Thứ ba, ngày 28 tháng 01 năm 2025
09:33 (GMT +7)

Nhà thơ Vũ Đình Toàn - sự khác biệt giữa Con người trong đời và Con người trong thơ

Sự thống nhất và khác biệt giữa Con người trong đời (CNTĐ) và Con người trong thơ (CNTT) là quy luật muôn thuở của nghệ thuật thi ca. Điều này được biểu hiện rất phong phú, phức tạp với nhiều cấp độ và mức độ khác nhau. Có người thống nhất nhiều, khác biệt ít; có người thống nhất ít, khác biệt nhiều; có người lúc này thống nhất, lúc kia khác biệt; ở chặng sáng tác này thì thống nhất, ở chặng sáng tác kia lại khác biệt; thậm chí còn thống nhất và khác biệt trong từng bài thơ cụ thể. Tuy nhiên, ở phương diện tổng quan của cả một đời thơ, đối với nhà thơ Vũ Đình Toàn thì CNTĐ và CNTT ông ở vào loại thống nhất ít, khác biệt nhiều. Phải chăng đây chính là điều quan yếu nhất làm nên sự đặc sắc và thú vị trong thơ Vũ Đình Toàn?

Vũ Đình Toàn sinh năm 1938 tại làng Yên Thái, phủ Tây Hồ, Hà Nội - cái làng quê diệu kỳ mơ ảo đã rất nổi tiếng trong bài ca dao cổ:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa cành sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ

Năm 1943, khi mới 5 tuổi, ông cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, ông theo học ở trường Trương Vĩnh Ký - ngôi trường danh giá nhất Sài Thành lúc bấy giờ. Năm 1955, ông lại trở ra Bắc và 18 tuổi (1956), ông đã về quê lúa Thái Bình dạy học. Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, ông xung phong lên miền núi công tác, gắn bó với vùng núi rừng heo hút Chợ Rã, Bắc Kạn suốt 22 năm. Năm 1981, ông chuyển về Thành phố Thái Nguyên, ban đầu dạy học ở trường Lương Ngọc Quyến. Tại đây, ông đã tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc. Năm 1989, ông chuyển sang trường Chuyên Thái Nguyên dạy học cho đến lúc nghỉ hưu, năm 1998.

Các đại biểu dự Toạ đàm
Các đại biểu dự Toạ đàm "Vũ Đình Toàn -Tiếng thơ giữa đôi bờ thế kỷ" (ngày 11/11/2023). Ảnh: Quang Khải

Nhìn chung, cuộc đời Vũ Đình Toàn là cuộc đời bình dị của một nhà giáo đã gắn bó với nghề dạy học suốt 40 năm. Có lẽ chính vì vậy mà trong đời, ông luôn là một thầy giáo mẫu mực, yêu và say mê với nghề, sống nghiêm cẩn và có phần mô phạm theo phong cách của các nhà giáo truyền thống. Ông trang phục lúc nào cũng chỉn chu, lịch sự, đi đứng nhẹ nhàng, nói năng từ tốn. Ông tránh xa các cuộc xung đột, cãi vã, hầu như không bao giờ nói to trong cuộc họp, không khi nào lên giọng dạy bảo ai. Ông luôn nhịn nhường đồng nghiệp và cả những người ruột thịt. Ông hiền hậu, mát tính và rón rén đến mức nhiều người cứ tưởng ông yếu đuối, thích sống dĩ hoà vi quý.

Tuy nhiên, ông lại cực kỳ nghiêm túc về chuyên môn, đã lên lớp phải chuẩn bị bài thật kỹ, để hết tâm hồn vào bài giảng. Nhiều thế hệ học sinh chuyên Văn Thái Nguyên đến hôm nay vẫn còn nhớ mãi những bài giảng tâm huyết và đầy xúc động của thầy Toàn. Ông yêu cầu học sinh rất cao, không bao giờ thiên lệch trong nhận xét và đánh giá học trò. Ông còn luôn nhiệt tình giúp đỡ các em, không tiếc thời gian và công sức phân tích, giảng giải thêm những bài, những chỗ mà các em chưa hiểu…

Điều kỳ lạ nhất là khi đến với thơ, CNTT của ông lại rất khác với CNTĐ tạo ra một độ vênh thẩm mĩ lạ lùng và thú vị. CNTT ông rất hay tranh luận, chất vấn, phản biện những vấn đề thế sự: “Có phải vì đời còn lũ hôi tanh/ Gom rác rưởi để xây nền Phú quý/ Cướp giật giàu sang bằng hư danh lừa mị/ Bằng giả nghĩa, giả nhân, giả khóc, giả cười” (Người giàu cũng khóc). Ông đối thoại với đời và cật vấn dư luận: “Xin đừng gọi họ là ông già, bà già/ Khi họ đã lên phây, lướt web/ Đã bước ra khỏi cái khung đề-thực-luận-kết/ Để hoà âm cùng muôn triệu con tim” (Những cây cau trên sân nhà Bác).

Thầy giáo Vũ Đình Toàn trong đời hiền hậu và nhún nhường là thế, mà trong thơ sao gân guốc, dữ dội, bạo liệt với những hình tượng thơ đầy máu lửa. Ông có hàng chục bài thơ trực tiếp nói về lửa máu: “Một bài thơ rực màu máu lửa” (Món nợ tình thơ), “Hoa rực đỏ và máu người loang đỏ” (Xem ti vi màu), “Thần sấm bổ nhào, bom tuôn, máu xối” (Trước màn hình vô tuyến), “Khi nước mắt cạn khô/ Cái nhìn sẽ toé lửa tức thì” (Tận cùng nước mắt), “Nếu thiện cảm lại gây nên ác cảm/ Lửa hờn ghen lại châm bởi tình thương/ Thì nỗi buồn nhân thế lớn gì hơn” (Tình cha, con có biết), “Ôm riết sáu ngàn năm/ Nụ hôn còn bốc lửa” (Vĩnh cửu, tình đôi lứa), “Lúa xanh xanh đến ngỡ ngàng/ Nhớ ôi máu lửa thấm loang chiến hào” (Dưới chân tượng đài chiến thắng). Ông còn chất vấn cả Đấng tối cao: “Hỡi Đức Mẹ nhân từ/ Và Thánh A-La cao cả hiền minh/ Sao thịnh vượng không xua tan thù hận/ Để văn minh khỏi thầy cảnh điêu tàn?” (Những câu hỏi trước nhân loại thương đau).

Ông thường bàn luận về những điều lớn lao, to tát mang tầm nhân loại: “Sáng mai đây nắng ấm hay sầu đông/ Năm tỷ người nhiệt cuồng trong vũ khúc/ Hay buồn lo héo ruột nát lòng” (Thập kỷ giã từ). Nhà thơ nổi giận trước cái xấu và cái ác, ngẫm ngợi về tương lai nhân loại, về vị thế của con người trong thời đại mới. Thầy giáo Vũ Đình Toàn trong thơ là một con người rất giàu suy tưởng: “Ôi sống giữa những linh hồn trinh trắng/ Tục trần nào chẳng hoá thần tiên” (Áo trắng học trò). Ông phát hiện ra những nghịch lý trong nghề dạy học: “Sáng vừa giảng niềm tin/ Chiều đã nghe nói dối/ Tiết giảng luôn trong veo/ Đời lập lờ sáng tối” (Tự vấn). Có lúc ông cao giọng bảo ban đồng nghiệp và tự nhủ lòng mình: “Kính ta trong suốt không lầm chữ/ Không đọc sai câu chấm lẫn bài/ Kính ta nghe thấu từng hơi thở/ Từng nhịp tim hồng lứa trẻ trai” (Giương mục kỉnh lên). Nhiều khi nhà thơ khổ đau chua chát trước sự cạnh tranh gay gắt giữa việc dạy học và làm thơ: “Trang giáo án lại vô tình tranh mất/ Bài thơ anh sóng gió lại tơi bời” (Giằng co). Ngẫm nghĩ về nghề, nhiều đêm nhà thơ trằn trọc và day dứt: “Thầy mất ngủ… Hình như mình có lỗi” (Tiếng cười Văn K7). Ông còn xa xót ngậm ngùi khi về thăm trường cũ: “Các em ơi, đừng nhìn tôi như thế/ Khách phương xa lạc bước nơi này/ Đừng nhìn tôi như cây già đứt rễ/ Như người mất trí, kẻ tha hương” (Đừng nhìn tôi như thế).

Nhìn chung, thơ Vũ Đình Toàn thiên về lý trí, nặng tính luận bàn, suy tư về đời sống. CNTT ông hay tranh luận, phản biện, hay đề cập đến những vấn đề lớn lao, to tát của xã hội. Ông không chỉ chất vấn, cật vấn cuộc đời mà còn tự vấn, tự soi mình trong những nỗi riêng nhiều u ẩn: “Ta còn yêu/ Và ta tồn tại” (Và ta tồn tại). Ông cũng nhiều suy tư về hai chữ CON NGƯỜI: “Con sẽ hiểu: quặng u-ran còn dễ kiếm/ Triệu lần hơn tìm kiếm một con người” (Tình cha, con có biết).

Nhiều người nói đến tính triết luận trong thơ Vũ Đình Toàn như một cảm hứng đặc biệt. Tuy nhiên, không phải cứ khi nào nhà thơ suy nghĩ, phân tích, giải thích, biện luận những vấn đề hiện thực cụ thể mà nhà thơ trải nghiệm là cảm hứng triết luận xuất hiện. Ý nghĩa triết luận chỉ xuất hiện khi nhà thơ suy ngẫm, phân tích, biện giải những quy luật nhân sinh, những vấn đề quan trọng của xã hội theo các phạm trù triết học, các nguyên tắc thẩm mĩ - triết học như: nguyên lí về sự phát triển, quy luật mâu thuẫn, quy luật phủ định của phủ định, quy luật lượng đổi chất đổi… hoặc các mối quan hệ xã hội cơ bản theo triết học phương Đông như: Tương sinh tương khắc, Âm dương ngũ hành, Lưỡng nghi tứ tượng… Bởi vậy, một đặc điểm nổi bật của tính triết luận trong thơ là nhà thơ xây dựng được các hình tượng thơ theo các phạm trù triết học, sáng rõ nhất là các cặp phạm trù tương phản, đối lập giàu ý nghĩa nhân sinh. Chế Lan Viên là nhà thơ đặc biệt thành công ở lĩnh vực này với các cặp đối lập đã in sâu vào tâm hồn các thế hệ bạn đọc, như : “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn” (Tiếng hát con tàu) hoặc: “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin” (Người đi tìm hình của nước).

Thơ Vũ Đình Toàn có hơi hướng thơ Chế Lan Viên ở hàng loạt cặp phạm trù tương phản, đối lập này. Ông suy tư về lẽ mất - còn, sinh - tử, tồn tại - không tồn tại, chiến tranh - hoà bình, giàu - nghèo, xấu - tốt, cái ác - cái thiện, cái khoảng khắc - cái vĩnh cửu, được - mất, vô nghĩa - có nghĩa, đơn phương- đa phương, hạnh phúc - bất hạnh, sáng - tối, đi - ở, vui - buồn, cũ - mới…: “Mịt mùng muôn nẻo đường quê/ Đi hay ở? Vẫn một bề tỉnh say” (Uống rượu với hòn Cô Đơn) hoặc: “Ở đây rộn rã tiếng cười/ Mà chân anh bước như người mộng du” (Thao thức Vũng Tàu). Ngay ở mảng thơ dịch, ông cũng thường chọn những bài có sự tương phản mang ý nghĩa triết học như Chó sói và Cừu non, Tự do, Chim Hải Âu, Bài ca loài hoa dại…

Tính triết luận thường làm cho thơ nghiêng về lý trí, cho nên dễ rơi vào sự khô khan, cảm xúc căng cứng, hình tượng thơ ít sự lay cảm người đọc. Nhà thơ thường đại ngôn, lời thơ gân guốc và mạnh mẽ theo kiểu tuyên bố, khẳng định. Nhưng nếu nhà thơ hài hoà được tình cảm và lý trí, có sự thống nhất giữa cảm xúc và tư tưởng thì sẽ làm nên sự đa nghĩa và tầm cao suy tưởng cho bài thơ. Vũ Đình Toàn có khá nhiều bài thơ như vậy: Chú chuột nhà quê, Ảo ảnh trên sa mạc, Đi tìm ngôi đền cổ tích, Hiện tượng, Vĩnh cửu - tình đôi lứa…

Sự khác biệt giữa CNTĐ và CNTT Vũ Đình Toàn không có gì lạ bởi vẫn nằm trong bản chất của nghệ thuật sáng tạo thi ca. Freud - ông tổ của Phân tâm học đã chỉ ra rằng: Nhiều khi thơ là sự thăng hoa của vô thức, là sự bật sáng của ẩn ức nội tâm. CNTT bao giờ cũng đẹp, luôn hướng đến những giá trị chân thiện mĩ, kết tinh tình cảm yêu thương và trách nhiệm công dân trước đời sống xã hội.

Điều đó giúp ta cắt nghĩa được vì sao thầy giáo Vũ Đình Toàn trong đời là một người thầy mô phạm, mẫu mực, vô cùng hiền hậu, hơi nhút nhát, luôn nhịn nhường tất cả… nhưng trong thơ lại là một con người khác hẳn, gân guốc và quyết liệt, dữ dội và gay gắt, ưa tranh luận, phản bác và biện giải về những quy luật nhân sinh gai góc. Tất cả đã làm nên MỘT NGƯỜI THƠ độc đáo và thú vị, rất đáng được trân trọng và tôn vinh!

Võ Sa Hà

Thái Nguyên tháng 11/2023

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy