Nguyên đán và lạp nguyệt
1. Nguyên đán có ý nghĩa như thế nào?
Tết cổ truyền của dân tộc còn được gọi là Tết Nguyên đán. Vậy từ Nguyên đán có xuất xứ từ đâu và được hiểu như thế nào?
Ngay từ đầu, chúng ta đều có thể nhận thấy Nguyên đán là một từ Hán Việt, do đó có thể đoán được từ này xuất phát từ hệ thống ngôn ngữ văn tự Hán. Từ này xuất hiện sớm nhất trong Tấn thư, tuy nhiên hàm nghĩa của nó đã hình thành từ 4000 năm trước. Người Trung Quốc cổ đại lấy tháng đầu tiên trong 12 tháng hoặc 10 tháng gọi là Nguyên đán. Về sau Hán Vũ Đế lấy ngày 1 tháng 1 âm lịch gọi là Nguyên đán.
Về tự dạng của từ Nguyên đán元旦. Chữ nguyên 元 trong các từ điển được chú với khá nhiều nghĩa, trong đó có một ý nghĩa là “sự bắt đầu, khởi đầu, mới, mồng một”. Trong 64 quẻ Kinh Dịch, quẻ đầu tiên là quẻ Thủy Lôi Truân có đại tự là nguyên, hanh, lợi, trinh. Chữ nguyên là chữ đầu tiên trong 4 chữ mang ý nghĩa là sự khởi đầu. Ngoài ra có thể thấy trong các triều đại phong kiến của Việt Nam cũng như Trung Quốc thường lấy chữ nguyên này để chỉ năm đầu tiên của một niên hiệu nào đó, tức là nguyên niên. Chữ đán旦bao gồm bộ nhật chỉ mặt trời và nét ngang biểu thị mặt đất. Tự dạng này biểu thị mặt trời mới nhô lên khỏi mặt đất, tức buổi sáng sớm. Chữ đán 旦cùng trường nghĩa với những chữ như tảo早, triêu朝. Do đó có thể hiểu Nguyên đán là buổi sáng sớm đầu tiên, hoặc buổi sáng mồng một đầu tiên của một năm.
Về ngày mồng một tháng Giêng, cả sách Hán thư và Sử kí đều gọi là ngày “tứ thủy” 四始, tức 4 sự bắt đầu, bao gồm “bắt đầu của năm, bắt đầu của mùa, bắt đầu của ngày, bắt đầu của tháng” hoặc “tam triêu” (三朝) (buổi sáng sớm của ba loại) gồm “buổi sáng sớm của năm, buổi sáng sớm của tháng, buổi sáng sớm của ngày”.
Như vậy Nguyên đán được hiểu một cách chính xác là buổi sớm mai đầu tiên hoặc buổi sớm mai của sự bắt đầu (một năm mới).
Lễ tất niên được gọi là đại lạp. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
2. Tại sao tháng Chạp lại gọi là lạp nguyệt?
Theo nông lịch, dân gian vẫn quen gọi là âm lịch, tháng cuối cùng trong năm được gọi là tháng Chạp, hay lạp nguyệt 臘月. Từ lạp nguyệt xuất hiện khá nhiều trong các văn bản bằng chữ Hán còn lưu lại ở nước ta. Vậy từ này có ý nghĩa gì? Tại sao lại được dùng để chỉ tháng cuối năm?
Chữ lạp 臘 thuộc bộ nhục 肉 (thịt) có nghĩa ban đầu là loại thịt mùa đông đã được hong gió cho khô, sau này đến thời nhà Chu, chữ này được dùng để chỉ lễ tế cuối năm, theo đó lễ tất niên được gọi là đại lạp 大臘. Chữ lạp 臘 được từ điển Từ nguyên giải thích với 5 ý nghĩa, trong đó nghĩa thứ nhất là chỉ “tháng 12 trong nông lịch, vì dùng thịt để tế bách thần cho nên gọi là lạp nguyệt”. Tương tự, từ điển Từ hải chú mục chữ lạp 臘 như sau: “chỉ tháng 12 trong lịch nhà Hạ thời xưa, đến nhà Chu thì tháng 12 theo lịch nhà Hạ bắt đầu được gọi là lạp nguyệt, hoặc cũng được gọi là lạp”. Bên cạnh đó, Tiểu từ điển phong tục Trung Quốc do Trần Cần Kiến chủ biên giải thích chữ lạp trong mục từ lạp bát 臘八 như sau: “Ở thời viễn cổ của Trung Quốc, lạp vốn là một loại lễ tế. Vào tháng cuối cùng của mùa đông, người ta thường dùng thịt cầm thú săn bắn được để tổ chức đại lễ, cầu phúc cầu thọ, tránh rủi đón lành”. Thịt cầm thú săn bắn do người săn bắt được được gọi là liệp hoạch 獵獲, vì ở thời cổ đại chữ liệp 獵 và chữ lạp 臘 tương thông (tức là có thể dùng thay thế cho nhau), nên lễ tế cuối năm liệp tế cũng được gọi là lạp tế và tháng 12 mỗi năm được gọi là lạp nguyệt.
Như vậy có thể thấy, tên gọi lạp nguyệt để chỉ tháng 12 nông lịch biểu thị văn hóa du mục của người dân phương Bắc. Ở Việt Nam, tháng 12 âm lịch được đồng bào ta gọi với một cái tên thân thuộc hơn, tháng Chạp.
Như Châu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...