Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
11:37 (GMT +7)

Nhà ngang

VNTN - Quê tôi là một làng nhỏ thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ. Tôi sinh ra và lớn lên ở đó cho đến năm mười tuổi mới theo cha lên Thái Nguyên. Mỗi lần nhớ đến những nếp nhà tre lợp mái rạ, lòng lại bồi hồi. Ký ức ùa về đậm nét bức tranh vùng quê. Sâu đậm nhất là ngôi nhà ngang ấm áp thân thương.

Nhà ngang rộng dài không kém gì nhà chính để ở, cửa đóng then cài còn cẩn thận hơn cả nhà chính. Bởi vì nhà ngang chính là khu “hậu cần” của cả gia đình. Nhà chia làm hai phần rõ rệt. Một nửa rộng hơn là nơi để bồ thóc, cối giã gạo, cối xay lúa, nong, nia, giần, sàng. Một nửa làm bếp đun nấu. Khung nhà ngang được làm bằng những cây tre già thẳng tắp đã ngâm chín, qua thời gian bắt khói đen bóng. Mái được lợp bằng lớp rạ già dầy dặn có độ dốc nên không thể bị dột lúc trời mưa. Sáng sáng, từng đàn chim sẻ từ các đầu ống tre chao mình xuống sân ríu rít. Ông tôi bảo: Chim sẻ là loài chim khôn nhất. Bao giờ làm nhà ngang cũng có ý để vài ba cây cưa đầu mẩu để cho sẻ làm tổ. Ở đó chúng sống ấm áp thanh bình, an toàn nhất. Không biết nhà giầu hay nghèo, thiện hay ác chúng vẫn vô tư sinh con đẻ cái trong cái tổ bằng tre chỉ có vài cọng rơm cho con mái đẻ trứng ấp con.

Nhà ngang là một biểu tượng sinh động của cuộc sống làng quê, của mỗi gia đình. Từ lúc gà mới gáy sáng lần đầu cho đến 10 giờ đêm, nhà ngang không lúc nào vắng bóng, không lúc nào yên tĩnh.

Khi con gà trống hoa mơ cất giọng gáy vang ở chuồng trâu vọng vào, mẹ tôi đã dậy. Ánh lửa rơm sáng nhấp nhoáng một khoảng sân gạch. Quê tôi lúc đó có nếp sống khác thường, một ngày hai bữa cơm lúc 6 giờ sáng và 3 giờ chiều.

Tờ mờ sáng, nằm trên giường đã thấy mùi cơm mới cạn nước thơm tho, quyến rũ tỏa ra, làm cho cái đói đến cồn cào. Mùi thơm ngầy ngậy ấy theo suốt cuộc đời người nông dân như một bằng chứng của thành quả lao động một nắng, hai sương. Trời vừa sáng rõ, tất cả mọi người đều ra đồng, chỉ có ông nội và tôi ở nhà. Gần trưa thì mẹ về. Mẹ tôi bao giờ cũng là người về sớm nhất. Vội vàng rửa chân tay, mẹ vào ngay nhà ngang đổ thóc vào cối xay. Những hạt thóc vàng bằng nhau chằn chặn theo chiều nghiêng của thúng chảy tuồn tuột xuống cối, các cạnh hạt chạm vào nhau phát ra những tiếng xào xào thật vui tai. Tiếng cối xay quay ù ù đều đều. Đôi tay và bờ vai mẹ lúc chúi về trước, khi lùi về sau theo vòng quay của cối. Loáng một cái nồi thóc đã xay xong. Mẹ sàng sảy, lớp trấu bay đi, để lại những hạt gạo trắng đục như những giọt mồ hôi của mẹ cha cô đặc lại. Mẹ đong gạo vào nồi, chỗ còn lại mang đổ vào cái thúng to để ở góc nhà, nơi ấy có chum tương, vại cà, âu muối và lọ mắm. Rót bát nước vối, mẹ uống một hơi ngon lành. Mẹ nhìn tôi cười, từng hàng mồ hôi chảy ròng ròng từ trán qua mí mắt. Nấu cơm xong, lại đến lúc mẹ chuẩn bị băm bèo bóp cám cho lợn ăn. Xong việc, mẹ buông võng bắc giữa hai cái cột giữa nhà ngang, nằm nghỉ. Tiếng néo thừng cọ vào hai cây cột cót két đều đều như ru ngủ. Con mèo khoang nũng nịu dụi dụi đầu vào đôi guốc của mẹ. Tất cả đều diễn ra trong gian nhà ngang ấy.

Những bữa cơm chiều bao giờ cũng đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Ngồi trên hiên nhà nhìn lên mái bếp, những sợi khói chui qua mái rạ, uốn éo điệu đà theo gió luồn vào kẽ lá ngọn tre, quấn quít rồi tan biến vào đâu đó trong vườn. Nhớ nhất là mùi thơm quyến rũ ngầy ngậy của cá kho với chuối xanh kèm theo tí tóp mỡ, món ăn đặc sản của quê tôi.

Khi tất cả những người ra đồng đã về, người nào cũng lấm láp, con trâu cũng bê bết bùn đất. Chờ cho mọi người tắm táp sạch sẽ, mẹ bưng mâm cơm lên. Cái chiếu cũ trải trên hè. Mâm cơm của mẹ với một bát cá kho, một bát cà muối, một bát tương và rổ rau muống luộc. Dĩ nhiên, tôi phải chọn khúc cá nạc nhất và miếng chuối xanh kho tương kia rồi. Món cà bát mẹ nén cũng ngon không kém là món để dành cho bát cơm thứ hai. Chan canh vào, gắp một miếng cà dầm tương đưa lên miệng cắn “sựt” đã thấy ngon. Cơm dẻo, canh ngọt, cà muối giòn tan vừa độ chua khiến miếng cơm “vừa đặt đến môi đã trôi xuống bụng”. Ăn mà thấy khoan khoái như đi thả diều vậy. Nom bố tôi ăn mới thích mắt. Cầm đôi đũa xoay ngang chụm lại, bố nén mặt bát cơm xuống, xoay đầu đũa nhỏ quay lại bố gắp miếng cá, nhặt xương ra bố chia làm bốn phần. Đôi đũa nâng cao đầu to lên, nghiêng đầu đũa xọc xuống giữa bát cơm, lật góc bát cơm đã cõng miếng cá, cho lên miệng gọn lỏn. Bố phải ăn đến bốn năm bát. Đó là cách ăn của thợ cầy, thợ ngòi. Bữa ăn loáng cái đã xong, đơn giản mà ấm cúng. Căn bếp đơn sơ với mấy cặp ông đồ rau ấm nồng. Ngọn lửa rơm hàng ngày cứ cháy sáng mãi trong tâm trí tôi mấy chục năm ròng.

Giờ đây, công cuộc đổi mới đang xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Phong trào xây dựng nông thôn mới như luồng gió ấm áp thổi vào làm sáng láng khuôn mặt làng quê. Những ngôi nhà mới kiểu dáng hiện đại mọc lên bên những con đường bê tông trắng mềm như dải lụa khiến những lũy tre làng cũng dần lui vào dĩ vãng. Những nếp nhà ngang đơn sơ còn lại thưa thớt như một biểu tượng của cuộc sống nông thôn xa xưa và trở thành những ngôi nhà cổ. Những nếp nhà tựa như nền móng, hơi thở, nguồn cội cho hôm nay.

Tôi nay tuổi đã gần bảy mươi, xa quê đã quá nửa thế kỷ, nhưng hình ảnh những ngôi nhà ngang đơn sơ, giản dị với lớp mái rạ cứ luôn hiện về dưới những rặng tre xanh. Những ngôi nhà ngang cũng chân chất, hiền lành, chăm chỉ, bằng lòng với cuộc sống lao động thanh bình, êm ả như những người nông dân quê tôi. Nhớ đến nhà ngang, tôi như thấy lại hình ảnh mẹ cha ngày nào đang âu yếm nhìn tôi, và như chợt thấy hơi ấm từ bàn tay mẹ, ánh mắt cha đang truyền sang tôi vậy.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 19 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước