Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
14:24 (GMT +7)

Người thích xưng “tớ”

VNTN - Hồi mới về công tác ở Báo Văn nghệ tỉnh,  hàng ngày đi làm qua khu cổng Tỉnh ủy cũ tôi hay gặp người đàn ông nhỏ nhắn, vẻ mặt thân thiện, tươi vui quanh quẩn dưới tán cây sấu, cây bằng lăng rợp nắng dọc hè phố. Ông vừa đi vừa như đang thích thú về một điều gì đó.

Vì mới về làm việc tôi cũng chưa biết hết tên hội viên, chỉ gián tiếp gặp họ qua những sáng tác trên báo và nhiều cái tên khiến tôi yêu thích trong đó có hai người hay viết cho thiếu nhi là Hữu Tiệp và Phạm Viết Lãm.

Một hôm đến cơ quan bất chợt tôi gặp người đàn ông có khuôn mặt vui tươi đó. Tôi chào ông, mời ông uống trà, qua vài câu giới thiệu tôi khá bất ngờ vì ông chính là tác giả Phạm Viết Lãm: “Tớ ở ngay đây, hôm nào qua nhà tớ chơi”. Phạm Viết Lãm vui vẻ cất giọng hơi the thé. Ông liên tục xưng tớ khiến tôi hơi ngượng bởi ông phải đáng tuổi chú tôi mà cách ông nói chuyện với tôi thì như một người bạn bằng lứa. Tôi tâm sự rằng rất thích những sáng tác của ông trên báo. Ông nhìn tôi và cười vui như một đứa trẻ.

Vài lần tiếp xúc dần dần tôi phát hiện ra Phạm Viết Lãm là vậy, luôn vui vẻ thân thiện và xưng hô bằng lứa với tất cả mọi người dù có thể đó là một đứa trẻ con.

Một lần đi thực tế ở Quảng Ninh, trên xe có rất đông những cây bút “gạo cội” của Thái Nguyên. Dọc đường đi tác giả Lê Thế Thành kể chuyện tiếu lâm làm mọi người cười ngặt nghẽo, nhưng người vui nhất có lẽ là Phạm Viết Lãm.

Lúc ăn cơm, sau khi uống mấy chén rượu ông “ga lăng” rót nước cho hai tác giả nữ cùng đoàn kém ông vài chục tuổi. Một chị đùa bảo, thích uống nước ngọt mà nhà hàng thì không có. Thế là sau bữa cơm cả đoàn thấy Phạm Viết Lãm lễ mễ mang đến mấy chai C2 và Coca Cola đưa cho hai chị giọng hồn nhiên khẩn khoản: Uống đi, tớ vừa mua này…

Trước cảnh đó ai cũng bật cười còn hai tác giả nữ thì nhận mấy chai nước mà cứ che miệng cười rung rúc. Riêng Phạm Viết Lãm thì đứng ngẩn ra không hiểu vì sao.

Phạm Viết Lãm hay uống bia vào buổi sáng ở mấy quán cạnh nhà. Thi thoảng cũng gặp ông uống cả vào buổi chiều. Những lúc thấy tôi ông thường vẫy gọi: “Đi đâu thế! Vào uống với tớ cốc bia.”

 

Tôi bận, chỉ đáp trả ông bằng mấy câu chào rồi phải đến cơ quan.

Có vài lần ông gọi ghê quá tôi chiều ông xà vào hàng bia. Giọng ông chân thành như nói với một người bạn tốt: “Uống đi, tớ ngày nào cũng uống…”

Gọi là uống bia nhưng vì vấn đề sức khỏe ông không uống được nhiều chỉ một cốc đã khiến cái cổ ông bắt đầu đo đỏ. Ông bắt đầu bênh bênh hưng phấn và kể chuyện sáng tác.

Phạm Viết Lãm viết đã khá lâu. Ông viết nhiều thể loại, nhưng thành công nhất vẫn là những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Sáng tác văn chương đã khó sáng tác cho thiếu nhi càng không đơn giản. Người ta gặp trong thơ thiếu nhi của ông những con người và những cảnh sắc thân thuộc được ông viết với cái nhìn ngây thơ trong trẻo như con trẻ.

“Cây si ít cành lá

Mà lại quá nhiều râu

Si không có cằm đâu

 

Toàn thân râu tua tủa”

Chỉ có con mắt hồn nhiên và sự tưởng tượng phong phú của trẻ con thì mới thấy:

“Tiếng hoẵng kêu: Khát khát…

Rừng lá mắt lim dim

Đàn nhạc ve dồn nhịp

Khêu nắng hè nóng lên

Đàn bò béo nhà em

Không thèm che nón mũ

Cứ ung dung gặm cỏ

 

Gặm cả nắng vàng ươm”

Phạm Viết Lãm là vậy, thế giới thực và thế giới trong truyện, trong thơ gần như không có ranh giới. Và dù những câu thơ, truyện thiếu nhi dù viết như thế nào nhưng cũng thể hiện con người, tấm lòng đôn hậu yêu thương con người, yêu trẻ của Phạm Viết Lãm. Và đấy cũng là một vẻ đẹp làm nên sự hấp dẫn nhân văn trong sáng tác của ông. Ông đã đi rất xa, bạn đọc Thái Nguyên mấy năm gần đây không được gặp ông qua những tác phẩm trên báo nữa, nhưng cũng như tôi mọi người luôn nhớ đến ông và quý mến ông.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 1 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 7 tháng trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 11 tháng trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Cuốn tuyển truyện ngắn đầu tiên của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức đi khám mắt

Giai thoại văn nghệ 3 năm trước