Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
14:35 (GMT +7)

Nhà văn hóa vườn

Bà Thanh, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi của tổ dân phố thẫn thờ đứng nhìn đống gạch cũ và đống ngói lợp bờ rô xi măng bạc phếch, vài cây gỗ mỡ cong queo của cái nhà văn hóa cũ tháo dỡ ra. Đang có nhà văn hóa, dù cũ dột nhưng “méo mó có hơn không”, nay phá đi bảo làm nhà văn hóa mới. Cấp trên lại bảo phải chờ kế hoạch chung. Thế là không biết khi nào mới có nhà văn hóa mới. Mọi hoạt động vẫn không ngừng lại được, phong trào như ngọn gió cứ thổi. Làm sao đây?

Về đến nhà, thấy ông lão đang ngồi xem vô tuyến, bà buột miệng than thở:

-Chán quá ông ạ. Bây giờ lấy gì mà hoạt động.

Ông vẫn không rời mắt khỏi màn hình, vô tư đáp lại:

-Ối dào, bà xem, U70 rồi còn lo hoạt động gì nữa.

Bà không chịu:

-Ông nói thế nào. Các ông bà trong tổ vẫn tín nhiệm bầu tôi, tham gia nó như dưỡng sinh ấy mà.

Ông bỗng quay sang bà, cười hiền lành:

-Trêu bà chút thôi. Tôi đã từng làm hai khóa bí thư chi bộ, bà gần chục năm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, cảm thông lắm. Đêm qua tôi cũng nghĩ, có đề xuất này, chỉ sợ bà không vừa lòng.

Bà ngồi xích lại cầm tay ông như thuở yêu nhau:

-Đâu, ông nói nghe đi.

Ông cầm tay bà kéo ra vườn trước sân:

-Bà xem, đây chính là nhà văn hóa đấy. Có mà rộng trên hai trăm mét vuông chỉ để lại mấy cây nhãn còn chặt bỏ, di dời, san phẳng. Các cụ tập chẳng còn lo nắng nôi gì, đất nệm êm như trải đệm bà ạ.

Bà ôm lưng ông:

-Ôi, ông lão đáng yêu của em. Ông giỏi quá.

Bà Thanh đề xuất trong cấp ủy, ai cũng hoan nghênh. Riêng bí thư chi bộ còn băn khoăn đôi chút:

-Em tiếc mấy luống rau và mấy rạch rau ngót. Anh chị cao tuổi lại phải đi chợ.

Bà Thanh xua tay:

-Không có vấn đề gì chú ạ. Tôi đã có cách trồng chỗ khác. Vườn rộng lo gì.

Thế là chỉ hơn tuần sau, một khoảng sân bóng mát san phẳng được các cụ có hai buổi lao động công ích đã làm xong. Cái sân xem ra quá nên thơ. Ngoài bóng mát cây mít, cây nhãn, cây xoài còn có cây ngọc lan góc sân hoa nở thơm ngào ngạt. Bụi hồng, bụi cúc mùi thơm mát dễ chịu. Đàn chim sẻ sà xuống đùa vui ríu rít.

Khai mạc sân vườn là buổi tập dưỡng sinh của gần ba chục cụ. Cái đài cát xét để ở góc sân vừa nổi lên bản nhạc là các cụ đã xòe quạt nhún nhẩy theo các động tác mềm mại. Ở cái sân tập mới lạ, ai cũng nở nụ cười trên môi.

Tiếp đến là các bà trong đội văn nghệ đến tập bài múa nón chuẩn bị đi thi của thành phố. Đương nhiên bà Thanh vẫn là đội trưởng. Bà vốn là giáo viên mầm non ở tận Tây Bắc xưa. Tuy tuổi cao nhưng người bà thon gọn mềm mại, trông lưng bà chỉ tưởng như con gái trung niên. Cô Loan là giáo viên trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật được mời đến làm biên đạo múa đến ngắm nhìn cảnh nhà, cô bảo:

-Trời ạ, cảnh sắc ở đây đã tạo ra sự lãng mạn kỳ thú của tự nhiên, làm phấn khích máu nghệ sĩ rồi cô chú ạ. Cháu phục đấy.

Cô Loan nói đúng. Tiết mục múa nón năm ấy đi dự thi được giải nhất. Xem lại “cờ lip” cảnh tập ai cũng cảm động.

Cái sân bãi hoạt động được thời gian thì cấp ủy nhân họp bàn khen thưởng đội văn nghệ các cụ, bí thư chi bộ đứng ở hè nhà nói vọng xuống:

-Hôm nay ta ăn mừng thành tích các cụ và xin nói luôn để cô chú An -Thanh giúp luôn thế này. Chả là trên thành phố chưa hạn định được thời gian xây nhà văn hóa. Cho nên ý tổ là chuyển luôn cả bàn bóng, bóng chuyền hơi về đây. Riêng cái sân này tổ sẽ xin phối hợp cùng gia đình lợp mái tôn. Mọi người thấy sao ạ?

Ông An chồng bà Thanh đứng lên, mái tóc bạc rung rung:

-Tôi rất hoan nghênh cấp ủy. Vợ chồng tôi con cái ở riêng cả. Được các cụ và mọi người quây quần đem nguồn vui cho tuổi già, tôi cảm ơn còn chưa hết. Vậy cái mái tôn tí tẹo này có là gì mà phải để tổ phải quan tâm. Mai lão cho làm ngay. Tôi sẽ cho làm một giàn phong lan từ cổng vào tận sân chừa ra cái khoảng làm sân bóng chuyền.

-Hoan nghênh, hoan nghênh. - Mọi người đồng thanh.

Ấy thế mà cái nhà văn hóa vườn của tổ dân phố tôi cũng duy trì ba năm đấy. Nó giúp tổ dân phố lập bao nhiêu thành tích về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Bây giờ thì đã có nhà văn hóa nhưng cái bàn bóng vẫn để ở đó, cái sân bóng chuyền còn đó. Đặc biệt còn thêm chiếu thơ của câu lạc bộ thơ phường vẫn thường xuyên đến cho các cụ bầu rượu túi thơ đấy. Ai bảo nhà văn hóa vườn không có giá trị phải không các cụ.

Nguyễn Hoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy