Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:36 (GMT +7)

Nhớ mùa xuân làng Dao

VNTN - Sau Tết, cả làng lại ra đồng, lên nương nhưng cũng làm những công việc của mùa xuân như in, thêu, cắt, khâu váy áo mới. Nhà nào cũng có một chiếc bếp lò đỏ lửa phía sau nhà. Ở đó, các bà, các mẹ, các cô đang thêu khăn, thêu áo, in sáp ong tạo hoa văn trên váy.

Nhuộm chàm của người Dao Tiền. Nguồn ảnh: Internet


Mùa xuân ở làng Dao trước đây có nhiều thứ rất khác với bây giờ. Ngày Tết, từ hai bẩy, hai tám tháng Chạp, các gia đình người Dao Tiền ở làng tôi đã lần lượt mổ lợn ăn Tết. Nhà nào mổ lợn cũng đều mời bà con cả làng đến ăn một bữa cơm Tết đông vui. Các món ăn trong bữa cơm Tết đều được làm từ thịt lợn. Nào là thịt luộc, thịt nướng, thịt xào, lòng dồi luộc... Tất cả được bày lên lá dong trải trên những chiếc mâm gỗ, bát nước chấm được đặt vào giữa mâm. Rồi mọi người ngồi quây quần xung quanh mâm mà ăn uống vui vẻ. Sau bữa cơm Tết, nhà nào không có lợn mổ thì còn được gia chủ biếu một miếng thịt chừng vài cân để ăn Tết. Bọn trẻ thì háo hức chờ đón ngày được mặc quần áo mới và được đốt pháo. Các bà mẹ, các cô trong làng đều bận rộn cắt khâu quần áo mới cho con cháu. Rồi mọi nhà đều gói bánh chưng, giã bột làm bánh gai, bánh mật, bánh rán… Cảnh ngày cuối năm ở làng thật vui vẻ nhộn nhịp.

Đêm ba mươi Tết, nước được gánh đổ vào chum vại đầy ăm ắp, bếp lửa được chụm bằng những cây củi gộc, lửa đỏ thâu đêm. Mỗi nhà đều có vài bánh pháo hong trên gác bếp. Cả làng đều thức đón Giao thừa, nghe đọc thơ trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Nhưng trẻ con ít thức được như người lớn, chỉ đến khi nghe tiếng pháo nổ đì đùng thì mới tỉnh dậy cùng mọi người đón Tết. Những ngòi pháo đã được hong khô giòn bắt lửa rất nhanh, lửa diêm sinh phun sáng rực, rồi tiếng nổ liên tiếp của cả dây pháo vang lên thật đanh, thật giòn, khói bốc lên mù mịt. Tất cả tạo nên không khí thật vui vẻ.

Sáng mùng một, lũ trẻ trong làng đã xúng xính trong những bộ quần áo mới để đi chơi Tết. Năm đó, nhà bác trưởng họ ăn Tết púng nhaháng (tức là Tết nhảy) để cầu được mùa và dạy cho thanh niên trai tráng trong làng học các điệu nhảy theo nghi lễ cúng tế của người Dao. Một gốc cây được đưa vào giữa nhà, người ta nặn các loại quả và con giống bằng bột nếp rồi gắn lên cành lá. Các cô, các bà, các chị và trẻ con cũng tụ tập đến xem đầy nhà. Người học nhảy, người đến xem ngồi vòng trong, vòng ngòai. Theo sự chỉ dẫn của hai ông thầy, mọi người nhảy vòng tròn xung quanh gốc cây trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chũm chọe vang lên rộn rã, thúc giục. Cứ hai ba tiếng đồng hồ lại có một bữa ăn xiáo dẻ (ăn điểm tâm) cho những người học nhảy. Bọn trẻ giúp chủ nhà rửa bát đĩa, đến khuya mới tản về các nhà để ngủ. Tiếng chuông, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chũm chọe đồng vọng trong đêm hòa vào giấc ngủ chập chờn của bọn trẻ. Tết nhảy kéo dài hai ba ngày mới kết thúc.

Dệt vải của người Dao Tiền (nguồn: Internet)

Sau Tết, cả làng lại ra đồng, lên nương nhưng cũng làm những công việc của mùa xuân như in, thêu, cắt, khâu váy áo mới. Nhà nào cũng có một chiếc bếp lò đỏ lửa phía sau nhà. Ở đó, các bà, các mẹ, các cô đang thêu khăn, thêu áo, in sáp ong tạo hoa văn trên váy. Bọn trẻ tò mò học theo. Áo váy người Dao Tiền làm khá kỳ công. Nếu tính từ khi trồng bông, kéo sợi, se sợi, dệt vải, in sáp ong, nhuộm chàm, thêu, cắt khâu thì phải đến ba năm mới xong được một hai bộ. Lại còn phải có cúc bằng bạc trắng, cúc không phải để cài mà chỉ để trang trí. Mỗi chiếc áo có tám cúc nửa vầng trăng và một cúc tròn bằng lòng bàn tay. Cúc được khâu vào hai bên nẹp áo. Hoa văn trên cúc rất đẹp, chỉ các bác thợ ở miền xuôi lên mới biết làm các loại cúc đó. Trong bộ trang phục Dao Tiền, khó nhất là làm xà cạp hoa. Vì phải thêu bằng chỉ màu vào một mảnh vải, sau đó là việc ghép các miếng viền sao cho khi quấn vào bắp chân, xà cạp phải ôm gọn, không thừa phần mép thì mới đẹp. Người có đôi bàn tay khéo léo nổi tiếng trong việc in thêu, cắt khâu những bộ áo váy đẹp nhất làng chính là mẹ tôi. Mỗi khi ngồi in sáp ong, thêu hoa, khâu áo váy, các cô gái trẻ trong làng lại đến ngồi bên mẹ để học theo. Mẹ vừa ngồi xuống thêu hay in sáp ong là các cô, các chị lại tíu tít hỏi cách thêu, cách in...

Mẹ phải kiên trì chỉ cho từng người xong rồi mới quay lại với công việc của mình. Một chiếc bát sứ to đựng sáp ong được đặt trên bếp củi, sáp ong chảy ra thành một thứ nước có màu hơi vàng sánh. Dụng cụ để in sáp ong vào vải chỉ là một thanh cây giang được chẻ ra, chuốt thật nhẵn rồi gập lại thành hình tam giác cân và buộc chặt chỗ đỉnh tam giác lại. Người ta cầm chắc đỉnh tam giác rồi nhúng đáy tam giác vào bát sáp ong, sau đó in lên mặt vải. Loại dụng cụ này dùng để in những đường thẳng song song hình dích dắc. Còn nếu in những đường cong và đường tròn thì người ta dùng ống nứa tép có nhiều kích cỡ. Nếu là nửa vòng tròn thì bổ đôi ống nứa ra. Việc in sáp ong đòi hỏi thật tỉ mẩn và chính xác. Nếu in không cẩn thận thì khi nhuộm chàm xong, gỡ sáp ong ra, hoa văn sẽ không đều, không cân xứng. Khi khâu ghép lại thành chiếc váy sẽ không đẹp. Việc trồng bông, thu hái bông, cán bỏ hạt, kéo sợi, se sợi bông chủ yếu là việc của các cụ bà. Bọn trẻ cũng giúp thu hái mỗi khi bông vào vụ chín. Mỗi nhà đều có cái máy cán bông, một cái máy kéo sợi quay tay. Những thứ đó đều do người làng tự làm ra cả. Người ta làm những trục và bánh xe bằng gỗ cứng rồi mua ốc vít đem về đóng thành thứ vật dụng cần thiết dùng cho các công việc chuyển bông sang thành sợi. Chiếc máy cán bông còn cần phải có thêm hai bánh răng cưa để khi quay hai cái trục ép sát vào nhau mới loại bỏ hết hạt bông ra khỏi sợi bông.

Tết nhảy của người Dao

Bông sau khi đã cán bỏ hạt thì được vê lại thành từng lọn bằng ngón tay cái và dài hơn một gang tay. Cái máy kéo sợi thì có một bánh xe lớn và một bánh xe nhỏ. Có một vòng dây bằng da nối liền hai bánh. Trục của chiếc bánh xe lớn có gắn một tay quay, còn trục của bánh xe nhỏ gắn một cái que để luồn ống chỉ. Bà nội vê từ một đầu của những lọn bông kéo ra thành một đoạn sợi ngắn đem quấn vào ống chỉ nhỏ rồi luồn ống chỉ vào chiếc que gắn trên trục bánh xe nhỏ, tay trái giữ lọn bông, tay phải nắm vào tay quay để quay bánh xe lớn. Khi quay bánh xe lớn, lực quay được truyền sang bánh xe nhỏ nhờ vòng dây da. Bánh xe nhỏ quay làm cho chiếc que gắn vào trục có luồn ống chỉ quay theo. Sợi chỉ cứ thế được rút ra dần từ lọn bông và quấn vào ống chỉ. Sợi bông sau khi đã kéo xong thì đem ra se.

Việc se sợi cũng không đơn giản chút nào. Người ta đóng cọc ở hai đầu sân dọc theo ngôi nhà rồi quấn sợi vào những chiếc xa quay lớn đặt trên những chiếc cọc rồi bắt đầu quay. Sợi bông được kéo căng ra và xoay chuyển liên tục, khiến cho sợi săn lại. Sau đó sợi được đem quấn vào những ống chỉ lớn rồi chuyển sang quấn vào thoi dệt. Còn việc dệt vải thì phải làm quanh năm. Mỗi nhà đều có một chiếc khung dệt bằng gỗ, bọn trẻ rất thích xem người lớn dệt vải. Cứ sau buổi làm đồng trở về là mẹ và các bà, các cô lại ngồi vào khung dệt tranh thủ dệt vải. Khi đã quen tay, người ta luồn con thoi nhanh thoăn thoắt trong lúc chân đạp vào bàn đạp rất nhịp nhàng và chỉ phải dừng tay khi sợi bị đứt để nối sợi mà thôi. Những đêm khuya, tiếng bàn đạp lách cách của khung dệt vẫn vang lên đều đều. Bọn trẻ ngủ thiếp đi trong âm thanh quen thuộc ấy.

Vải dệt xong thì đem nhuộm chàm. Trước khi nhuộm vải, những bó cây chàm lớn được chặt mang về rồi ngâm ngập nước trong những chiếc máng lớn bằng gỗ có đổ thêm vôi bột lên phía trên. Sau hơn một tháng, lá chàm rữa ra thành một thứ bột mịn xanh ngắt. Lúc đó người ta vớt phần thân cây chàm bỏ ra cho phần bột chàm lắng xuống. Khi nào nhuộm thì khuấy đều lên. Những mảnh vải dùng để khâu váy thì được in sáp ong, sau đó tất cả mới được nhúng vào máng chàm. Để đủ ngày, vải được vớt ra, giũ qua nước đem phơi khô rồi bóc lớp sáp ong ra. Những chỗ có sáp ong dính chặt, chàm không ngấm vào được tạo thành những đường hoa văn màu trắng hình dích dắc xen kẽ với những hình tròn nhiều vòng như hình đồng tiền nổi bật trên nền vải xanh màu chàm trông rất đẹp. Sau đó bắt đầu là công đoạn thêu hoa, cắt, khâu, ghép nẹp áo váy. Khi thêu hoa văn trên nền màu xanh chàm thì người ta dùng chỉ màu vàng, màu đỏ, màu xanh nõn chuối là phần nhiều. Còn thêu trên nền vải bông trắng không nhuộm ở hai đầu mảnh vải để làm khăn đội đầu thì thường dùng chỉ đen và chỉ vàng. Dù thêu không có khung nhưng người ta dùng cách thêu đếm sợi vải nên hoa văn rất đều. Nhưng cũng chính vì thế mà không thể thêu nhanh được. Công việc của các bà, các mẹ, các cô cứ thế nối tiếp từ năm này qua năm khác cùng với việc đồng áng và việc nuôi dạy cháu con.

Mùa xuân ở các làng người Dao Tiền cũng là mùa hát páo dung (hát đối đáp giao duyên). Sau Tết, trai gái ở các làng xa thường đến làm miền khé (người khách) của làng. Khi làng có khách, mọi người đều đến chơi, thăm hỏi và trò chuyện thân mật. Tối đến, nhà có khách trọ thường là nơi trai gái của làng đến hát páo dung (hát giao duyên) với khách. Một đống lửa được đốt lên ở góc sân hay một chiếc đèn bão đặt phía trước cửa nhà. Mấy cái ghế kê cạnh đó. Rồi tiếng hát mời của trai gái làng cất lên: “Em (anh) ở làng xa tới/ Cho anh (em) được xem mặt/ Cho anh (em) nghe được lời”.

Sau lời hát mời, khách mới bước ra cửa, các chàng trai, cô gái của làng mời khách ra ghế ngồi và cuộc hát mới thật sự bắt đầu. Những đêm hát páo dung hầu như không có điểm kết thúc, thường là thâu đêm. Bọn trẻ hay tụ tập lại để nghe hát, chất củi thêm vào đống lửa hay giúp chủ nhà đun nước, pha nước cho mọi người uống. Nhưng trẻ con không bao giờ nghe tàn đám hát, khuya một chút là tất cả đã về nhà ngủ. Thỉnh thoảng, sau một hai mùa xuân, trai gái của làng lại lấy vợ, lấy chồng là các chàng trai, cô gái từ làng xa đã đến hát páo dung ở làng tôi.

Dù đã xa lắm rồi, nhưng những mùa xuân tuổi thơ thuở ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp đẽ không bao giờ phai mờ trong tâm tưởng của tôi và những người con của làng Dao.

Bàn Thị Ba

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy