Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
14:10 (GMT +7)

“Nhà tư sản” và chiến tích phi thường của K20

VNTN - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều đồng chí hoạt động trong vùng địch (cả trong và ngoài nước) để mua lương thực, vũ khí, thuốc men, xăng dầu và mọi thứ hàng cần thiết khác cung cấp cho chiến trường miền Nam. Một trong những người làm nhiệm vụ đó là Đại tá Nguyễn Đức Phương. Ông được giao nhiệm vụ chỉ huy một đơn vị đặc biệt mang mật danh K20, trong vai một nhà tư sản chuyên giao dịch buôn bán với những sĩ quan quân đội vương quốc Lào, Campuchia, quân đội chính quyền Sài Gòn và các thương nhân lớn…

1. Đọc những dòng tư liệu viết về “nhà tư sản” sắm vai “ông chủ lớn” Nguyễn Đức Phương và đơn vị đặc biệt mang mật danh K20 hoạt động tại Lào và Campuchia, tôi và nhiều người bất ngờ bởi không thể nghĩ giữa lòng địch, các cán bộ chiến sĩ của ta lại có thể làm được những điều kì diệu đến thế. Chiến công của ông và đồng đội suốt những năm tháng cam go, khốc liệt đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải) và bà Trần Thị Thục Oanh (bên trái), người đóng vai “em gái ông chủ lớn” tới thăm gia đình Đại tá Nguyễn Đức Phương

Tới thăm ngôi nhà của Đại tá Nguyễn Đức Phương tại phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, tôi bùi ngùi xúc động và lấy làm tiếc bởi đã từng gặp ông, nhưng khi đó chưa hề biết gì về nhiệm vụ đặc biệt ông đảm nhận để trò chuyện sớm hơn. Ngắm di ảnh của ông trên ban thờ với đôi mắt sáng, gương mặt hiền từ, phúc hậu và chòm râu bạc trắng như cước, một chút kí ức bên ông hiện về như sương khói.

Nhiều năm trước khi tôi đang làm Chủ tịch Công đoàn của một doanh nghiệp và chỉ đạo phong trào “Phát triển kinh tế phụ gia đình”, nghe tiếng ông là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, tôi và một người bạn đã tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Trên khu đồi ông vỡ hoang lập nghiệp, một trang trại rộng 2,5ha trồng 500 gốc mơ, 100 gốc nhãn, vải, hồng xiêm, bưởi đã cho thu hoạch, khu chuồng trại nuôi lợn, gà, chim bồ câu cũng khá bề thế. Tôi chỉ biết ông là một đại tá quân đội nghỉ hưu, dù tuổi cao vẫn bỏ công khai phá để trồng trọt chăn nuôi theo hướng làm ăn lớn. Ông ít nói về mình, nên ngay cả hàng xóm cũng không biết ông nhiều năm hoạt động trong lòng địch. Hôm đó ông chỉ giới thiệu sơ qua với chúng tôi đôi nét về trang trại của mình, vì có lịch tiếp một đoàn khách nước ngoài. Tôi cũng không có dịp quay trở lại, bởi diện tích đất mỗi gia đình công nhân đều eo hẹp, khó có điều kiện áp dụng mô hình trang trại của ông.

Anh Nguyễn Đức Lương, con trai cả của ông đưa tôi thăm khu vườn. Dù ông đã đi xa, trang trại vẫn được vợ chồng anh chăm sóc chu đáo. Các loại cây ăn quả như vải thiều, vú sữa ông trồng ngày trước đã mang dáng dấp cổ thụ tỏa bóng sum suê. Khóm nhót um tùm, quả chín vàng ươm, trông xa như vầng mặt trời ban sớm. Bể nước xây làm khuôn viên tạo cảnh quan giữa đỉnh đồi và khung giàn hoa bằng bê tông từ nhà lên vẫn nguyên vẹn. Làn hương từ các loại hoa quả ngan ngát thơm. Anh Lương tâm sự: “Bố tôi phải mất 3 năm vỡ hoang, cải tạo đất. 10 năm sau vườn cây trái mới được nhiều người biết đến. Các loại cây ăn quả hồi đó đều là những loại cây có giá trị. Tôi giữ gìn vườn cây tốt tươi cũng là theo di nguyện của cụ”.

 

Đại tá Nguyễn Đức Phương (1924 - 2001)

Trong làn mưa bụi lay phay và làn hương tinh khiết, tôi như thấy bóng dáng cao lớn, vạm vỡ của ông tôi gặp hôm nào. Con người bình dị ấy ẩn chứa cả một thời oanh liệt với những chiến công phi thường nghe như huyền thoại.

2. Những ngày giữa năm 1963, binh trạm trưởng Nguyễn Đức Phương được giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng Đoàn 763 sang Lào tạo nguồn lương thực dự trữ cung cấp cho những đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam. Quân ủy Trung ương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến nhiệm vụ này. Đại tướng dành cả một ngày đến cùng ăn, cùng ở, trao đổi và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đoàn.

Tháng 9 năm 1963, Đoàn đến địa điểm quy định. Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy A Tô Pơ (Pa thét Lào), ông và đồng đội đã tới các bản làng xa xôi thu mua lương thực. Cuối tháng 10 năm 1963, Đoàn đã lập được 3 kho, bước đầu có 100 tấn lúa dự trữ. Tại Pắc Xế, một thị trấn ở Nam Lào, ông tiếp xúc được với vợ của Khăm Lượm, quân khu phó - vợ hắn là em gái Hoàng thân Bun Ùm. Bun Ùm là nhân vật có thế lực nhất ở Hạ Lào. Việc thu mua lương thực và được vợ Khăm Lượm chuyên chở diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên đề phòng địch thăm dò lực lượng ta ở vùng giải phóng của Pa thét Lào và huy động máy bay ném bom hay tổ chức càn quét, việc buôn bán, khơi nguồn hàng từ Pắc Xế ra tạm thời dừng lại. Ông Phương điện lên cấp trên, xin phép mở đường buôn bán sang Campuchia và được chấp thuận. Một đơn vị đặc biệt được thành lập mang mật danh là K20. Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho K20 mỗi năm phải thu mua được một vạn tấn lương thực và tuyến đường mang hàng về lấy bí danh là đường C4. Ông Nguyễn Đức Phương được trao một số tiền lớn trong vai nhà tư sản và là “ông chủ lớn” với lí lịch “người Việt, sinh sống tại Sầm Nưa, chuyên thầu hàng, vợ cũng là người Việt và là chủ hiệu buôn lớn tại Sầm Nưa”. Một số cán bộ khác đóng các vai “ông chủ nhất”, “ông chủ hai”…

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm gia đình ông Nguyễn Đức Phương

K20 đóng quân ở một khu rừng cạnh bản Xen Kẹo cách đồn Đôn Phầy 3 ki-lô-mét, giáp đường biên giới Camphuchia và Lào. Đôn Phầy không có đường bộ xuống huyện lỵ Xiêng Pạng. Đường thủy là sông Sê Kông ít có thuyền bè qua lại. Bằng sự linh hoạt mưu trí, ông đã kết nối được với cơ sở bí mật của ta và giao dịch, kí hợp đồng buôn bán với nhiều tư sản Hoa kiều tại Phnôm Pênh. Đồng thời, biến “sếp Sun” Đồn trưởng Đôn Phầy thành cầu nối kéo nguồn hàng từ các thành phố trên đất Campuchia về Đôn Phầy để thu mua.

Từ tháng 12 năm 1965, các thương nhân từ Stung Treng, Cara Chê, Phnôm Pênh đua nhau chở gạo theo đường sông Sê Kông lên bán cho “ông chủ lớn”. Để tên quan huyện Xiêng Pạng không gây khó khăn, ông Phương xui hắn cho lính thầu việc bốc vác lấy tiền bỏ túi riêng và ăn của đút của từng thuyền buôn.

Thuyền buôn về nhiều, bọn mật thám và nhân viên CIA cũng mò theo. Bằng nhiều biện pháp cả mềm dẻo và cứng rắn, ta đã vô hiệu hóa việc điều tra, dò xét của chúng. Nguy hiểm luôn rình rập nhưng cán bộ chiến sĩ K20 vẫn luôn cố gắng để thực hiện nhiệm vụ. Trong một lần ngồi ca nô chỉ đạo thu mua gạo, ông đã bị thương, may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng.

Máy bay Mỹ ném bom đánh phá dữ dội tuyến đường Trường Sơn. Việc vận chuyển bằng xe cơ giới từ miền Bắc chi viện cho chiến trường gặp nhiều khó khăn. Nhiều sư đoàn không còn đủ gạo nấu cháo cho bộ đội. Xét thấy vận chuyển bằng ca nô không đáp ứng được số lượng lớn, ông Phương xin ý kiến cấp trên cho mở con đường ô tô dài 60 km từ Xiêng Pạng đến Đôn Phầy và được chấp thuận. Với sự khôn khéo, ông đã thuyết phục được huyện trưởng Xiêng Pạng. Ngay lập tức ta đã đưa một trung đoàn bộ đội cải trang thành thường dân trong vai lục lộ, đóng giả “cu li” cho “ông chủ lớn” mở đường. Chỉ trong vòng một tháng con đường ô tô hoàn thành. Thời gian đi lại từ Đôn Phầy về Phnôm Pênh bằng đường bộ chỉ còn 2 ngày. Cơ sở của ta hoạt động tại Phnôm Pênh, các nhà buôn ở Xiêng Pạng, ở Stung Treng chở gạo chạy thẳng lên Đôn Phầy.

Việc buôn bán ngày càng phát triển thuận lợi. Gạo dự trữ trong kho tăng lên có thời điểm trên 3.000 tấn. Ông Phương đã liên hệ lo mọi giấy tờ cho hai cán bộ đại diện K20 sống hợp pháp ở Phnôm Pênh đứng chủ tài khoản, giao dịch với các nhà tư sản khi cần thiết. Có giai đoạn ta phải dự trữ cả một kho tiền mặt, ngụy trang sơ sài lẫn trong các kiện hàng che mắt địch để khi có nguồn hàng tung ra mua kịp thời.

Ngoài việc mua gạo, thuốc men, các loại hàng hóa khác, đồng chí Lê Trọng Tấn, thay mặt Ban cung cấp tiền phương, chỉ thị cho K20 mua thật nhiều xăng đưa về dự trữ. Những ngày đầu, mọi diễn biến đúng theo tính toán. Ta mua vét được 1.700 phuy 200 lít và gần hai vạn can nhựa, can sắt, loại can 20 lít mua lẻ ở các cửa hiệu, mua chui của lái xe. Mặc dầu vậy, từng ấy vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu. Các cán bộ chiến sĩ lập kế hoach cho vợ chồng “sếp Sun” trưởng đồn Đôn Phầy đứng ra thu mua hợp pháp và cho mượn can, mượn vốn để mua gom.

Hàng ngày, đi ngang qua đồn lên buôn bán với ta ngày nhiều nhất lên tới 240 thuyền hoặc ca nô. Ông Phương bày cho vợ chồng “sếp Sun” mỗi ca nô gửi một hai chiếc can chứa 20 lít xăng. Ngoài phương pháp đó, ta còn tận dụng đường bộ, gửi mỗi xe ô tô một phuy 200 lít. Như vậy, chưa kể khả năng chuyên chở hợp pháp của K20, ta thu mua về mỗi ngày trên dưới 5.000 lít xăng. Bên cạnh đó, cán bộ chiến sĩ K20 còn móc nối với Xi Mía, quan Tư công binh của quân đội Campuchia mua xăng, bán xăng thừa của đơn vị cho ta và trở thành người giúp việc đắc lực.

Có những thương vụ mua bán diễn ra thật khó tin. Lần đó, thông qua con mồi Xi Mía ta làm quen với đại tá Un-xê-út. Thấy món lợi ông ta đã liên hệ với bọn tướng ngụy Sài Gòn mua xăng. Hai bên thỏa thuận giá cả. Bọn ngụy Sài Gòn yêu cầu: “Đánh cho một bức điện báo tin có Việt Cộng ở vùng nào, tọa độ nào đó”. Nhận được điện chúng huy động quân càn quét. Khi rút lui để đủ số lượng xăng lại. K20 nhận đủ xăng và trả tiền theo địa chỉ qui định. Nhờ có các nhân vật cộm cán trong chính quyền sở tại đỡ đần, đoàn xe chở xăng vượt qua các trạm kiểm soát ở các tỉnh lên khu vực tiếp nhận của ta an toàn.

Chưa từng giao thương buôn bán, khi sắm vai nhà tư sản, ông Phương buộc phải nghiên cứu, tìm hiểu kĩ giá cả các mặt hàng, nhất quyết không mua bằng mọi giá. Bên cạnh việc bắt tay làm ăn với các nhà tư sản, các thương nhân và những người có thanh thế, quyền uy bảo lãnh cho hoạt động của K20 tại Lào và Campuchia, ông còn cho người mang tiền sang cả Thái Lan tìm nguồn thu mua. Đồng thời, ông chú trọng xây dựng mạng lưới cơ sở là những tiểu thương kinh doanh buôn bán nhỏ tại các thành phố, thị trấn. Họ tuy không có vốn lớn nhưng có thể mua gom được các loại hàng quí hiếm như thuốc men y tế và sẵn sàng cưu mang giúp đỡ để ta có vỏ bọc hoạt động hợp pháp.

Trong điều kiện quân địch tung tình báo, biệt kích lùng sục dò xét gắt gao, mọi sự sơ sểnh đều có thể phải gánh chịu những hậu quả khó lường, ông Nguyễn Đức Phương quan tâm làm công tác dân vận. Ông thường cử nữ quân y Trần Thị Thục Oanh, người đóng vai em gái “ông chủ lớn”, tới khám chữa bệnh cho dân bản và quan quân trên địa bàn khi đau ốm. Ngày Tết của Lào và Campuchia, ông mời các trưởng bản dự, cho người mang gạo tới nhà biếu các gia đình nghèo. Dịp Tết Việt ông cho nắm số lượng thành viên gia đình mỗi chủ ca nô và biếu cả nhà họ bánh chưng. Vì vậy có một lần, ta chở hàng qua Công pông Chàm thì bị bắt cả người và hàng. Nếu không cứu nhanh, từ một người có thể địch sẽ điều tra khui ra hệ thống tổ chức và ngăn cấm ta hoạt động. Một thương nhân có tên Bang Xén đã nhận số hàng đó là của mình, lo đút lót, lo nộp phạt và đã cứu được cả hàng và người. Dính vào việc phạm pháp này, người thương nhân đó rất dễ bị ghép tội đồng lõa, bị bắt bỏ tù, bị tịch thu hết gia sản. Danh tiếng “ông chủ lớn” lan rộng làm nhiều quan chức và những người có thế lực vị nể, không dám nghĩ ông làm ăn cho “Việt Cộng”.

Không chỉ thu mua lương thực, thực phẩm, các mặt hàng chiến lược cho mặt trận Tây Nguyên và một phần Nam Bộ, ông Nguyễn Đức Phương và đồng đội K20 còn tạo con đường bí mật vận chuyển “mặt hàng đặc biệt” là A22 (tên lửa) vào chiến trường B. Nhiều lần đưa đón an toàn các các đoàn cán bộ cao cấp vào Nam ra Bắc. Các đơn vị đặc công chi viện cho chiến trường.

3. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ bên đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Trung tá Trần Thị Thục Oanh, người đóng vai “em gái ông chủ lớn” nói về người thủ trưởng của mình với sự trân trọng: “Hoạt động ngoài nước, trong điều kiện các lực lượng thù địch ráo riết ngăn chặn chống phá, ông Nguyễn Đức Phương luôn bình tĩnh, tự tin xử lí mọi tình huống với sự nhạy bén sáng tạo trong vai “ông chủ lớn”. Trước muôn vàn khó khăn gian khổ, cái chết luôn rình rập, ông sẵn sàng dấn thân vào những nơi nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ, không hề lo lắng cho sự an nguy của tính mạng. Thời gian bộ đội ngoài mặt trận bị đói, căn cứ cũng hết gạo, ông động viên mọi người lên rừng hái rau, đào sắn ăn trừ bữa, không sử dụng số gạo thu mua chuyển ra chiến trường. Sự liêm khiết, đức độ từ nhân cách của ông góp phần tạo nên sức mạnh cống hiến quên mình phụng sự Tổ quốc của tập thể K20”.

Trong vai “ông chủ lớn” và các thương nhân, cán bộ chiến sĩ K20 luôn quản lí một lượng tiền hàng lớn, trong đó có cả một kho ngà voi để phục vụ hoạt động, nhưng khi về hưu ông chỉ có duy nhất chiếc ba lô và những bộ quần áo cũ. Ông từ chối nhận căn nhà được cấp tại Hà Nội, để về vùng đất khuất nẻo bên ga Quán Triều, Thái Nguyên vỡ hoang, làm kinh tế vườn đồi với người vợ bao năm nuôi con chờ chồng đằng đẵng. Đi Liên Xô một tháng, ông cũng chỉ mua chiếc búa và cuốc chim mang về làm vườn.

Tôi vô cùng xúc động trước bức ảnh khi mới rời quân ngũ ông đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm tại ngôi nhà bình dị ông và gia đình sinh sống. Anh Nguyễn Đức Lương, con trai ông kể ngày ấy ông làm việc quần quật không quản nắng mưa, phát dọn khu đồi trọc, đánh đất, chọn giống cây mang về trồng. Tôi lấy làm lạ bởi ông là thương binh hạng 2/4, trên người mang 14 viên bi đã rỉ sét trong lần bị thương tại Campuchia, mãi sau này về Hà Nội điều trị bệnh và chiếu chụp mới phát hiện gắp ra, vậy mà ông vẫn có một sức lực thật phi thường. Những mùa hoa thơm trái ngọt từ bản lĩnh và ý chí của người lính già ấy đẹp hơn cả mọi mĩ từ.

Thanh thản dạo bước dưới vườn cây nức hương với nhiều đõ ong mật đặt san sát, tiếng chim thánh thót ngân, tôi thấy như mình lạc vào miền không gian huyền thoại. Một huyền thoại có thật của một thời…

Ảnh trong bài do gia đình cung cấp

Bút kí. Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước