ cánh đồng, từ dòng sông đưa vào làng. Mấy lần thư mẹ kể, rất nhiều buổi chiều khi mặt trời khuất sau dãy tre làng, bà lại hỏi mẹ tôi hoặc lẩm nhẩm tự hỏi: “Bao giờ thì thằng Phú nó về?”. Tôi thường khóc khi đọc đến những dòng chữ ấy. Rồi một ngày, khi tôi về được đến nhà, bà đã đi đâu mất, chỉ còn lại một nhúm da với xương chưa nổi ba mươi cân, hai hốc mắt khép chặt thành hai cái giếng cạn khô. Tôi nhớ ra là trời đã sang thu và tôi nhớ vẫn chưa tìm mua được chiếc áo bông nhung đen có hàng cúc hình hoa cúc. Tôi gục xuống bên bà: “Bà ơi! Bà ơi! Cháu đã về rồi đây...”.

Nguyễn Phú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 1 tuần trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước