Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
05:19 (GMT +7)

Nhiều xã nông thôn mới đang đầm đìa nợ

VNTN - 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới trong cả nước đang nợ đọng xây dựng cơ bản với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã, có nhiều xã nợ đến cả mấy chục tỷ.


Đó là "điểm nhấn" trong mảng màu xám của bức tranh xây dựng nông thôn mới 5 năm qua. Kết quả giám sát về nội dung này vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội giám sát tối cao tại kỳ họp thứ hai sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới đây.

Trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, kết quả giám sát cho thấy, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước. Đến tháng 9/2016, đã có 2045 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 23%) và 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong 5 năm (2010 - 2015) cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Nhưng, nhiều tỉnh, huyện, xã đã trở thành "con nợ" thậm chí có nơi mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Theo kết quả giám sát, hiện có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng xây dựng cơ bản với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng. Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước (trong đó Đồng bằng sông Hồng chiếm 55,2% số nợ đọng). Đáng chú ý là tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn đến 31/01/2016 là 7.157,7 tỷ đồng (chiếm 46,9% số nợ đọng cả nước); có 1.147 xã đạt chuẩn (chiếm 62,5% ) nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 6,24 tỷ đồng/xã.

Ảnh: Đỗ Anh Tuấn

Cùng với nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Thái Nguyên cũng có tên trong bảng nợ nần.

Tổng số xã xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên là 142, tính đến 31/1/2016 số xã có nợ đọng xây dựng cơ bản là 130, tổng số nợ lũy kế đến thời điểm đó là 628,829 triệu đồng. Tách riêng các xã đã được công nhận đạt chuẩn thì Thái Nguyên có 40 xã đạt chuẩn. Nhưng 39/40 xã đang nợ tổng số tiền là 181,952 triệu đồng lũy kế đến 31/1/2015 còn đến 31/1/ 2016 là 191,332 triệu đồng.

So với  các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai... thì số xã đang xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên không phải nhiều nhất nhưng số xã mắc nợ và số tiền nợ đều đang dẫn đầu và thuộc hàng cao nhất trong các tỉnh miền núi phía bắc.

Điểm mặt các yếu tố được cho là dẫn đến nợ nần, đoàn giám sát chỉ ra rằng nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong việc kiểm soát vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, phê duyệt dự án và vận động các doanh nghiệp ứng trước vốn để thi công khi chưa xác định được nguồn vốn để thanh toán. Một số địa phương phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển quá nhanh, nóng vội, chạy theo thành tích trong khi chưa cân đối được nguồn lực...

Hơn 15 ngàn tỷ, số tiền này (nếu là chính xác) so với tổng vốn đầu tư cho nông thôn mới thì có thể không phải là lớn. Nhưng so với số thu ngân sách của nhiều huyện, nhiều xã thì không hề nhỏ. Nhưng, điều đáng lo là những món nợ đầm đìa đó lại không có nguồn chắc chắn để trả, dù đã phải tính đến cả nguồn lực đất đai.

Mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là để đảm bảo phát triển bền vững. Nhưng nhìn vào bức tranh nông thôn mới, dường như mới đua nhau xây dựng công trình, dự án chứ chưa đầu tư được mấy cho sản xuất theo hướng tăng chất lượng, tăng giá trị gia tăng, Chủ tịch băn khoăn: Như thế thì lấy tiền đâu mà trả nợ?

Câu hỏi này, đến trưởng đoàn giám sát cũng không thể trả lời chắc chắn. Trong khi Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nhắc đến những thông tin không mấy vui. Rằng có những xã từ đứa trẻ mới đẻ, người tàn tật, người cô đơn cũng phải đóng suất đinh xây dựng nông thôn mới.

Nếu thế, bao giờ hết nợ lại càng khó trả lời hơn gấp bội phần.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy