Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
00:57 (GMT +7)

Người Dao như hoa bên rừng

Tân Lập xưa có tên là Dõng Đát, xã Cao Vân, nay là xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ. Xóm có diện tích khá rộng, lên tới 4,5 km2 với 109 hộ dân, trên 500 nhân khẩu. Bà con người dân tộc Dao Quần Chẹt chiếm đa số với 97%. Những năm gần đây, bộ mặt làng quê của xóm Tân Lập đã thay đổi nhanh chóng, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện. Dù vậy, những nét văn hóa độc đáo của người Dao nơi đây vẫn luôn được bà con trân trọng giữ gìn và phát huy.

Người Dao như hoa bên rừng
Bà con người Dao thu hái chè

Sắc màu mới của làng quê núi

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khu vực Dõng Đát có Hội trường Tám Mái, nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Địa điểm Hội trường Tám Mái, nơi tổ chức các đại hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia.

Những năm trước đây, mỗi lần đến Tân Lập cùng các đoàn khách thăm quan di tích và tiếp xúc cùng bà con, nhiều người trong chúng tôi không khỏi băn khoăn. Mấy chục năm sau chiến tranh, do đất nước còn khó khăn, việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Bà con Tân Lập sống chủ yếu dựa vào trồng rừng, làm nông nghiệp trên những thửa ruộng ít ỏi. Cây chè tuy đã được trồng và được coi là cây “xóa đói giảm nghèo”, song do kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chưa cao, chưa có thương hiệu và đầu mối tiêu thụ lớn, việc đi lại bán sản phẩm khó khăn, cây chè mới phát triển ở mức độ nhất định.

Chính phong trào xây dựng nông thôn mới với sự chung tay của cả cộng đồng đã tạo ra bước chuyển biến mang tính đột phá cho Tân Lập. Cây chè thực sự trở thành cây trồng chủ lực làm nên vị thế của làng nghề và giúp người dân làm giàu chính đáng. Con đường 1,1 km từ trục đường nhựa liên xóm chạy dọc xóm tới khu di tích Hội trường Tám Mái vừa được nâng cấp, đổ bê tông mở rộng lên 6 mét uốn lượn mềm mại như dải lụa. Hệ thống đèn điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời chạy dọc con đường cũng đã thi công xong. Hàng cây bằng lăng và hoa ban mới được trồng nhấp nhánh muôn chồi lộc biếc. Hai bên đường, thấp thoáng nhiều ngôi nhà kiểu dáng kiến trúc hiện đại. Đồi rừng, nương chè, vườn cây xanh ngát. Gữa bập bềnh sương núi, xóm Tân Lập hiện lên đẹp như bức tranh thủy mặc.

Bên cạnh cây chè, phát huy thế mạnh của nghề làm thuốc nam dân gian gia truyền, bà con đã tập trung trồng nhiều loại cây dược liệu. Nhiều bài thuốc quí từ xa xưa được khôi phục, chế biến chữa trị cho bệnh nhân trên các vùng miền. Đến nay, Tân Lập đã trồng được 1 ha ba kích, 1 ha sâm mốc, 3 ha quế, các loại cây dược liệu khác cũng trên 1 ha.

Anh Dương Kim Thái, một hộ dân đang chế biến chè, biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống bà con người Dao ở Tân Lập, anh vui vẻ tiếp chuyện: Những năm qua, phát huy thế mạnh về đất đai, khí hậu thổ nhưỡng, các hộ dân đã chủ động chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tập trung đầu tư phát triển cây chè. Mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, chế biến các loại thuốc nam theo bài thuốc cha ông để lại… nên đời sống nhiều hộ dân đã trở nên khá giả. Vợ chồng anh có 2 con, cháu lớn tốt nghiệp đại học đã đi làm tại phòng khám trên huyện. Hiện gia đình có 2 mẫu chè, 1 ha keo. Diện tích chè đều đã chuyển sang trồng giống chè lai F1, mỗi năm gia đình thu hoạch khoảng 7 - 8 tấn chè búp tươi. Một lứa thu hái, chế biến trên 2 tạ chè búp khô. Vợ chồng anh cũng đã mua sắm được hệ thống máy sao vò chè để nâng cao chất lượng chè thương phẩm. Tổ hợp tác của làng nghề ra đời đã giúp các hộ gia đình rất nhiều trong việc trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ chè.

Người Dao như hoa bên rừng
Bà con người Dao phát huy vốn nghề làm thuốc nam gia truyền

Trao truyền giá trị văn hóa cho đời sau

Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần theo nhịp sống hiện đại, nhưng bản sắc văn hóa, các phong tục tập quán người Dao Quần Chẹt xóm Tân Lập vẫn trân trọng gìn giữ. Một già bản uy tín tiêu biểu ở đây là ông Bàn Văn Thanh, năm nay 81 tuổi, ông mới được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú dân tộc Dao Quần Chẹt. Nhiều năm qua, ông miệt mài chọn lọc, truyền dạy cho thế hệ kế tiếp các phong tục tập quán trong thực hành nghi lễ, các điệu nhảy và làn điệu dân ca. Ông cũng dịch từ chữ Nôm Dao sang tiếng Việt và ghi chép lại cẩn thận những vấn đề cơ bản nhất để không bị thất truyền.

Ông Thanh vui vẻ bộc bạch: Người Dao Quần Chẹt ngày xưa gọi là Mán Sơn đầu. Người phụ nữ cạo hết tóc, chỉ để một chỏm, gội xong quấn vải, chải tóc bằng sáp ong, mặc quần ống hẹp bó sát vào chân. Người đàn ông tóc búi tó để dài không cắt. Người Dao Quần Chẹt bao đời sống du canh du cư, phát nương làm rẫy, trồng trọt chăn nuôi theo kiểu tự cung tự cấp. Những năm 1950 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước vận động nhân dân xuống núi định canh định cư. Ban đầu mới có 7 gia đình với 31 khẩu “hạ sơn” lập xóm. Đến nay Tân Lập có 109 hộ, người Dao Quần Chẹt chiếm 97%.

Nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người Dao là cấp sắc. Người xưa quan niệm con người phải biết các nghi lễ thờ phụng tổ tiên, cầu xin các đấng thần linh ban “dũng, trí, nhân”, ban phúc cũng như một số pháp thuật phòng trừ tà ác làm hại người và vật nuôi, cây trồng. Người được cấp sắc mới có đủ tư cách pháp nhân của người dân tộc Dao và có thần quyền cũng như tiếng nói trong xã hội, dân bản. Cấp sắc cũng còn có nghĩa là lễ "khai sinh" hay lễ nhận lấy tên của thánh thần ban định. Thời điểm tổ chức nghi lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, 12 hoặc tháng 1, 2 (âm lịch) hàng năm.

Trình tự nghi lễ cấp sắc gồm các bước: Lễ trình diện của người thụ lễ, lễ cấp đèn, cấp 3 đèn trước, hạ ba đèn xuống rồi đặt pháp danh cho người được cấp sắc, lễ qua cầu. Cấp tiếp 7 đèn, lễ hạ đèn, lễ qua cầu, lễ giao âm binh và gạo nuôi quân, lễ cấp dụng cụ cho con đạo tràng, lễ truyền pháp lực cho con đạo tràng sau này làm thầy. Lễ cúng thần mặt trời, cúng Bàn Vương là lễ chung cho lễ cấp sắc ở các cấp bậc (3 đèn, 7 đèn).

“Đèn” mang ý nghĩa soi sáng việc làm của ngày đám, soi sáng cho người được cấp sắc. Các thế hệ người Dao sinh ra và lớn lên đều phải cấp sắc, tuần tự từ trên xuống dưới theo thế hệ và thứ bậc. Ai sinh ra trước là anh, sinh sau là em. Ai sinh trước cấp sắc trước, ai sinh sau làm sau. Con của ông anh nhưng sinh ra sau vẫn làm em.

Trường hợp vợ mất vẫn cấp sắc, nếu không con cháu sẽ không được cấp. Cấp sắc phải có 7 người thầy mang số thứ tự từ 1 đến 7, mỗi người thầy đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau và hai người phụ nữ hát các làn điệu dân ca Dao trong nghi lễ, gọi là bà hát cả và bà hát hai. Nội dung lời hát cầu mong thần linh phù hộ cho gia đình, làng xã, cho các ông thầy.

Người Dao Quần Chẹt chỉ được cấp sắc sau khi có vợ và cấp sắc cho cả hai vợ chồng. Sắc cấp vào sớ ghi lý lịch tên hai vợ chồng để tâu lên Ngọc Hoàng.

 Tham dự buổi lễ cấp sắc cho đôi vợ chồng trẻ Bàn Văn Dũng, cư dân của xóm đang cử hành, ông Bàn Văn Thanh giới thiệu từng thành viên tham gia nghi lễ và khẳng định: Cấp sắc là nghi lễ bắt buộc, là kỷ cương, tục lệ lâu đời của người Dao. Người chồng trực tiếp thụ lễ trong suốt thời gian tiến hành nghi lễ, người vợ xuất hiện trong một số phần lễ nhất định. Bà con trong xóm được mời đến uống rượu, ăn cỗ chỉ chúc, không mang theo quà mừng như đám cưới.

Người Dao như hoa bên rừng
Thực hiện nghi lễ cấp sắc

Bên cạnh nghi lễ cấp sắc, người Dao Quần Chẹt còn gìn giữ tục lệ Tết nhảy với nét văn hóa riêng. Tết nhảy là một lễ hội tu bổ ban thờ định kỳ, nghi lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần linh, cầu an lành, cầu các cụ tổ tiên phù hộ con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát tài, học hành thông minh và được coi như Tết chung của cả bản. Tết nhảy có thể do một dòng tộc, một bản hay một gia đình đứng ra tổ chức và thường tiến hành trong khoảng thời gian từ mồng 1 đến 25 tháng Chạp.

Trong Tết nhảy ngoài nghi lễ cúng, theo sự hướng dẫn của thầy cả, mọi người tham gia 14 điệu nhảy múa truyền thống như múa cờ, múa tế rùa, múa kiếm, múa chuông, diễn tả cảnh mở đường bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về dự Tết với con cháu với các điệu chào bố mẹ, tổ tiên đã khuất, điệu nhảy cưỡi ngựa, điệu nhảy múa mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần.

Nhiều điệu nhảy được kết tinh và sáng tạo từ thực tiễn cuộc sống có tính nghệ thuật cao. Nhảy một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao diễn tả việc chào bố mẹ tổ tiên. Nhảy cưỡi ngựa diễn tả cảnh tổ tiên cưỡi ngựa về ăn Tết. Tiên nương, tiểu nữ giáng trần được diễn tả bằng điệu múa mô phỏng các tiên nương cưỡi hạc bay về. Nhảy mời tổ sư thầy cả về dự Tết diễn tả kiểu đi của hổ…

Cùng các bô lão tham gia lễ cấp sắc, bà Dương Thị Loan, năm nay 82 tuổi bày tỏ: Dân ca của người Dao Quần Chẹt không có nhạc đệm và khó nhớ giai điệu, bà con vẫn đang lớp trước truyền dạy lớp sau. Riêng các điệu nhảy trong lễ cấp sắc và Tết nhảy khá đa dạng, phong phú. Nghi lễ thường diễn ra thâu đêm, suốt sáng, các điệu nhảy cũng rất dài nên chỉ bà con biết. Tiếc là chưa ai đủ khả năng chọn lọc những đoạn đặc sắc, dựng thành màn nhảy múa ngắn để lớp trẻ dễ học và giới thiệu cho khách thăm.

Ngoài các phong tục tập quán, những người phụ nữ Dao Quần Chẹt bằng bàn tay khéo léo, tỷ mỉ, vẫn cần mẫn thêu từng nét hoa văn làm nên bộ trang phục đa sắc màu, góp phần truyền lại cho thế hệ sau văn hóa cội nguồn. Chị Triệu Thị Hòa, một phụ nữ rất giỏi bắn cung, nỏ và may, thêu quần áo dân tộc Dao Quần Chẹt chia sẻ: Người Dao xưa sinh sống trên rừng, thành thạo cung, nỏ để săn bắn, chúng tôi lấy cung, nỏ để rèn luyện sức khỏe, coi như môn thể thao. Bộ trang phục dân tộc hoa văn cổ áo, trên lưng, chân váy mang khát vọng của người xưa, chị em chúng tôi vẫn thường xuyên bảo nhau gìn giữ để không bị mai một. Chiếc khăn cũng vậy, khăn cô dâu, khăn đội đầu đi hội, đi chơi màu sắc trang trí có sự khác biệt với chiếc khăn dùng hàng ngày...

Người Dao như hoa bên rừng
Tác giả tìm hiểu về bắn nỏ

Anh Bàn Tiến Dũng, trưởng xóm Tân Lập cho biết: Những năm gần đây, nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Dao Quần Chẹt được phục dựng dưới sự truyền dạy của nghệ nhân và người cao tuổi. Nhóm thêu quần áo, hát dân ca, dạy chữ viết hoạt động theo hình thức câu lạc bộ bước đầu đã được hình thành. Trên cơ sở không gian Khu Di tích Quốc gia Hội trường Tám Mái, bản sắc văn hóa của người Dao Quần Chẹt và cảnh quan thiên nhiên, ý tưởng xây dựng Tân Lập thành làng du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử cũng đã được tính đến…

Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đi vào cuộc sống với nhiều giải pháp đồng bộ của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Bản sắc văn hóa của dân tộc Dao Quần Chẹt được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đã trở thành nguồn tư liệu, nguồn di sản độc đáo. Đó không chỉ là nét đẹp văn hoá truyền thống, mà còn là nền tảng vững chắc để người Dao Quần Chẹt tồn tại và phát triển bền vững cùng các dân tộc anh em.

Từ nhà văn hóa, tiếng nhạc lời ca cất lên rộn rã. Những người chúng tôi gặp đều hồn hậu, chất phác và nụ cười luôn nở trên môi. Thanh âm của đất trời, lòng người hòa quyện làm cảnh sắc một miền quê trở nên thật vi diệu.

Xưa kia người Dao Quần Chẹt như cỏ cây bên rừng, giờ đây, bản làng và con người sống bên rừng như hoa. Chắc chắn với sự chung tay của cả cộng đồng, những giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, trong đó có người Dao Quần Chẹt sẽ tiếp tục hội tụ, kết tinh và tỏa sáng, góp phần tạo dựng sức mạnh của toàn dân tộc trong công cuộc xây xựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phan Thái

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy