Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
05:44 (GMT +7)

Nguyễn Bình Phương và chuyện đi học trường viết văn

VNTN - Nghịch ngợm như quỷ, học hành quá bình thường. Biết khả năng của con nên tốt nghiệp phổ thông trung học, ông bố bàn với người em kết nghĩa là trung tá Phó Chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu I cho Nguyễn Bình Phương đi nghĩa vụ quân sự để “rèn luyện”. Sau mấy tháng huấn luyện chiến sỹ mới ở Sư đoàn 431, binh nhất Nguyễn Văn Bình (tên khai sinh trên các loại giấy tờ) được điều về phòng Tuyên huấn Quân khu với chức danh thủ thư của thư viện Quân khu bộ.

Nguyễn Bình Phương và chuyện đi học trường viết văn
Nhà văn Nguyễn Bình Phương 

Nhiệm vụ chính của Bình Phương là vừa coi kho sách vừa làm đầu sai cho các bộ phận của Phòng Tuyên huấn quân khu. Những ngày lễ tết, hội hè thì đi dán áp phích, leo thang đóng đinh treo khẩu hiệu, thỉnh thoảng giúp họa sỹ Thế Ngự phết màu thể hiện tranh cổ động, pa nô, áp phích… Đến khi ông thiếu tướng Trường Xuân, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố cảng Hải Phòng tặng tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu chiếc video đơn hệ, màn hình màu, vỏ gỗ, Tư lệnh trao lại phòng Tuyên huấn làm công cụ tuyên truyền, Bình Phương được giao thêm nhiệm vụ đem máy đi phục vụ các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhu cầu giải trí với những bộ phim đánh nhau chí chát, hình ảnh mờ mờ ảo ảo, để kiếm thêm chút tiền cải thiện cho phòng.

Thuở ấy, Bình Phương suốt ngày ngồi lỳ trong kho sách, thôi thì đông tây kim cổ, cậu ta ngốn tất. Thỉnh thoảng, cậu ta rụt rè đến tòa soạn báo chơi. Tôi phụ trách tờ báo Quân khu I, dở đùa, dở thật tôi bảo: “Có gì thì viết đi, các “đại ca” đăng cho”.

Thế là thỉnh thoảng Bình Phương có thơ đăng báo. Thơ cậu ta ngày ấy trong trẻo kiểu học trò, các cô, các cậu mới lớn thích lắm. Đó là những câu thơ hiền lành, man mác và… hơi “sến”:

“… Bạn có đến xin mái trường nhắn hộ
Rằng hôm nay tôi trở lại đây tìm…”
hoặc:
“ Ngang qua trời chim vỗ cánh sóng đôi
Ngang qua tôi em để lại vui buồn 

                                      không xóa nổi”

Từ những bài thơ, câu thơ như thế, Tòa soạn báo nhận được khá nhiều thư bạn đọc (chủ yếu là các bạn trẻ) muốn làm quen với Nguyễn Bình Phương. Bước ngoặt bắt đầu từ khi nhà thơ Đặng Vương Hưng, phóng viên báo được cử đi học khoá III Trường Viết văn Nguyễn Du tốt nghiệp trở về, sau khi xem một số bài thơ Phương sáng tác, Hưng góp ý, động viên, Phương bắt đầu say viết, nhưng vẫn giấu giấu, giếm giếm sợ mọi người biết. Cả phòng Tuyên huấn chỉ có bộ phận làm báo biết Phương có sáng tác. Lúc này, ngoài thủ thư, Phương còn kiêm thêm “chức” công vụ cho Trưởng phòng Tuyên huấn. Cứ lặng lẽ đọc sách, lặng lẽ làm tròn phận sự của mình, sau hơn một năm công tác, Bình Phương được kết nạp vào Đảng. Thời ấy, so với bè bạn cùng trường cấp III Lương Ngọc Quyến Thái Nguyên đi bộ đội, một thanh niên thành thị quen lối sống tự do phóng túng như Phương, rèn luyện, làm quen được với kỷ luật trong quân ngũ như thế kể cũng không đến nỗi nào.

Chuyện bắt đầu khi Trường Viết văn Nguyễn Du tuyển sinh khóa IV và Nguyễn Bình Phương làm hồ sơ dự thi. Phương thích lắm nhưng sợ trượt thì xấu hổ nên không muốn cho ai biết, cậu nhờ tôi giới thiệu đi dự thi (vì Báo Quân khu I có con dấu riêng). Sau khi hoàn tất thủ tục, cậu ta lặng lẽ xin nghỉ phép một tuần để xuống Hà Nội dự thi. Linh cảm thấy có điều gì đó không ổn, tôi đã báo cáo sự việc với anh Hoàn Bí thư Chi bộ và anh Lân Trưởng phòng, anh Tuyển Phó phòng Tuyên huấn. Vốn là những người làm công tác Tuyên huấn lâu năm, lại sống rất nhân hậu, các anh động viên: - Không sao, Báo hay Phòng giới thiệu đều được, nó mà trúng tuyển càng vinh dự cho Phòng ta, Quân khu ta. Khi Bình Phương ở Hà Nội về, tôi bảo cậu ta báo cáo với Phòng ngay để sửa sai vì đã giấu tổ chức, “bí mật” đi thi.

Tôi yên trí là không có vấn đề gì xảy ra, nhưng sự việc không giản đơn như vậy. Phức tạp nảy sinh từ khi có giấy báo nhập học, Bình Phương hí hửng báo cáo Phòng và sang cơ quan cán bộ làm thủ tục. Thực ra, cỡ hạ sỹ như Bình Phương thì do quân lực ra quyết định nhưng vì đi học đại học, một cấp học được quy hoạch nguồn cán bộ lâu dài nên phải làm thủ tục ở Phòng Cán bộ và Cục Chính trị. Khi lên xin chữ ký, Phó Cục trưởng Đình truyền đạt ý kiến của Cục trưởng, không đồng ý cho Phương đi học vì vô tổ chức, vô kỷ luật, tự ý đi thi không báo cáo. Thế là hết Bí thư Chi bộ đến Trưởng phòng Tuyên huấn lên “thuyết khách”, Cục trưởng vẫn không lay chuyển. Ngày nhập học càng đến gần Bình Phương càng bức xúc, cậu ta than thở với tôi: “Em mà không đi học được đợt này thì coi như chấm hết, kiến thức của em rơi vãi hết, làm sao mà thi lại được”. Tôi trấn an Phương: “Cứ yên tâm, đã hết cách đâu mà hoảng”.

 Trong thâm tâm, tôi rất buồn. Cho cái anh hạ sỹ thủ thư quèn, phụ cấp có 14 nghìn bạc một tháng đi học mà khó thế? Chẳng lẽ cứ hết nghĩa vụ cho ra quân là hết trách nhiệm sao? Mà ngày ấy thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du đâu phải dễ. Tôi cứ thấy vừa tức vừa buồn cười. Thủ thư ai làm mà chả được. Tại sao không tạo điều kiện cho bọn trẻ, nhất là những người phát hiện có tài năng. Anh em cùng phòng đều ủng hộ ý kiến của tôi. Nhưng, “quân lệnh như sơn”!

Một hôm đi họp về, anh Lân, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu, nói với tôi: “Chẳng hiểu vì sao mà “cụ” ấy găng thế. Thằng này suốt ngày lầm lũi trong thư viện, có làm mếch lòng ai bao giờ. Khéo mà đợt này không đi học được mày ạ!”. Bình Phương thì như ngồi trên đống lửa, thời gian gấp quá rồi. Thấy tình hình không mấy sáng sủa, tôi bảo Phương: “Thôi để anh đưa chú lên gặp Phó Tư lệnh Quân khu.”

Trung tướng Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu Nguyễn Hùng Phong tiếp chúng tôi rất thân mật. Nắm được sự việc, ông liền điện thoại cho thiếu tướng Chủ nhiệm chính trị quân khu. Chúng tôi hết sức bất ngờ trước cuộc trao đổi giữa hai vị tướng: “Anh T này, trường hợp cậu gì ở thư viện ấy, nó đã thi đỗ thì cho nó đi học, giữ làm gì...”. Chúng tôi nghe rõ Chủ nhiệm cục chính trị quân khu “vâng, vâng, vâng ạ, vâng ạ” như bắp rang trong máy thì mừng hết cỡ vội vàng chạy sang nhà Chủ nhiệm chính trị để cảm ơn. Ai ngờ vừa lấp ló ở hàng râm bụt đầu hồi, hai anh em đã bị mắng té tát với những ngôn từ khá nặng nề: “Chúng mày vừa lên gặp Phó Tư lệnh hả, tao không cho đi đấy. Quân đội không cần nhà văn. Quân khu lại càng không cần”. Chúng tôi sợ quá chuồn thẳng. Có lẽ ông tướng đang có chuyện gì đó bức bối nên cáu bẳn, chứ chuyện có gì đâu mà quát tháo nặng lời thế.

Thôi thì có bệnh vái tứ phương. Hôm sau, tôi đưa Bình Phương ra Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Thái gặp nhà thơ Hà Đức Toàn Chủ tịch Hội, kể “hoàn cảnh” và đặt vấn đề nhờ giúp đỡ. Anh Toàn vốn là giáo viên dạy văn, lại từng làm lãnh đạo cấp huyện, anh ủng hộ ngay, anh bảo: “Thôi bộ đội không cho đi thì chuyển về đây, Hội tạo điều kiện cho đi học rồi còn về thay chúng tớ”. Anh còn đùa: “Nhưng nghe đâu sắp được chuyển thành sỹ quan chuyên nghiệp, có tiếc không?”. Bình Phương gãi đầu, gãi tai, “Cháu chỉ muốn đi học thôi!”.

Tuy vậy, Hội Văn nghệ tỉnh không thể tự ý nhận người, vì còn tổ chức, còn biên chế. Để tìm lối thoát nhanh, anh Toàn dẫn Bình Phương lên gặp Bí thư Tỉnh ủy Nông Đức Mạnh, với lá đơn thủ sẵn trong tay. Cuối những năm 80, thương hiệu “Trường Viết văn Nguyễn Du” còn oai và thiêng lắm, bởi mái trường này là nơi nhiều nhân tài văn chương của đất nước từng học. Biết lý do cuộc gặp và nguyện vọng của Bình Phương, Bí thư Tỉnh ủy cầm bút ghi ngay vào góc lá đơn: “Tỉnh ủy Bắc Thái đồng ý tiếp nhận anh Nguyễn Bình Phương về công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, đề nghị Hội tạo điều kiện cho anh Phương được đi học Trường Viết văn Nguyễn Du theo giấy gọi.”

 Có bảo bối trong tay, chắc chắn đi học được rồi nhưng tôi không muốn Quân khu mang tiếng “không biết người biết của”, tôi dắt Bình Phương lên gặp trung tướng Đàm Văn Ngụy, Tư lệnh Quân khu. Vốn cùng là dân miền núi, lại từng tháp tùng “cụ” đi công tác nhiều chuyến, nên quan hệ giữa ông với tôi khá thân tình. Tôi trình bày: “Chú ạ, Bình Phương nó thi đỗ vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Trường này mỗi khóa chỉ tuyển đôi ba chục người trong cả nước, vậy mà Cục Chính trị kiên quyết không cho đi, ngày nhập trường đến nơi rồi. Bắc Thái nhận cậu ấy về Hội Văn nghệ để cho đi học đấy chú ạ, vì nó hết hạn nghĩa vụ rồi. Nếu để Bắc Thái cho nó đi học, người ta sẽ bảo mình không biết bồi dưỡng nhân tài, không quan tâm đến lớp trẻ”. Ông bảo: “Ừ, cho đi chứ, sao lại giữ!”. Rồi ông gọi điện thoại xuống Cục Chính trị Quân khu, chúng tôi lại nghe rõ những tiếng “dạ” ran trong máy.

Lần này hai anh em chắc mẩm sẽ suôn sẻ, nhưng bất ngờ tình huống chuyển hướng khác. Thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu đồng ý cho Bình Phương đi học song phải kiểm điểm và chỉ đạo chi bộ khai trừ Đảng. Là Chi ủy viên của Chi bộ Phòng Tuyên huấn, tôi thấy vô lý nên đề nghị nếu kỷ luật thì kỷ luật tôi vì tôi khuyến khích Bình Phương đi thi. Cuộc họp xét kỷ luật không thành vì chi bộ không ai đồng tình. Cuối cùng Cục Chính trị Quân khu đành phải làm thủ tục cho Bình Phương đi học, nhưng nhập học chậm mất một tháng. May mà nhà trường vẫn còn nhận.

Gần ba chục năm đã trôi qua, từ cây bút trẻ, Bình Phương cũng đã ở tuổi 50, anh đã viết hàng chục đầu sách, có nhiều cuốn gây được ấn tượng với bạn đọc. Những người biết chuyện trục trặc khi đi học của cậu ta đều còn cả. Anh Lân Trưởng phòng Tuyên huấn về hưu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa, anh Hoàn Bí thư Chi bộ về nghỉ hưu ở Hải Dương, anh Thụy trợ lý giáo dục về nghỉ hưu ở Thái Bình, anh Tương trợ lý văn hóa về nghỉ ở  Bắc Ninh… Phần lớn trong số họ đều không hiểu được tại sao khi ấy Cục Chính trị Quân khu lại khắt khe với Bình Phương đến thế. Thỉnh thoảng gặp Bình Phương nhắc lại chuyện cũ anh em chúng tôi nói với nhau: “Thôi, có một thời nó thế!”.
Phòng Tuyên huấn Quân khu I nơi từng nuôi dưỡng các nhân tài. Thời chống Pháp đây là nơi hội tụ đủ mặt các anh tài văn nghệ cỡ quốc gia: nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, nhà thơ Hoàng Lộc, nhà văn Nhị Ca, Cao Nhị... Cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng có nhiều tên tuổi như nhà văn Triệu Bôn, các nhạc sỹ Quế Loan, Đàm Thanh, Nguyễn Lầy, Tuấn Long, Văn Thành Nho... Sau giải phóng miền Nam có các nhà thơ Y Phương, Nguyễn Quang Tính, Đặng Vương Hưng… Chuyện qua lâu rồi, bây giờ Bình Phương đã trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Thái Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 13 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước