Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
22:28 (GMT +7)

Nhà văn Đinh Công Diệp và rượu

VNTN - Nhà văn Đinh Công Diệp là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam công tác tại tỉnh Tuyên Quang, đã khuất núi nhiều năm nay. Thuở sinh thời, khi Hội Văn nghệ Việt Bắc còn hoạt động, anh cùng với các nhà văn Phù Ninh (Tuyên Quang), Trường Thanh (Lạng Sơn), Triều Ân (Cao Bằng), Vi Hồng (Bắc Thái) là những cây bút chủ lực của Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. Truyện ngắn “Tìm nước”, “Vết nhọ”, tiểu thuyết “Cô gái áo đen”, “Rừng có tiếng người”… của Đinh Công Diệp là những tác phẩm được viết từ vài thập kỉ trước nhưng vẫn còn để lại tiếng vang đến tận ngày hôm nay. Sau khi Hội Văn nghệ Việt Bắc giải tán, Đinh Công Diệp là một cộng tác viên thường xuyên và xuất sắc của báo Văn nghệ Thái Nguyên, đồng thời trở thành một bạn văn thân thiết của anh em văn nghệ sĩ Bắc Thái (cũ). Tuy là một cây bút gạo cội của tỉnh Tuyên Quang nhưng chưa bao giờ thấy Đinh Công Diệp giữ một chức vụ trọng trách nào trong Hội Văn nghệ. Trong khi đó, những bạn văn đồng lứa và cả những nhà văn thế hệ sau anh đều là chủ tịch, phó chủ tịch Hội. Còn anh trước sau chỉ là biên tập viên của tờ văn nghệ Tuyên Quang. Không phải anh không có uy tín hoặc không được anh em văn nghệ sĩ mến mộ. Ngược lại, nhắc đến cái tên Định Công Diệp, bạn bè đều rất quí mến và có những nhận xét tốt đẹp. Nhưng mà thôi, điều ấy không có gì quan trọng, đặc biệt là với bản thân anh. Có lần anh nói với tôi rất vô tư và rất thật: “Đời văn chương sướng nhất là làm cái anh lính trơn cậu ạ”. Quả là vậy. Mỗi lúc gặp nhau là thấy anh cười nói vút tầm, vui như tết. Hài hước cũng là một tư chất của anh. Nhưng có lẽ, với anh, cái sướng nhất là được uống rượu thả phanh. Rượu đối với anh như một lẽ sống. Tuy nhiên anh không hề say đến mức làm ảnh hưởng đến mọi người hoặc công việc. Thảng hoặc, cũng có lúc hơi quá chén, chân tay có khí hơi vung vảy nhưng từ lãnh đạo Hội đến anh em đồng nghiệp đều thông cảm. Tôi biết, lãnh đạo Hội Tuyên Quang không hề buông lỏng chuyện rượu chè nhưng riêng với Đinh Công Diệp thì họ lại coi như… không có gì. Ấy cũng là cái sướng của anh. Có lần Đinh Công Diệp tuyên bố: “Không có rượu thì Diệp cũng không có văn”. Có nghĩa là, cũng giống như nhạc sĩ Văn Cao, rượu như một đồng hành tất yếu của âm nhạc. Thì ra, với văn nghệ sĩ cũng nên có những cư xử đặc thù, đừng nên quá cứng nhắc. Vậy mà có một hôm, một người bạn từ thành Tuyên alô cho tôi thông báo một tin giật gân “Bác Đinh Công Diệp bỏ rượu rồi”. Nhận được tin, tôi thấy lo lo chứ nào có vui gì. Nhưng rồi sau đó lại nhận được một tin bổ sung rằng Đinh Công Diệp thực ra chỉ là…dọa bỏ rượu thôi. Ông ấy lớn tiếng với mọi người: “Nhà tao còn chưa bỏ thì bỏ rượu thế nào được” Hôm ấy tôi liền tức cảnh làm một bài thơ tặng nhà văn Đinh Công Diệp. Nguyên văn bài thơ như sau:

NHÀ VĂN ĐINH CÔNG DIỆP “BỎ RƯỢU” Sửng sốt tin bay qua Đèo Khế Bác Đinh Công Diệp bỏ rượu rồi Chả lẽ núi Hồng thôi ngất ngưởng Sông Lô phút chốc chợt ngừng trôi

Tửu quán mùa này chừng vắng ngắt “Cô gái áo đen” có ngậm ngùi? Nửa chén suông tình đời đã khoái Rượu còn đương độ, lẽ nào thôi?

Nói thôi thì thế, thôi thì thế Nhà còn chưa bỏ, rượu sao nguôi “Rừng có tiếng người” - bạn đến gọi Đôi chén quả hồng lại sóng đôi

Cái đời của bác là đời sướng Văn đà chưa cạn, rượu chưa vơi Thả cái hư danh ngoài ngưỡng cửa Như bác, thành Tuyên được mấy người.

Cũng chỉ là bài thơ tào lao, ai ngờ Đinh Công Diệp lại rất khoái, từ Tuyên Quang viết thư cảm ơn tôi, rồi cứ gặp nhau lại nhắc bài thơ ấy. Sau đó, bài thơ được loan truyền, nhiều bạn văn biết đến. Nhà văn Vũ Xuân Tửu khi viết về Đinh Công Diệp đăng mục “Mỗi tuần gặp một nhà văn” trên tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn, đã trích bài thơ này. Đến nay, nhà văn Đinh Công Diệp đã đi xa, nhưng hình ảnh của anh vẫn còn mãi mãi trong lòng anh em văn nghệ sĩ Tuyên Quang nói riêng và văn nghệ sĩ cả nước nói chung.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 2 tuần trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 6 tháng trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 11 tháng trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Cuốn tuyển truyện ngắn đầu tiên của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức đi khám mắt

Giai thoại văn nghệ 3 năm trước