Nguồn cảm hứng đằng sau màu sắc của kiến trúc truyền thống châu Phi
Đặt chân đến châu Phi chúng ta có thể thoải mái khám phá những màu sắc phong phú và rực rỡ, sống động, biểu cảm và vui tươi. Văn hóa của các nước châu Phi về bản chất có mối liên hệ với màu sắc, từ vải đến quần áo, sản phẩm, tác phẩm điêu khắc và kiến trúc.
Mặc dù việc sử dụng màu sắc trong các xã hội ở châu Phi bề ngoài có vẻ mang tính trang trí nhưng lại có ý nghĩa biểu tượng cực kỳ cao, ẩn chứa những giá trị lịch sử sâu sắc đằng sau nó. Kiến trúc truyền thống châu Phi là một ví dụ điển hình. Các quốc gia, các dân tộc đã ban tặng cho ngôi nhà của họ màu sắc thông qua các đồ trang trí và họa tiết, sử dụng trên mặt tiền để kể những câu chuyện gia đình và tạo ra mê cung kiến trúc chung, không chỉ tôn vinh màu sắc mà còn hàm chứa ý nghĩa dân tộc.
Nhìn vào việc khám phá màu sắc trong kiến trúc của một số dân tộc được lựa chọn trong lục địa đen, ta thấy sự sáng tạo của họ có ý tưởng từ các sắc tố tự nhiên, lịch sử.
Nhà ở Ndebele
Bộ lạc Ndebele là một nhóm dân tộc có nguồn gốc ở phần phía nam của đất nước Zimbabwe và phần phía bắc của Nam Phi vào thế kỷ 18. Họ nổi tiếng vì tranh chấp lãnh thổ với bộ tộc Boer lân cận, dẫn đến việc mất quê hương. Do đó, người dân của Ndebele bị buộc phải làm việc như những người lao động theo hợp đồng.
Trong thời kỳ bị áp bức này, người Ndebele đã khám phá ra loại hình nghệ thuật về màu sắc của căn nhà họ. Phụ nữ trong xã hội sơn nhà với hoa văn và màu sắc như một cách bí mật để truyền đạt nỗi đau buồn và sự phản kháng về mặt văn hóa dưới sự thống trị của nông dân Boer. Họ bắt đầu với màu đất tự nhiên đen và trắng và xây dựng chúng với độ chính xác sắc nét để thể hiện các họa tiết hình học. Qua nhiều thế hệ, mẫu màu này phát triển thành hệ thống 5 màu: Đen tượng trưng cho con người của thế giới tâm linh, Trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, Đỏ tượng trưng cho đam mê và quyền lực, Vàng tượng trưng cho sự màu mỡ và hy vọng, và Xanh lục tượng trưng cho đất đai và nông nghiệp. Mặc dù lúc đầu, phụ nữ sử dụng các chất màu tự nhiên, nhưng sự gia tăng về lượng sơn acrylic sau Thế chiến 2 đã đảm bảo sự sống động của màu sắc tăng nhanh, dẫn đến những ngôi nhà có màu sắc rực rỡ mà chúng ta thấy ngày nay.
Vô vàn những màu sắc được dệt nên này đều chứa ý nghĩa biểu tượng của chúng thông qua hình học là một dạng ngôn ngữ của người Ndebele. Những ngôi nhà của họ như một bức tranh, người Ndebele thể hiện những hoa văn đầy màu sắc có thể truyền đạt địa vị của chủ nhà, thông báo về một cuộc hôn nhân, một lời cầu nguyện hoặc một cuộc phản đối. Mặc dù các mẫu màu Ndebele hiện đã phổ biến trên toàn thế giới và được áp dụng trong thiết kế các sản phẩm như ô tô và máy bay, nguồn cảm hứng của chúng nhắc nhở chúng ta về cách sử dụng màu sắc trong kiến trúc ngoài yếu tố trang trí và còn như một ngôn ngữ quan trọng.
Nhà Nubia
Nubia là một trong những nền văn minh sớm nhất ở Thung lũng sông Nile, nằm ở phía bắc Sudan và miền nam Ai Cập ngày nay. Với lịch sử có thể bắt nguồn từ ít nhất năm 2000 trước Công nguyên thông qua các di tích, hiện vật và ghi chép bằng văn bản, nó có lịch sử gắn liền với Ai Cập cổ đại do tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại và cạnh tranh quyền lãnh đạo.
Việc khám phá màu sắc trong kiến trúc của bộ lạc này là sản phẩm của lịch sử gần đây. Do lũ lụt từ một hồ chứa, họ buộc phải di dời đến các vùng lãnh thổ mới giữa Aswan, Ai Cập, và trung thượng sông Nile thuộc Sudan, nơi họ xây dựng 35.000 ngôi nhà. Vẫn giữ đặc điểm kiến trúc truyền thống là sử dụng gạch bùn khô và mái vòm nhưng người Nubia đã bổ sung thêm rất nhiều màu sắc tươi sáng, biểu tượng và hoa văn hình học cho bên ngoài ngôi nhà của họ. Hầu hết các bức tranh và đồ trang trí trong nhà đều dựa trên ý nghĩa tôn giáo, chẳng hạn như một con mắt được vẽ bằng những bức bích họa mô tả bàn tay của Fatima hay con mắt của nhà tiên tri Hồi giáo. Người Nubia tin rằng những biểu tượng này mang lại sự bảo vệ chống lại các thế lực tà ác và sử dụng màu sắc để tạo ra những lớp vỏ mà họ tin rằng sẽ bảo vệ họ. Họ cũng sử dụng các họa tiết hoa trên mặt tiền và một số có các yếu tố đương đại như xe lửa, máy bay, ô tô và tàu, mang lại cảm giác đầy màu sắc và vui vẻ cho kiến trúc chung của họ.
Kiến trúc Hausa
Là nhóm dân tộc lớn nhất ở Tây và Trung Phi, người Hausa chủ yếu sinh sống ở các khu vực phía nam Niger và các khu vực phía bắc Nigeria. Ngay từ thế kỷ 11, họ đã sống trong mê cung của những ngôi làng nhỏ với nền văn hóa phản ánh mạnh mẽ tín ngưỡng Hồi giáo. Kiến trúc người Hausa bắt nguồn từ việc xây dựng những ngôi nhà truyền thống bằng đất để tạo ra các hình bao hình chữ nhật và hệ thống trần vòm có mái che. Bên ngoài ngôi nhà như một bức tranh thể hiện những khía cạnh đẹp đẽ của văn hóa Hausa. Họ dùng sử dụng màu sắc linh hoạt để tạo ra các tòa nhà sáng sủa và được chạm khắc tinh xảo. Từ những ngôi nhà đến các công trình công cộng, nhà thờ Hồi giáo và cung điện, các hình thức xây dựng của người Hausa bùng nổ với vô vàn họa tiết và đồ trang trí đầy màu sắc như một cách sử dụng kiến trúc để tôn vinh văn hóa.
Các họa tiết khác nhau mang những ý nghĩa khác nhau từ linh thiêng đến gần gũi. Sự phức tạp của việc trang trí mặt tiền với nhiều họa tiết và màu sắc hơn thường lệ thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội của chủ sở hữu tòa nhà. Việc khám phá màu sắc trong kiến trúc sẽ thấy rõ hệ thống phân cấp xã hội ở vùng đất Hausa. Dễ thấy các tòa nhà công cộng như nhà thờ Hồi giáo và không gian hoàng gia như cung điện thường trưng bày nhiều biểu tượng, nhiều màu sắc hơn so với những ngôi nhà thông thường.
Nhà Tiébélé
Tiébélé được đánh giá là ngôi làng có một không hai của châu Phi, với những căn nhà xây bằng đất sét và được sơn vẽ cực đẹp. Nằm ở phía nam Burkina Faso và phía bắc Ghana, nơi sinh sống của một trong những nhóm dân tộc lâu đời nhất ở Tây Phi, bộ tộc Kassena, ngôi làng Tiébélé có mô hình fractal của các tòa nhà hình tròn và hình chữ nhật, với những ngôi nhà bản địa có niên đại từ thế kỷ 15 và tạo nên nét đặc biệt qua những bức tường sơn đầy biểu tượng. Bộ tộc Kassena khám phá màu sắc thông qua kiến trúc trang trí tường. Họ sử dụng vỏ bọc tòa nhà của mình như một bức tranh vẽ các hình dạng hình học và biểu tượng của văn hóa dân gian địa phương. Nghề thủ công này do phụ nữ của bộ tộc chỉ huy và đồ trang trí được thực hiện chung bằng vật liệu đất nung tự nhiên. Đá ong được sử dụng để tạo ra màu đỏ, đất sét cao lanh để tạo ra màu trắng và than chì để tạo ra màu đen. Những màu sắc này mang ý nghĩa cụ thể đối với người Kassena. Màu đỏ tượng trưng cho lòng dũng cảm, màu trắng tượng trưng cho sự trung thực và thuần khiết, trong khi màu đen tượng trưng cho màn đêm và thế giới vô hình.
Khi bước qua mê cung những ngôi nhà ở Tiébélé, người ta sẽ thấy vô số hoa văn màu sắc. Những phạm vi này từ hình dạng hình học và biểu tượng thiên thể đến biểu tượng vật linh. Mỗi người trong số họ truyền đạt khác nhau về hộ gia đình trong họ. Ví dụ: biểu tượng ngôi sao và mặt trăng thể hiện hy vọng, trong khi biểu tượng mũi tên trên tòa nhà biểu thị gia đình của một chiến binh. Việc sử dụng màu sắc trong kiến trúc ở Tiébélé vừa thể hiện vẻ đẹp thẩm mỹ và cũng thể hiện trực tiếp các giá trị và khát vọng của cộng đồng.
Thông qua các sắc thái, màu sắc, độ tương phản, họa tiết và các đồ trang trí, màu sắc trong kiến trúc truyền thống châu Phi chúng ta không chỉ mãn nhãn được ngắm nhìn mà còn phần nào hiểu về con người, văn hóa độc đáo của lục địa đen châu Phi còn đầy huyền bí.
Hùng Vỹ: dịch. Theo: ArchDaily
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...