Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
15:36 (GMT +7)

Nhiếp ảnh miền núi phía Bắc: Vị thế của kẻ bần hàn sống trên mỏ vàng?

VNTN- Nhìn vào danh sách hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, thấy số lượng hội viên ở 15 tỉnh miền núi phía Bắc thật khiêm tốn. Tước hiệu cao gần như trắng trơn, nhiều người trong số họ có tên mà lâu không thấy hoạt động gì. Được mệnh danh là “vùng đất vàng”, nhưng dường như nghịch lý luôn tồn tại, chúng ta thường nghèo khi sống ngay trên “mỏ vàng”!


Trong văn đàn, nhà văn Tô Hoài nổi tiếng với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Ông là người Hà Nội, dân tộc Kinh, tuy sống với người miền núi một khoảng thời gian tương đối dài, viết rất hay về cảnh sắc, con người miền núi, song vẫn chỉ ở góc độ của người quan sát. Và ta không thể gọi ông là người miền núi… Nhưng khi đọc tác phẩm của Y Phương, một nhà văn dân tộc Tày. Chỉ một tản văn “Rét về nghe sương muối vỗ tay”, thì người ta như mới thấy được cái riêng biệt không pha tạp, ở nếp nghĩ của người miền núi “thứ thiệt” nó đẹp và độc đáo thế nào!

Song những người như Tô Hoài, dù có mang đá về đồng bằng để đắp thành núi, hay Y Phương có đạp mòn triền non xứ Cao Bằng, thì họ cũng đã không làm lấn lướt nhau trong văn đàn. Cái đẹp long lanh của những áng văn được nhà văn khơi ra và độc giả nhận thấy bằng cảm quan của nội tâm. Người đọc cứ xuýt xoa, như khi uống trà cái lưỡi vừa cảm nhận được vị chát ngọt, thì cánh mũi cũng phải nở ra, để thu trọn lấy vị thơm nồng của hơi đất, hơi sương, nơi cây chè sinh trưởng đang lượn bồng bềnh trên miệng chén… Quay lại câu chuyện của nhiếp ảnh, thì miền núi phía Bắc có 15 tỉnh, được hoạch định theo địa lý nằm ở “miền núi” phía Đông Bắc Bộ, và “miền núi” phía Tây Bắc Bộ. Theo quan niệm của nhiều người, thì cái gì thuộc rừng rú và núi non đều mang đặc tính hoang dã và lạc hậu. Thoạt đầu, người ta có tổ chức những Liên hoan mỹ thuật, Liên hoan nhiếp ảnh… trong khu vực phía Đông Bắc Bộ và phía Tây Bắc Bộ riêng rẽ nhau. Nhưng một năm nọ, hai khu vực được dồn vào một sân, gọi chung là “miền núi phía Bắc”. Ít ai nghĩ rằng ngày đó, nếu đi ô tô từ Lạng Sơn theo đường quốc lộ nối dọc qua các tỉnh phía Bắc tới Điện Biên, thì thời gian còn dài hơn là đi từ Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau.

Tác phẩm "Thác mây" của Nguyễn Thiện Hùng (Lào Cai), đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Khu vực miền núi phía Bắc 2015 

Tính từ cuộc Liên hoan ảnh đầu tiên của “miền núi phía Đông Bắc Bộ” tại Bắc Thái (lần I, tháng 12 năm 1994), tới nay đã được hơn hai chục năm, thử điểm xem nhiếp ảnh miền núi phía Bắc đã được gì và còn gì khiếm khuyết?

Đầu tiên phải ghi nhận, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, dường như Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng cất lên được tiếng thở phào nhẹ nhõm khi trên bản đồ đã xóa xong những tỉnh còn lại vốn trắng hội viên của mình trong khu vực. Cùng trong địa bàn, những tỉnh như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên từ lâu đã có “phong trào nhiếp ảnh”. Những nơi như Cao Bằng, Bắc Cạn…, dù đã nhiều năm khuấy động nhưng mãi chẳng có “phong trào”. Những người có trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương hết động viên lại xoay sang chê trách. Nhưng dường như chưa ai đặt ra câu hỏi là, tại sao lại như thế (?)!

Đặc tính người miền núi thật thà, hiếu khách và rộng rãi tới mức thơ ngây. Thấy những người vốn lạ lẫm cùng uống rượu bằng bát với mình, sì soạp ăn được tô thắng cố khăn khẳn mùi khấu đuôi, thì nghĩ họ là bạn chí cốt… Như một cô gái mới lớn gặp tiếng sét ái tình, bỗng nhiên không ít người chợt say nghề. Có bạn sẵn sàng bán bò, bán trâu, bán cả cái dây chuyền mỏng manh như sợi tơ chuối tặng vợ ngày cưới để gom tiền, và phải nói khó, nói vật nài với người bạn mới đến từ dưới xuôi…, chỉ để mua lại bộ máy ảnh cũ mèm, với chiếc ống kính đã hàng chục lần lau bụi và tẩy mốc ở cái giá ngất ngưởng… Có lẽ chủ của nó bắt anh phải mua cả “cái duyên” của lô sản phẩm, bởi cái máy này, chiếc ống kính kia… từng gắn bó keo sơn chinh chiến, đã có công nâng tầm một chàng thợ ảnh từ tay trắng, không những có của ăn, của để mà còn thành người nghệ sĩ nổi đình, nổi đám!... Rồi một ngày kia, khi đã nhận được dăm lời khích lệ trong bữa rượu, anh bạn chủ nhà liền mang những “đứa con” tinh thần của mình ra nhờ mấy người bạn, người “thầy” khuyên bảo và góp ý. Vậy là “…thôi rồi Lượm ơi!”. Với kinh nghiệm của tiểu đội trinh sát lão luyện, họ biết nơi này, nơi kia cần “tập kích” vào thời điểm nào trong năm! Và vô tình, anh bạn người bản xứ đã biến “tác phẩm” của mình thành bản nháp. Ngày ông bạn chủ nhà nhận ra, thì cũng đã quá muộn. Không biết than thở với ai, anh âm thầm để giấc mơ của mình mọt ruỗng dưới bịch ngô. Và chiếc máy ảnh như một kỷ niệm buồn, được treo tòng teng trên cây cột, bên xiên thịt sấy khô quăn queo, thõng xuống, tạo thành nhịp sóng những dấu hỏi đen đúa…

Ở mỗi cuộc thi ảnh cấp tỉnh, Liên hoan khu vực, hay cấp Quốc gia…, Ban Tổ chức nhận được số lượng tác phẩm thường là năm sau cao hơn năm trước. Nhưng Ban giám khảo gần như luôn bị thất vọng vì không tìm ra được thứ gì đó mới mẻ so với năm ngoái, năm kia…, thậm chí chục năm trước đó! Đành rằng việc “sáng tạo” không hề dễ dàng trong nghệ thuật, nhưng thế hệ sau không vượt tầm thế hệ tiền bối, thì hẳn đó là hệ lụy của việc đào tạo và hoạch định ở tầm vĩ mô. Rồi sau đó mới đến trách nhiệm tự thân ở những người cầm máy.

Không hiểu sao, người ta đã “sáng tạo” ra Liên hoan nhiếp ảnh khu vực mà lại không nghĩ đến làm những Liên hoan nhiếp ảnh toàn quốc? Sẽ thế nào nếu cứ cách một năm, lại có một cuộc Liên hoan cấp Quốc gia? Ở cuộc Liên hoan đó, người dự thi chỉ được gửi những tác phẩm chụp về địa phương nơi mình cư trú, không được “bon chen” sang tỉnh bạn “nẫng” tác phẩm về dự liên hoan, tạo sự bình đẳng và cơ hội cho các nhà nhiếp ảnh sáng tác về những đề tài thiết thân với họ. Chỉ có như vậy, những nhà nhiếp ảnh địa phương mới thực sự có cơ hội chen chân vào các cuộc thi lớn, “phong trào” địa phương mới có đà để bứt phá vươn lên.

Nhiều năm qua, những đoàn nhiếp ảnh cả nước rồng rắn lên miền núi phía Bắc. Những cái lợi cho xã hội thật khôn cùng và khó đong đếm. Nhưng cái hại nhãn tiền đang dành cho các nhà nhiếp ảnh ở địa phương. Từ hình ảnh của ngọn Phan Xi Păng hùng vĩ cho đến chấm hoa tam giác mạch nhỏ xíu, đang bị khai thác tận cùng, tận kiệt. Những phong cảnh tuyệt vời nơi quê hương chôn rau cắt rốn của họ thành món đặc sản luồn lách vào hàng vạn cái ổ cứng cứ mỗi ngày lại một no, một đầy lên. Từ lợi thế, giờ họ thành lép vế. Mọi người đều cho rằng tác phẩm của mình đẹp hơn người khác. Nhưng bao nhiêu người cố tình quên đi rằng, trước đó, tác giả nào, vào năm bao nhiêu... đã có công tìm ra bối cảnh đó (?)

Hình ảnh về phong cảnh, con người miền núi phía Bắc đầy rẫy trên các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế. Nó như một mỏ vàng để đúc huy chương, tạo thành tích, đánh bóng tước hiệu cho không biết bao nhiêu nghệ sĩ nhiếp ảnh… Nhưng cứ nhìn mà xem, “nước chảy chỗ trũng”, danh sách chủ nhân những tác phẩm đó lại đa phần ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh!… Trong một bữa tiệc mà khách ăn lấn át chủ nhà, thì đó phải gọi đúng nghĩa đen là… xâm lăng! Và sự tồn tại của phong trào nhiếp ảnh miền núi phía Bắc bởi thế đã, đang và vẫn sẽ còn cọc cạch, èo uột lâu dài… Nó thậm chí còn bị “vôi hóa” khi mà lịch trình phiên chợ tình nơi quê hương họ, nằm bền vững trong thẻ nhớ của bạn nghề khắp cả nước, vững chãi hơn là trong những bộ não nhuếnh nhoáng men rượu ngô của từng cá nhân những nghệ sĩ nhiếp ảnh trong vùng…

"Giờ âm nhạc" của Nguyễn Xuân Thanh (Hòa Bình) - Huy chương Bạc Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Khu vực miền núi phía Bắc 2016

Những nhà nhiếp ảnh ở miền núi phía Bắc cần sớm quên những lời động viên nhẹ hều buột qua làn môi của bất kì ai đó. Cũng như nên biết “nhờn”, khi đọc khẩu hiệu “ưu tiên miền núi…” mà hàng ngày vẫn cứ phải bỏ tiền mua hàng hóa và nhiên liệu đắt hơn ở dưới xuôi!... Chỉ đôi chân trần, người miền núi vẫn có thể bấu xuống đất, bước đi và tạo ra những thửa ruộng bậc thang làm xao lòng du khách. Với nghệ thuật, phải kiến tạo được những sản phẩm độc nhất, vô nhị! ép bẹp thứ “vãng lai” nằm im trong kho dữ liệu của họ!

Vũ Kim Khoa

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy