Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:19 (GMT +7)

“Người Gang Thép!”

“Tôi người Gang Thép!” - tôi chắc chắn rằng, chẳng phải chỉ mình tôi, mà có hàng chục ngàn người sinh ra và lớn lên ở vùng Đất Thép này vẫn luôn tự hào với câu nói đó.

Nhưng có lẽ, với tôi, Gang Thép có nhiều gắn bó, nhiều kỷ niệm đặc biệt hơn những người khác. Từ Giấy khai sinh của tôi, đã ghi: “Nơi sinh: Bệnh viện Gang Thép”. Mà Bệnh viện Gang Thép ngày ấy là của Công ty Gang Thép lập ra, đặt tại xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng, đúng vị trí Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong 915 bây giờ.

“Người Gang Thép!”
Quảng trường và Nhà văn hoá Công nhân Gang Thép. Ảnh: Dương Thanh Lên

Bố tôi kể lại: Lúc đạp xe lên đèo mẹ con tôi về, đi qua cầu Loàng (khi ấy cầu nằm trên đường cũ, ở phía sau cây cầu hiện nay), thì bỗng gặp một chiếc ô tô đi ngược chiều cũng đang chuẩn bị vào cầu. Cầu Loàng lúc đó rất hẹp chỉ vừa chỗ cho một chiếc ô tô, đường dẫn hai bên cũng hẹp và đắp cao lên như mái đê nhìn rất chênh vênh. Bố tôi chắc do vui quá vì có được cậu con trai, nên dường như chả để ý. Mẹ tôi nhìn thấy ô tô và xe đạp đều chuẩn bị vào cầu thì hoảng quá, vội ôm con nhảy xuống. Nhưng thật không may, do xe đi sát lề, nên chân mẹ tôi đặt xuống mép đê và hai mẹ con trượt thẳng xuống vực. Người lái xe thấy bố tôi không để ý gì đến ô tô nên đã chủ động dừng lại nhường, và thế là bố tôi bon một mạch qua cầu mà không biết là đã đánh rơi vợ. Đi một đoạn khá dài mới có người đi đường đuổi theo nhắc. Vì chuyện này mà mẹ giận bố mãi!

Bố mẹ tôi đều là người Thái Bình lên tham gia xây dựng Khu Gang Thép từ những ngày đầu (1959) rồi lấy nhau. Cũng có lẽ vì yêu mến vùng Đất Thép, nên khi tôi sinh ra, bố tôi liền đặt tên là “Thép”, một cái tên “cứng quèo”, song chắc để cho mềm bớt, ông cho tôi cái tên đệm là “Văn”.

Thật ra tôi là con thứ hai, chị tôi mới là người mang nặng dấu ấn Gang Thép: chị sinh đúng ngày ra mẻ gang đầu tiên của Nhà máy, cũng là mẻ gang đầu tiên của Tổ quốc - 29/11/1963 - đúng Ngày Truyền thống công nhân Gang Thép. Sau này chị cũng làm ở Gang Thép rồi về hưu. Tôi được biết, ở khu vực Gang Thép, trong ngày này có khoảng 5 đứa trẻ là con cán bộ công nhân Gang Thép được sinh ra. Ngày bé chị em tôi còn được bố mẹ dẫn đi xem phim tài liệu có quay mấy đứa trẻ ấy, trong đó có chị! 

Bố tôi bảo: vì chị là con gái nên không thể đặt tên là “Gang” hay “Thép”, mà phải đợi con trai mới đặt tên ấy được! Như vậy có thể thấy, bố mẹ tôi đã yêu mến Gang Thép đến nhường nào, khi gắn nó với những đứa con của mình.

Ngày còn bé tí (độ 4 - 5 tuổi) tôi đã được bố đưa đến Hội trường của Công ty ở trên đỉnh đồi Độc Lập để biểu diễn đàn tam, được vỗ tay nhiệt liệt và thưởng kẹo. Rồi lại theo bố xuống hội trường của Phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng ở lưng chừng của đồi Độc Lập, gần với Trường THCS Độc Lập ngày nay. Ngày đó mọi người thường gọi là “Phòng OTK”. OTK viết tắt theo từ tiếng Nga là “Kiểm tra chất lượng sản phẩm”, giống như KCS ngày nay. Tôi vẫn nhớ nơi đó có một dãy nhà dài, nền đất, và đặc biệt trên các nan cửa sổ bằng sắt đều hàn chữ “OTK”. Mới đây tôi được nhà thơ Trần Cầu cho biết, ngày đó ông là Trưởng phòng của bố tôi và đã nhiều lần đến nhà tôi chơi.

Thi thoảng tôi được mẹ đưa đến nơi làm việc trong nhà máy. Ngày ấy xưởng Hàn Tán nằm ngay phía sau tòa nhà Văn phòng Công ty hiện nay. Ở đó, có một chiếc cẩu “cao ngất trời”, bởi thời đó chỉ có nhà 5 tầng là cao nhất thì chiếc cẩu còn cao hơn thế, và là chiếc “cẩu buồm” duy nhất trong nhà máy. Gọi là “cẩu buồm” vì nó có khung sắt cong hình cánh buồm nối giữa cánh tay cẩu với phần đối trọng. Nhiều người còn gọi nó là “cần cẩu Ba Lan”, có lẽ vì do Ba Lan sản xuất rồi viện trợ cho Việt Nam. Điểm đặc biệt là cẩu được đặt trên ray, có 4 bánh sắt như tàu hỏa, chạy đi chạy lại. Đây là chỗ ngồi lý tưởng của tôi, chẳng khác nào được đi tàu miễn phí. Khi leo lên buồng cẩu, chú thợ lái cẩu cười với tôi và dặn: Cháu ở đây, đừng nhảy xuống đi đâu nhé! Vậy là tôi cứ chơi trên cái thành cẩu khá dài và đủ rộng đó suốt từ sáng đến trưa, còn mẹ tôi thì yên tâm làm việc ở gần đó.

Lại nói về gia đình tôi, sau khi lên tham gia xây dựng Khu Gang Thép, bố tôi về quê đưa cả gia đình gồm bà nội tôi và hai chú lên Gang Thép. Sau này, chú Trần Bình Thản làm Phó Giám đốc Mỏ Sắt Trại Cau. Hai vợ chồng chú và cả 4 người con cùng 2 con dâu, rể đều làm ở Gang Thép, trong đó một người con rể sau cũng làm Phó Giám đốc Mỏ Sắt Trại Cau như bố vợ. Còn gia đình chú út cũng cả hai vợ chồng và 7 trong 8 người con (trai, gái, dâu, rể) làm việc ở Gang Thép. Chính những “tế bào” Gang Thép này đã góp phần làm nên một thương hiệu “Phố Thép” ở phía nam của thành phố Thái Nguyên.

Thời kỳ cao điểm, Công ty có tới hơn 3 vạn công nhân. Tính đến nay, đã là lớp công nhân thuộc thế hệ thứ tư, và nếu đếm riêng số người từng làm ở Gang Thép, thì có lẽ phải hơn 100 nghìn. Đó là chưa tính công nhân của một số mỏ của Gang Thép ở ngoài tỉnh: Man gan Cao Bằng; Thiếc Sơn Dương (Tuyên Quang); Đất chịu lửa Trúc Thôn (Hải Dương); Đôlômit Thanh Hoá, Quắc Zít Phú Thọ, Sắt Ngườm Cháng (Cao Bằng)... Ngày nay, ở các khu vực xung quanh nhà máy, nơi được những người công nhân xưa đặt tên: “Đồi Độc Lập”, “Sáu Đồi”, “Đồi Động Lực”, “Đồi Phúc Lợi”, “Đồi O”, “Đồi F”, “Khu Nam”,... dày đặc là các gia đình công nhân Gang Thép. Hàng loạt thiết chế văn hóa được xây dựng (trong đó nhiều thiết chế nay đã được bàn giao lại cho địa phương), như: Bệnh viện Gang Thép, Trường cấp 3 Công nghiệp (nay là THPT Chu Văn An), Sân vận động Gang Thép, Rạp Phúc Lợi, Nhà văn hóa Công nhân Gang Thép...

Nhà máy Gang Thép đã vinh dự được Bác Hồ ba lần tới thăm hỏi, động viên (8/6/1959; 13/3/1960 và 1/1/1964). Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên nằm trong khuôn viên nhà máy được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Quốc gia từ năm 2003. Mới đây, ngày 03/11/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích này với số tiền đầu tư trên 14 tỷ đồng.

Sản xuất được gang, thép ngay từ thời kỳ đất nước còn chiến tranh là một đóng góp quan trọng của những người thợ Gang Thép vào công cuộc giải phóng Miền Nam và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ công nhân như bố mẹ tôi đều được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến vì vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống máy bay Mỹ bắn phá. Là một trọng điểm đánh phá nên đầu năm 1967, số lần máy bay Mỹ đến ném bom nhà máy nhiều hơn, có ngày tới hai, ba lần, công nhân vẫn bám máy, bám lò, bám trận địa để duy trì sản xuất và bảo vệ nhà máy. Các cuộc ném bom của đế quốc Mỹ đã làm hơn 100 cán bộ, công nhân viên hy sinh, hơn 200 người bị thương.

Nhiều cán bộ, công nhân viên Gang Thép đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh. Sử sách ghi lại: tháng 8/1967, Công ty chọn cử 2.000 cán bộ, công nhân viên trẻ gia nhập quân đội và được biên chế thành 2 Tiểu đoàn mang tên "Tiểu đoàn 6 Gang Thép" và "Tiểu đoàn 9 Gang Thép", chưa kể trước đó đã có hàng trăm người tình nguyện nhập ngũ hoặc tái ngũ. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc (1979), Tiểu đoàn 15 thuộc Trung đoàn 197 gồm 450 cán bộ, chiến sỹ (trong đó có 247 chiến sỹ là cán bộ, công nhân Gang Thép) đã anh dũng chiến đấu liên tục 18 ngày đêm chặn đứng các đợt tấn công của địch tại khu vực Đồng Đăng, Bình Trung, cầu Khánh Khê (Lạng Sơn)…

Tôi cũng có một thời gian làm ở Gang Thép, nhưng rất ngắn, chỉ trong 3 tháng sau khi học xong cấp 3. Tuy vậy, tôi sống ở Gang Thép và luôn theo sát mọi bước đường xây dựng và phát triển của Công ty như một “người Gang Thép” thực thụ. Tôi luôn vui mừng mỗi khi sản xuất kinh doanh của Công ty tăng trưởng. Nhiều năm qua, công ty gặp khó khăn do những vướng mắc trong nội bộ cũng như do ảnh hưởng của thị trường. Nhưng có thể thấy, những người công nhân Gang Thép vẫn giữ vững tinh thần cách mạng “cứng rắn như thép như gang”, tiếp tục đứng vững và phát triển. Đó là một niềm tự hào của đội ngũ công nhân Gang Thép, và của cả những “Người Gang Thép” như tôi!

Trần Văn Thép

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Thuan Tran tran****@gmail.com

    Rất hay tuyệt vời Bác Thép