Người kế nghiệp – Truyện ngắn. Vũ Đình Toàn
VNTN - Vừa rót chén nước chè, chưa kịp đưa lên miệng nhấm nháp, ông Việt đã phải đứng phắt dậy sau cái “lệnh'' lạnh lùng của Thu, người con dâu đã trở nên đầy quyền uy từ ngày buôn bán phát đạt: “Hôm nay, bố giải quyết dứt điểm cái kho sách đi cho con lấy chỗ chứa hàng, chiều mai hàng về tới rồi, lô hàng đặc biệt, không thể phơi tiền tỷ ở ngoài đường được!''. Ông già ngoài bảy mươi từng bị tai biến, lảo đảo như muốn ngã, hai tay run run vịn thành ghế, một lát mới cất giọng yếu ớt: “Thì bố đã gọi cậu ấy sắp xếp đi ngay sau khi con bảo, có “dám” chậm trễ một giây phút nào đâu!”. Ngừng một lát, ông nói thêm như để làm yên lòng cô con dâu: “Xe nổ máy từ năm giờ sáng nay rồi...”.
- Hôm nay mới khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh, giỏi lắm cũng phải ngày kia mới tới được Cẩm Hà, thế thì chết con rồi, bố ơi là bố ơi!... Hàng của con từ Bắc Kinh đi mấy ngày đã đến gần biên giới, sắp qua cửa khẩu, phải chạy liên tục, đến nơi phải dỡ xuống ngay, không thể chờ đợi dây dưa... Mà hay thôi, bố ạ, con tính chả cần gửi cái “đống” sách báo cho cậu ấy nữa. Ngày trước bố còn lên lớp mới cần sách báo tài liệu để dạy cho hay, chứ bây giờ thất thập “cổ la huy” rồi, bố còn ôm mãi đống giấy vô tích sự ấy làm gì?
- Không phải là gửi, mà là giao hẳn, sang tên hẳn cho người cần sách, biết quý sách, biết quản lý và sử dụng sách tốt nhất, đem lại lợi ích nhiều nhất…
- Bố ơi, chẳng rõ cái cậu học trò cưng ấy của bố, cậu ta “âm lịch” đến mức nào, chứ như con thấy bây giờ ai người ta cần đến sách nữa, cái gì chẳng có trên mạng, kể cả các pho lịch sử dày cộp của bố cho đến tờ báo hằng ngày của tỉnh... Con bảo hôm nay, bố cứ để con a-lô một tiếng, gọi nhà lão Phong phế liệu đem ô-tô đến chở, một chuyến là gọn, đỡ vất vả, lại được ối tiền uống rượu! hì hì... Rộng nhà, rộng đường làm ăn, năm nay con trúng to đấy, anh Hùng đêm qua báo mộng bảo con cứ phát triển mạnh lên, đừng rụt rè e ngại gì cả... Con gọi lão Phong phế liệu, bố nhá?
- Chị, chị thật quá đáng lắm! Tôi không thể tưởng tượng một người đã từng tốt nghiệp Đại học Văn Sử rồi mà sao bây giờ lại… đổ đốn đến thế? Bảo tôi bán cái kho lịch sử vô giá ấy cho phế liệu mà nghe được ư? Bán cả cụ Nguyễn Trãi, cụ Lê Văn Hưu, cụ Phan Huy Chú, bán cả các cụ Tư Mã Thiên, Hê-rô-đốt lấy vài chén rượu để uống ư? Xấu hổ quá! Nhục nhã quá!
- Bố ơi, có phải đến bây giờ con mới đổ đốn đâu! Phải nói là con đã đổ đốn từ cái ngày tốt nghiệp đại học rồi mà cứ phải học mãi thứ ngôn ngữ đường chợ để được sống… đến hôm nay! Con xin bố đừng nhắc đến cái Đại học Văn Sử của con nữa cho thêm đau lòng. Cái Mai ngày ấy nó toàn phải cóp bài của con; bài tập lớn, bài tập nhỏ, toàn con hộ nó mà cuối cùng thì nó được lên bục giảng, còn con... long đong lật đật như thế nào bố biết rồi đấy! Và cả anh Hùng nữa, cũng đầy bằng cấp đấy, nào có kém cỏi gì ai, thế mà phải dấn thân vào rừng vào bãi để đến nỗi vùi xác trong hang sâu, khiến mẹ con cũng vì quá đau buồn mà đã sớm qua đời! Bố biết vì sao bây giờ con chỉ lo kiếm tiền, chỉ thích kiếm thật nhiều tiền, có tiền mua tiên cũng được mà! Nay mai thằng cháu Hào sang Úc học, tốn kém lắm, con mà không sẵn tiền thì đời nó liệu có gì sáng sủa hơn đời bố mẹ nó không?
Nghe nhắc lại những đau thương cơ cực của vợ con ngày ấy, ông Việt cảm thấy mình như một tên tội phạm đang đứng trước vành móng ngựa nghe tòa luận tội. Đột nhiên hình ảnh người con trai khốn khổ và bà vợ già của ông rũ rượi như tàu lá héo lại hiện ra với cái nhìn ai oán… Phải chi ngày ấy ông có thể từ giã sách, từ giã lịch sử, từ giã khoa học, mà lao vào làm ăn buôn bán như mẹ thằng Hào bây giờ thì chắc đâu đến nỗi!... Thấy đuối lí trước cô con dâu nanh nọc mà tháo vát, ông chỉ biết thở dài rồi cố lên gân lên cốt mới giữ được phần nào cái giọng nói đĩnh đạc xưa nay của người bố chồng:
- Nói gì thì nói, bố quyết không bao giờ cho phép chị bán rẻ cái kho báu tích lũy cả đời bố cho bất kỳ ai! Kho báu có một không hai ở tỉnh này, à không, phải nói là có một không hai ở cả vùng Đông Bắc này, cái kho báu ấy phải được giữ gìn nguyên vẹn, phải để cho người xứng đáng nắm giữ nó, làm cho nó ngày càng tỏa sáng. Người ấy lẽ ra đã là thằng Hào, cháu đích tôn của bố, nó cũng có chí, có tâm, nhưng không đủ tư chất, lại không thích những môn xã hội, thì thôi, ép làm gì. Nó thích thương mại, kế toán thì để nó phát triển theo sở thích của nó. Ngoài Hào ra, bố để ý tìm trong đám học trò cũ, cũng nhiều người giỏi lắm, say mê sử học, có người đã bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng xem ra không ai hội đủ các phẩm chất, các điều kiện như Hân. Ông nội cậu ấy, bố cậu ấy từng dạy sử, từng viết sử trong quân đội. Hân mang gen ông cha, giàu cảm hứng lịch sử, lại học với một ông thầy sử giàu tâm huyết, thầy trò hợp nhau nên cậu ta sớm có hoài bão bước đi trên con đường sử học. Những dự định nghiên cứu của bố, hoặc mới bắt đầu, hoặc còn dở dang nay không tiếp tục được, bố đã gửi gắm hi vọng vào Hân, chỉ có Hân mới có thể theo được đến cùng con đường sử học vinh quang mà nhọc nhằn này...
Nói tới đây, ông Việt như thấm mệt, ngừng lại, ngửng lên mới biết Thu đã dời khỏi phòng từ lúc nào rồi. Một lần nữa, bao điều tâm huyết của ông lại như nước đổ đầu vịt. Ông ngồi xuống giường, chống hai tay, thở một hơi dài, mắt nhìn trừng trừng vào núi sách báo của ông, tự nhiên thấy cay cay nơi sống mũi. Ông lại đứng lên đi đến từng giá sách, cầm lên, đặt xuống vuốt ve hết quyển này đến quyển khác. Thôi nhé, từ nay phải tạm biệt các anh rồi! Đừng buồn sách ạ, các anh chỉ đi lánh nạn một thời gian thôi, như năm xưa chúng ta từng dắt díu nhau đi lánh bom Mỹ ấy mà, rồi lại có ngày đoàn tụ, duyên nợ còn dài lắm. Nếu chẳng gặp lại nhau nữa thì cậu Hân cũng như tôi thôi, còn hơn cả tôi nữa, sẽ chăm sóc các anh, bảo vệ các anh, tôn kính các anh... Đại Việt Sử kí toàn thư, bộ sách này chính cậu Hân tặng thầy đây mà, còn cuốn này “Tinh thần pháp luật” của J.J. Rút-xô đây, cậu Minh mua ở Pa-ri về biếu. Bộ Bách khoa toàn thư này là một bạn Nga kỉ niệm. Kinh Thư và Kinh Xuân Thu của Khổng Tử in song ngữ bằng chữ Hán cổ và bản dịch Anh ngữ là mua ở Bắc Kinh dịp đi Vạn Lí Trường Thành đây, Lịch triều hiến chương công trình nổi tiếng của bao nhiêu đời sử gia để lại là đây... Còn bao nhiêu, bao nhiêu bộ sách quý hiếm, phần lớn được mua bằng đồng lương ít ỏi của một ông giáo trường huyện… Ông Việt bật bóng đèn tuýp trên cao, cụ tổ Hê-rô-đôt trong bộ râu Hi Lạp cổ đại lừng lững hiện ra, rồi Tư Mã Thiên, rồi Hô-me, rồi Ta-go... Ông bỗng hoảng hốt: Trước mặt ông lúc này là bao nhiêu con người phương phi, tráng kiện, những con người thật vĩ đại, những tinh hoa của nhân loại, của phương Đông, của phương Tây, họ đang đứng đó, tầng tầng lớp lớp, sừng sững như những khối núi cao, những tòa tháp lớn, họ đang đứng đó nhìn xoáy vào tâm can ông, vừa như cảm thông, vừa như thương hại, khinh bỉ ông là kẻ tầm thường, vừa như thúc giục ông phải nhanh chân lên không thì chẳng còn gì nữa, không khéo lại ôm hận ngàn năm. Vội vàng, ông bấm máy điện thoại:
- Alô, Hân đấy ư, đến đâu rồi? Đến đâu rồi?
- Qua trường Dục Thanh lâu rồi thầy ạ!
- À, qua Phan Thiết rồi đấy, thế liệu chiều nay có qua được Hải Vân không?
- Chắc được ạ! Thầy cứ yên tâm, trước 17 giờ chiều mai thế nào con cũng về đến Cẩm Hà.
- Xe chạy có “ngon” không?
- Xe chuẩn, chạy ngon lắm thầy ạ! Đường xá lúc này khá lắm rồi, nhiều đoạn cao tốc nuột nà, nhiều lúc chạy quên tốc độ thầy ạ, cứ gọi là êm ru...
Thầy trò vừa chào tạm biệt nhau thì Thu chạy sầm sầm đến trước cửa buồng dừng lại:
- Cậu Hân đến đâu rồi hở bố? Con sốt ruột lắm, hàng đã xong thủ tục, vượt qua cửa khẩu rồi, khéo chỉ trưa mai là tới...
- Thì chị cứ yên tâm đi, tối mai cứ quẳng sách của tôi ra ngoài đường, chất hàng Trung Quốc vào là được chứ gì?
- Ông lại nặng nề với con rồi, nhưng mà… cũng phải thế thôi… chứ biết làm sao khi xe hàng ập đến?
Ông Việt lại thấy mình như có lỗi, nên im lặng. Rồi thấy bồn chồn trong bụng, cứ chốc chốc ông lại gọi điện, gọi nhiều đến nỗi Hân phải xin lỗi: “Con lái xe tốc độ cao, thầy không nên gọi mà để con chủ động thì an toàn hơn, con xin hứa cứ sau một giờ lại báo cáo với thầy một lần”. Như thế là đang có một cuộc chạy đua “lịch sử” đây! Xe hàng muốn cướp thời gian đến sớm để kịp tung hàng ra tranh thủ tiêu thụ nhanh trước khi hàng các hãng khác tràn ngập thị trường. Xe của Hân thì chạy hết ga để kịp bảo vệ cái thư viện đồ sộ của ông - cái thư viện mà ông biết nó sẽ có ý nghĩa không nhỏ đối với nền sử học nước nhà một khi nó được chuyển giao cho Hân, đặc biệt đối với việc tiếp tục nghiên cứu những vùng mờ, những nghi án trong lịch sử cận đại và hiện đại, trong đó có những mối bang giao với các nước lớn…
11 giờ 15, Hân điện cho thầy, giọng như reo: “Thầy ơi, con đang lướt qua bờ biển Nha Trang đây, ôi trời, đẹp quá, đẹp quá, thật là non sông gấm vóc thầy nhỉ?”
12 giờ 10: - Thầy ơi, con đang qua sông Đà Rằng.
13 giờ 30: Thầy ơi, con đang leo đèo Cù Mông, xuống đèo sẽ dừng ăn cơm, thầy đã xơi cơm chưa ạ?
Đến lúc này, ông Việt mới nhớ ra từ sáng tới giờ chưa có tí gì vào bụng, mà cô con dâu xem ra cũng chưa vào bếp. Thế là ông vo gạo, cắm cơm rồi lại vào buồng, chấn chỉnh lại các bảng mục lục sách, mục lục các bài báo trên Tạp chí Lịch sử, mục lục các bài viết của cá nhân ông... trong khi vẫn thắc thỏm chờ đợi tiếng chuông điện thoại của Hân. Suốt chiều, rồi suốt tối, Hân cứ đều đều gọi điện khoảng một tiếng một lần, không quên lần nào. Đúng là một anh chàng tử tế, nói sao làm vậy, kiểu người “thời nay hiếm”. Đến cú điện lúc 12 giờ đêm thì Hân hát “Quảng Bình quê ta ơi'' rồi cười vang trước khi chào hỏi chuyện trò. Thầy ơi, qua Quảng Bình mà không lên thăm Đại tướng, con thấy áy náy quá! Con sẽ vượt đèo Ngang đêm nay. Con chúc thầy ngủ ngon, sáng mai, 6 giờ con sẽ “chào buổi sáng” lúc thầy đang uống cà phê, thầy nhé! Ôi, quý thế, học trò hai mươi năm trước vẫn nhớ “lịch sinh hoạt” của thầy. Ông nằm nhắm mắt mãi vẫn chưa ngủ được, cứ nghĩ mông lung. Con người ta thế mà có số trời thật! Tử vi của ông không sáng lắm về đường công danh, tài lộc... nhưng kéo lại ở cung nô bộc. Đệ tử của ông - những cô cậu học trò thời phổ thông- hầu hết đều nên người và sống có trước có sau, kính trọng và nghe lời khuyên bảo chí tình của ông. Đồng nghiệp thì bảo đấy là vì họ mê môn lịch sử của ông. Chẳng sai tí nào, bởi lời ông kể như rót vào tai, chuyện ông kể như khắc vào tim vào óc. Khi kể về những chiến công lừng lẫy như Bạch Đằng, Đống Đa, Chi Lăng, Điện Biên Phủ..., học trò vỗ tay đứng dậy, hát vang những giai điệu hùng tráng. Lúc nói về những đau thương tủi nhục, những hi sinh cao cả, những cái chết lẫm liệt, thầy đã làm lũ trẻ vô tư phải nước mắt lưng tròng. Có những anh hùng, dũng sĩ trong chiến tranh chống Mỹ và các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới đã viết thư cho ông để báo công và nói họ sở dĩ lập công xuất sắc được là nhờ “những giờ lịch sử của thầy”. Đặc biệt với Hân, người học trò mà ông gửi gắm cả mơ ước, cả sự nghiệp còn dang dở của mình thì cậu ấy không chỉ nên người nhờ lịch sử mà còn tràn đầy ý chí và tâm huyết một nhà sử học tương lai. Hân đọc nhiều, nghĩ nhiều và chỉ nói khi đã làm chủ đối tượng, đặc biệt hay thắc mắc và hoài nghi. Có lần Hân hỏi: “Theo thầy, sử học được định giá bằng những tiêu chí nào?”
- Có nhiều quan điểm lắm, thế theo cậu?
- Con nghĩ, sử học phải đạt được ba điều cơ bản: tư liệu phong phú, chính xác, trung thực; nhìn nhận đánh giá khách quan; thấm nhuần tình yêu Tổ quốc, nhân dân, và khát vọng hòa bình. Muốn thế, người làm sử phải có tâm sáng và tài cao… Cũng chưa đủ… Phải có tầm nhìn nữa ạ!
Nhiều lần, cậu chàng còn khiến thầy phải sững sờ với những câu hỏi và ý kiến của cậu về vai trò lịch sử, về công và tội của Tần Thủy Hoàng bên Tàu hay các nhân vật Trần Thủ Độ, Hồ Qúy Ly, Mạc Đăng Dung… bên ta.
Có lần ông cho Hân đọc bản thảo tập Lịch sử cách mạng của địa phương ông vừa hoàn thành theo đơn đặt hàng của Tuyên giáo Huyện. Đọc xong, cậu đưa lại với nét mặt kém tươi tỉnh. Sao? Hân thấy có chỗ nào chưa ổn? Không, thầy tin con đi, công trình này sẽ ngay lập tức làm rạng danh thầy ở huyện, ở tỉnh, à mà không, rạng danh thầy trong cả nước Việt Nam…Ông tái mặt “Này, này, cậu có là học trò quý của tôi không mà chưa chi đã dám… dám… cứ làm như tôi là thằng hám danh lắm, rằng lão Việt này viết sử là để nổi tiếng và kiếm chác lợi lộc cá nhân hay sao?”. Lần đầu tiên ông gọi mình là “thằng”, là “lão Việt” khi đối thoại với Hân, khiến cậu chàng cũng hoảng, vội vàng chữa “Ấy chết, con xin thầy tha lỗi, thực sự con đâu dám… mà con chỉ, chỉ…”. Chỉ sao, nói toẹt ra đi, nhổ cái hạt thị trong miệng cậu ra đi! Dạ, xin thầy cho con nói hết câu…, ý con là… con chỉ muốn hỏi xem nguồn tư liệu cung cấp cho thầy có đáng tin cậy, có được thầy kiểm chứng đầy đủ cẩn thận không, ví dụ cái thôn Đông ngày ấy đã có cơ sở gì để có thể đón cả một đoàn cán bộ cao cấp của trung ương đến ăn, ở, làm việc an toàn hàng tháng trời? Và xã nhà hồi ấy mấy người có xe đạp để có thể lập một đoàn dân công xe đạp thồ đông nhất lên Điện Biên Phủ?
Ông Việt toát mồ hôi. Cái thằng ghê gớm quá! Chả trách nó đã từng khẳng định với ông: Viết sử là phải có nghiệp vụ công an hình sự, luôn đặt dấu hỏi, luôn nghi vấn và suy luận có căn cứ. Những nghi vấn nó vừa nêu đâu có sai, bởi chính ông cũng đã trăn trở, điều tra mãi rồi mà không trả lời được. Nhưng rồi ông cũng đã định ép mình chấp nhận để nguyên những tình tiết không xác minh được đó, chỉ vì nể ông bí thư xã đồng thời là trưởng chi họ Đinh của ông sau những lời khuyên bảo êm đềm như thế này: “Cứ đưa vào đi, làm gì phải quá cẩn thận, chuyện qua lâu rồi, lớp người khi ấy có còn ai, còn ai biết đấy là đâu mà cứ lo bò trắng răng. Vấn đề là làm sao cắm được cái bảng di tích đỏ chói trước cổng làng để hàng triệu người bước vào phải cúi đầu chiêm ngưỡng, xuýt xoa thán phục. Thật thà như anh kể cũng tốt, nhưng anh biết đấy “thật thà thẳng thắn” thì sao nhỉ, có phải “thì thua thiệt” không? Anh là trí thức, làm khoa học mà “dốt” lắm, cứ mơ mơ màng màng như ở trên cung trăng, chẳng biết gì hai chữ “thực dụng”, giờ ta phải học Mỹ, học Tàu hai chữ vàng này đấy!”. Đến đây, ông bác bí thư lại hạ thấp giọng, ghé tai nhà sử học: “Này ông cháu họ Đinh ơi, sắp bầu chức danh bí thư huyện ủy, anh có ủng hộ tôi không? Nhớ là dòng họ Đinh đã từng làm vua thời đầu dựng nước rồi nhá!”.
Ông Việt ấp úng khi định thanh minh với cậu học trò: “Hân này, thật ra thì… nhưng thầy khó nghĩ quá… chả nhẽ…”. Không để ông Việt nói hết câu, Hân đã đứng dậy, hỏi thầy chắc còn nhớ câu chuyện cả 5 anh em Thái Sử Bá thà chịu mất đầu chứ nhất định không chịu thay câu “Thôi Trữ giết vua” bằng câu “Vua băng hà vì bệnh nặng”? Rồi cậu ta vội vàng xin phép thầy ra về “vì có chút việc riêng!”.
Từ đó, bẵng đi hơn một năm trời hắn không liên lạc gì với ông. Ông biết hắn thất vọng về ông, thần tượng một thời nay đã sụp đổ trong mắt hắn. Suốt thời gian ấy, ông như người mất hồn, ông thấy yêu hắn hơn gấp trăm lần trước đây vì hắn đã dám dứt khoát với ông, một thần tượng tình sâu nghĩa nặng, trong khi chính ông thì lại trù trừ yếu đuối trước một người bác họ muốn làm biến dạng lịch sử quê hương vì những toan tính riêng tư. Nhưng khi yêu hắn gấp trăm lần lại là lúc ông mất hắn. Trời, nếu mất hắn thật thì ông sống làm sao được đây! Chả nhẽ (lại chả nhẽ) ông chịu nhận sai lầm đề hắn “tha” cho? Mà nói cho cùng trước đó hắn đã từng “tha” cho ông một lần rồi. Chả là hồi hắn vào lập nghiệp trong Nam, nghe kể hắn kinh doanh dịch vụ gì đấy, lại lâu không thấy viết lách gì, ông cho là hắn cũng "tầm thường" như mọi người, chạy theo đời sống vật chất, vất bỏ hoài bão ước mơ cao đẹp thuở nào, nên ông hầu như đã quên hẳn hắn; nhiều lần hắn gọi điện chúc thầy ngày 20/11, ông cũng chỉ cảm ơn một cách nhạt nhùng. Nhưng ông đã lầm to. Sau gần 10 năm xa mặt cách lòng, một ngày nọ, ông được đọc một nghiên cứu thật tầm cỡ về những liên hệ lịch sử giữa Việt Nam với vùng Đông Nam Á trong suốt 10 thế kỷ của “thạc sĩ Nguyễn Duy Hân” đăng trên một tạp chí lớn. Kinh doanh gì mà vẫn có thời giờ nghiên cứu công phu và trình bày sâu sắc đến thế? Sau này hỏi ra mới biết Hân cùng vợ phát huy vốn tri thức văn hóa, lịch sử của mình, nhận làm hướng dẫn viên du lịch cho những đoàn khách quan trọng từ các nước đến tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam cùng lúc tìm hiểu cơ hội đầu tư. Mấy năm sau, cậu ta lại cùng bạn bè mở công ty lữ hành, vì thế có nhiều điều kiện thâm nhập thực tế các địa phương, thu thập nhiều thông tin và tư liệu, mở rộng quan hệ với giới sử học trong nước và ngoài nước. Hóa ra Hân kinh doanh du lịch không chỉ để kiếm tiền, mà còn để thỏa mãn niềm đam mê lịch sử, đam mê khoa học. Hai mươi lăm thế kỷ trước, cụ Hê - rô - đốt đã chẳng đi du lịch khắp nơi ở ba châu lục Âu, Phi, Á mới trở thành ông tổ sử học thế giới đó là gì? Từ đó, quan hệ thầy trò giữa ông với Hân ngày càng thắm thiết gắn với việc hợp tác nghiên cứu khoa học ngày càng hiệu quả. Đến lần này, không phải thầy “lơ” trò nữa, mà lại là trò “lơ” thầy, nhưng cũng vẫn là thầy sai, trò có lý. Ông quyết định sửa tập bản thảo, kiên quyết gạt bỏ những gì là phi lịch sử, phi khoa học để đem lại sự trong sáng, chuẩn xác cho cuốn sách, và đương nhiên ông đã phải vượt qua bao nhiêu sức ép từ nhiều phía, chịu nhiều mệt mỏi để cuốn sách được duyệt in. Việc đầu tiên sau khi nhận sách "nhuận bút", ông gửi ngay cho Hân một cuốn, nhưng "không thèm ký tặng, không thèm ý kiến gì, để xem hắn phản ứng ra sao?". Đúng năm ngày sau, một chiếc taxi đỗ xịch trước cổng, Hân bê một lẵng hoa to tướng tiến vào trước mặt thầy, quỳ xuống xin chịu tội. Cậu làm cái trò dở hơi gì thế? Thưa thầy, không phải thế đâu ạ, con đắc tội thì phải xin thầy tha tội. Đọc xong cuốn sách, con tạm dừng công việc đi ngay 2000 cây số về đây chịu tội, mong thầy tha cho thằng học trò xấc xược này một lần. Còn đây là chút quà mừng của vợ chồng con cho cuốn lịch sử sáng giá của thầy... Sáng, sáng cái con khỉ! Cậu chỉ được cái bẻm mép, sách mới phát hành mấy ngày, đã mấy ai được đọc... Không đâu thầy ạ, bây giờ mọi cái nhanh lắm. Con đã đọc được hàng chục com-men trên Facebook ca ngợi cuốn sách trước khi con nhận được sách của thầy gửi vào… À, con có mua tý đồ nhắm đây, thầy vẫn có rượu ngô chuẩn đấy chứ ạ? Có chứ, bao giờ lại chẳng có rượu ngô men lá đặc sản quê hương? Nhưng mà khoan đã, phải bàn cho xong kế hoạch chuyển kho sách và hướng tiếp cận mấy dự án nghiên cứu còn dở dang của thầy. Tham vọng của thầy, cậu biết rồi đấy. Phải đổi mới triệt để phương pháp nghiên cứu và phương pháp giảng dạy lịch sử, phải đem lại niềm tin và sự hào hứng đối với lịch sử như nó cần có và đã từng có. Phải làm cho nền sử học Việt Nam có vị trí thật xứng đáng… Các công trình của thầy đang có kết quả rất tốt, cũng là lúc đang đi vào giai đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi sức làm việc dồi dào nhất thì chẳng may, thầy lại bị trận tai biến hồi cuối năm ngoái. Giờ đây thì thầy không kham được nữa rồi, cậu mà không xắn tay giúp thầy thì... Hân không để thầy nói hết câu, đã vui vẻ nhận lời, nhưng với điều kiện “thầy không thả nổi một mình con, và công trình hoàn thành phải đứng tên thầy”. Cái cậu này, lại tên với chả tuổi, nhưng thôi, tùy cậu, miễn sao chất lượng cao, đóng góp xứng đáng, hoàn thành tâm nguyện với lịch sử là được. Đêm ấy, bàn việc xong, hai thầy trò uống say rồi ôm nhau ngủ. Sáng hôm sau, Hân vội về thành phố lo tìm thuê một căn buồng rộng dành làm thư viện tạm thời, sau đó phải vào Sài Gòn ngay, đến Tết mới về nhận kho sách quí và mấy nghìn trang bản thảo thầy bàn giao. Chẳng ngờ, mới chưa đầy hai tuần lại có lô hàng đặc biệt từ Bắc Kinh sang gấp, chị con dâu mới cuống quít thúc giục với những lời lẽ khó nghe.
6 giờ sáng hôm sau, đúng lúc đang pha ly cà phê thì chuông reo, tiết mục “chào buổi sáng” của Hân thật vui vẻ hào hứng. Nhưng lạ quá, đến 7 giờ không thấy Hân gọi. 7 giờ 15 vẫn im lặng. Ông Việt phải chủ động gọi. Không liên lạc được. Gọi lại, vẫn thế. Gọi nữa, vẫn thế. Bao nhiêu lần bấm máy không nhớ nữa. Cuối cùng, im lặng hoàn toàn, như là điện thoại của Hân đã bị quăng xuống biển vậy. Ông Việt như phát cuồng. Vừa lo cho Hân, vừa lo cho số phận kho sách quý, số phận những dự án tâm huyết, lại lo mình bị mắc tội với gia đình Hân, nếu chẳng may cậu ta gặp điều chẳng lành. Trong khi đó, cô con dâu của ông chốc chốc lại vào kêu ca, trách móc. Anh chàng Mã Đại, người huyện Lâm Thanh, đi áp tải hàng đã mò đến trước, thúc giục việc sơ tán sách ngay lập tức, vì hàng kỳ này không thể để lâu ngoài đường được, mà chiếc xe tải lớn cũng phải dỡ hàng nhanh để trở lại biên giới ngay, không được chậm trễ. Cô con dâu gọi điện cho ông chủ mua phế liệu. Một xe bán tải lù lù đến. Cô hò hét như một nữ tướng. Mấy lao công xộc vào buồng ông Việt cứ thế bê các loại sách, báo, bản đồ, tài liệu quẳng lên xe, như phụ hồ quẳng gạch, cứ rầm rầm, rầm rầm. Ông Việt hét như vỡ họng mà không ai dừng lại. Nhìn bộ Sử ký của Tư Mã Thiên bìa cứng, gáy vàng... bị bật tung tóe, ông đứt từng khúc ruột, lại thấy cuốn “Lịch sử tổng quát các nền văn minh” rất nổi tiếng của ba sử gia Pháp cũng rách tả tơi, cuốn “Sự va chạm giữa các nền văn minh” của S.P.Huntington thì lấm láp, nhem nhuốc bên cạnh các cuốn “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, “Ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông”… cũng nhàu nhĩ thảm hại…, ông thấy máu như xông lên đầu rần rật, ông phải chạy ngay vào bếp xách con dao thái thịt sáng loáng đưa lên ngang cổ trước mặt Thu và anh chàng Mã Đại: "Nếu chúng mày không dừng lại thì tao sẽ, tao sẽ...!". Đến lúc đó, cô con dâu mới vội ra hiệu cho Mã Đại và mấy người kia dừng lại, hứa với ông thôi, không bán giấy vụn nữa, mà sẽ cho xếp gọn trong quán Tư Lác đang bỏ không ở cuối xóm, rồi cho phủ bạt che chắn cẩn thận, chờ Hân về nhận bàn giao.
Khi đã tạm lấy lại bình tĩnh, ông Việt mới bước đến trước quán Tư Lác, bảo mọi người lấy ván kê rồi mới được xếp sách lên một cách thứ tự. Đến tối mịt thì tất cả kho sách quí đã được chuyển xong. Khi tấm bạt cuối cùng đã phủ kín núi sách báo đồ sộ, ông cho mang chiếc giường vải xếp cùng chăn gối ra “quán sách”, quyết nằm đó suốt đêm bảo vệ kho báu của mình để chờ “người kế nghiệp” về tiếp quản. Ông còn bấm điện thoại gọi Hân và vợ Hân nhiều lần nữa, song vẫn hoàn toàn bặt vô âm tín. Sương đêm rơi lộp độp xuống mái quán lợp bằng tấm phi-prô. Đầu ông Việt buốt đau như muốn nổ tung. Ông thiếp đi, văng vẳng bên tai nhiều tiếng nói đứt quãng: “Ông già lẩm cẩm, giữ sách như giữ mả tổ, còn làm cái quái gì với đống giấy lộn này nữa!”, “Nghe đâu còn chờ anh con nuôi về rước đi...”. Hồi lâu, ông Việt bỗng thấy mắt nổ đom đóm, rồi tất cả tối đen thăm thẳm, toàn thân lạnh toát như trôi giữa biển khơi, bị sóng nhồi dữ dội, cứ lắc qua lắc lại, vật vã liên hồi, lúc thì rướn lên cao, cao mãi, cao mãi như lên đến tận đỉnh trời, lúc lại tụt xuống rất sâu, sâu mãi, sâu mãi như chạm đến đáy đại dương…
Khoảng 5 giờ rưỡi sáng hôm sau. Một hội ở xóm trong đi tập dưỡng sinh, qua trước quán Tư Lác bỗng sững cả lại. Cái gì kia? Quán thịt chó của anh Tư lâu nay vẫn bỏ không từ khi anh theo bồ vào Bình Dương, sao hôm nay lại có đống gì lù lù như một cỗ máy khổng lồ được phủ bạt kín mít? Lại có ai nằm co quắp ở đầu kia? Vào tận nơi xem, hóa ra là ông giáo Việt nằm trên chiếc giường vải xếp. “Thầy Việt ơi, sao thầy lại nằm đây”? “Ông Việt ơi…ông…”. Im lặng! Bất động! Thế là hô hoán lên, cả xóm tỉnh giấc, ồn ào…Chị con dâu hớt hải gọi taxi đưa ông già ra viện cấp cứu. Ông Việt bị tai biến lần hai. Ai cũng trộm nghĩ lần này ông khó lòng qua khỏi. Nhưng cũng may mắn, phúc đức, gặp thầy gặp thuốc, nên chỉ hơn một tuần ông đã được xuất viện. Người ta bảo nhờ con dâu hiếu thảo, lại sẵn “điều kiện” nên ông Việt được toàn bác sĩ giỏi có hạng tận tình chăm sóc. Thôi thì chẳng thiếu loại thuốc đắt tiền nào, lại một mình một phòng víp, gì mà không chóng khỏi! Thế nhưng về nhà những ngày đầu, ông không còn là ông Việt thông thái sắc sảo nữa, mà gần như một cái xác không hồn. Ông nằm suốt ngày đêm trên chiếc giường hẹp, mắt nhìn trân trân những kiện hàng Trung Quốc to nhỏ đủ cỡ xếp chồng chất ngổn ngang, chẳng nói chẳng rằng; đến bữa thì thằng Hào bón cháo bón cơm và thuốc thang cho ông; mọi sinh hoạt khác cũng đều phải có cháu mới xong. Những tưởng ông còn nằm liệt và lặng im như thế chưa biết đến bao giờ, ấy vậy mà chỉ năm ngày sau, một sự thần kỳ đã diễn ra ngoài sức tưởng tượng. Chả là hôm ấy trời sắp đổ mưa rào, sợ mái quán cũ dột, lại nghe nói trong quán có ống tiêm, Thu cho chuyển dần một số sách ở đấy về căn buồng của ông, thay chỗ những kiện hàng đã được lấy đi, thì lạ lùng thay, đột nhiên ông Việt chống tay ngồi lên được. Rồi ông lại bật nói được mấy câu tuy còn yếu ớt, cách quãng, nhưng cũng khá rõ ràng:
- Sách đấy à?... Ôi, sách của tôi! Sách!… Sách!... Thế Hân đâu?... Cậu Hân đâu rồi?...
Bị bất ngờ, chị con dâu lúng túng một lúc rồi nói cho qua:
- Ông ơi, có trời biết cậu Hân bây giờ ở đâu!
Ông Việt thì thào như chạm đến một điều huyền bí:
- Trời biết rồi ư? Hân…lên trời rồi à? Thế không về đây nhận sách hay sao?...
- Có chứ ông, cậu Hân có lên trời hay xuống biển thì rồi cũng phải về đây để ông bàn giao sách; rồi còn phải hoàn thành công trình Lịch sử với ông nữa chứ!
Đôi mắt ông Việt bỗng sáng lên như muốn cười, hai tay vỗ vỗ vào nhau:
- Thật thế hả?...Hân về đây… bàn giao sách…hoàn thành công trình… Lịch sử… Thế thì hay quá, mừng quá!...
Chị con dâu chỉ còn biết quay mặt đi, đưa tay gạt những giọt nước mắt trào ra từ nỗi cảm thương, day dứt, ân hận khôn cùng..
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...