Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
12:31 (GMT +7)

Nguyễn Du với Lý thuyết Tiếp nhận trong “Truyện Kiều”

Lý thuyết Tiếp nhận được gọi là “Rezeptionssthetik” (Mỹ học Tiếp nhận), của trường phái Konstanz với hai đại biểu là Hans Robert Jauss (1921 - 1997) và Wolfgang Iser (1926 - 2007), ở Mỹ gọi là “Reader Response Criticism” (Phê bình phản ứng độc giả) với đại biểu là Stanley Fish.

Lý thuyết Tiếp nhận ra đời cuối thập niên 1960 tại đại học Konstanz ở Cộng hòa Liên bang Đức, sau đó trường phái này nhanh chóng lan truyền trên thế giới, đến nay vẫn gây ảnh hưởng không nhỏ đến nghiên cứu văn học.

                                    11-1694482092.jpg
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Lý thuyết Tiếp nhận đặt vấn đề nghiên cứu quan hệ tương tác giữa nhà văn (sáng tạo), tác phẩm (văn bản) và người đọc (công chúng). Quan trọng nhất là quan hệ giữa văn bản người đọc. Đó là một quan hệ tương hỗ, là một vòng tròn khép kín. Một tác phẩm văn học được nhà văn viết ra (dù là nhật ký), hay đến đâu nhưng để vào ngăn kéo không được (dù chỉ) một người khác đọc thì vẫn không phải là tác phẩm văn học. (Tôi nhấn mạnh rằng không phải chỉ riêng văn học mà cả với các bộ môn nghệ thuật khác như Hội họa, Âm nhạc, Điện ảnh... cũng vậy).

Tác phẩm văn học từ khi chủ nghĩa Tư bản ra đời đã khẳng định Văn học là một thứ hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt thì cũng phải chịu quy luật chung là Sản xuất với Tiêu dùng. Đó là người sản xuất (nhà văn), sản phẩm (tác phẩm) và người đọc (công chúng).Trong đó khách hàng là thượng đế.

Lịch sử nghiên cứu văn học đã không chú ý tới quy trình này. Thực tế các nhà nghiên cứu văn học sử chỉ chú ý tới nhà văn và tác phẩm mà bỏ qua khâu tiếp nhận là người đọc. Điều đó thể hiện rất rõ ở các bộ Lịch sử Văn học của nhiều nước, ở các thời đại khác nhau.

Chỉ khi Lý thuyết Tiếp nhận ra đời thì tình trạng trên đây mới thay đổi. Người đọc (công chúng) là yếu tố cùng tham gia sáng tạo, làm nên giá trị của tác phẩm mới được coi trọng. Cũng từ đó đời sống văn học mới phong phú, sinh động hơn.

“Truyện Kiều” vốn là tác phẩm văn học dân gian. Nhân vật Thúy Kiều cũng đã từng được Mao Khôn ghi lại cũng như trong tài liệu lịch sử, ký sự, liệt truyện Trung Quốc từ đời Minh nhưng hết sức sơ sài. “Minh sử liệt truyện”, “Minh sử ký sự” đều có ghi chép. Thế kỷ XVI đời nhà Thanh (dưới thời Khang Hy), một nhà văn là Dư Hoài dựa trên cốt truyện này, đã sáng tạo và hư cấu nên “Vương Thúy Kiều truyện” (được in trong sách “Ngu sơ tân chí”) nhưng với nội dung đơn giản.

“Truyện Kiều” trở thành tác phẩm văn học đúng nghĩa phải là từ “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài nhân. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu có lẽ vì quá yêu Nguyễn Du hoặc chưa nghiên cứu kỹ nên cho rằng tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài nhân là cuốn sách xoàng, cả nội dung và nghệ thuật, không có vị trí trong lịch sử văn học Trung Quốc. 

Điều đó không đúng. Không có “Kim Vân Kiều truyện” thì cũng không có “Truyện Kiều” của Nguyễn Du với những giá trị tuyệt vời mà tác phẩm của Thanh Tâm Tài nhân không có.

Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Lạ gì bỉ sắc tư phong,

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Nội dung tư tưởng của Truyện Kiều là Tài - Mệnh tương đố, ghét nhau, kỵ nhau ở mọi nơi mọi lúc không chỉ ở kiếp người này mà ở những kiếp khác (cõi người ta) cũng vậy. Đó là triết lý, triết học của tác phẩm.

Những vấn đề này Nguyễn Du lấy ở đâu ra? Trước khi là tác giả của Truyện Kiều ông đã là người đọc (công chúng) của một tác phẩm văn học khác. Ông xác nhận sự kiện này. Đây là bằng chứng (văn bản):

Cảo thơm lần giở trước đèn (câu 5)

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

Rằng: Năm Gia Tĩnh triều Minh,

(…)

Cảo thơm: Pho sách hay. Lần giở: Người đọc đọc từng trang, từ tốn, nghiền ngẫm, đọc kỹ. Pho sách hay ấy viết những gì? Viết chuyện phong tình ngày xưa, rất hay và được lưu truyền trong lịch sử. Tác phẩm hay, lưu truyền trong lịch sử ấy viết ở triều Minh vào năm Gia Tĩnh.

Như vậy là Nguyễn Du (người đọc) đã chủ động tham gia vào quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học, một (văn bản) cảo thơm. Và tự mình tham gia, đồng sáng tạo với tác phẩm văn học (văn bản) như Lý thuyết Tiếp nhận đòi hỏi.

Cảo thơm ấy là cuốn sách nào? Nguyễn Du không nói rõ tên sách nhưng nội dung Truyện Kiều của ông:

“Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,

Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng.

Có nhà viên ngoại họ Vương,

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung.

Một trai con thứ rốt lòng

Vương quan là chữ nối dòng nho gia.

Đầu lòng hai ả Tố nga

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân”.

Rõ ràng đây là gia đình của Thúy Kiều, tiếp theo là với những tình tiết, nội dung, nhiều chi tiết, sự việc, nhân vật, địa danh, thời gian… đã có trong cuốn sách của Thanh Tâm Tài nhân. Cảo thơm mà Nguyễn Du lần giở trước đèn ấy chính là Kim Vân Kiều truyện. Đến lượt ông, sau khi đã tiếp thu được ở Cảo thơm này, Nguyễn Du với tài năng siêu việt đã sáng tạo nên tuyệt phẩm mới là Truyện Kiều. Chính nhờ Nguyễn Du tham gia vào Lý thuyết Tiếp nhận nên mới có Truyện Kiều.

Ngày nay với nhiều hình thức phái sinh, tức là sự tham gia (đồng sáng tạo) của người đọc (công chúng), những hình thức lẩy Kiều, tập Kiều, đố Kiều, hát Kiều, bói Kiều, sân khấu về Kiều (chèo, kịch, tuồng), phim ảnh, hội họa, ca nhạc về Kiều… xuất hiện. Cũng chính những hình thức do công chúng tạo nên này đã làm nên và tôn vinh giá trị của Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Và thú vị nhất là không chỉ Nguyễn Du mà nhiều nhân vật trong Truyện Kiều cũng tham gia vào quá trình của Lý thuyết Tiếp nhận.

 Khi Thúy Kiều gặp Kim Trọng, buổi tối giao duyên khi gia đình Vương Ông về quê sinh nhật nhà ngoại, Thúy Kiều tìm sang chơi nhà Kim Trọng. Nàng được xem bức tranh “Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên/ Phong sương đượm vẻ thiên nhiên” do Kim Trọng vẽ. Thúy Kiều đã là người tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật hội họa. Khi Kim Trọng xin Thúy Kiều viết lời bình cho bức tranh. Thúy Kiều đã:

“Tay tiên gió táp mưa sa

Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu”.

Chúng ta không được đọc lời bình của Thúy Kiều. Văn bản ẩn, nhưng chắc là hay lắm. Kim Trọng là người tiếp nhận, chàng đã thán phục lời bình:

 “Khen: Tài nhả ngọc phun châu

Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này!”

Kim Trọng đã đọc, đã cảm nhận lời đề tranh, tức là sự tiếp nhận của Thúy Kiều. Chàng so sánh lời bình tranh của Thúy Kiều hay, đẹp, so sánh tài năng của Thúy Kiều với Ban Chiêu đời Đông Hán và Tạ Đạo Uẩn đời Tấn nổi tiếng học giỏi, thơ hay. ấy là sự tham gia của cả hai người tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật.

Sau thời gian bị bán vào lầu xanh của Tú Bà, Thúy Kiều đã phải sống trong nhơ nhớp và bị đày đọa. Nàng nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, lo lắng cho cha mẹ:

“Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?”

Buồn, nhớ, u hoài trong cảnh chiều hôm nơi cửa bể:

 “Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

Để giãi bày và gửi gắm tâm trạng với “xung quanh những nước non người”,  Thúy Kiều đã “đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu”. Nàng đã làm thơ, đọc thơ mình cho vơi bớt nỗi sầu. Thúy Kiều đâu có biết: “Cách lầu nghe có tiếng ai họa vần.”

Hóa ra có người nghe, và “hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh”. Thơ của Thúy Kiều đã có ít nhất một người nghe, tiếp nhận. Cũng với văn bản ảo, ta không được nghe, được đọc thơ của nàng nhưng Sở Khanh đã nghe. Thơ của nàng đã làm cho Sở Khanh thổn thức:

 “Than ôi! Sắc nước hương trời,

Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?”                            

Và anh ta bày tỏ thái độ:

“Sốt gan riêng giận trời già

Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng?”

Với những hứa hẹn:

“Thuyền quyên ví biết anh hùng

Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi”.

Sở Khanh đã (diễn kịch) chủ động tiếp nhận thơ của Thúy Kiều và nàng đã viết thư tương tác lại với Sở Khanh. Thư (văn bản) nàng gửi cho Sở Khanh khi “tan sương vừa rạng ngày mai”, trong đó:

“Mảnh tiên kể hết xa gần,

Nỗi nhà báo đáp nỗi thân lạc loài”.

Thì ngay buổi chiều “Phục thư đã thấy tin chàng đến nơi”. Thư của Sở Khanh “Rành rành “tích việt” có hai chữ đề”. Thúy Kiều bây giờ là người tiếp nhận văn bản, tiếp nhận thông tin. Sở Khanh viết ngắn, gọn (để giữ bí mật âm mưu và để chối tội, phủ nhận trách nhiệm về sau). Thúy Kiều vốn thông minh, được học hành chu đáo nên đã luận ra ý nghĩa của lá thư dù chỉ có chữ “tích việt”:

Lấy trong ý tứ mà suy:

“Ngày hai mươi mốt tuất thì phải chăng?”

Người tiếp nhận không chỉ tham gia qua phân tích văn bản, con chữ “tích việt” để hiểu nghĩa mà rộng hơn là ý ngoài văn bản, đó là “ý tại ngôn ngoại”. Chính sự tiếp nhận ấy mà Thúy Kiều hiểu là ngày hai mươi mốt, giờ tuất cùng Sở Khanh đi trốn và bị Tú Bà bắt. 

Với góc độ của Lý thuyết tiếp nhận thì trích đoạn này cho thấy, cả hai Thúy Kiều và Sở Khanh đều đã tích cực tham gia vào cả quá trình.             

Rồi khi ở lầu xanh của Tú Bà, Thúc Sinh đã đến với Thúy Kiều:

“Khi gió gác, khi trăng sân

Tay tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.”        

Cho đến hôm Thúc Sinh trông thấy Thúy Kiều đang tắm: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” . Thúc Sinh làm thơ tặng nàng (“Tay thảo một thiên luật Đường”). Chúng ta không biết thơ của anh chàng si tình ấy hay dở đến đâu (vì không được đọc, không được nghe) nhưng được nghe lời bình thơ  của người tiếp nhận là Thúy Kiều: “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”.  Cũng từ khi Thúy Kiều tiếp nhận thơ của Thúc Sinh, bắt đầu câu chuyện tình với 940 câu thơ(1) chiếm một phần tư tuyệt tác Truyện Kiều.

Cuộc tình say đắm lòng người của Thúy Kiều và Thúc Sinh đã trải qua bao sóng gió. Trong đó có sự phản đối của Thúc ông, cha của Thúc Sinh đưa Thúy Kiều ra tòa.

Phiên tòa có một không hai. Quan tòa xử án bằng thơ! Ông quan tòa “trông lên mặt sắt đen sì” nhưng đầy lòng nhân ái và tầm hiểu biết văn hóa xã hội rất cao. Nghe Thúy Kiều trình bày, nghe Thúc Sinh bào chữa và nhận tội thay cho Thúy Kiều: “Tại tôi hứng lấy một tay,/Để nàng cho đến nỗi này vì tôi!”.

Khi nghe Thúc Sinh nói rằng: “Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên”. (Nàng cũng biết văn chương) và thế là quan tòa cho Thúy Kiều làm thơ vịnh cái gông (mộc già) trên cổ nàng. Thúy Kiều đã:

“Nàng vâng cất bút tay đề,

Tiên hoa trình trước án phê xem tường.”

Ông quan tòa đã “xem tường” và :

“Khen rằng: “đáng giá Thịnh Đường,

Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân”.

Ta không được xem bài thơ của Thúy Kiều nhưng nghe ông đánh giá thì bài thơ ấy phải hay lắm. Bởi thơ Đường phát triển trong 360 năm, Sơ Đường, Thịnh Đường và Vãn Đường, tất cả có hàng trăm nhà thơ nổi tiếng nhưng Thịnh Đường rực rỡ nhất. ấy vậy mà thơ của Thúy Kiều lại “ đáng giá” với thơ Thịnh Đường. Tài thơ của nàng ngàn vàng không xứng. Cũng từ tiếp nhận bài thơ ấy mà quan tòa thay đổi thái độ, xử trắng án cho nàng:                                                   

“Dâu con trong đạo gia đình,

Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong.”

Và còn đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới Thúc Sinh và Thúy Kiều. Thúc ông (nguyên đơn) cũng vì bài thơ ấy mà:

“Thương vì hạnh trọng vì tài

Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba.”

Trường hợp này nữa, Thúy Kiều, ông quan tòa và Thúc ông cùng tham gia vào quá trình tiếp nhận.

Khi biết chồng mình là Thúc Sinh cưới Thúy Kiều, để bảo vệ hạnh phúc và danh dự gia đình, Hoạn Thư đã ghen tuông bằng thủ đoạn tàn ác. Nhờ mẹ mình bắt  Thúy Kiều về đánh đập, tra tấn: “Trúc côn ra sức đập vào,/ Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh”, bắt đổi tên thành Hoa Nô làm nô tỳ, rồi đẩy sang phục vụ vợ chồng nhà Hoạn Thư. Từ đó Thúy Kiều với thân phận tôi tớ, bị Hoạn Thư hành hạ, chà đạp, làm nhục trước mặt mà Thúc Sinh đành bó tay, lại bắt Thúy Kiều:

“Cúi đầu quỳ trước sân hoa,

Thân cung nàng mới thảo qua một tờ.”

ấy là tờ trình bày hoàn cảnh của mình.  Hoạn Thư “thoắt xem dường có ngẩn ngơ chút tình”, tức là cô ta đã đọc và có xúc cảm, có nghĩ ngợi, có suy tư trước nội dung văn bản đó. Tờ trình đã đánh vào tâm can độc ác của ả, để rồi ả bật ra những lời tốt đẹp, ca ngợi tình địch của mình:

Rằng: “Tài nên trọng mà tình nên thương.

Ví chăng có số giàu sang,

Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên.”

Chính nhờ văn bản này mà Hoạn Thư thay đổi cách cư xử với Thúy Kiều sau này. Khi đọc tờ trình: “Tiểu thư rằng ý trong tờ,/ Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa không”, ả biết Thúy Kiều muốn vào chùa nương nhờ cửa Phật. Hoạn Thư cho Thúy Kiều với pháp danh là Trạc Tuyền ra trông nom Chiêu ẩn am sau vườn nhà mình. Kể cả khi Thúy Kiều bỏ trốn ăn cắp cả chuông vàng khánh bạc nhà mình, Hoạn Thư cũng không truy nã. Chính Hoạn Thư đã đưa Thúy Kiều vào cõi Phật với hy vọng tránh mọi đau khổ, cay đắng của cuộc đời.

Như vậy Hoạn Thư cũng lại tham gia vào quá trình tiếp nhận tác phẩm do Thúy Kiều sáng tạo.

Qua đây chúng ta khẳng định Nguyễn Du với Truyện Kiều đã là nhà văn Việt Nam đầu tiên tiếp cận với Lý thuyết Tiếp nhận của văn học thế giới ngay từ nửa đầu thế kỷ XIX (ông mất năm 1820, Truyện Kiều ra đời trước đó).

====

(1) Xem Lê Đình Cúc, Truyện Kiều - Thân phận con người và những tín hiệu của văn học Hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018.

Lê Đình Cúc

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 17 giờ trước

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Son môi

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Xin lỗi mùa thu

Thơ 3 ngày trước

Xác xơ những vườn đào sau lũ

Xem tin nổi bật 3 ngày trước