Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:19 (GMT +7)
Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2023:

Nhận diện ngôn ngữ mỹ thuật đương đại

Hội Mỹ thuật Hà Nội đã có thông báo về việc nhận tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2023, với thời gian bắt đầu nhận tác phẩm tham dự triển lãm của các tác giả từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 15/8/2023.

Theo đánh giá của giới phê bình Mỹ thuật, dù là triển lãm khu vực, được tổ chức thường niên vào dịp Giải phóng Thủ đô ngày 10/10, nhưng là sự kiện được Hội Mỹ thuật Hà Nội vô cùng coi trọng. Đây không chỉ là dịp khẳng định vị trí quan trọng của Mỹ thuật trong đời sống nghệ thuật của thành phố mà còn là dịp để nhận diện và nắm bắt xu hướng sáng tác của các nghệ sĩ hiện nay.

Nhận diện ngôn ngữ mỹ thuật đương đại 1147
Ký ức ngoại thành của họa sĩ Triệu Khắc Lễ (Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2020)

Để chuẩn bị cho Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2023, bắt đầu từ tháng 7/2023, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã có thông báo đến toàn thể hội viên và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về đối tượng, quy mô và những điều kiện tham dự triển lãm. Ban tổ chức (BTC) cũng ấn định thời gian nhận tác phẩm tham gia triển lãm của các tác giả (gồm cả hội viên và chưa phải là hội viên của Hội Mỹ thuật Hà Nội). Nội dung tác phẩm phản ánh sinh động cuộc sống lao động, sinh hoạt, văn hóa, phong cảnh và công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô. Cùng với thông tin trên, Hội Mỹ Thuật Hà Nội cũng cho biết, như thông lệ, triển lãm sẽ được khai mạc vào ngày 10/10.

Thực ra, việc tổ chức kỳ triển lãm nói chung ở lĩnh vực mỹ thuật, hay tổ chức biểu diễn nghệ thuật của bất kỳ loại hình nào cũng đều hướng đến việc phục vụ công chúng, thỏa mãn nhu cầu giải trí về mặt tinh thần của họ, đồng thời là dịp để lĩnh vực, chuyên ngành đó được tỏa sáng. Với Mỹ thuật Thủ đô, đây cũng là lúc để công chúng nhận diện và nắm bắt xu hướng sáng tác của giới mỹ thuật thành phố. Mặt khác, các tác giả - họa sĩ tham dự triển lãm cũng sẽ học hỏi được những kinh nghiệm, gợi mở những đề tài mới trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

Xuất phát từ những quan điểm thoáng và mang tính cầu thị, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận tác giả, tác phẩm. Việc đưa ra những tiêu chí cụ thể và lựa chọn tác phẩm thông qua ảnh chụp đã giúp các tác giả - họa sĩ biết được kết quả và không mất thời gian mang tác phẩm đến tuyển chọn. Tại triển lãm lần thứ 28 này, BTC quy định rất khoa học, rõ ràng: Mỗi tác giả được gửi 1 tác phẩm thuộc các thể loại hội họa, đồ họa và điêu khắc, được sáng tác trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2023. Đối với tác phẩm hội họa, phù điêu: kích thước chiều lớn nhất không quá 200cm, chiều nhỏ nhất không dưới 50cm; nếu chiều lớn hơn 200cm thì phải gồm nhiều tấm để có thể tháo rời. Đối với tượng tròn: chiều cao, chiều ngang không dưới 0,45m và không quá nặng. BTC không nhận tác phẩm có chất liệu dễ hư hỏng, biến dạng, gãy, vỡ… Để thuận lợi cho tác giả, Hội đồng nghệ thuật sẽ tuyển chọn tác phẩm qua ảnh chụp tác phẩm trước. Ảnh chụp tác phẩm có kích thước 13x18cm, đảm bảo chất lượng để còn sử dụng in vựng tập “Mỹ thuật Thủ đô 2023”. Mỗi tác giả chỉ được gửi 1 ảnh, mặt sau ghi nội dung: Tên tác giả, tên tác phẩm, kích thước, năm sáng tác, địa chỉ, điện thoại, năm sinh của tác giả. Và khi tác phẩm đã qua vòng tuyển chọn, BTC sẽ gửi giấy báo để tác giả đưa tác phẩm đến tham dự triển lãm.

Như vậy, với cách làm hết sức mới mẻ này, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã giảm bớt những phiền hà và sự cố không đáng có nhất là về hỏng hóc tranh, hay nhầm lẫn tác phẩm vốn đã xảy ra tại không ít triển lãm trong thời gian gần đây.

Nhận diện ngôn ngữ mỹ thuật đương đại 1148
 Ký ức tuổi thơ của họa sĩ Nguyễn Trường Linh (Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2020)

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô đã có sự vượt thoát về quy mô và số lượng tác phẩm tham dự. Từ chỗ chỉ có hơn 100 tác phẩm của các chuyên ngành trong các Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô trước đây thì đến nay quy mô triển lãm đã được mở rộng với khoảng 200 đến 250 tác phẩm trong mỗi kỳ triển lãm. Đề tài, thể loại cũng rất đa dạng, phong phú, chất lượng tác phẩm cũng ngày càng được nâng lên. Điều này cho thấy sức sáng tạo, sự say nghề, yêu nghề của các họa sĩ Thủ đô là không thể phủ nhận

Đến nhận diện và định hướng sáng tác

Thường mỗi cuộc triển lãm, Hội đều mong muốn giới thiệu với đông đảo công chúng những tác phẩm tiêu biểu, tâm huyết của các nghệ sĩ tạo hình, thể hiện những nét tiêu biểu của gương mặt Mỹ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới. Đồng thời, các vựng tập “Mỹ thuật Thủ đô” bao gồm các tác phẩm tham dự triển lãm được in ấn và gửi đến công chúng cũng chính là một kênh thông tin quan trọng về diện mạo, xu hướng sáng tác của mỹ thuật Thủ đô hiện nay.

Để tìm ra ra các giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác tác phẩm nghệ thuật đáp ứng yêu cầu của triển lãm, trước đó Hội Mỹ thuật Hà Nội đã có buổi tọa đàm với chủ đề “Nâng cao chất lượng sáng tác trong Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô” với sự tham gia của đông đảo các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà lý luận phê bình mỹ thuật là hội viên trong Hội. Đây cũng được xem là bước chuẩn bị quan trọng để Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2023 có sự đa dạng, phong phú hơn về đề tài cũng như chất liệu sáng tác.

Các họa sĩ đã thẳng thắn thừa nhận, dù đã xác lập được một vị thế riêng trong nền mỹ thuật đương đại, nhưng những tác phẩm tham dự Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô những năm vừa qua cũng không có nhiều đột phá. Vẫn là những sáng tác đèm đẹp về phong cảnh đất nước con người - những chất liệu mà họa sĩ nhìn thấy, mà chưa có nhiều những tác phẩm có chiều sâu tư duy - sáng tác từ những trăn trở của họa sĩ. Đây được coi là những khoảng trống trong ngôn ngữ và cần phải được lấp đầy đề tạo nên một diện mạo mới cho mỹ thuật Thủ đô đương đại. Và diện mạo ấy phải ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, phải đem đến cho người xem những thông điệp nhiều tầng, nhiều nghĩa.

Hiện đời sống mỹ thuật chưa xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, mà thường mang tính thương mại. Sự lựa chọn trường phái siêu thực, trừu tượng... còn khá phổ biến. Mặc dù dưới sức ép của nền công nghiệp 4.0 công chúng thường tìm đến những tác phẩm phản ánh trực diện cuộc sống hơn là mô phỏng hoặc hướng đến sự đồng nhất giữa các tác phẩm có cùng chủ đề, nhưng đa phần họa sĩ đều xem nhẹ yếu tố này. Chưa kể, rất nhiều trong số các họa sĩ, việc sáng tác để cho thị trường chi phối và chú trọng yếu tố trang trí hơn là thông điệp của tác phẩm hội họa. Sự nguy hại này tuy không ảnh hướng đến đời sống mỹ thuật nói chung, nhưng trong một phạm vi nhất định lại đang cho thấy sự hạn hẹp về ý tưởng, nghèo nàn về đề tài của không ít họa sĩ hiện nay.

Nói điều này không phải là không có căn cứ. Trong nhiều năm trở lại đây, việc xuất hiện nhiều triển lãm sắp đặt là một minh chứng cho sự thiếu ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật. Triển lãm sắp đặt vô hình chung trở thành việc mô phỏng, minh họa cho một tình huống thực, qua sắp xếp, tập hợp các đồ vật được sáng tạo ra hay có sẵn mà thiếu hẳn một ý tưởng… Xem và không hiểu gì (?) là thông điệp mà công chúng phản ánh rất nhiều thời gian gần đây. 

Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, việc mòn mỏi chờ đợi những tuyệt tác nghệ thuật đỉnh cao, giống như thời Mỹ thuật Đông Dương gắn với 4 cái tên: Cẩn, Nghiêm, Xuân, Phái... với lối tạo hình có sự giao thoa giữa nghệ thuật phương Tây pha lẫn thủ pháp hiện thực chắc khỏe, mang đậm tinh thần, màu sắc Việt là điều vô cùng khó.

Đứng trước những lo ngại về một lối mòn trong sáng tác như: sự na ná giống nhau trong cách thể hiện, chủ đề sáng tác, nhiều họa sĩ Thủ đô gạo cội đã cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng, mở các trại sáng tác nên được đẩy mạnh. Bởi đây chính là những cuộc cọ xát, sinh hoạt nghề nghiệp và là cơ hội để họa sĩ bộc lộ những trăn trở, suy nghĩ về nghề và mục tiêu sáng tạo nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh cho rằng, để có được những đột phá trong các kỳ triển lãm, cần đổi mới nâng cao hiệu quả các trại sáng tác; tổ chức tốt các cuộc thi sáng tác mỹ thuật; đẩy mạnh hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm nghệ thuật; tăng cường hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên trẻ… nên được làm thường xuyên. Và cũng rất cần có những triển lãm nhỏ để thêm kênh lựa chọn tác giả, tác phẩm cho một cuộc biểu dương lực lượng có tính chất quy mô như “Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô” hàng năm.

Nhận diện ngôn ngữ mỹ thuật đương đại 1149
Công chúng tới xem Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2022

Đứng ở góc độ chuyên môn sâu, nhà Lý luận phê bình mỹ thuật Đặng Thanh Vân cho biết: Cần mở thêm các cuộc thi phác thảo theo một chủ đề nhất định, thành lập hội đồng nghệ thuật chọn ra những phác thảo tốt có giá trị nghệ thuật cao, có nội dung tốt để đầu tư; tăng giá trị giải thưởng triển lãm Mỹ thuật Thủ đô hằng năm; chú ý đầu tư cho ngành lý luận phê bình nghệ thuật… để đưa ra được những chuẩn mực trong sáng tạo hội họa, không chỉ mang hơi thở đương đại mà còn mang tính thời đại. Hiện Việt Nam đã có tên trên bản đồ hội họa thế giới với nhiều tên tuổi, nhiều tác phẩm được đấu giá ở mức cao kỳ lục. Vì vậy, đời sống sáng tác mỹ thuật Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cần có những đột phá mới không chỉ về tư duy, quan niệm sáng tác mà còn là thái độ trân trọng nghệ thuật. Công chúng sẽ không chấp nhận tồn tại chủ nghĩa tiêu dùng trong ngành mỹ thuật, càng không chấp nhận công nghiệp hóa ngành mỹ thuật với những công cụ “chế tạo” tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.

Đã đến lúc mỹ thuật Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung định hình một phong cách mới, nói không với thương mại hóa, với thị trường và chủ nghĩa tiêu dùng trong nghệ thuật. Muốn vậy, công tác bản quyền và giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng cần được đẩy manh. Nhiều hoạt động hướng tới nghệ thuật đích thực cùng thực hiện, hy vọng rằng đời sống mỹ thuật Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung vốn đã sôi động sẽ ngày càng sôi động hơn và thực sự trở thành một kênh gia tăng lợi nhuận kinh tế cho Thủ đô và cả nước hiện nay.

Qua triển lãm lần này cũng hy vọng mỹ thuật Thủ đô nhanh chóng định hình phong cách sáng tác mới không chỉ mang đậm hơi thở cuộc sống mà còn chuyển tải những thông điệp đa tầng của ngôn ngữ tinh thần, đây chính là đích đến của mỹ thuật đương đại.

Hà An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy