Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
07:51 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

Người lính Điện Biên viết lại đời mình

Căn nhà của ông Quản Văn Tại (số 5, ngõ 865, đường Dương Tự Minh, TP Thái Nguyên) hôm nay tràn ngập tiếng cười. Các con, cháu nghe cụ kể chuyện đánh trận ở Điện Biên Phủ có lẽ đã nhiều lần rồi, nhưng vẫn háo hức. Chị Quản Thị Hồng Vân (con gái của ông Tại) ghé tai tôi nói nhỏ: mẹ tôi khi còn sống đã nhận xét về bố tôi: “Bố mày lúc nào cũng chìm trong Điện Biên”.

Cuộc trò chuyện Điện Biên
Cuộc trò chuyện Điện Biên

32 ngày đêm sống dưới hầm và trận đánh đồi Him Lam

Quả thực, ký ức về những ngày ở Điện Biên Phủ trong ông đầy ắp. Dù đã 96 tuổi đời, nhưng ông nhớ rành rẽ, sinh động, như mọi việc đang diễn ra trước mắt.

Bằng chất giọng to, vang, ông Tại kể: Tôi nhớ vào quãng thời gian cúng “ông Công ông Táo” năm 1953, chúng tôi kéo pháo vào trận địa. Được phổ biến kế hoạch “Đánh nhanh, thắng nhanh”, ai cũng háo hức vô cùng, khí thế quyết đánh tan quân xâm lược Pháp bốc ngùn ngụt. Từ tiểu đội trưởng trở lên viết quyết tâm thư cá nhân, cả tiểu đội viết quyết tâm thư tập thể. Nhưng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển phương án sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Sắp đến giờ nổ súng, chúng tôi nhận được lệnh rút khỏi trận địa, chuyển quân về đơn vị tập kết. Anh em bàng hoàng lắm. Nhưng đã là mệnh lệnh thì tất cả đều nghiêm túc chấp hành.

 Về nơi tập kết, chúng tôi được lệnh đào hào vây quanh cánh đồng Mường Thanh. Ngày nghỉ, đêm đào, giặc thả bom lấp hầm ban ngày, ban đêm ta lại đào. Ngày 13/3, chúng tôi phối thuộc đánh trận đầu vào cứ điểm Him Lam, ngày 15/3 lại phối thuộc đánh đồi Độc Lập; phối thuộc đánh đồi C1, C2, D1, D2. Riêng đồi C1 chúng tôi đánh khoảng 15 trận, có ngày địch phản kích 7 lần, mình đều đẩy lui. Anh em đồng đội họ hăng hái lắm, việc cần 3 người thì 4 - 5 người xung phong. Đi giúp anh nuôi, đi tải thương, làm gì cũng nhiệt tình.

Ông Tại hồi tưởng: Tôi nhớ nhất 32 ngày đêm chúng tôi sống dưới hầm, mọi sinh hoạt trong hầm, đi lại trong đường hào giao thông sâu 1m8 đến 2m, nắp hào bằng gỗ nứa thêm lượt đất khoảng 50cm tránh mảnh đạn. Bếp cách hầm 3km, nấu cơm xong anh nuôi ủ cơm canh gánh đến trận địa. Mưa bom bão đạn như thế nhưng không bữa cơm nào chậm trễ, cơm nóng, có cả canh nữa. Trời tháng 4 nắng nóng, người ngứa ngáy, chúng tôi cử từng tổ 3 người thay phiên nhau ra suối tắm. Vất vả như thế nhưng anh em lạc quan tin tưởng lắm. Họ hát hò, cắm hoa rừng, trang trí chỗ ngủ, vui lắm.

Những giây phút lịch sử làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dù đã 70 năm nhưng ông kể vẫn sinh động như mới diễn ra: Trong căn hầm dã chiến có nắp đất, anh em bình tĩnh lắp đặt pháo, cẩn trọng lấy phần tử xạ kích, làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Tôi đứng cạnh máy điện thoại, nghĩ về nhiệm vụ sắp tới, làm sao để cho những viên đạn 120 ly như những quả bom cỡ nhỏ này rơi đúng mục tiêu.

Ông Quản Văn Tại và con trai trưởng (bên trái), người nhớ nhiều chuyện Điện Biên của bố
Ông Quản Văn Tại và con trai trưởng (bên trái), người nhớ nhiều chuyện Điện Biên của bố

Trận đánh bắt đầu. Các cỡ pháo của ta nhả đạn. Đạn của chúng tôi hòa với đạn pháo các cỡ tới tấp bay vào đồn địch. Các pháo thủ thao tác sầm sập như một cỗ máy tự động. Những tiếng nổ rung trời lở đất. Đồi Him Lam ngút ngàn khói lửa. Cùng với tiếng nổ của pháo binh ta, máy bay địch bỏ bom điên cuồng, nhiều điểm nổ vây quanh chúng tôi. Một máy bay khu trục bổ nhào bỏ bom vào khu vực chúng tôi bị pháo cao xạ của ta bắn phải nhao lên cao. Trời sẩm tối, những con quạ sắt trốn biệt tăm. Trong đêm tối, “bà chúa chiến tranh” (bộ binh) đánh giáp lá cà, thọc sâu chia cắt, giành giật từng ngách chiến hào, tiêu diệt từng hỏa điểm, ổ đề kháng, từng tên địch. Trung đội chúng tôi bắn theo lệnh của người chỉ huy bộ binh, chi viện cho bộ đội chiến đấu. Trời mờ sáng, mưa lất phất, chúng tôi được lệnh khiêng pháo cấp tốc lên đường đánh trận tiếp theo: Đồi Độc Lập…

Hơn 20 năm viết lại đời mình

Từ chiến trường trở về, ông Quản Văn Tại bắt tay vào “trận chiến” mới, cùng vợ nuôi con và gây dựng sự nghiệp. Ông chuyển gia đình từ Hà Nam lên Hà Nội sinh sống. Năm 1964, ông xin chuyển ngành, lên Thái Nguyên làm công tác củng cố Hợp tác xã nông nghiệp ở Ban cán sự khu trung tâm Thành phố. Năm 1965, ông được điều động làm Trưởng phòng Giáo dục thành phố Thái Nguyên, sau đó về công tác tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng (Tỉnh ủy); làm Bí thư Đảng ủy Bệnh viện A Bắc Thái và được nghỉ hưu năm 1986.

Từ khi nghỉ chế độ, ông làm đủ việc để cải thiện đời sống: trồng chè, chạy chợ, mở lò ấp vịt… đến năm 74 tuổi mới chính thức nghỉ ngơi. Dù không được đào tạo bài bản, nhưng do được rèn luyện trong môi trường quân đội, có nền tảng kiến thức lại là người thông minh, ham học, ông Quản Văn Tại luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cũng từ khi bước khỏi “trận chiến” với đói nghèo, ông Quản Văn Tại có niềm say mê mới: Viết văn.

 Ông kể: “Khi còn công tác, tôi chỉ viết một vài bài báo, không nghĩ đến chuyện viết văn”. Nhưng rồi ký ức về những ngày tháng oanh liệt ở Điện Biên Phủ thôi thúc, năm 2002, ông bắt tay viết hồi ký “Đánh trận ở Điện Biên” hơn 100 trang bản thảo; năm 2003 ông xuất bản truyện ký “Điện Biên ngày ấy” (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc). Như được “thông mạch” viết, tính đến năm 2024 này, ông đã xuất bản 5 cuốn, chủ yếu là tự truyện và tiểu thuyết (Điện Biên ngày ấy, Bến Đậu, Đường Sáng, Chớ ngã tay chèo, Khúc giáo đầu) và nhiều bản thảo khác chưa được in ấn. Ông viết nhiều chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ đăng trên các báo. Trong đó bài “Vang vọng tiếng hát Tuồng ngày ấy” được trao giải cuộc thi do Báo Thái Nguyên tổ chức (2004).

Ông Quản Văn Tại có niềm say mê mới: viết văn
Ông Quản Văn Tại có niềm say mê mới: viết văn

Nhiều người biết đến ông Quản Văn Tại với tư cách là một cây bút của Thái Nguyên, nhất là từ khi ông được trao Giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm của UBND tỉnh Thái Nguyên (2012 - 2016). Nhà ông là nơi lui đến đàm đạo văn chương của nhiều nhà văn, nhà thơ Thái Nguyên.

Đọc tác phẩm của ông, người đọc thấy hiện rõ một con người chân thật, ưa hoài niệm và tôn kính truyền thống. Ông bày tỏ quan điểm viết trong tự truyện “Chớ ngã tay chèo” thế này: Đời tôi gặp biết bao sóng to gió cả, giông tố bão bùng và cũng có nhiều cơ may tốt đẹp. Tôi viết để hậu thế biết đời ông cha thế kỷ 20 đã sống, lao động, chiến đấu ra sao để xây dựng tương lai. Những cuốn sách tôi trao tặng các con, cháu, chắt, cho người thân, cho cuộc đời là món quà tinh thần, là chữ Đức tôi muốn để lại cuộc đời này.

Chị Quản Thị Hồng Vân đưa tôi xem tập bản thảo mới nhất ông viết năm 2024, có tên “Chiến thắng Điện Biên”.  Ông chọn cách kể chuyện bằng văn vần với mong muốn dễ tiếp cận cộng đồng, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Với gần 400 câu thơ lục bát cùng hình ảnh minh họa, ông “vẽ” lại cuộc chiến đấu 56 ngày đêm “Gan không núng, chí không mòn” khá sinh động. Nhiều câu thơ giản dị, dễ nhớ như: Dân công mấy chục vạn người/ Từ nơi hậu tuyến xa rời nhà riêng/ Đi làm nhiệm vụ thiêng liêng/ Tiếp sức quân đội Điện Biên kịp thời/ Nơi đó công việc bời bời/ Tiếp lương, tiếp đạn, không ngơi sửa đường

Trò chuyện với chúng tôi, các con của ông Quản Văn Tại cho biết: Gần đây mắt ông kém nhiều, hầu như không đọc và viết được nữa. Tập “Chiến thắng Điện Biên” có thể coi là tập bản thảo cuối cùng của ông. Như vậy, trang viết đầu tiên và trang viết cuối cùng của ông đều hướng về Điện Biên Phủ.

 96 tuổi đời, trải qua bao thăng trầm cuộc sống, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn giữ được tâm hồn trong trẻo, năng lượng tích cực với cuộc sống và văn chương. Thật đáng quý biết bao.

Ông Quản Văn Tại sinh năm 1928 ở xã Điền Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông làm nghề dạy học trước khi gia nhập quân đội năm 1950, được cử sang Trung Quốc học trường Thiếu sinh quân khóa 6.  Từ Trung Quốc về nước, ông tham gia đánh trận ở thượng Lào. Năm 26 tuổi, ông là Trung đội trưởng trung đội súng cối 120 ly, Đại đội 751, Trung đoàn 675, Đại đoàn 315 chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Anh Banm****@gmail.com

    Mãi mãi biết ơn ông