Nhớ cụ Bàng Tiến Long
VNTN - Nhân dân xã Hùng Sơn nay là thị trấn Hùng Sơn và nhiều người ở huyện Đại Từ đều biết về công lao hoạt động cách mạng của vợ chồng cụ Bàng Tiến Long và Nguyễn Thị Minh, ngụ tại xóm Vân Long - thị trấn Hùng Sơn - huyện Đại Từ.
Cụ Bàng Tiến Long tên thật là Bàng Văn Nhàn sinh ra tại xã Bảo Cường, Định Hóa, sang Đại Từ sinh sống từ trước năm 1930. Sau khi kết hôn với cụ bà Nguyễn Thị Minh người ở xóm Trung Hòa - Hùng Sơn, hai cụ chọn nơi đất rộng người thưa để khai hoang lập nghiệp đó là xóm Vân Long thị trấn Hùng Sơn ngày nay.
Hai cụ sinh được 10 người con trong đó có 6 người con trai, 4 người con gái. Vì đông con lại sẵn đất rộng nên con cái lớn đến đâu, các cụ dựng vợ gả chồng rồi cho ra ở riêng ngay đến đó. Mỗi người con khi ra ở riêng lại làm nhà trên một quả đồi, họ tự phát nương trồng sắn, trồng chè, khai phá ruộng cấy lúa. Các con của cụ là những người khỏe mạnh chịu khó làm ăn nên chẳng bao lâu chi chòm nhà cụ đã trở thành một xóm nhỏ. Những người đến sau được cụ giúp đỡ nên nhiều người nhận làm con nuôi, một số gia đình sau này kết giao thông gia với các con cháu của cụ nên cả xóm có mối quan hệ đùm bọc như một dòng tộc.
Tấm bằng khen của Chính phủ tặng cụ Bàng Tiến Long.
Xóm Vân Long, tên gọi xưa là xóm Khuân Gà, cách đường quốc lộ khoảng 4 km, có địa thế kín đáo, là nơi giáp danh giữa Đại Từ - Phú Lương, Định Hóa, có đường mòn đi tắt từ Tân Trào, Minh Tiến, Phú Lạc sang Phú Lương, về Thái Nguyên.
Năm 1944, Ban Châu - một tổ chức Việt Minh đóng tại xã Yên Lãng đã liên lạc với cụ Bàng Văn Nhàn mời cụ gia nhập tổ chức, cụ liền cùng các con trai là ông Bàng Văn Nhã, Bàng Văn Khang và ông Trần Văn Thịnh là hàng xóm tìm đến cơ sở Việt Minh dự họp tại đồn Phú Minh, sau cuộc họp cụ Nhàn được cử làm trưởng ban liên lạc và mang biệt hiệu là “Tiến Long”. Từ đó cụ Bàng Tiến Long đã tổ chức lực lượng xây dựng một cơ sở cách mạng.
Cụ giao cho ông Bàng Văn Thọ làm nhiệm vụ liên lạc với Ban Châu đưa đón cán bộ đi công tác từ Tân Trào, Yên Lãng về Phú Lương, Thái Nguyên và ngược lại; ông Bàng Văn Khang phụ trách tổ chức lực lượng tự vệ, ông Khang đã xây dựng được hai tổ tự vệ. Tổ 1 gồm các ông Bàng Văn Phúc, Bàng Văn Nhã, Trần Văn Thịnh, Nguyễn Văn Thụ, Trần Văn Khuôn do ông Bàng Văn Khang làm tổ trưởng bảo vệ khu trong từ dốc Nhà Cà vào đến dốc Dạt giáp Tiên Hội, Tân Linh. Tổ 2 gồm các ông Nguyễn Văn Bản, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Tiên Văn, Nguyễn Văn Thế, Nguyễn Văn Huyền do ông Nguyễn Văn Bản làm tổ trưởng bảo vệ khu ngoài từ dốc Trẹo xóm Liên Giới, xóm Gốc Thị lên cầu Huy Ngạc và xóm Hàm Rồng.
Hai tổ tự vệ thay nhau kiểm soát cả vùng suốt ngày đêm tạo lên một khu an toàn không cho người ngoài xâm nhập, đã hai lần bắt được kẻ gian làm tay sai cho Nhật, Pháp giải lên Ban Châu và hai lần quân Pháp tấn công vào Khuân Gà đều bị hai tổ tự vệ đánh trả quyết liệt làm chúng phải rút lui. Mặc cho Pháp và Nhật thay nhau cai quản đồn Đại Từ, căn cứ Khuân Gà vẫn hoạt động an toàn, bí mật đưa cán bộ Việt Minh di chuyển từ Võ Nhai, Phú Lương sang Tân Trào, hoặc từ Tân Trào về Phú Lương, Thái Nguyên.
Ngoài việc nuôi giấu cán bộ cách mạng, gia đình cụ Bàng Tiến Long còn là nơi tổ chức hội họp, các lớp đào tạo cho cán bộ trước khi đưa về các tỉnh hoạt động, tiếp tế lương thực cho cán bộ đến và đi công tác, các con của cụ luôn thay nhau cảnh giới bảo vệ các cuộc họp bí mật cho cán bộ Việt Minh.
Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hùng Sơn (Đại Từ) (1945 - 2012) vẫn còn ghi: “Khi Cứu quốc quân mở đường liên lạc qua xóm Vân Long thuộc Hùng Sơn, đã được gia đình cụ Nhàn (tức Bàng Tiến Long), bí mật giúp đỡ. Đồng thời một số thành niên ở đây đã được giác ngộ tham gia vào đội tự vệ Cứu quốc. Vân Long trở thành một điểm liên lạc an toàn trên đường từ căn cứ núi Hồng sang địa phận huyện Phú Lương, Võ Nhai (trang 29).
Theo lời kể của ông Bàng Văn Mạn (con trai cụ Bàng Tiến Long), năm 1942, bố ông đã chọn vị trí trên quả đồi giữa làng để dựng ngôi Đền, tại đây có thể quan sát được toàn cảnh xóm làng và phát hiện được người lạ đi vào từ mọi hướng. Lúc đầu Đền được làm bằng gỗ có 4 gian, gian giữa là nơi đặt bát hương thờ cúng thần linh, thổ địa, gian bên trái là nơi quan sát tiếp khách, còn hai gian bên phải thông nhau là nơi tổ chức các cuộc họp bí mật và mở lớp đào tạo bồi dưỡng tư tưởng cho cán bộ Việt Minh trước khi đi về các tỉnh hoạt động.
Ngày 18 tháng 8 năm 1945, một đội quân giải phóng từ Tân Trào xuyên rừng về Thái nguyên có ghé lại Đền nghỉ ngơi, tại đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó gọi là anh Văn có viết một tối hậu thư gửi cho tên trưởng đồn phủ Đại Từ, nhận được thư hai ngày sau tên chỉ huy bỏ đồn chạy trốn. Sau khi giành được chính quyền, do yêu cầu của cách mạng, cụ Long đã giỡ bộ khung Đền bằng gỗ để làm nhà Câu lạc bộ xã Thành Công. Cụ lại cùng con cháu góp tiền xây lại ngôi đền ngay trên vị trí cũ nhưng nhỏ hơn.
“Ngày 16 - 8 - 1945, theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, một đội quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang), về giải phóng thị xã Thái Nguyên. Ngày 18 tháng 8, trên đường hành quân, đơn vị đã đi qua và nghỉ tại Khuân Gà, xóm Vân Long, xã Hùng Sơn. Tại đây đoàn đã được gia đình cụ Nhàn (Bàng Tiến Long) và bà con trong vùng tiếp đón ân cần, lo nơi ăn chỗ nghỉ chu đáo… (trang 33, Lịch sử Đảng bộ xã Hùng Sơn (1945 - 2012).
Sau khi giải phóng thị xã Thái Nguyên một cán bộ Việt Minh có biệt danh là Thị Sinh giao cho cụ Tiến Long vận động tổ tự vệ và nhân dân làm nhiệm vụ vận chuyển kho vũ khí thu được của giặc đem về xóm Vân Long cất giữ, Cụ đã cho dựng một kho bí mật tại khe Kẹp Bị và giao cho ông Tho cát cử tự vệ canh gác ngày đêm.
“Nhận rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp là tìm mọi cách để trở lại thống trị Việt Nam và cả Đông Dương. Đảng và Chính phủ ta đã tranh thủ mọi khả năng kéo dài sự hòa hoãn, nhằm tích cực chuẩn bị mọi mặt, mọi lực lượng để sẵn sàng cho cuộc chiến tranh lâu dài. Đồng thời cử nhiều đoàn cán bộ quay lại Việt Bắc xây dựng căn cứ địa lập An toàn khu (ATK) cho các cơ quan Trung ương ở và làm việc lãnh đạo kháng chiến. Trong đó, Khuân Gà (xóm Vân Long) được cơ quan Bộ Quốc phòng chọn làm nơi cất giấu vật tư, vũ khí của quân đội. Thực hiện khẩu hiệu “3 không” (Không nói những chuyện lộ bí mật; không nghe những điều liên quan đến giữ bí mật; không chỉ đường cho những người lạ đến cơ quan, kho tàng và và bộ đội trú quân” (trang 44, Lịch sử Đảng bộ xã Hùng Sơn).
Năm 1950, trước tình hình máy bay địch bắn phá ác liệt, cơ quan tiếp liệu Cục Quân nhu sơ tán về xóm Vân Long, không thể làm kho để tích lũy lương thực, cụ Long đã cùng 6 gia đình khác gồm gia đình các ông Thịnh, Thụ, Phúc, Thọ, Khang, Mạn nhường lại nhà lớn cho cơ quan cất giấu lương thực, còn người nhà xuống ở nhà bếp. Điều này, sử vẫn ghi: “Nhân dân xã Vạn Thắng và đặc biệt là xóm Vân Long, đã bảo vệ an toàn các kho vật tư của Trung ương từ năm 1945 tới năm 1950, Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng lại mở rộng các kho và xưởng, với nhiều máy móc và khoảng 100 công nhân, sản xuất một số hàng quân nhu nên nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài của bà con trong xóm và cả xã, lại càng thêm cẩn mật. Các kho tàng công sở ở những nơi này đều được bảo vệ an toàn cho đến tận ngày hòa bình và chuyển về Thủ đô.” (trang 66)
Với công lao ủng hộ giúp đỡ, bảo vệ cán bộ và kho xưởng sản xuất phục vụ kháng chiến, năm 1947, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tặng Bằng khen cho cụ Bàng Tiến Long. Tấm Bằng khen đó hiện được đưa vào đền Khuân Gà, nơi thờ hai cụ, trong đó ghi: “Cấp cho ông Bàng Tiến Long, 42 tuổi. Ở xã Thành Công, phủ Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để ghi công giúp cán bộ, giữ cơ quan”. (Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 1947 Dân chủ cộng hòa năm thứ III, do Chủ tịch UB Hành chính Bắc bộ Nguyễn Xiển kí).
Ngày 06 tháng 8 năm 1952, cụ Bàng Tiến Long từ trần sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày. Các con của cụ là ông Bàng Văn Nhã, Bàng Văn Thọ, Bàng Văn Khang, Bàng Văn Mạn vẫn tiếp tục bảo vệ tài sản, kho tàng, công xưởng và thiết bị máy móc giúp đỡ sản xuất phục vụ cách mạng, đặc biệt có ông Bàng Văn Khang được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1948.
Ngày 22 tháng 4 năm 1978, cụ bà Nguyễn Thị Minh do tuổi cao sức yếu cũng về với tổ tiên.
Tiếp bước truyền thống của cha ông, các con, cháu cụ Bàng Tiến Long luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào cải tiến khoa học làm kinh tế giỏi và xây dựng nông thôn mới…, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của gia đình.
Nhân dịp 27/7 - ngày tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh và những người có công với Cách mạng, tôi muốn giới thiệu với bạn đọc về tấm gương của một người nông dân có tinh thần yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, đã từng tham gia hoạt động từ những ngày đầu kháng chiến, như một sự tri ân ngay trên quê hương mình, góp phần giáo dục lòng tự hào và biết ơn lớp người đi trước cho thế hệ trẻ mai sau.
Văn Vượng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...