Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
12:08 (GMT +7)

“Nham nhở” đường Linh Sơn

Theo Quyết định số 2486/2016 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035, thành phố Thái Nguyên được mở rộng về phía đông và phía bắc với quy mô phần mở rộng là trên 5.200ha. Bởi vậy, cùng với các xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương), Đồng Liên (huyện Phú Bình), thị trấn Chùa Hang, xã Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ) thì xã Linh Sơn cũng được điều chỉnh từ địa giới huyện Đồng Hỷ trở thành xã trực thuộc thành phố Thái Nguyên.

Sự thay đổi này khiến người dân ở Linh Sơn tràn đầy hy vọng về một sự phát triển trong tương lai gần. Thế nhưng, phát triển đâu chưa biết, chỉ biết người dân ở đây ngày ngày vẫn phải đi lại trên tuyến đường xuống cấp, với nhằng nhịt “ổ trâu, ổ voi” chi chít mặt đường. Tuyến đường ấy chạy từ xóm Hùng Vương, qua xóm Bến Đò và kết thúc ở xóm Ngọc Lâm.

Tại sao tuyến đường chỉ chạy qua 3 xóm mà hầu hết người dân trong xã đều ảnh hưởng? Lý do là bởi, đây là tuyến đường nối các xóm trong xã với trung tâm thành phố Thái Nguyên. Hai xóm Bến Đò và Ngọc Lâm nằm ven sông, nơi có cây cầu treo Bến Oánh và cầu phao Ngọc Lâm bắc qua sông. Trong khi đó, phần đa dân số trong xã làm nông nghiệp. Linh Sơn từng được coi là một trong những “vựa rau và hoa” của huyện Đồng Hỷ trước đó. Cho nên nhu cầu giao thương, buôn bán hàng hóa, nhất là hàng nông sản của người dân Linh Sơn sang chợ đầu mối Túc Duyên hàng ngày là rất lớn.

Đoạn đường chạy qua xóm Ngọc Lâm

Mặt đường hỏng đã lâu, cực chẳng đã, nhiều lần người dân trong xóm bảo nhau mua đá, xỉ than về lấp tạm những hố sâu. Thế nhưng cách làm này chỉ qua một vài trận mưa lại trở thành công cốc. Có những đoạn đường, lỗ chỗ hủm sâu đến mức ngập nửa bánh ô tô, xe máy những hôm trời mưa.

Bà Phạm Thị Hoàn, xóm Bến Đò than thở: Trời mưa đi đường này không khác gì bị đánh bẫy. Nếu không phải người thạo đường thì có thể ngã bất cứ lúc nào. Tai nạn trên đoạn đường này xảy ra nhiều lắm rồi. May mắn chỉ là chưa có ai mất mạng thôi, chứ gãy chân, tay, rách mặt mũi, thậm chí gãy cả xương sườn đều có cả rồi.

Người bị gãy xương sườn mà bà Hoàn nhắc đến là anh Nguyễn Văn Giang, người cùng xóm. Anh Giang kể: Tôi ngã ở đường này thì nhiều lắm, dù có đi quen cũng khó tránh vì có nhiều đoạn, mặt đường không có chỗ nào lành mà tránh cả. Lần khiến tôi ngã gãy xương sườn là đi qua đoạn đường từ nhà văn hóa xóm Bến Đò theo hướng xóm Hùng Vương. Đoạn đó cách nhà văn hóa xóm Bến Đò khoảng 500m. Chỗ đó, mặt đường bị tạo thành những hố sâu hoẳm. Hôm ấy vừa mưa xong, nước lênh láng, nên dù đã nhớ vị trí đường hỏng để nắn nót đi tránh mà vẫn không “thoát”. Bị ngã, tôi phải nằm ở nhà gần 2 tháng trời không đi làm ăn được gì.

Nhà gần đó, bà Nguyễn Thị Hoa góp chuyện: Các nhà ria đường ở đây trở thành nhân viên y tế “bất đắc dĩ” hết rồi. Cứ thi thoảng lại nghe tiếng “roành” một cái, chạy ra xem y như rằng lại có người ngã. Nhẹ thì mọi người ra giúp dựng xe, dựng hàng dậy, người xây xát thì được dìu vào nhà gần nhất băng bó, lau rửa vết thương. Nặng hơn nữa thì giúp đưa người ta đi viện. Có nhiều trường hợp ngã thương lắm. Như hôm vừa rồi, chập tối, có một chị thấy bảo nhà ở dưới Huống Trung, đèo mẹ già và con gái bé. Đang đi, xe đâm phải hố giữa đường thế là ngã sõng soài hết ra. Mặt mũi, chân tay ai cũng lấm lem máu. Tội lắm.

Đường hỏng nham nhở đã khổ vậy, người dân đi qua đoạn đường từ xóm Ngọc Lâm ra cầu phao của xóm càng vất vả hơn, khi chỉ cần 15 phút mưa rào là nước dâng cao trên mặt đường tới ngang đầu gối người lớn và cả ngày không rút hết.

Em Nguyễn Văn Đạt, học sinh lớp 11 cho biết: Có hôm em đi đến đoạn xóm Ngọc Lâm, gần ra đến cầu phao nhưng nước cao quá, xe đạp không đi được, thế là xe đổ ướt hết quần áo phải quay về. Có hôm xe không đổ thì lại bị các xe khác đi qua tạt nước cho ướt hết. Đấy là em đi xe đạp, còn bạn nào đi xe đạp điện hoặc xe máy điện, liều đi qua chỗ đó chỉ có hỏng xe mà thôi.

Đoạn đường chạy qua xóm Bến Đò

Nhiều đảng viên trong Chi bộ xóm Bến Đò thông tin: Trong cuộc họp Chi bộ cuối năm 2020, đồng chí Chủ tịch UBND xã có về xóm dự và thông báo tin vui cho bà con là đã có Quyết định của thành phố Thái Nguyên đầu tư làm lại tuyến đường này. Nghe tin ai cũng hân hoan. Thế nhưng 1 năm đã qua, Chi bộ xóm đang chuẩn bị cho buổi họp tổng kết của năm 2021 mà đường mới vẫn chưa thấy được làm và người dân vẫn đang ngày ngày ngóng đợi.

Nghe những câu than thở đại loại như: “Mang tiếng xã thuộc thành phố, cách trung tâm thành phố chỉ 5 phút đi xe máy mà đường trục chính còn không cả bằng đường ở các xóm, bản vùng cao” mà chạnh lòng. Tiếc, đó lại là sự thật!.

Phú Khang (huyện Đồng Hỷ)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục