VNTN - “Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.
Tôi quên sao được cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy đóa hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng…”
Tôi đã đọc và dường như nhớ ngay lập tức được những dòng văn trong trẻo với thứ nhịp điệu thơ hơn mọi bài thơ ấy vào mùa tựu trường năm 1993, khi còn là cô bé 7 tuổi. Với tiêu đề “Nhớ lại buổi đầu đi học”, một trích đoạn trong truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh được in trong những trang đầu tiên của sách giáo khoa lớp 2 thập niên chín mươi thế kỉ trước. Năm lớp 8, lại một lần nữa, Tôi đi học xuất hiện trong sách giáo khoa, lần này là trọn vẹn tác phẩm chứ không còn là đoạn trích để các cháu mới vỡ lòng tập đánh vần nữa. Gió đầu mùa của Thạch Lam, Thời thơ ấu của Nguyên Hồng, Tôi đi học của Thanh Tịnh đặt cạnh nhau đã làm nên một trong những trường đoạn nên thơ và ngọt ngào nhất trên hành trình Văn học Nhà trường. Mê mải đến độ, dễ đến nửa năm, lúc nào tôi cũng ôm ấp cuốn sách giáo khoa Văn học lớp 8, tập 1, đọc đi đọc lại trăm lần và tự mình bầu chọn, rằng đó là cuốn sách Văn hấp dẫn nhất trong suốt 12 năm đi học.
Tôi đi học của Thanh Tịnh như làn gió nhẹ mơn man tâm hồn tôi hơn 20 năm nay cứ mỗi độ thu về. Trên những trang văn Thanh Tịnh, kí ức ấu thơ của chú bé làng Mĩ Lí năm nào ào ạt dội về, có lúc quang quẻ, tinh khôi như bầu trời tươi sáng sau cơn mưa, có khi lại mơ màng, bảng lảng như cơn mộng mị chập chờn, kì lạ mà người đàn ông ba, bốn mươi tuổi bỗng thấy mình trở về làm cậu bé lớp vừa lên 6: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này, tự nhiên thấy lạ…”. Những đám mây bàng bạc, con đường làng hai bên bờ cỏ thấm đẫm sương đêm, những người mẹ líu tíu dắt đứa con thơ đang kệ nệ ôm chồng sách mới, những cặp mắt rụt rè như “con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời cao rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ”…Tất cả hình ảnh và cảm xúc ấy, dường như đều hiện hữu trong trí nhớ của tôi, không phải chỉ trong ngày tựu trường đầu tiên mà trong rất nhiều buổi tựu trường suốt một thời thơ ấu.
Trong tôi, ngày khai giảng là một vùng kí ức trong trẻo, thiêng liêng. Ở đó, có niềm hân hoan được mặc quần xanh áo trắng, đội lên đầu chiếc mũ ca-nô gấp bằng giấy màu có gắn sao mà chỉ mấy hạt mưa bụi cũng đủ làm xiêu vẹo, ngồi xổm hàng giờ trên sân trường lổn nhổn sỏi đá chờ tiếng trống trường rồi lố nhố xếp hàng đợi thầy giáo chủ nhiệm đọc tên vào lớp để lo lắng đoán xem, năm nay, mình ngồi bàn nào, cạnh ai, ai được bầu là quản ca, lớp trưởng... Ba tháng nghỉ hè chạy rông khắp đồng chuôm ao bãi, ngày khai trường gặp lại nhau, đứa nào đứa ấy đen trùi trụi, cao lêu nghêu, tóc tai cháy nắng vàng khè và răng thì đã đi sơ tán vài chiếc…
Nhiều mùa “lá ngoài đường rụng nhiều” đã trôi qua, dường như, lũ trẻ ngày nay chẳng còn có ngày tựu trường. Ngay sau lễ bế giảng, thầy trò, bạn bè đã lại gặp nhau ở lớp học thêm, trong cuộc dã ngoại, qua facebook, zalo. Lễ khai trường vẫn được đầu tư hoành tráng, công phu với cờ hoa rực rỡ, nhưng chính việc tập đi tập lại màn diễu hành và đầy đủ các nghi thức đứng lên, ngồi xuống, vỗ tay, tặng hoa, ôm hôn, phát biểu cảm tưởng… cả nửa tháng ròng khiến lễ khai giảng chính thức hoàn toàn chỉ có ý nghĩa như một cuộc biểu diễn trước phụ huynh và đại biểu đến dự. Học sinh phổ thông tập trung học ôn từ đầu tháng 8 khiến tiếng trống khai trường ngày mùng 5 tháng 9 cũng khô khan, giả dối, mà có khi… “chỉ mang tính chất minh họa” vì ngày thường, nhiều trường học đã dùng chuông điện tiện ích thay cho mặt trống da trâu từng là biểu tượng của mái trường Việt Nam hơn một thế kỷ. Sinh viên Đại học, nếu không phải bí thư, lớp trưởng còn chẳng được dự lễ khai giảng, cho nên, nhiều bạn học đến năm thứ 2, thứ 3 vẫn không biết hiệu trưởng, chưa một lần dự lễ chào cờ mở đầu năm học mới. Đã lâu lắm, tôi không còn trông thấy em bé nào “rụt rè trong cảnh lạ” hay nước mắt ngắn dài núp vào nón mẹ như trong văn Thanh Tịnh và trong câu hát thân quen “Ngày đầu tiên đi học/ Mẹ dắt tay đến trường/ Em vừa đi vừa khóc…”. Trẻ con thời nay bạo hơn, tự tin hơn, độc lập hơn, thậm chí vui vẻ và sẵn sàng ở lại trường cả tuần không về nhà, theo mô hình đào tạo kiểu Âu mà các bố mẹ thành phố đua nhau đăng kí.
Mỗi thời mỗi khác, chẳng thể nào so sánh tốt, xấu dở hay nhưng mỗi độ thu về, nhìn mây bàng bạc và lá rụng ngoài đường, tôi lại tiếc nhớ những buổi tựu trường ngày xưa, khi mà đứa trẻ 6 tuổi cũng có thể nhận ra và khắc sâu thứ cảm xúc kì lạ chỉ xuất hiện trong đời người một lần duy nhất: “Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.
Suối Linh
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...