Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên
VNTN- Ngày 10/12, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”.
Sự kiện có sự tham dự của Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; cùng đại diện các cơ quan, đơn vị và hơn 100 nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.
Buổi Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động thực hiện Kế hoạch số 150 KH/TU Tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2025) của Tỉnh ủy Thái Nguyên. Đây cũng là dịp để nhìn lại hành trình 50 năm sáng tạo và cống hiến của văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên, từ đó định hướng phát triển trong thời kỳ hội nhập.
Nhìn lại hành trình sáng tạo của văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên
Thái Nguyên – vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng – tự hào là nơi nuôi dưỡng nhiều thế hệ văn nghệ sĩ từng khoác áo lính. Từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến bảo vệ biên giới phía Bắc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, những người lính Thái Nguyên đã dùng ngòi bút, cọ vẽ và tiếng hát để phản ánh vẻ đẹp quê hương và lòng yêu nước.
Trong số 300 hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, hơn 60 người từng hoặc đang phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, trải dài qua nhiều thế hệ, từ các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như nhà thơ Trần Cầu (91 tuổi) đến những người trẻ nhất, mới 22 tuổi.
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhấn mạnh: Cuộc Tọa đàm không chỉ là hoạt động chuyên môn mà còn là một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa giữa các thế hệ văn nghệ sĩ từng tham gia chiến đấu và bảo vệ đất nước. Sự kiện góp phần làm sống lại tinh thần đồng chí, đồng đội, đồng thời khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay.
Đồng chí Chủ tịch Hội VHNT tỉnh bày tỏ: Diễn ra trong những ngày cả nước đang sôi nổi các họat động kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cuộc Tọa đàm không chỉ là hoạt động chuyên môn mà còn là cuộc hội ngộ gặp gỡ ấm tình đồng chí, đồng đội giữa các thế hệ văn nghệ sĩ đã từng tham gia các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và tham gia bảo vệ đất nước trong thời bình. Một cuộc hội ngộ ý nghĩa, tăng thêm tình cảm, sự gắn kết và sẻ chia giữa các thế hệ từng chung khúc quân hành sẽ truyền cảm hứng đến tất cả mọi người.
Song hành với hoạt động này, Cuộc vận động sáng tác VHNT với chủ đề “Đường chúng ta đi” do Hội VHNT tỉnh tổ chức cũng đang được diễn ra và bước vào chặng “nước rút”, dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 2/2025, góp phần thiết thực chào mừng 50 năm non sông liền một dải.
Những góc nhìn giá trị từ các tham luận
Báo cáo đề dẫn buổi toạ đàm của PGS.TS Trần Thị Việt Trung với tựa đề “Những thế hệ văn nghệ sĩ - chiến sĩ Thái Nguyên - 50 năm sáng tạo, cống hiến, góp phần quan trọng tạo nên một đời sống văn học nghệ thuật phong phú, hiện đại và giàu bản sắc các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” đã mang đến cái nhìn tổng quan về 50 năm sáng tạo không ngừng của các văn nghệ sĩ - chiến sĩ.
Qua đó cho thấy, các tác phẩm của văn nghệ sĩ - chiến sĩ Thái Nguyên không chỉ ghi lại những ký ức bi tráng mà còn khơi nguồn cảm hứng yêu nước, ý chí tự cường cho thế hệ hôm nay.
Với hơn 60 thành viên, Hội VHNT Thái Nguyên có đội ngũ các nhà văn, nghệ sĩ, chiến sĩ đông đảo, nhiều người có tên tuổi không chỉ trong tỉnh mà còn trên toàn quốc. Những tác phẩm của họ không chỉ đạt giải thưởng cấp trung ương và khu vực mà còn phản ánh tư tưởng chính trị vững vàng, quan điểm sáng tác nghiêm túc, và sự sáng tạo không ngừng.
Đặc biệt, mặc dù nhiều người đã có tuổi, các tác phẩm của họ vẫn luôn giữ được tính mới mẻ, đóng góp to lớn cho sự phát triển phong phú của đời sống văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên trong suốt 50 năm qua.
Bên cạnh báo cáo đề dẫn, nhiều tham luận tại buổi Tọa đàm đã khẳng định sức sống mãnh liệt của văn học nghệ thuật Thái Nguyên, trong đó có sự đóng góp quan trọng của những văn nghệ sĩ – chiến sĩ.
Trong lĩnh vực thơ ca, nhà thơ Võ Sa Hà đã chia sẻ về đóng góp của 15 nhà thơ từng khoác áo lính, những người đã tạo nên “không gian thơ lớn” của tỉnh nhà. Ông nhấn mạnh: “Thơ của các nhà thơ chiến sĩ không chỉ lớn về lượng mà còn giàu giá trị nhân văn, đồng hành với sự phát triển của xã hội. Nhà thơ Nguyễn Long, với tham luận “Dòng thơ theo dấu chân Người”, đã chia sẻ hành trình sáng tác đầy cảm xúc từ hình tượng Bác Hồ kính yêu, làm sáng lên tinh thần dân tộc và niềm tin cách mạng trong thơ ca Thái Nguyên.
Nhà văn Minh Hằng mang đến toạ đàm tham luận về những đóng góp của 16 hội viên chi hội Âm nhạc, trong đó nổi bật lên là 4 hội viên đang giữ một số “kỷ lục” của Chi hội về tuổi đời cũng như thành tựu và giải thưởng đạt được. Họ đã ghi dấu cho nền âm nhạc Thái Nguyên nói riêng và nền âm nhạc Việt Nam nói chung.
Góp thêm tiếng nói từ chi hội Văn xuôi, nhà văn Phạm Quý đã nêu những vấn đề đặt ra trong quá trình sáng tác của các cây bút văn xuôi từng trải qua quân đội. Đó là, những điều nhà văn luôn trăn trở và đã thể hiện qua tác phẩm của mình. Cùng với đó là trước xu thế mới của xã hội thì những người cầm bút đã mặc áo lính cần đặt ra yêu cầu cụ thể nào. Và, câu trả lời chính là tác phẩm.
Lĩnh vực văn xuôi cũng ghi nhận những thành tựu quan trọng. Những tác phẩm không chỉ phản ánh hiện thực khốc liệt của chiến tranh mà còn tôn vinh tinh thần quả cảm, tình cảm đoàn kết quốc tế hoặc mang đậm giá trị lịch sử địa phương. Nhiều tác phẩm văn học không chỉ đạt nhiều giải thưởng mà còn khẳng định vị thế văn học Thái Nguyên trong nền văn học Việt Nam.Tham luận của nhà văn Phan Thái gửi tới toạ đàm nhấn mạnh vai trò của các nhà văn - chiến sĩ, những người đã kiến tạo một mảng văn xuôi giàu tính lịch sử, giàu bản sắc văn hoá trong đời sống văn học tỉnh Thái Nguyên. Nhà văn Bùi Thị Như Lan lại chọn cách giãi bày lý do chọn viết về quê hương miền núi và người chiến sĩ trong các sáng tác của mình.
Ở lĩnh vực mỹ thuật, họa sĩ Lê Quang Thái cho thấy: Nhiều chiến sĩ rời tay súng để cầm bút lông, mang đến các tác phẩm mỹ thuật đầy cảm xúc, góp phần làm phong phú đời sống nghệ thuật tỉnh nhà. Đó không chỉ là bức tranh về chiến tranh và hòa bình mà còn là câu chuyện về con người và văn hóa vùng Việt Bắc.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh cũng ghi nhận sự đóng góp to lớn của các thế hệ nghệ sĩ. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa đã góp vào toạ đàm tham luận về Nhiếp ảnh và chiến sĩ ở xứ Chè - xứ Thép. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Hùng góp với toạ đàm tham luận về chất lính và tâm hồn nghệ sĩ. Bài tham luận của Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tiến góp tiếng nói khẳng định những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ hy sinh và hào hùng oanh liệt của dân tộc luôn là niềm cảm hứng mãnh liệt, thiêng liêng trong quá trình hoạt động nghệ thuật của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ.
Nhìn chung, các tham luận đã đóng góp góc nhìn sâu sắc và thực tiễn vào tọa đàm, khẳng định vị trí của mỹ thuật trong dòng chảy văn hóa Thái Nguyên.
Chia vui với Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp, Chủ tịch Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam bày tỏ: Chương trình toạ đàm không chỉ là hoạt động kỷ niệm 50 năm nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước mà còn là dịp tri ân những cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ chiến sĩ – những người đã ghi dấu ấn sâu sắc vào dòng chảy văn hóa Thái Nguyên và cả nước. Nhạc sĩ Nông Quốc Bình một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng và những đóng góp của hơn 60 văn nghệ sĩ chiến sĩ thuộc Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, đồng thời chúc mừng Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên có được “vốn quý” này.
Bày tỏ sự đồng tình với một số vấn đề được nêu trong phần tham luận, trong đó có vấn đề đặt ra với người viết, trước hết phải là một công dân mẫu mực. Nhạc sĩ Nông Quốc Bình tâm đắc, gửi gắm: Mong các văn nghệ sĩ – chiến sĩ Thái Nguyên tâm sáng, bút lực dồi dào để viết được những điều mình mong đợi.
Thách thức và hướng đi mới trong giai đoạn hội nhập
Tọa đàm không chỉ dừng lại ở việc tri ân mà còn là diễn đàn để các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đưa ra giải pháp đổi mới. Nhiều tham luận đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật xu hướng nghệ thuật hiện đại, đồng thời bảo tồn các giá trị truyền thống.
Các văn nghệ sĩ đã có những đóng góp quan trọng về định hướng sáng tác trong thời kỳ mới. Trong đó đề cao việc khuyến khích sáng tác gắn với các vấn đề thời sự của đất nước và tỉnh nhà; Tăng cường giao lưu, học hỏi giữa các thế hệ văn nghệ sĩ; Đầu tư nhiều hơn vào hoạt động đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật truyền thống.
Nhà thơ Võ Sa Hà nhận xét thẳng thắn: Các nhà thơ áo lính đều có khát vọng đổi mới, luôn có ý thức tìm tòi, sáng tạo mới. Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn lại sự sự đổi mới đó chưa đạt thành tựu như mong muốn. Nhiều người vẫn loay hoay trong việc kiếm tìm một lối đi. Những suy cảm của một thời xưa cũ, lỗi mòn trong diễn đạt còn đeo bám nặng nề.
Hoạ sĩ Lê Quang Thái cũng chỉ ra những hạn chế trong tư duy nghệ thuật truyền thống đồng thời khuyến nghị: “Cần khuyến khích nghệ sĩ thử nghiệm các loại hình nghệ thuật mới để bắt kịp xu hướng toàn cầu”.
Các đại biểu cũng đề xuất giải pháp khuyến khích sáng tác về các vấn đề đương đại như biến đổi xã hội, môi trường và văn hóa đô thị, bên cạnh việc tái hiện các sự kiện lịch sử.
Cùng với đó là những tâm tư của không ít văn nghệ sĩ khi đứng trước vô vàn thách thức của các nhà văn nói chung, nhà văn dân tộc thiểu số nói riêng được Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tiến đề cập: Nghĩ và viết gì cho hôm nay, cho ngày mai, viết như thế nào để không bị tụt hậu, lỗi thời, viết ra sao để không lặp lại chính mình hay trùng lặp trước những điều mang tầm vóc lớn đang diễn ra trong xã hội…
Trước những vấn đề đặt ra, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. Người kiên định với đề tài máu thịt dân tộc và miền núi, với chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, hướng ngòi bút vào phản ánh những nét điển hình mà dung dị mạnh mẽ mà trong sáng của người chiến sĩ; người tiếp tục nuôi dưỡng nguồn cảm hứng từ những ký ức của những năm tháng kháng chiến thần thánh của dân tộc để tiếp tục thể hiện những vở diễn, vai diễn, những ca khúc, tác phẩm múa phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước và của tỉnh.
Cần có chính sách để khuyến khích các nghệ sĩ là chiến sĩ có điều kiện nuôi dưỡng đam mê. Đồng thời, để nâng cao chất lượng và đổi với sáng tạo với những tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm việc nghiêm túc, khoa học, định hình cho mình một phong cách sáng tác cụ thể, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Hội chuyên ngành phải tạo được sân chơi cho các văn nghệ sĩ để khơi gợi trí sáng tạo của mỗi tác giả, thông qua các cuộc triển lãm thường niên, triển lãm nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ cũng như phát triển phong trào hội. Khai thác đề tài đương đại bên cạnh tái hiện quá khứ, cần tập trung vào các vấn đề hiện đại như biến đổi xã hội, môi trường, và văn hóa đô thị.
Nhưng tựu trung lại, các văn nghệ sĩ đều thống nhất cao với giải pháp, mỗi người cần nêu cao ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, duy và xây dựng trì cảm hứng sáng tạo, để sáng tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng hơn nữa, đóng góp với nền văn học nước nhà và xây dựng Hội VHNT tỉnh vững mạnh toàn diện.
Chủ trì phần tham luận, thảo luận Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhấn mạnh: Thông qua các tham luận của một số nhà văn, nhà thơ và các nghệ sĩ ở các lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, văn học đã góp phần soi chiếu các góc nhìn đa dạng nhằm làm nổi bật lên chủ đề của buổi Toạ đàm, đồng thời góp thêm thông tin tư liệu, ý tưởng để việc nhận diện thành tựu của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên toàn diện hơn, việc phát huy các giá trị từ thành tựu đó được sáng rõ hơn.
PGS.TS Trần Thị Việt Trung khẳng định: “Sự đổi mới không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là cơ hội để văn học nghệ thuật Thái Nguyên khẳng định vị thế trong bối cảnh toàn cầu hóa.”
Buổi Tọa đàm đã khép lại với những cảm xúc lắng đọng trong lòng người tham dự. Thành công của sự kiện là lời khẳng định, văn học nghệ thuật Thái Nguyên không chỉ giàu truyền thống mà còn tràn đầy sức sống, sẵn sàng hòa mình vào dòng chảy thời đại.
Với sự kế thừa và đổi mới không ngừng, văn học nghệ thuật Thái Nguyên sẽ tiếp tục vững bước trên hành trình phát triển, khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của đất nước.
Kim Ngân
1 đã tặng
1
0
0
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...