Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
15:49 (GMT +7)

Nhà văn và xuất bản sách

Khoảng thời gian từ hòa bình lập lại đến những thập niên 60, 70 của thế kỉ trước, việc xuất bản sách văn học vô cùng khó khăn. Ngoài những cuốn sách dịch, hầu như chỉ những nhà văn gạo cội ở trong nước mới có cơ hội ra sách. Nhưng những cuốn sách ra đời vào thời ấy luôn được sự đón nhận của độc giả, đã đem lại cho đất nước một không gian văn học đầy ý nghĩa.

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Những tác phẩm như Sóng gầm (Nguyên Hồng), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Mùa lạc (Nguyễn Khải), Cái sân gạch (Đào Vũ), Trời mỗi ngày lại sáng (Huy Cận), Gió lộng (Tố Hữu), Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông), Rừng trắng hoa ban (Cẩm Giang)… đã để lại trong tâm hồn người đọc biết bao ấn tượng sâu sắc, trở thành những tác phẩm kinh điển, có tác dụng dài lâu trong lịch sử văn chương nước nhà. Thời kì ấy, mỗi năm chỉ xuất bản khoảng trên dưới một trăm đầu sách là cùng. Nhưng có cuốn số lượng lên tới cả chục nghìn bản.

Việc ra sách riêng trong những năm tháng ấy thường ít dành cho các tác giả trẻ, kể cả những người đã nhiều lần đoạt giải thưởng truyện ngắn, thơ trên báo chí. Người mới cầm bút trong thời gian này, ba, bốn tác giả được in chung trong một tập sách đã là vinh hạnh lớn rồi. Có lẽ vì thế mà Điều lệ Hội nhà văn Việt Nam qui định chỉ cần 2 cuốn sách được dư luận chú ý là đã đủ điều kiện vào hội.

Nhưng rồi một thời gian sau đó, khi chính sách liên kết giữa nhà xuất bản và tác giả hoặc các cơ sở phát hành (của cả nhà nước và tư nhân), còn có tên là sách tự xuất bản, được mở ra thì tình hình được dần dần cải thiện hơn. Tuy có những mặt trái, những hệ lụy khó tránh khỏi nhưng việc thông thoáng trong xuất bản cùng sự kết hợp về tài chính giữa nhà nước và tư nhân trong nền kinh tế thị trường đã làm cho việc xuất bản, phát hành sách được mau lẹ và thuận lợi hơn rất nhiều so với khi còn kinh tế bao cấp. Từ thành quả ấy, đã khuyến khích, động viên các nhà văn không chỉ sáng tạo ra nhiều các tác phẩm có giá trị mà còn tạo ra một nhịp cầu giữa các nhà sáng tác với độc giả.

Còn nhớ vào những năm cuối của thập niên 80 có một nhà thơ tự xuất bản mấy ngàn bản sách rồi "vác" đi rao bán thơ trên các chuyến tàu hỏa (việc này chỉ những người bán thuốc dạo mới thường làm). Nghe đâu, nhà thơ này đã bán hết số thơ xuất bản. Một chuyện có vẻ hiếm lạ, hơi khó chấp nhận vào thời điểm ấy nhưng quả là ngoạn mục. Vậy là vừa có tiền lại vừa đưa được thơ đến tay bạn đọc. Về sau, cũng có nhiều nhà văn noi theo gương nhà thơ nọ và cũng cân đối được đầu vào, đầu ra cho các tác phẩm của mình. Có một số cuốn sách nhờ vào sự xuất bản thông thoáng này mà đã sinh ra những tác phẩm có giá trị, có những cuốn được giải Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, giải của Hội Nhà văn…

Đấy là những thành quả không thể phủ nhận của xuất bản vào thời Đổi mới. Rồi từ đó, tình hình tự do xuất bản mỗi ngày một phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay, chúng ta đều biết việc xuất bản sách là hết sức dễ dàng. Các nhà xuất bản không quá khắt khe về chất lượng nghệ thuật. Bản thảo chỉ cần không vi phạm  điều cấm, "sạch nước cản" trong diễn đạt, câu chữ là có thể cấp phép… Vì vậy, số lượng sách ra đời mỗi năm một tăng. Riêng sách văn học, thống kê chưa đầy đủ, đã có thể lên tới vài nghìn đầu sách. Phải thừa nhận, đã có lúc thị trường sách rối loạn, dẫn đến bạn đọc rất lúng túng trong việc lựa chọn sách, rất khó kiếm những tác phẩm có giá trị trong một "biển" sách tầm tầm và yếu kém.

Cũng đã có nhiều ý kiến phê phán về vấn đề này, cho rằng tình hình in sách bung ra như vậy sẽ làm cho nền văn học của đất nước suy yếu, ảnh hưởng đến văn hoá đọc của cộng đồng. Tuy nhiên, nếu xét cho cùng thì việc sách xuất bản trong không khí cởi mở như hiện giờ tuy khó tránh những hệ lụy nhưng nó lại có được những mặt tốt. Âu đã là con người thì việc thể hiện những tư duy, tình cảm của mình cùng nhu cầu giao tiếp vốn là một sinh hoạt lành mạnh. Nó không chỉ là sự độc quyền của nhà văn, nhà thơ. Nhiều người in sách chỉ với mong muốn như lưu giữ lại những kỉ niệm trong gia đình, dòng tộc…

Thực ra, việc này không gây hại cho bất cứ ai, càng không thể làm suy yếu nền văn chương của đất nước. Vì những cuốn sách tự xuất bản như nói ở trên hầu hết chỉ có số lượng thấp khoảng một vài trăm bản, không bán ra thị trường mà chỉ để biếu tặng những người thân quen. Nó giống như một món quà tinh thần có thể làm cho con người vui sống và hiểu biết lẫn nhau hơn. Người xuất bản sách hoàn toàn không vì mục đích để trở thành nhà thơ, nhà văn hoặc dùng sách để leo lên một vị trí nào đó trong xã hội.

Tuy nhiên, kiểm lại tình hình in sách từ vài chục năm qua cũng không phải là không có những bất cập nhất định. Đã từng có những người do nhiều lần gửi thơ, văn nhưng không được đăng báo, liền mang đến tòa soạn cả chục đầu sách đã được xuất bản mà rằng: "thơ tôi được các nhà xuất bản trung ương in hẳn hoi mà cớ sao tòa soạn địa phương lại vứt vào sọt rác". Cũng lại có ông, viết đơn xin vào Hội Nhà văn cùng … một "gánh sách" được xuất bản, mác “Nhà xuất bản Hội Nhà văn” hẳn hoi nhưng vẫn bị loại từ vòng gửi xe thì đem lòng phẫn uất, dẫn đến những phản ứng không hay. Gần đây, thấy có một, đôi người in ra một đống sách, truyện chẳng ra truyện, kí chẳng ra kí, nhưng lân la đến các cơ quan, trường học dùng đủ mọi chiêu trò quảng cáo hoặc xin xỏ, nửa bán, nửa ép người ta mua, rồi huyênh hoang nói với thiên hạ "sách tôi in hàng nghìn cuốn, bán hết veo". Hoặc có một vài "ông quan" ra sách riêng, các thuộc cấp không mua không ổn, cũng vỗ ngực về tài năng. Như vậy là thiếu hiểu biết và ảo tưởng.

Việc xuất bản sách tự do là cần thiết nhưng nếu thái quá thì cũng lợi bất cập hại. Hơn nữa, nếu có sự quá dễ dãi từ các nhà xuất bản thì cũng sẽ tạo ra những phế thải ngay trên những sản phẩm mà lẽ ra phải được trân trọng.

Điều đáng lưu ý là mỗi người, trong đó có những nhà văn, nhà thơ trước khi xuất bản phải tự suy xét, cân nhắc về sự cần thiết cho sự ra đời của mỗi cuốn sách, đừng để chúng trở thành giấy vụn.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục