Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
15:07 (GMT +7)

Nhanh hay chậm?

Nhanh/chậm là khái niệm dùng để chỉ tốc độ, nhịp độ của một hoạt động nào đó (nói nhanh, xe chạy nhanh, tốc độ phát triển nhanh…). Trong một số lĩnh vực, nó có mối quan hệ biện chứng với nhau, nghĩa là “tốc độ” của ngành này có liên quan đến sự phát triển của ngành kia và ngược lại.

Nhanh hay chậm?
Ảnh minh hoạ, nguồn: internet

Chẳng hạn, trong giao thông đường bộ, tốc độ vận chuyển hàng hoá và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Lấy một ví dụ: Trước đây, một chiếc xe container chở hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội thường phải đi mất 3,5 tiếng (nếu không bị tắc đường), nghĩa là mỗi ngày chỉ chạy được một chuyến đi - về. Nhưng ngày nay, nhờ được chạy liên tục với tốc độ 120km/h trên đường cao tốc, nên vẫn quãng đường đó chỉ mất hơn một tiếng. Nghĩa là mỗi ngày, một chiếc xe với cùng một người lái xe đó có thể chạy được hai chuyến.

Các nhà khoa học đều cho rằng, chi phí vận tải đường bộ ở nước ta đang còn ở mức cao, trong khi vận tải đường bộ chiếm thị phần lớn trong vận tải hàng hóa. Đây là một trong những yếu tố làm tăng chi phí logistics ở Việt Nam. Có nhiều yếu tố liên quan đến chi phí vận tải đường bộ, nhưng có một yếu tố mà ít người để ý, thậm chí thường mặc định là yếu tố có tính chất “tới hạn”, cũng không khuyến khích gia tăng trên thực tế, đó là tốc độ di chuyển của phương tiện.

Thời gian cũng là một nguồn lực cần được tiết kiệm, và nếu tiết kiệm được sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn cho xã hội, do vậy làm thế nào để tăng tốc độ lưu chuyển trên đường cũng là một vấn đề rất đáng để quan tâm. Tăng tốc độ vận chuyển hàng hoá nhờ xây dựng thêm các tuyến đường cao tốc thì hiển nhiên là tốt, là hiệu quả… không có gì phải bàn cãi. Nhưng vấn đề là không phải ở địa phương nào, nơi nào cũng có thể làm được đường cao tốc (như các tuyến đường nội đô, đường tỉnh chẳng hạn). Khi đó, việc tu bổ, nâng cấp, cải tạo đường sá để các phương tiện tham gia giao thông được thông suốt, không bị ách tắc là việc cần thiết, thậm chí rất cần. Nhưng đây chưa phải là vấn đề mấu chốt mà chúng tôi muốn bàn.

Vấn đề cần bàn ở đây là quy định tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông làm thế nào cho khoa học nhất, để tốc độ vận chuyển hàng hoá được tăng lên.

Nếu vào cỗ máy tìm kiếm Google tra cụm từ “căn cứ quy định tốc độ của phương tiện tham gia giao thông” chúng ta không có câu trả lời cụ thể, mà chỉ thấy thông tin quy định về tốc độ tham gia giao thông của các loại phương tiện; các văn bản quy định tốc độ và khoảng cách an toàn… Luật Giao thông đường bộ cũng chỉ nêu: “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ xe và việc đặt biển báo tốc độ; tổ chức thực hiện đặt biển báo tốc độ trên các tuyến quốc lộ/… Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc đặt biển báo tốc độ trên các tuyến đường do địa phương quản lý”, nghĩa là chỉ nói đến thẩm quyền/ trách nhiệm chứ không nói đến căn cứ.

Nhưng hiển nhiên, những người lái xe đều biết, muốn điều khiển cho xe chạy trên đường nhanh hay chậm thì phải quan sát mật độ giao thông và xem xét chất lượng đường (độ mấp mô bề mặt, độ rộng, tầm nhìn, khả năng xuất hiện các tình huống bất ngờ…). Có lẽ đây cũng là những căn cứ chủ yếu để cơ quan quản lý về giao thông vận tải đưa ra quy định về tốc độ cho các phương tiện tham gia giao thông.

/uploads/2023/10/nhanh-hay-cham-3-894x840.jpg
Tắc đường là chuyện xảy ra thường ngày ở Hà Nội (ảnh có tính chất minh hoạ)

Các quy định hiện hành về giao thông đường bộ chắc chắn phải được xây dựng trên những cơ sở khoa học, điều ấy không có gì phải nghi ngờ. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn phải xem xét đến cả các yếu tố thực tiễn. Thực tế, chúng ta đã từng thay đổi một số quy định về tốc độ. Chẳng hạn, từ ngày 1/3/2016, tốc độ chạy ôtô trên đường đôi có dải phân cách giữa và đường 1 chiều có 2 làn trong khu vực đông dân cư được tăng thêm 10km/giờ. Trong khi, vẫn đường đó, trước đây xe phải chạy chậm hơn. Và tăng thêm 10 km/ giờ thì tất nhiên an toàn giao thông vẫn được đảm bảo. Hay, trước kia, khi đi qua khu vực đông dân cư, ô tô thường chỉ được chạy với vận tốc 40km/ giờ, nhưng ngày nay là 50 km/ giờ (với đường hai chiều không có dải phân cách cứng). Cũng không phải vì vậy mà tai nạn giao thông nhiều hơn.

Trở lại với những “căn cứ” và những “quy định” về tốc độ, nếu quan sát trên thực tế ta thấy vẫn còn nhiều bất cập, song nếu biết vận dụng linh hoạt, đừng áp dụng cứng nhắc, thì chắc chắn tốc độ tham gia giao thông của các phương tiện sẽ cao hơn, vẫn đảm bảo an toàn mà mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội.

Chẳng hạn như, rất nhiều tuyến đường/ đoạn đường đang cắm biển "Bắt đầu khu đông dân cư". Đây là một trong những biển báo khiến các lái xe hay bị “dính lỗi” nhất (lỗi vượt tốc độ cho phép). Lý do chủ yếu là các lái xe mải mê cho xe chạy theo điều kiện thực tế của mặt đường mà không “đi theo biển”. Tất nhiên, cũng có những trường hợp cố tình chạy ẩu, chạy vượt tốc độ khi điều kiện mặt đường không cho phép, nhưng đó không phải là phổ biến.

Biển "Bắt đầu khu đông dân cư" chắc chắn liên quan đến mật độ tham gia giao thông, và cùng với đó là các tình huống mất an toàn có thể xảy ra. Nhưng rất nhiều “khu vực đông dân cư” họ chỉ hoạt động đến khoảng 22 - 23h và đông đúc trở lại vào khoảng 4 - 5h sáng hôm sau. Khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 4h hôm sau bị hạn chế tốc độ là không phù hợp. Khi ấy, tự các nhà quản lý đã làm “chậm” đi tốc độ của xe. Đó là chưa nói, các đoạn đường qua đô thị này ngày nay thường lắp đèn chiếu sáng, giúp người lái xe có thể quan sát 2 bên đường “rõ như ban ngày”. Nhiều nơi còn có dải phân cách cứng. Đường vắng, chất lượng mặt đường tốt, điều kiện an toàn tốt, nhưng xe vẫn phải rù rì bò qua với tốc độ 50 (hoặc 60) km/h thì thật lãng phí nguồn lực, hơn nữa còn gây ức chế tâm lý các lái xe, vô hình chung lại dễ gây ra tai nạn. Lái xe nào cũng “ước” rằng, cái biển “khu đông dân cư” kia được thay bằng biển hạn chế tốc độ và gắn thêm một cái biển phụ quy định hiệu lực theo thời gian ghi trên biển thì hay biết nhường nào!

Ngoài ra, còn nhiều biển báo, biển cấm liên quan đến hạn chế tốc độ nhưng tình trạng mặt đường không phải luôn như vậy trong suốt 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần. Nó thường đặt ở các khu vực như: trường học, chợ, khu công nghiệp… Nếu những biển trên đây được rà soát cẩn thận và hạn chế theo giờ cụ thể thì chắc chắn sẽ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.

Nhanh hay chậm?
Một đoạn đường phố ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc (ảnh có tính chất minh hoạ)

Được biết, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, họ rất ít đặt biển giới hạn tốc độ (nhưng đã đặt là bắt buộc phải tuân thủ, vì ở đó thực sự nguy hiểm), thay vào đó, họ chỉ đặt các biển báo hiệu để lái xe tự quan sát và làm chủ tốc độ của mình. Thậm chí như ở Đức, không có giới hạn về tốc độ khi lái xe trên đường cao tốc, mà chỉ có một "khuyến nghị" về tốc độ là 130 km/h. Nhiều quốc gia còn áp dụng thử nghiệm biển báo điện tử - biển báo giao thông của tương lai - như tại Đức, người ta còn muốn đưa biển báo điện tử vào ngay trên bảng điều khiển tại ca - bin buồng lái, qua một màn hình tiếp nhận. Từ bộ phận điều độ, tùy tình hình giao thông thực tế, người ta cho phát những biển báo phù hợp chỉ qua một nút nhấn từ trung tâm, chứ không phải những biển báo “luôn luôn đúng” cứ ngày đêm đứng đó. Sang Hàn Quốc, bạn sẽ thấy các biển quảng cáo chỉ được đặt dọc hai bên đường, không hề có băng rôn căng ngang đường như ở Việt Nam vì họ cho rằng như vậy không những có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mà còn gây phân tâm cho lái xe và làm cho lái xe không tập trung để quan sát biển báo.

Trở lại với giao thông ở Việt Nam, gần đây khi đi trên quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa – Ninh Bình, ta dễ dàng bắt gặp những biển chỉ dẫn viết chữ rất to, nội dung kiểu như “Chú ý giảm tốc độ, phía trước có trường học”. Những biển chỉ dẫn này đặt trên đường để người lái xe chú ý quan sát và điều khiển tốc độ của phương tiện cho phù hợp. Như vậy sẽ hợp lý, hiệu quả hơn là cắm vào đó một biển hạn chế tốc độ (biển báo cấm). Hay trên đường cao tốc CT01 đoạn qua cầu Phù Đổng (thuộc địa phận Bắc Ninh), ta thấy biển báo tốc độ tối đa cho phép là 90km/h mặc dù thực tế nếu chạy được 70 km/h qua đây đã là may mắn, nhưng không vì thế mà tai nạn thường xảy ra. Một điểm rất hay ở đoạn đường này, là mặt đường cũng chỉ rộng như một số đường cao tốc khác, song ở đoạn này được gắn biển phân làn. Điều này rất quan trọng, vì xe ở làn bên phải khi chạy nhanh hơn xe ở làn bên trái thì sẽ chủ động vượt lên mà không phải chuyển làn, giúp tiết kiệm thời gian.

Những dẫn chứng về sự bất cập trong việc hạn chế tốc độ tham gia giao thông còn rất nhiều. Cái gì hợp lý thì tồn tại mặc dù có những cái tồn tại chưa chắc đã hợp lý. Suy cho cùng, muốn phát triển, muốn “nhanh” thì quan trọng nhất là biết nhận ra những gì chưa hợp lý để điều chỉnh chứ đừng bám vào “các quy định” một cách giáo điều, máy móc.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy