ọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”
Nhiếp ảnh và chiến sĩ ở Xứ Chè – Xứ Thép
Đọc hết cuốn sơ thảo Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam do bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Ông Chu Chí Thành (Giải thưởng Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam) làm đồng chủ biên, người ta khó mà nhận diện ra những thành tựu của giới Nhiếp ảnh Thái Nguyên nói chung và của các nhà nhiếp ảnh là cựu chiến binh hoặc vẫn còn tại ngũ của đất Thái Nguyên nói riêng. Trong khi xóm Đồi Cọ, Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) được coi là nơi khai sinh ngành Điện ảnh, Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953). Những nhà nhiếp ảnh một thời như: Vũ Năng An, Tô Na, Đinh Đăng Định,... nhà kỹ thuật, quay phim Phan Nghiêm, đạo diễn Phạm Văn Khoa... từng sống và làm việc trên đất Thái Nguyên khi trở về Hà Nội đã hầu như không để lại gì về nhân lực và tiềm lực vật chất cho Điện ảnh và Nhiếp ảnh của địa phương sở tại tiếp tục duy trì và phát triển.
Theo Họa sĩ Vi Kiến Thành – Nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm kể lại: Khu Tự trị Việt Bắc ở đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin là nhà thơ Bàn Tài Đoàn, ông là cấp trên theo ngành dọc của 6 Ty Văn hóa - Thông tin các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Ông đã thành lập và gửi người đi đào tạo nhân lực cho Phòng Điện ảnh và Nhiếp ảnh. Các đạo diễn: Chu Thi, Lô Cường; quay phim: Lê Phạnh, Hoàng Bình Hòa, Trần Thông - những người đã làm nên "Việt Bắc với Bác Hồ", bộ phim tài liệu đầu tiên và duy nhất của điện ảnh Khu Tự trị Việt Bắc. Cũng phải kể đến các nhà nhiếp ảnh như Vũ Bách (Lạng Sơn), Nông Tú Tường (Hà Giang), Trần Hoàn (Bắc Cạn),… đã góp công xây dựng nên một diện mạo độc đáo cho Nhiếp ảnh Khu Tự trị Việt Bắc.
Khi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Thái được thành lập năm 1987 thì Nhiếp ảnh Bắc Thái mới có cơ hội phát triển lên, một phần cũng là nhờ sự góp sức đầy tâm huyết của các cựu binh biết sử dụng thiết bị nhiếp ảnh: Trần Khải, Đồng Khắc Thọ, Nguyễn Khánh Hạ. Tác phẩm “Dự hội bản em” của Đồng Khắc Thọ đã đoạt giải A ảnh Xuất sắc quốc gia năm 1994 và năm 1995. Ông chính là người đầu tiên của tỉnh Bắc Thái được kết nạp vào Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đưa Bắc Thái ra khỏi vùng trắng hội viên trung ương. Năm 1997 tỉnh Bắc Thái được tách ra là Bắc Kạn và Thái Nguyên. Phong trào nhiếp ảnh tỉnh Thái Nguyên sau nhiều nhiệm kì luôn giữ được nhịp phát triển tốt cũng một phần là nhờ đến lực lượng cựu chiến binh tham gia ngày một đông vào Chi hội Nhiếp ảnh như: Mai Đồng, Quang Hồi, Đỗ Xuân Hùng, Vương Minh Lập, Nguyễn Hồng Trung, Đỗ Khánh Vân, Dương Tuấn Dũng, Nguyễn Bá Định, Lê Lâm, Trịnh Việt Hùng, Nguyễn Thế Dũng, Trần Đức Tú, Hoàng Thao và Âu Ninh. Bùi Hiệp là nhà nhiếp ảnh duy nhất hiện vẫn còn tại ngũ. Anh là phóng viên của Báo Quân Khu Một. Nhiều người nay vẫn tích cực tham gia hoạt động nhiếp ảnh. Những cựu binh: Trần Khải, Nguyễn Khánh Hạ, Trịnh Việt Hùng, Nguyễn Bá Định, Đỗ Khánh Vân cũng từ lâu đã được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Riêng Nghệ sĩ nhiếp ảnh, cựu binh Đồng Khắc Thọ đã phải rời tay máy, vì không qua nổi thời dịch giã COVID 19. Còn rất nhiều những chiến sĩ khi hoàn thành nghĩa vụ trở về với cuộc sống đời thường cũng đã, hay vẫn cầm máy ảnh. Vì một lý do nào đó họ không tham gia vào các tổ chức Hội đoàn. Nhưng tư duy về cái đẹp của cảnh quan, về con người,… thì họ không hề kém cạnh. Môi trường quân ngũ đã rèn cho họ trách nhiệm rất cao những chuẩn mực về đạo đức xã hội.
Khi đi sâu tìm hiểu về tâm tư của một số cựu binh cao tuổi như: Trần Khải, Mai Đồng, Quang Hồi, Nguyễn Khánh Hạ,… với họ thì khi đã đi qua thời trận mạc, vẫn còn được sống để hàng ngày chứng kiến cuộc đời đang đổi thay hội tụ qua lăng kính, thì đấy đã là một niềm hạnh phúc quá lớn lao. Nhiều lúc thấy họ vẫn lãng tử và bột phát như những anh tân binh lần đầu được cấp quân trang. Rối bời với cảm giác lạ lẫm khi lần đầu phải xa nhà và chẳng làm sao rũ bỏ được cái tâm trạng bất lực đầy ám ảnh bởi cặp mắt hờn trách của người bạn gái đuổi nhìn theo. Cặm cụi nhấn sâu những vết chấm nhỏ trên vành mũ thành một lời thề ngạo nghễ và bi tráng của tuổi thanh xuân, hay chữ viết tắt tên một ai đó đang được ủ kín trong nỗi nhớ.
Qua cuộc chiến tranh, ông Mai Đồng vẫn phải mang dị vật của bom đạn trong lá phổi. Nhiều lúc ông nín đau, khi nghĩ đến những đồng đội chẳng thể trở về. Và nguyên cớ khiến ông nhiều lần chẳng muốn gửi ảnh dự thi hay màng tới những vị trí ở hội lớn, hội nhỏ của nhiếp ảnh, thì ông vẫn giữ kín. Nhưng tham gia những cuộc hội tụ của Hội Cựu chiến binh, thì ông hầu như không vắng mặt bao giờ. Dáng ông vẫn lầm lũi, kín đáo như thủa ôm vô lăng điều khiển chiếc xe vượt cứ điểm ở Trường Sơn.
Đặc thù của Nhiếp ảnh khi so với các chuyên ngành Văn học Nghệ thuật khác là cần phải có phương tiện máy móc chuyên dụng, cần liên tục phải bổ túc kiến thức chuyên môn để theo kịp với những trào lưu mới tự phát ở trong nước, hoặc được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Điều đó đã và đang thách đố nghiệp sáng tạo và niềm đam mê của các nhà nhiếp ảnh nói chung và những chiến sĩ – nghệ sĩ nói riêng. Những thiết bị rất đắt đỏ, nhưng chưa kịp làm quen và thành thạo sử dụng các chức năng, đã sớm lạc hậu. Những phần mềm phục vụ công việc hậu kỳ cho nhiếp ảnh cứ 6 tháng (chậm thì 1 năm) lại được cập nhật phiên bản mới...
Một thời nghề ảnh đã là một nghiệp kiếm tiền rất dễ dàng. Không ít những cựu binh khi giải ngũ đã mua sắm thiết bị và học kiến thức chuyên môn chắp vá từ những bạn nghề đi trước. Nhờ sự tháo vát mà có đồng ra, đồng vào thêm thắt cùng với nguồn hỗ trợ thương tật, đã đưa cuộc sống gia đình bớt khó khăn. Nhưng khi thời công nghệ lên ngôi, cái điện thoại được tích hợp tính năng chụp hình được cải tiến ngày càng dễ sử dụng, đã làm thỏa mãn nhu cầu nhiếp ảnh cho mọi đối tượng khách hàng tiềm năng. Ngay cả các phóng viên hay cộng tác viên nhiếp ảnh cho các báo, chí cũng thu hẹp dần đầu ra cho sản phẩm mình chụp được. Đứng trước câu hỏi mang tính riêng tư đang hiện hữu: Tiếp tục nhấn sâu hay dừng cuộc chơi với nhiếp ảnh, của không ít những nhà nhiếp ảnh, trong đó có các cựu chiến binh. Thì ở góc độ quản lý, không hiểu những người làm chính sách và lãnh đạo văn nghệ sĩ đã đón đợi nó với tâm thế nào (?).
Chất lượng cuộc sống vật chất của người Thái Nguyên ngày một cao. Nhưng hình như “Mặt trận Văn hóa” vẫn chưa theo kịp. Những người lao động trong lĩnh vực này còn khá chật vật, nếu so với bạn bè cùng trang lứa với mình đang làm ở những ngành nghề khác. Trong khi quan tâm đến những cựu binh già, những thương bệnh binh là đạo lý, là trách nhiệm của toàn xã hội; những chính sách ưu tiên cho các cựu binh tham gia hoạt động văn nghệ còn chưa sắc nét, thì một số những quy chế đặt ra vô tình như đã loại họ sang bên rìa cuộc chơi. Ví như: Quy định những hội viên Hội văn nghệ trên 70 tuổi không được tham gia những trại sáng tác Văn học Nghệ thuật…
Trăn trở vượt khó để ghi lại cảnh đẹp của quê hương đất nước với nhiều nghệ sĩ – chiến sĩ cầm máy không phải để ăn thua với giải thưởng hay danh hiệu, tước hiệu. Được đằm mình vào thiên nhiên, được ngắm núi hay nhìn mây bay mà cảm nhận rằng những hy sinh cố gắng của bản thân và đồng đội ở thời trai trẻ đã không hề vô ích, đó như niềm an ủi và cũng là phần thưởng cho người đã hoàn thành bổn phận của mình.
Chăm lo cho họ, là vinh hạnh của một xã hội văn minh.
NSNA Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...