Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:17 (GMT +7)

Nhà văn Phạm Đức đi khám mắt

CHUYỆN LÀNG VĂN NGHỆ

VNTN - Nhà văn Phạm Đức trông tướng tá bề ngoài rất hoành tráng, ai cũng tưởng đó là một người đàn ông khỏe mạnh có sức vóc bẻ gãy sừng trâu. Nhưng thực bên trong thì cái thân xác của ông gánh đủ các thứ bệnh, nào dạ dày, đường ruột, thận, bàng quang, xương cốt… Năm gần đến tuổi bảy mươi, ông còn mắc thêm bệnh mắt. Đeo kính cả ngày (có khi cả đêm) nhưng nước mắt vẫn cứ nhểu ra như vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết bi ai, gồm toàn những chương thương tâm, cảm động.

Một hôm ông bảo tôi:

- Có lẽ phải đi Hà Nội chữa mắt thôi ông ạ. Mắt mũi thế này thì viết lách thế quái nào được nữa. Hay ông đi với tôi.

Đang rất bận nhưng nhớ cái ơn hơn mười năm trước, ông rất nhiệt tình trong vụ vợ tôi phẫu thuật ở Bệnh viện Quân đội 108, tôi nhận lời ngay. Tôi nói vui:

- Nếu chữa cho đôi mắt sáng ra để có thể viết vài cuốn sách nữa thì tôi đi với ông. Còn không thì cứ để vậy cho nó… bi tráng. Có phải ai cũng có được đôi mắt đẫm lệ cuộc đời như ông đâu!

Thế là đầu tuần, Phạm Đức điều cậu con trai lái chiếc xe ô tô đời… Pie Đệ nhất cho bố đi khám mắt.

Chiếc xe cọc cạch, vừa đi vừa đổ nước, như bò trên đường, hơn ba tiếng đồng hồ sau mới tới cổng Bệnh viện Mắt Trung ương.

Xe vừa dừng, tôi thấy Phạm Đức hấp tấp nhảy xuống xe, bước rất nhanh vào cổng bệnh viện. Tôi hiểu, đó âu cũng là cái thói quen cố hữu của những người tỉnh lẻ đến chữa bệnh tại các bệnh viện ở trung ương. Lúc nào cũng lo tình trạng bệnh nhân quá đông, phải chờ đến sáng hôm sau. Tôi nghĩ Phạm Đức tranh thủ thời gian để xếp hàng, nên ngồi chờ ở bên ngoài.

 

Nhà văn Phạm Đức (bên trái) và nhà văn Hồ Thủy Giang chụp ảnh lưu niệm trong Lễ hội Thơ Nguyên Tiêu - Thái Nguyên 2011. Ảnh: Đào Tuấn

Khoảng mười phút sau, Phạm Đức bước ra với vẻ mặt đầy hoan hỷ, khoe với tôi:

- Bệnh nhân đông như kiến ông ạ. Nhưng yên tâm rồi. Tôi đã may mắn gặp được một bà làm dịch vụ. Chỉ cần chi ra bốn trăm nghìn sẽ được khám ngay. Nếu không, chắc là chờ đến tối chưa chắc đã được khám.

Tôi cũng thấy mừng. Quan trọng là mọi việc sẽ được giải quyết trong ngày còn để về. Bốn trăm, chứ một triệu thì cũng phải chi. Còn hơn ăn chực nằm chờ ở đây.

Tôi hỏi:

- Họ làm dịch vụ theo kiểu gì?

- Lát nữa chỉ cần theo bà ấy ra đằng sau bệnh viện là sẽ vào khám luôn.

Dứt lời, “bà ấy” đã đến ngay bên cạnh. Phạm Đức móc ví lấy bốn trăm nghìn đưa cho “đối tác”.

Sau khi cầm tiền, bà ta dẫn chúng tôi ngoằn nghèo qua mấy dãy phố ngắn rồi đến trước một cửa hiệu hình như là bán bánh kẹo, chỉ vào Phạm Đức, nói với người đàn ông to lớn như hộ pháp, có hàng râu quai nón, trông dữ dằn như ông Trương Phi:

- Bác này cần khám dịch vụ.

Người đàn ông rút điện thoại, đặt lên tai:

- Bác sĩ Hùng ạ. Vâng! Có bệnh nhân làm dịch vụ đấy… Vâng! Tôi sẽ hướng dẫn bệnh nhân vào ngay.

“Ông Trương Phi” bảo Phạm Đức ghi tên, ngày tháng năm sinh vào một mảnh giấy rồi nói cầm tờ giấy này, đi theo lối cửa sau lên tầng hai, tầng ba gì đó.

Vẻ mặt Phạm Đức tươi tỉnh, như vừa thực hiện được một việc làm quan trọng.

Tôi và Phạm Đức theo sự hướng dẫn bước vào một căn phòng lớn có khoảng hai chục người ngồi đợi. Có lẽ họ cũng là những bệnh nhân khám mắt.

Phạm Đức run run đưa tờ giấy cho ông bác sĩ.

Sau khi đọc tờ giấy, ông bác sĩ ngẩng lên hỏi:

- Bác đưa tờ giấy này là sao?

Phạm Đức lung túng:

- Là… là… tôi muốn khám mắt mà…

- À! Vậy bác ra ghế ngồi đợi. Cũng chỉ có hơn hai mươi người, đến cuối giờ là đến lượt thôi.

Phạm Đức ra hàng ghế đợi, quay sang khe khẽ hỏi người ngồi bên:

- Đây là… các bệnh nhân… của khu… ưu… ưu… tiên hả bác?

- Làm gì có khu ưu tiên nào. Bệnh viện chỉ có mỗi chỗ này khám mắt thôi. Hàng ngày, bệnh nhân khám mắt cũng không đông như các bệnh nhân khác nên cứ chờ chút ít là khám được.

- Vậy mà tôi cứ tưởng…

Chờ khoảng hơn một tiếng thì khám xong. Phạm Đức cầm mảnh giấy “dịch vụ” vẻ cay cú, nói với tôi:

- Bố láo thật! Tôi phải quay lại cho thằng đàn ông nọ một trận mới được!

Tôi nhìn đồng hồ đã 11h rưỡi. Nghĩ đến cái vóc dáng Trương Phi của gã, tôi cười, bảo Phạm Đức:

- Thôi ông ạ. Sau khi gặp nó mà chẳng có chút chứng cứ gì, tôi sợ rằng chúng ta không còn đủ thời gian để sang bệnh viện răng hàm mặt đâu!

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ký ức về một truyện ngắn

Giai thoại văn nghệ 6 ngày trước

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 7 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 1 năm trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước