Nhà thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn – Nỗi buồn không chỉ của nước Pháp
VNTN - Có lẽ ngàn năm sau, người Paris nói riêng nhân dân Pháp và toàn thế giới nói chung sẽ còn nhớ mãi ngày 15 tháng 4 năm 2019, vào tầm 18h30, ngọn lửa tội lỗi đã bốc cháy trong phần phía sau Nhà thờ Đức bà và nhanh chóng lan tỏa. Ngọn lửa bốc cháy dữ dội và mặc dù những cố gắng hết sức của lực lượng cứu hỏa, nhưng tầm 20h cùng ngày, tòa tháp nhọn cao nhất - 96 mét, đã đổ sụp dưới sức đốt của lửa, khi tháp đổ đã làm hỏng một phần mái nhà thờ. Trời Paris khi đó còn sáng, cách xa hàng km, ta vẫn nhìn thấy ngọn lửa và đụn khói bốc cao, in rõ trên nền trời… Thật kinh khủng và tôi chợt thấy cuộc đời mới vô thường làm sao! Giữa đám lửa bốc cao ngùn ngụt, thì chốn thiêng ngàn năm hay một túp lều hoang, cũng cháy như nhau! Là người sống tại Paris, tôi không khỏi cảm thấy không đau!
«Kinh khủng thật», «xót xa quá», «như thể một phần trong tôi đã chết vậy» «một phần quá khứ của nước Pháp, của chúng ta đã cháy thành tro tàn» «nỗi đau này không chỉ của người dân Paris, mà là của toàn nhân loại»… Vô vàn những câu đại loại như vậy đã truyền đi khắp thế giới. Báo chí Pháp và Quốc tế đều giật tít rất lớn và đăng những hình ảnh về vụ hỏa hoạn. Suốt đêm 15 tháng 4 cho đến rạng sáng ngày 16, các kênh truyền hình Pháp liên tục có những màn trực tiếp của phóng viên trên hiện trường. Cả nước Pháp náo động, cả thế giới bàng hoàng. Đương kim Tổng thống, Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ Pháp đã hủy một số cuộc làm việc quan trọng để đến ngay hiện trường, động viên lực lượng cứu hỏa gồm 500 người dập đám cháy, cũng như trấn an dân chúng. Tổng thống Pháp đã rất xúc động khi chứng kiến đám cháy và những nỗ lực của các lính cứu hỏa, ông hứa sẽ cho sửa chữa và trùng tu phần Thánh đường bị hỏa hoạn đến mức nhanh nhất có thể và kêu gọi các tập thể, cá nhân tại Pháp và trên toàn thế giới chung tay để tái tạo một phần di sản không chỉ của riêng Paris, của riêng nước Pháp mà là của toàn nhân loại!
Quả vậy, Nhà thờ Đức bà Paris hàng năm không những đón hàng triệu lượt khách thập phương, mà từ xa xưa đây còn nơi là chốn linh thiêng phục vụ đời sống tâm linh của hoàng tộc Pháp, sau đó là của các con chiên Công giáo; là nơi tổ chức tang lễ Quốc gia mỗi khi nước Pháp phải hứng chịu đau thương như khủng bố, thiên tai… Và nhiều tang lễ các nguyên thủ quốc gia Pháp đã được tiến hành tại đây.
Nhà thờ Đức bà Paris được khởi công xây dựng từ năm 1163 và khánh thành năm 1345, theo lối kiến trúc gô-tich, nhờ công sức và tâm nguyện Đức Giám mục Maurice de Sully; người ta không biết rõ năm sinh của Ngài, chỉ biết khoảng từ giữa những năm 1105 và 1120 tại thành phố Sully/Loire và mất ngày 11 tháng 9 năm 1196. Nơi đây đã được xếp hạng Di sản Thế giới vào năm 1991. Qua năm tháng, Nhà thờ được trùng tu và xây thêm nhiều lần. Mới đây nhất, vào năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 850 năm sự xuất hiện của Nhà thờ, đã có hàng loạt những trùng tu tầm cỡ như: lau rửa 12 ngàn đường ống, làm mới và hiện đại hóa một số chi tiết, hệ thống ánh sáng được cải thiện khiến khách tham quan thấy dễ chịu, và nhất là dàn đèn chiếu tại gian chính nhằm đáp ứng cho các buổi lễ lớn và các buổi hòa nhạc được tổ chức tại đây. Hệ thống phòng cháy được hiện đại hóa và điểm đặc biệt nhất là 9 chuông lớn đã được đặt thêm trên các tháp, trong đó có Chuông đại nặng hàng tấn. Và lần đầu tiên, tiếng Chuông đại ấy đã ngân vang khắp Paris vào ngày 23 tháng 3 năm 2013, đem lại khung cảnh và dáng vẻ như thời Trung cổ. Chuyện kể rằng dân chúng chỉ được nhìn thấy Chuông đại một lần/350 năm. Dân xứ đạo Paris đã rất hoan hỉ, bởi trước khi được đưa lên tháp, Chuông đại đã được đưa đi dạo trên đường phố Paris và trưng bày trong Nhà thờ Đức Ba hàng tuần cho giáo dân và khách tham quan chiêm ngưỡng.
Đã sống và làm việc tại Paris từ hơn hai chục năm, tôi tự coi mình là dân Paris, tôi đã rất đau khi nhìn Tháp nhọn bị gãy vào tầm gần 20h ngày 15 tháng 4. Hàng ngày tôi đi làm trên con phố chạy qua mặt tiền nhà thờ, nơi luôn đông khách du lịch từ sáng sớm đến đêm muộn. Những lúc mệt mỏi, tôi thường dừng xe ở phía sau Nhà thờ, nơi này vắng vẻ hơn và có một khu vườn đầy hoa mỗi khi xuân đến. Cũng lạ, không ít khách du lịch đã chỉ đến thăm phần mặt tiền Nhà thờ, nhưng hiếm ai đến khu phía sau. Nhưng theo tôi, chính công trình kiến trúc phía sau là tuyệt đỉnh hơn cả. Các cụ già Paris thường ra đó ngắm tháp chuông, ngắm hoa, ngắm đàn chim hải âu của biển Manche theo dòng sông Seine bay về quy tụ tại khúc sông quanh Nhà thờ. Nơi đây cũng thường có các nghệ sỹ rong đến chơi đàn, và thi thoảng có những buổi hòa nhạc ngoài trời miễn phí của các ban nhạc Pháp và Quốc tế với rất đông nhạc công. Tiếng nhạc khi lảnh lót lúc hùng tráng vang xa, lượn trong không gian, là là trên làn nước luôn xanh thẳm của dòng Seine, rồi lại ùa về quy tụ quanh khách bộ hành rồi bay vút lên quấn quýt trên mái nhà thờ cổ kính thâm nghiêm…
Và cũng tại đây, tôi đã được chứng kiến một số màn móc túi ngoạn mục và đầy tiểu xảo của những thiếu nữ Di-gan, bởi ở đây ít cảnh sát hơn phía mặt tiền Nhà thờ. Đó là những cô gái rất xinh, thường đi thành nhóm hai hoặc ba người, họ chìa những tờ giấy và nói những câu tiếng Anh bập bẹ, đề nghị bạn ký vào đó. Và trong lúc bạn ngơ ngác hoặc lắng nghe cô này nói thì cô kia sẽ cho tay «đi du lịch» trong túi của bạn. Và một lần tôi đã vô tình là nạn nhân. Đang lang thang ngắm và chụp ảnh những cây hoa lạ mà có lẽ thợ làm vườn vừa đem về trồng trong khu vườn, tôi bỗng thấy túi áo choàng mình động đậy. Theo phản xạ của người hay đi du lịch xa, tôi chộp ngay và bắt quả tang một bàn tay đang ở trong túi tôi. Nhìn sang, đó là một bé gái tầm 15 tuổi, rất xinh với mái tóc dài tết thành sam và khuôn mặt nhỏ nhắn, làn da màu đồng sáng. Tôi vẫn giữ tay cô bé và nói: «Em lại được quyền lục túi của tôi sao?». Thoạt đầu, nó cãi bay biến bằng thứ tiếng Anh hỗn độn. Nhưng sau khi nghe tôi dọa sẽ dẫn nó đến gặp một nhóm cảnh sát cách đó mấy chục mét, thì nó bắt đầu chuyển sang nói tiếng Pháp một cách mạch lạc xin tôi tha. Và tôi đã tha cho nó vì nghĩ cảnh sát khu vực này đã quen mặt nó, đem nó ra cảnh sát chỉ mất thời gian làm chứng, sau vài giờ nó sẽ được thả về và hôm sau sẽ lại tái phạm. Loại tội phạm này ở Paris rất nhiều, và bắt chúng sẽ chỉ như là «bắt cóc bỏ đĩa» thôi. Nhưng dù sao hôm đó tôi cũng bị mất hứng đi dạo...
Có những buổi tôi ngồi rất lâu ngắm những đường nét và họa tiết tinh xảo của vòm Nhà thờ và tháp nhọn. Trên thực tế, Tháp nhọn này mới chỉ được xây dựng năm 1857 và khánh thành năm 1859. Nó được sử dụng khoảng 500 tấn gỗ sồi và quét một lớp chì chừng 250 tấn. Tượng gà trống trên đỉnh tháp được gắn ba thánh tích: một phần của Thánh Courone (Vòng hoa trên đầu Chúa Jésus), một mảnh xương của Thánh Denis và Thánh Geneviève. Như vậy, tượng gà trống là một dạng «cột thu lôi tâm linh» bảo vệ tất cả các con chiên sống và thực hành theo đạo luật của Chúa Trời, trong phạm vi của Thánh đường. Sau trận hỏa hoạn kinh hoàng đêm 15/04, thì sáng hôm sau khi lửa được dập tắt, người ta đã tìm được tượng gà trống này, còn nguyên vẹn trong đống tro và những đổ nát.
Nơi đây cũng có đầy những giai thoại gắn với các sự kiện trên Thế giới. Vào năm 1999, các thành viên đấu tranh cho sự nghiệp Giải phóng Tây Tạng đã leo lên đỉnh Tháp nhọn để Tưởng niệm cuộc nổi dậy của dân tộc Tây Tạng vào năm 1959, hệt như trước đó các nhà thể thao tên tuổi của Pháp đã làm; như Nữ quán quân leo núi Chantal Mauduit (1964-1998) đã leo lên ngọn tháp vào năm 1997, và Sylvain Tesson đã leo lên hàng chục lần vào những năm 1990. Tháp nhọn này là một điểm trắc địa trong mạng lưới trắc địa của Pháp.
Ngọn lửa dữ dội cuối cùng đã được dập tắt, nó đã hủy hoại Tháp nhọn và làm tổn hại không ít mái nhà và phần phía sau Nhà thờ, nhưng các thánh tích, đồ cổ và đồ quí hiếm phần lớn đã được bảo vệ. Tổng thống Pháp đã hứa sẽ cho trùng tu nhanh chóng. Với sự quyên góp tiền bạc của dân Pháp và trên toàn thế giới, với tài năng của các kiến trúc sư ngày nay và công nghệ hiện đại, chỉ vài năm nữa, khách tham quan sẽ lại được thăm viếng một Nhà thờ Đức Bà Paris, có thể đẹp hơn, mỹ miều hơn, nhưng hiện giờ nơi đây hệt như khuôn mặt đẹp của một thiếu phụ bị tai nạn và đang chờ chỉnh hình!
Paris 17/04/2019
Hiệu Constant
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...