Chủ nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024
20:03 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

Nhà thơ Trần Cầu và những ký ức về một thời hoa lửa

Những ngày tháng Năm lịch sử, cả nước có nhiều hoạt động hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với nhà thơ Trần Cầu trong căn nhà nhỏ tại tổ 10, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên. Những ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa được ông kể lại lưu loát bằng trí nhớ và cả những vần thơ.

Nhà thơ Trần Cầu say sưa kể lại những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhà thơ Trần Cầu say sưa kể lại những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Từ một người lính trẻ xung phong tham gia chiến dịch

Tiếp xúc với nhà thơ Trần Cầu, chúng tôi luôn thấy ở ông sự cẩn trọng, gần gũi và khiêm tốn. Ông chia sẻ: “Tôi không trực tiếp cầm súng chiến đấu như những chiến sĩ khác mà chỉ là chiến sĩ Ban Tác chiến Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316) viết mật lệnh và vẽ bản đồ nên không có đóng góp gì nhiều đâu”.

Nghe ông nói vậy nhưng chúng tôi đều hiểu rằng ông và những chiến sĩ khác trong Ban Tác chiến đã lặng thầm đóng góp công sức của mình vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là hội viên duy nhất của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mới đây, ông vinh dự được tham gia chương trình Gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, thân nhân liệt sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức.

Chúng tôi đến gặp nhà thơ Trần Cầu sau buổi Gặp mặt do Tỉnh ủy tổ chức. Ông phấn khởi khoe: “Được gặp lại nhiều bạn bè năm xưa, những ký ức về thời chiến tranh lại như ùa về”. Ông cẩn thận đưa cho chúng tôi xem những tài liệu, bức ảnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được ông cất giữ cẩn thận suốt 70 năm qua. Đây là những kỷ vật không bao giờ quên về một thời gian khó, nhưng đầy kiên cường, bất khuất. Lần giở từng tấm ảnh, kỷ vật, ông Cầu bắt đầu kể lại cho chúng tôi những năm tháng thời trai trẻ tham gia chiến đấu.

Năm 1952, ông học hết chương trình phổ thông. Cả huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên quê ông lúc bấy giờ chỉ có vài người hoàn thành chương trình này. Ông được lựa chọn tham gia học tại một trường đào tạo sĩ quan ở Bắc Ninh rồi sau đó sẽ phải phục vụ cho Pháp. Không chấp nhận điều đó, ông cùng một số thanh niên chung chí hướng đã trốn lên ATK Định Hóa Thái Nguyên để tìm cách gia nhập bộ đội.

Mang trong mình tinh thần thanh niên sôi sục, nóng lòng muốn cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc, các ông đã đi bộ 28 ngày đêm liên tục, cuối cùng cũng đến được ATK. Ban đầu ông ở Tiểu đoàn 56 trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh rồi sau đó tham gia vào Đại đoàn 316. Đầu năm 1954, ông cùng đồng đội hành quân lên Tây Bắc, trực tiếp tham gia chiến trường Điện Biên với vai trò là thành viên Ban Tác chiến Đại đoàn 316.

Mô tả lại nhiệm vụ viết mật lệnh và vẽ bản đồ
Nhà thơ Trần Cầu mô tả lại nhiệm vụ viết mật lệnh và vẽ bản đồ

Là người chữ viết đẹp, rõ ràng lại có năng khiếu hội họa, ông được giao nhiệm vụ viết lệnh và vẽ bản đồ tác chiến. Lúc bấy giờ yếu tố bí mật luôn đặt lên hàng đầu, ai nấy đều tuân theo nguyên tắc “không hỏi, không biết, không nói”. Những thông tin mật chủ yếu được truyền tải qua lệnh chỉ huy yêu cầu viết tay rồi giao cho chiến sĩ liên lạc gửi đi.

Ông còn đảm nhận nhiệm vụ bóc tách và vẽ lại bản đồ từ một tấm bản đồ to ra nhiều bản đồ nhỏ, chi tiết hơn để phục vụ cho trinh sát và hành quân, chiến đấu. Không trực tiếp cầm súng nhưng ông Cầu được sống và cảm nhận không khí cam go của cuộc chiến qua mỗi dòng thông tin viết truyền lệnh tới các đơn vị. Ông lặng người trước thông tin quân ta hi sinh nhiều và vui mừng tự hào trước những tin chiến thắng dồn dập gửi về. Mỗi lệnh ông viết ra như chứa đựng bao cảm xúc, tình cảm ở trong đó.

Chiến dịch bước vào giai đoạn quyết định, tất cả các thành viên trong Ban Tác chiến đều phải tập trung cao độ, luôn túc trực sẵn sàng nhận lệnh. Anh em tranh thủ chợp mắt hoặc gật gù tí, có lệnh lại bật phắt dậy. Có người bị sốt rét rừng đang phải điều trị cũng gắng sức làm nhiệm vụ. Ai nấy đều tự nhủ và nhận thức rằng mình cần phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Để anh em nơi chiến sự có điều kiện thuận lợi nhất để chiến đấu.

Ông nhớ mãi giây phút khi quân ta giành chiến thắng toàn diện ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Khoảnh khắc hạnh phúc đó đã theo ông suốt 70 năm qua. Ông hồ hởi kể: “Lúc đó đang thu dọn bản đồ, tài liệu thì thấy Sư đoàn trưởng nghe điện thoại, rồi hô to lên “Thắng rồi, thắng rồi, anh em ơi!”. Ai nấy đều reo lên mừng rỡ rồi lao vào ôm nhau…”.

Chàng chiến sĩ trẻ Trần Cầu những ngày về tiếp quản Thủ đô. Ảnh chụp tháng 10 năm 1954
Chàng chiến sĩ trẻ Trần Cầu những ngày về tiếp quản Thủ đô. Ảnh chụp tháng 10 năm 1954

 

Chia sẻ về những ấn tượng khi trực tiếp tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ, ông Cầu nhớ lại: Lúc bấy giờ cũng như nhiều chiến sĩ khác, tôi ấn tượng nhất là việc thay đổi chiến thuật của quân ta từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Đây là thay đổi mang tính chất bước ngoặt lịch sử và thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của thay đổi này. Ấn tượng thứ hai là Ban Tác chiến của Đại đoàn 316 tham gia phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả với lực lượng công binh chiến dịch, góp phần vào thắng lợi của Ðại đoàn trong chiến đấu tiêu diệt cứ điểm A1; đồng thời tác động tới thắng lợi của đợt 3 và thắng lợi chung của toàn Chiến dịch.

Điện Biên Phủ được giải phóng, ông lại có mặt trong đoàn quân từ ATK Thái Nguyên tiến về tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954. Mở tấm ảnh quý chụp chung cùng đồng đội trong ngày về tiếp quản Thủ đô, ông vui mừng kể: Ngày ấy, chúng tôi còn trẻ lắm. Ai cũng háo hức, vui mừng cùng đoàn quân trở về Thủ đô trong không khí đón chào của người dân. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc thiêng liêng ấy.

Hòa bình lập lại, ông được cử đi học luyện kim, trở thành kỹ sư luyện kim. Học xong cũng là lúc công trường xây dựng Khu Gang thép được mở ra. Cuối năm 1959 đầu 1960 ông trở thành một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên. Khi những lò luyện gang đầu tiên được dựng lên, ông làm trưởng ca, rồi làm chủ nhiệm ca của cả 3 lò cao luyện gang. Mẻ gang đầu tiên của nền công nghiệp luyện kim nước nhà có sự góp công bằng khối óc và bàn tay của kỹ sư cấp cao Trần Cầu. Sau này ông làm Bí thư Đảng ủy Xưởng Gang, cống hiến cho sự nghiệp Gang thép cho đến khi nghỉ hưu.

Nhà thơ Trần Cầu (hàng trên thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng đội trong ngày tiếp quản Thủ đô tháng 10 năm 1954
Nhà thơ Trần Cầu (hàng trên thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng đội trong ngày tiếp quản Thủ đô tháng 10 năm 1954

Đến những ký ức thời chiến được kể bằng thơ

Nhà thơ Trần Cầu quê ở Hưng Yên nhưng nơi ông lập nghiệp và gắn bó gần như cả cuộc đời mình là Thái Nguyên. Ông đã gắn bó với mảnh đất lịch sử này ngay từ ngày rời nhà tham gia cách mạng và kháng chiến. Vốn là một người lính, rồi một người thợ luyện kim, Trần Cầu đến với thơ thật tình cờ.

Sau tập thơ đầu tay “Về bên nôi” xuất bản năm 2005, ông lần lượt  cho xuất bản các tập thơ: “Miền quê thương nhớ” (2007), “Thủng thẳng cùng thu” (2012), “Miền lửa riêng” (2017), “Phù sa bến cũ” (2021). Ông còn có nhiều thơ in chung trong các tuyển tập thơ  và đoạt giải ở một số cuộc thi thơ địa phương.

Ngoài đam mê với thơ, văn học nghệ thuật, những lúc rảnh rỗi nhà thơ Trần Cầu còn có thú vui chăm sóc cây cảnh. Ông cũng thường xuyên sinh hoạt điều độ: 5h sáng dậy tự xoa bóp, bấm huyệt. 4h chiều đi bộ cho đủ 1500 bước chân để rèn luyện sức khỏe
Ngoài đam mê với thơ, văn học nghệ thuật, những lúc rảnh rỗi nhà thơ Trần Cầu còn có thú vui chăm sóc cây cảnh. Ông cũng thường xuyên sinh hoạt điều độ: 5h sáng dậy tự xoa bóp, bấm huyệt. 4h chiều đi bộ cho đủ 1500 bước chân để rèn luyện sức khỏe

Là kỹ sư cấp cao về luyện kim, tưởng rằng nghề nghiệp khô khan ấy, khó cho ông có cảm xúc về thơ. Trái lại ông say sưa làm thơ và đạt được kết quả rất đáng trân trọng. Với người làm thơ, mỗi bài thơ giống như một trang của cuộc đời họ. Thơ của Trần Cầu đa dạng về nội dung, chủ đề, về cách thể hiện. Riêng đề tài về người chiến sĩ và chiến tranh luôn được ông tâm đắc nhất.

Lật giở từng trang thơ, như sống lại ký ức về một thời binh lửa, ông Cầu chia sẻ: Chiến tranh lùi xa, hòa bình lặp lại. Những ký ức về thời chiến luôn thường trực trong tôi. Để rồi khi bén duyên với thơ, những cảm xúc ấy cứ chầm chậm ùa về: “Cõi nhớ trong tôi một thời chinh chiến/ Đêm xuyên rừng cành mục giắt ba lô/ Súng chắc trong tay bốn bề sương lạnh/ Sóng quân đi trùng điệp nhấp nhô” (Cõi nhớ).

Nhà thơ Trần Cầu đã khắc hoạ hình tượng những chiến sĩ pháo binh kéo pháo ra, kéo pháo vào ở mặt trận Điện Biên Phủ bằng những câu thơ chắc nịch, hùng hồn: “Các anh tạc vào thời gian/ Những chiến sĩ đại đoàn công pháo/ Chân bám lõm mặt đường/ Tay rộp phồng tứa máu/ Đưa pháo vào Điện Biên” (Trước tượng đài kéo pháo). Dưới ngòi bút của ông, cuộc sống của người chiến sĩ hiện lên thật chân thực, thậm chí ông ghi lại được những giờ phút rất đời thường của người chiến sĩ tham gia chiến đấu: “Ký ức ùa vào chiến hào xuất kích/ Ngách hầm sâu xúm xít đọc thư nhà/ Mây xô nghiêng lật nắng chiều trăn trở/ Đất đỡ bạn mình ngã xuống hôm qua” (Điện Biên ngày trở lại).

Những năm tháng trực tiếp tham gia chiến dịch chính là vốn sống, tư liệu không bao giờ vơi cạn để ông kể lại bằng những vần thơ của mình: “Hầm Đờ Cát ố hoen trang sử Pháp/ Xe tăng thù gục bên lối ta qua/ Đài chiến thắng vươn vút tầm thời đại/ Huyền thoại Điện Biên kết nối bạn gần xa” (Điện Biên ngày trở lại). Trở lại nơi các chiến sĩ tập trận năm xưa, ông xúc động viết: “Đồng Thịnh bóng chiều nghiêng núi đợi/ Một người về se lại ước mơ xanh/ Mắt lá long lanh cười rạng rỡ/ Phút giao thoa đồng cảm núi ru mình” (Về vùng tập trận năm xưa).

Khi mái đầu đã pha sương, quay trở lại chiến trường năm xưa, dư âm những ngày hành quân, vẫn đọng mãi trong ông:  “Vượt đỉnh Pha Đin xe trôi vào tranh/ Hoa ban trắng ngược triền xuân Tây Bắc/ Thăm thẳm âm thanh mùa chiến dịch/ Người cựu binh đi trong chiều Mường Thanh” (Điện Biên ngày trở lại).

Nhà thơ Trần Cầu và tác giả
Nhà thơ Trần Cầu và tác giả

Trần Cầu là người có nhiều mối quan tâm hướng đến lịch sử quê hương đất nước, lịch sử cách mạng, và đời sống xã hội. Điều này thể hiện xuyên suốt cả 5 tập thơ của ông. Thơ ông mang tâm thế của người sống có lý tưởng và kiên định với lý tưởng; một người yêu nước chân thành và trong sáng, một người có tầm nhìn và sống tròn đầy trách nhiệm với quê hương, đất nước, với cuộc đời... Thơ ông điềm đạm hiền lành, giản dị như cuộc đời ông vậy.

Sống ở Thái Nguyên từ 1959, về hưu từ 1997, gần 70 năm qua, tâm hồn ông đã hòa quyện với mảnh đất này. Từ thời bom rơi đạn nổ đến thời bao cấp đói nghèo và cho đến tận hôm nay, nhà thơ Trần Cầu vẫn sống bình dị và trong sáng, ân tình và lạc quan như thế. Đến với thơ rất muộn - khi đã gần 70 tuổi nhưng ông luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi và tham gia các cuộc giao lưu, tọa đàm, tập huấn về văn học nghệ thuật.

90 tuổi, người lính già Điện Biên năm xưa vẫn cháy bỏng niềm đam mê với thơ ca. Trong những chương trình do Hội VHNT tỉnh tổ chức, mọi người vẫn thấy ông cần mẫn bước từng bậc cầu thang lên tham dự. Những lúc rảnh, ông lại kể cho con cháu và bạn thơ của mình về những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Với ông, đó là những năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất cuộc đời được cống hiến sức trẻ cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Và cứ thế, đến nay dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhà thơ Trần Cầu vẫn viết đều, cảm xúc thơ vẫn ùa về giúp ông có thêm động lực sống vui, sống khỏe bên con cháu. Có được điều đó bởi trong con người ông, tâm hồn chiến sĩ luôn hòa quyện, gắn kết với tâm hồn thi sĩ.

Anh Thắng - Lê Tú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy