Nhà văn Chu Hồng Hải trả lại nhuận bút
VNTN - Khoảng cuối năm 1978 Đại Từ có một trận lụt lịch sử. Gần như cả thị trấn Hùng Sơn tràn ngập trong nước và bùn cát. Phục hồi được nạn thiên tai ấy cực kì vất vả. Huyện phải huy động cả mấy ngàn người. Sau trận lụt ấy, tôi có viết một truyện ngắn với nhan đề là “Sau cơn lũ”. Đó chỉ là một truyện ngắn chỉ mang tính minh họa cho chính sách hợp nhất các hợp tác xã nhỏ thành một hợp tác xã lớn thời kì đó. Truyện ngắn này tôi cùng đăng với truyện ngắn “Chuyện xảy ra trong mùa cá vật” của nhà văn Vi Hồng và một truyện ngắn tôi không nhớ rõ tên của Chu Hồng Hải (một cây bút trẻ đang nổi ngày ấy) trong cuốn tạp chí Văn hóa Bắc Thái của Sở Văn hóa Bắc Thái xuất bản. Một hôm tôi có việc lên Sở Văn hóa, gặp ông phó giám đốc ở hành lang. Thấy tôi, ông vồn vã bắt tay và nói: - Trời ơi! Cái truyện “Sau cơn lũ” của cậu quá hay. Phục vụ rất kịp thời! Vì thế tôi quyết định trả nhuận bút cái truyện ấy tới 45 đồng. Thấy ông khen, tôi cũng vui vui. Đặc biệt là cái nhuận bút “45 đồng” rất hấp dẫn với anh giáo trường làng vốn bao giờ cũng rỗng túi như tôi. Nhưng rồi ngay sau đó ông phó giám đốc vẻ mặt chuyển sang cau có: - Còn cái truyện “Chuyện xảy ra trong mùa cá vật” của ông Vi Hồng thì không được. Hỏng! Hỏng! Ông ta lại cho nhân vật chính tự tử. Chế độ ta làm gì có chuyện tự tử cơ chứ. “Nhân cách hóa” kiểu ấy là không ổn. Tôi cố nhịn cười vì cái sự sai kiến thức về tu từ học của ông phó giám đốc. Nhưng chuyện ấy dù sao cũng làm tôi không ngạc nhiên bằng câu nói tiếp theo của ông: - Vì thế, tôi chỉ trả 12 đồng nhuận bút thôi. Chà! Thì ra người ta đang trả nhuận bút theo kiểu chủ quan văng mạng như vậy. Nhưng còn nữa. Ông phó giám đốc vẫn thao thao bất tuyệt: -Cái truyện của cái tay Chu Hồng Hải nào đó cũng bậy hết sức. Yêu đương nhăng nhít. Từ nay cũng phải bớt cái loại chuyện trò yêu đương vớ vẩn đi cậu ạ. Cái truyện ấy tớ chỉ trả có 6 đồng nhuận bút thôi. Tôi từ biệt ông phó giám đốc trong một nỗi buồn bực khôn tả. Sau đó ít lâu, truyện ngắn “Chuyện xảy ra trong mùa cá vật” của anh Vi Hồng được đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành một phim ngắn, được nhiều người yêu thích. Truyện của Chu Hồng Hải được một tờ báo ở Trung ương đăng lại. Còn cái truyện của tôi thì vẫn nằm bẹp dí ở tờ Văn hóa Bắc Thái. Xung đột nhất là vào kì họp tổng kết cộng tác viên cuối năm ấy. Nhà văn Vi Hồng cũng có phần bất bình nhưng vốn tính điềm đạm nên không phát biểu gì, chỉ ngồi tủm tỉm cười. Chu Hồng Hải tuổi còn trẻ, tính khí mạnh mẽ, đầy cá tính nên không cần ý tứ, tuyên bố thẳng thừng trước toàn hội nghị rằng tặng toàn bộ số tiền 6 đồng nhuận bút để mua bánh sắn cho ban biên tập tạp chí. Cả hội trường được một trận cười. Từ đó Chu Hồng Hải không bao giờ gửi bài cho tờ tạp chí của Sở văn hóa nữa. Hôm nay, cả Nhà văn Vi Hồng và Nhà văn Chu Hồng Hải đều đã trở thành người thiên cổ. Trong nhiều năm sáng tác, các anh đã để lại cho nền văn học tỉnh nhà và văn học cả nước nhiều tác phẩm xứng đáng. Nhớ chuyện cũ, vừa vui, lại vừa có chút buồn. Và cũng không có ý trách cứ bất cứ một ai, kể cả bác phó giám đốc nọ. Cái thời ấy nó vậy. Nhưng chắc chắn có một điều khẳng định là với những tác phẩm có giá trị đích thực thì bất cứ một ý kiến cá nhân nào cũng không thể đơn phương chủ quan phủ định.
HỒ THỦY GIANG0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...