Nhìn lại 5 năm sau sự cố hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) và bài học đối với Việt Nam
VNTN - Kể từ khi sự cố hạt nhân Fukushima xảy ra do tác động của thảm họa kép - động đất Tohoku và sóng thần tháng 3/2011, những tính toán về năng lượng của Nhật Bản đã có nhiều thay đổi. Việc mất đi 30% nguồn cung cấp năng lượng do điện hạt nhân mang lại đã gây thiệt hại lớn đối với kinh tế và môi trường Nhật Bản. Thảm họa kép đã để lại nhiều bài học quý giá không chỉ đối với Nhật Bản mà nhiều quốc gia khác cũng cần nghiên cứu, tham khảo.
Bài học từ sự cố Fukushima
Theo Báo cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) về sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, có thể rút ra một số bài học sau. Thứ nhất là khả năng đề phòng sự cố do những tác động từ bên ngoài. Khi động đất xảy ra, nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn hoạt động bình thường và không hề có dấu hiệu cảnh báo nguy nhiểm về dư địa chấn, cả trước và khi động đất xảy ra. Cùng với đó, khi các cơn sóng thần cao tới 10m ập vào khu vực nhà máy thì nhà máy cũng không có phản ứng tự vệ, chẳng hạn như ngắt nguồn điện của nhà máy thì có thể đã không xảy ra sự cố. Sự cố Fukushima để lại bài học sâu sắc về việc cần phải định kỳ đánh giá lại và bổ sung áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong công tác bảo đảm an toàn cũng như các biện pháp khắc phục sự cố.
Thứ hai, cần nghiêm túc xem xét tầm quan trọng của quan niệm “bảo vệ bên trong” (defense in depth) để các nhà máy điện hạt nhân triển khai các hệ thống bảo vệ độc lập, nhiều lớp, bảo đảm an toàn cho nhà máy trong mọi tình huống. Do trong thiết kế nhà máy không có hệ thống xử lý sự cố do tác động từ bên ngoài như động đất, sóng thần nên không có hệ thống làm mát cho lò phản ứng trong trường hợp mất toàn bộ năng lượng. Nếu nhà máy có hệ thống làm mát thì khi lõi của lò phản ứng bị nóng chảy thì sự cố nổ nhà máy đã không xảy ra. Quan niệm này có thể được coi là vấn đề cốt lõi trong việc tăng cường an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên, việc áp dụng cần được tiến hành một cách đồng bộ, phù hợp, bảo đảm chức năng cảnh báo đối với các nguy cơ, cả bên trong và bên ngoài.
Bên cạnh đó, các nhà máy điện hạt nhân cần tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động sự cố. Ví dụ, cần lắp các hệ thống thông gió, lọc độc trong nhà máy, đề phòng khi sự cố xảy ra, hệ thống này sẽ hoạt động và giảm thiểu bụi phóng xạ phát tán, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima trước khi xảy ra động đất. Nguồn: Internet
Nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản
Sau sự cố Fukushima xảy ra, hàng loạt nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản bị đóng cửa, tuy nhiên, mọi hoạt động sản xuất và đời sống ở Nhật Bản vẫn tiếp tục bình thường do Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng chính sách tăng cường sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch để bù đắp sản lượng điện thiếu hụt của điện hạt nhân. Tuy nhiên, việc tăng cường sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch đã làm tăng chi phí sản xuất điện do phải nhập khẩu nhiên liệu và làm mất cân bằng cán cân mậu dịch. Cùng với đó, Nhật Bản từng bước tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân với những quy định về bảo đảm an toàn tốt hơn. Không chỉ có vậy, Nhật Bản còn quyết định tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã lập Kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030, theo đó, tỉ lệ năng lượng hạt nhân vẫn chiếm từ 20-22% trong tổng nguồn năng lượng quốc gia, giảm từ 8-10% so với trước khi xảy ra sự cố Fukushima.
Sự cố Fukushima cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phản ứng mạnh mẽ của dân chúng đối với sử dụng năng lượng điện hạt nhân. Trước tình hình đó, Cục an toàn hạt nhân Nhật Bản được thành lập nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn đối với các nhà máy điện hạt nhân. Theo đó, Cục an toàn hạt nhân sẽ tiến hành đánh giá và tham mưu cho Chính phủ ra quyết định tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt, khi tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân phải đạt được sự ủng hộ và đồng thuận cao của dân cư ở khu vực nhà máy.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Nhóm làm việc về thẩm định giá điện (PGCVWG) (2015) nhằm đưa ra những so sánh, đánh giá và định hướng xã hội về giá điện. Ví dụ, định giá gần đây nhất do PGCVWG đưa ra là giá mỗi kWh điện hạt nhân là 10,1 yên; điện than: 12,3 yên/1kWh; điện gas: 13,7yên/1kWh; điện dầu: 30,6-43,4yên/1kWh; điện năng lượng mặt trời: 29,4yên/1kWh; điện gió: 21,6yên/1kWh, thậm chí điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể còn cao hơn nữa. Theo dự báo của PGCVWG, giá thành sản xuất điện quang mặt trời có thể sẽ giảm xuống còn từ 12,5-16,4yên/1kWh và điện gió từ 13,6-21,5yên/1kWh; riêng giá thành điện hạt nhân có thể còn giảm nữa.
Trong Kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030, Nhật Bản đề cập đến chính sách năng lượng, chú trọng đến công thức “3E+S” (an toàn năng lượng - energy security; hiệu quả kinh tế - economic efficiency; môi trường - environment và an toàn - safety). Dựa trên các tiêu chí đó, nếu so sánh với nhiên liệu hóa thạch và các nguồn năng lượng khác, năng lượng hạt nhân có 3 ưu thế nổi bật. Một là, sự ổn định của nguồn cung cấp. Nguồn uranium được cung cấp bởi các quốc gia có chế độ chính trị ổn định và nhiên liệu hạt nhân được nạp theo chu kỳ 4-5 năm. Hai là, giá thành ổn định và thấp. Giá nhiên liệu hạt nhân cung cấp cho các nhà máy điện ổn định theo hợp đồng, do đó, giảm được giá thành sản xuất. Ba là, năng lượng sản xuất của các nhà máy điện hạt nhân không phát thải khí nhà kính, tác động xấu đến môi trường. Phát thải vòng đời, bao gồm cả việc xây dựng nhà máy, khai thác và chế biến nhiên liệu, xử lý nhiên liệu đã sử dụng có nhiều ưu điểm so với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do đó, năng lượng hạt nhân được đánh giá là nguồn năng lượng sạch, có lượng khí thải các bon thấp.
Sự cố Fukushima không ảnh hưởng đến chính sách chống phổ biến hạt nhân của Nhật Bản. Từ những bài học kinh nghiệm trước đây, Nhật Bản tiếp tục thực hiện cam kết chống phổ biến hạt nhân thông qua việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn của IAEA, tăng cường kiểm soát xuất khẩu, tham gia Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân… Nhật Bản đã chấp thuận quy chuẩn an toàn hạt nhân của IAEA từ 2004 và các thanh sát viên của IAEA cũng không phát hiện được bất kỳ biểu hiện nào về các hoạt động liên quan đến hạt nhân không theo quy chuẩn của Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản được đánh giá là quốc gia thực hiện nghiêm túc nhất các quy chuẩn về an toàn hạt nhân của IAEA.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích việc tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng để thu hồi nhiên liệu plutonium. Việc áp dụng chính sách này cho thấy, Nhật Bản rất chú trọng đến việc tiết kiệm nhiên liệu, nhất là plutonium và giảm thiểu chất thải phóng xạ nguy hại ra môi trường, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Nhật Bản đối với cộng đồng quốc tế.
Khó khăn còn ở phía trước
Hiện nay, các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản đều do các công ty tư nhân vận hành nên việc quyết định thay thế hay kéo dài tuổi thọ hoạt động của các lò phản ứng hay xây dựng mới các nhà máy còn phụ thuộc vào quyết định của các công ty tư nhân. Do đó, việc có đạt được mục tiêu do Chính phủ đề ra trong Kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030 hay không vẫn đang còn là dấu hỏi lớn. Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một trong những yếu tố cơ bản của bảo đảm an toàn hạt nhân là phải xây dựng được đội ngũ nhân viên có trình độ, được huấn luyện tốt và có trách nhiệm. Đây là thách thức lớn đối với Nhật Bản vì Cục an toàn hạt nhân Nhật Bản mới được thành lập sau sự cố Fukushima. Do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nên việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân mới có thể bị chậm trễ. Bên cạnh đó, do tính cạnh tranh gay gắt của thị trường điện, do giá thành sản xuất cao vì phải nâng cấp các hệ thống bảo đảm an toàn, nên một số nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ cũ cũng có thể bị đóng cửa. Bên cạnh đó, việc xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bài học rút ra đối với Việt Nam
Hiện nay, châu Á - Thái Bình Dương có khoảng từ 45-64 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng, chưa kể các lò phản ứng đang ở giai đoạn nghiên cứu triển khai dự án như Việt Nam. Sự cố Fukushima xảy ra là lời cảnh tỉnh đối với tất cả các quốc gia có điện hạt nhân trong việc rà soát chi tiết lại các công trình, dự án điện hạt nhân của mình. Đối với nước ta, đây cũng là dịp để chúng ta kiểm tra, thẩm định lại một cách nghiêm túc nhất các dự án điện hạt nhân, bảo đảm việc phát triển điện hạt nhân được triển khai với mức cẩn trọng cao nhất, bảo đảm chương trình phát triển năng lượng an toàn và bền vững.
Theo các chuyên gia, phát triển điện hạt nhân phải dựa trên 3 yếu tố: Lòng tin của cộng đồng vào điện hạt nhân; Trách nhiệm cao nhất trong sử dụng và vận hành điện hạt nhân và Tri thức hạt nhân luôn được duy trì và phát triển. Thực tế cho thấy, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được lòng tin của nhân dân vào điện hạt nhân, trong khi trách nhiệm cao nhất trong sử dụng và vận hành điện hạt nhân mới chỉ là những lời cam kết của các nhà thầu nước ngoài và các văn bản, tài liệu, còn vấn đề về tri thức hạt nhân, cơ bản mới chỉ là những tìm hiểu ban đầu.
Với mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển trong những năm sau 2020, việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đã được Chính phủ lựa chọn như một giải pháp cần thiết cho phát triển kinh tế bền vững, với việc nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được quyết định xây dựng ở tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, việc rất cần được làm ngay là khảo sát, thẩm định lại một cách nghiêm túc nhất dự án điện hạt nhân của Việt Nam với cập nhật những bài học từ Fukushima, trên cơ sở tư vấn, phản biện quốc tế độc lập; từ đó xác định được thời điểm và các điều kiện tối ưu cho việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc phản biện quốc tế độc lập cho dự án điện hạt nhân nước ta là việc đã được khuyến cáo từ trước và đây là việc cần phải làm, ngay cả khi nhà thầu nước ngoài cho dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đã được chọn.
Mặc dù Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh thời gian triển khai và khởi công dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2020, chậm 6 năm so với kế hoạch ban đầu, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Cho đến nay, Việt Nam đang ở trong quá trình hoàn thiện chương trình tổng thể phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam với sự giúp đỡ của IAEA và các đối tác quốc tế có điện hạt nhân phát triển như Liên bang Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… Một yêu cầu cấp thiết của chương trình này là xây dựng và quy tụ đủ được một đội ngũ nhân lực trình độ cao đủ khả năng tiếp thu công nghệ phức tạp của điện hạt nhân và trực tiếp vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của đất nước. Thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn thiếu một đội ngũ nhân lực hạt nhân trình độ cao mặc dù đã có nhiều quyết sách quan trọng được Nhà nước đưa ra trong những năm gần đây. Khác với đầu tư kinh doanh thông thường, đầu tư xây dựng nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao là một quá trình lâu dài bền bỉ, đòi hỏi chi phí lớn kèm những chính sách đãi ngộ cạnh tranh nhất trên thị trường. Vấn đề này đã được nêu ra từ nhiều năm nay nhưng chúng ta vẫn tiếp tục đang loay hoay trong những ràng buộc của cơ chế cứng nhắc và quản lý chồng chéo, chưa triển khai đồng bộ được một chương trình đào tạo nhân lực hạt nhân tầm quốc gia, cùng chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút tài năng trẻ vào các lĩnh vực khoa học hạt nhân.
Bên cạnh việc phát triển điện hạt nhân, Nhà nước cần cân nhắc việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng gió, mặt trời…Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa có tổng lượng ánh nắng mặt trời trên đơn vị diện tích rất lớn. Đã đến lúc Nhà nước phải có quyết sách mạnh mẽ đầu tư lớn vào lĩnh vực này, cho dù nhu cầu vốn có thể nhiều hơn các dự án điện truyền thống nhưng đây là những nguồn điện sạch, không phát tán khí nhà kính, rất thân thiện môi trường và chúng xứng đáng có vị trí ngang bằng (hoặc cao hơn) điện hạt nhân trong quy hoạch điện tổng thể của Việt Nam.
Vũ Khanh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...